Tài tử Đơn Dương xây dựng cuộc sống mới tại Hoa Kỳ (I)

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí thính giả, Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin tái ngộ cùng quí vị và các bạn. Hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe câu chuyện của Đơn Dương, một tài tử nổi tiếng tại Việt Nam sau năm 1975.

0:00 / 0:00
DonDuong200.jpg
Đơn Dương chụp tại Virginia ngày 2-6-2005. Photo by Thy Nga/RFA>> View larger image

(Trích đoạn ngắn trong phim Mê Thảo)

Thưa quí vị thính giả, đó là một đọan âm thanh trong phim Mê Thảo, Thời Vang Bóng- cuốn phim cuối cùng mà Đơn Dương đóng tại Việt Nam. Cuốn phim dựa trên tiểu thuyết Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, kịch bản của Phạm Thùy Nhân, do đạo diễn Việt Linh thực hiện năm 2002.

Tuy được tán thưởng nhiệt liệt tại nhiều liên hoan phim ở Pháp, Singapore, Bỉ và Nhật, tuy đã đoạt giải nhất Bông Hồng Vàng trong liên hoan phim Bergamo tại Ý.

Thế nhưng, tại Việt nam, phim đã bị cấm chiếu và không được dự thi Liên Hoan phim châu Á, chỉ vì một trong những vai chính là Đơn Dương, người đã bị các giới chức có thẩm quyền ở Việt nam lên án là phản quốc khi đóng cuốn phim “We Were Soldiers ” tạm dịch “Chúng Ta Là Những Chiến Sĩ” và phim “ Rồng Xanh.”

Sau nhiều lần trình bày tất cả sự thực với các giới hữu trách và các cơ quan truyền thông, Đơn Dương vẫn bị cấm đóng phim và xuất cảnh trong 5 năm, đồng thời, còn chịu rất nhiều áp lực, không những riêng bản thân anh mà còn cả tới vợ con.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Ngày đầu lập nghiệp

Cuối cùng, không còn cách nào hơn, anh đành phải quyết định cầu cứu đến thân nhân, bạn bè ở hải ngoại và ra đi khỏi Việt Nam. Nay, sau thời gian ổn định cuộc sống tại San Jose, bang California, trong một dịp anh đến vùng Hoa Thịnh Đốn để chuẩn bị chiếu ra mắt phim Mê Thảo- Thời Vang Bóng, Phương Anh đã có dịp nghe anh kể lại:

"Tôi tên là Bùi Đơn Dương. Tôi sinh ra ở Đà Lạt, lúc lên 11 tuổi, tôi về Nha Trang và sau đó học trường Lasan Bá Ninh, học đến năm lớp chín thì sau đó về Sài gòn học… cho đến năm 1975 thì lúc đó tôi đang học lớp 12.

Sau năm 1975 thì nhiều biến cố xảy ra, gia đình thì cũng có người đi…Mặc dù đỗ tú tài rồi nhưng chưa có dịp được lên đại học, do đó tôi đi làm về tài chính ở Bình Dương một năm rồi về lại Sài gòn học Dược.

Năm 1982, tôi có người anh là đạo diễn Lê Cung Bắc, hiện nay vẫn là đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam, tôi thích đóng phim và nói với anh cho tôi đóng thử, thì anh cho tôi đóng một vai nhỏ thôi, trong phim Pho Tượng, đó là phim đầu tiên cho biết thế nào là điện ảnh, coi như đó chỉ là sự tò mò thôi…"

Thành công rực rỡ

Thưa quí vị và các bạn, sau cuốn phim đầu tiên này, Đơn Dương lập tức lọt vào đôi mắt của các nhà đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam như Lê Mộng Hoàng, Lê Dân… Thế rồi, liên tiếp xuất hiện trong một lọat các phim mà phần lớn là vai chính, Đơn Dương được khán giả ở khắp mọi miền yêu mến.

Năm 1993, ông đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Canh Bạc. Cũng trong năm này, Đơn Dương bắt đầu đóng phim với nước ngoài và bộ phim đầu tiên là của Hàn Quốc mang tựa đề Tạm Biệt Sông Ba do anh thủ vai chính. Vào năm 1996, anh đóng phim Bông Sen Vàng do Tony Bùi đạo diễn và cuốn phim này đã được giải huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế ở Denver, Hoa Kỳ.

Và qua phim Ba Mùa, cuốn phim được giải thưởng lớn ở liên hoan phim Sundance năm 1999, khuôn mặt Đơn Dương đã trở nên quen thuộc với khán giả khắp nơi, trong cũng như ngoài nước. Thế giới điện ảnh Hollywood bắt đầu chú ý tới người nghệ sĩ Việt nam này, nhất là sau khi anh đóng phim Rồng Xanh cùng với tài tử thượng thặng Patrick Swayze.

Sóng gió và dông bão

Thực vậy, vào năm 2001, anh được đạo diễn Randall Wallace mời đóng phim "Chúng Ta Là Những Chiến Sĩ” cùng với tài tử nổi tiếng Mel Gibson. Và đây cũng chính là lúc sóng gió và dông bão nổi lên. Như một con chim đang bay cao trên bầu trời cao rộng, bỗng dưng hoàn toàn bị chặt đứt đôi cánh của mình. Anh bị cấm đóng phim và bị khép vào tội khủng khiếp: phản quốc. Chúng ta hãy nghe anh thuật lại

"Sau khi tôi đóng xong phim về thì Bộ Công An có gọi tôi lên nói rằng tại sao tôi đi đóng phim nước ngoài mà không xin phép. Tôi trình ra tất cả giấy tờ mà tôi đã xin cùng các giấy phép được cấp.

Thời gian đó tôi bị khủng hoảng rất nhiều vì tất cả các báo đều lên án tôi. Có thể có hai tờ báo, người ta không nhận xét, không đề cập đến, đó là tờ Tuổi Trẻ và tờ Thanh Niên, đều không đề cập đến chuyện của tôi. Còn lại tất cả các tờ báo khác đều lên án và ngay cả đài phát thanh cũng vậy."

Sau đó, giới truyền thanh tại Việt nam đồng loạt đưa tin: Đơn Dương đã nhận lỗi sai phạm vì không nắm rõ kịch bản. Về điều này, anh cho biết:

Không, tôi không nhận lỗi về điều này vì tôi đã trao đổi kỹ với đạo diễn Randall Wallace và tác giả kịch bản là ông Joe Galloway về phim này là đề cao sự chiến đấu của quân đội miền Bắc. Tôi được giao đóng vai thiếu tá Nguyễn Hữu An và tôi có tìm hiểu về người đó.

Tôi được biết đó là một người rất anh hùng, và là một trong những người chỉ huy giỏi và nổi tiếng tại Việt Nam. Tôi rất là mừng vì tôi cũng tìm hiểu trận đánh đó và biết là phía Việt Nam đã thắng trận đánh đó và trong kịch bản cũng mô tả y hệt như vậy.

Và khi làm xong, tôi trở về Việt Nam thì sẽ nghĩ là phía Việt Nam sẽ khen. Và thực sự là như vậy vì khi tôi trở về Việt Nam, trình bày với báo chí mọi chuyện thì ngay chính tờ Người Lao Động đã viết một bài ca ngợi bộ phim đó, kể trung thực về bộ phim đó, mô tả lại trận đánh đó, thực sự là như thế nào.

Nhưng sau bài báo đó chỉ độ 1,2 tuần thì chính bài báo đó, tác giả đó lại lật ngược lại là bộ phim này hoàn toàn là sai sự thực. Khi bài đó đưa lên thì hầu như tất cả các báo đều dựa theo đó mà lên án tôi.

Kịch bản bị thay đổi

Sau đó P25 có kêu tôi lên, thì tôi có nói không phải hoàn toàn là lỗi của tôi. Và tôi biết là mới cách đây một tháng, tác giả kịch bản là nhà báo Jogallow mới đi Việt nam trong một phái đoàn và đã trả lời rằng 80% là đạo diễn phim đó đã làm sai kịch bản đó và nói rằng khi phim đang quay tại Mỹ thì ông tác giả, trung tướng Harol Moore và chính ông xem thì họ không bằng lòng cái người đạo diễn đã thay đổi nội dung bộ phim.

Đó cũng là lý do mà trước đây tôi trình bày với Việt Nam, tôi đọc kịch bản thì ý tốt nhưng đạo diễn đã làm sai đi, theo ý đồ của người ta vì phim quay vào cái ngày 9 tháng 11, thì có thể vì lý do chính trị nào đó, họ đổi cả cái nội dung của bộ phim, thì nếu phía Việt Nam có muốn buộc tội đi nữa, thì trực tiếp là đạo diễn, làm sao kết tội người diễn viên được.

Còn phim Green Dragon thì tôi phải thể hiện vai trò trong phim, đó chỉ là nhân vật trong phim thôi, chứ đâu phải là ngoài đời, vì ngoài đời tôi vẫn là một công dân bình thường, còn trong phim thì tôi phải làm tròn trách nhiệm, thể hiện cho đủ cái trách nhiệm của nhân vật đó…không thể nào lấy nhân vật trong phim để qui trách nhiệm cho tôi là phản bội tổ quốc."

Chuyện gì đã xảy ra?

Thưa quí vị và các bạn, thế rồi sau khi dùng mọi nỗ lực để trình bày nỗi oan ức của mình, nhưng cuối cùng, Bộ Văn Hóa Thông Tin Việt Nam vẫn quyết định thu hồi hộ chiếu của anh, cấm xuất cảnh và đóng phim trong vòng 5 năm.

Rồi thời gian đó, bản thân Đơn Dương cùng gia đình đã chịu những trù dập như thế nào? Sau đó, bằng cách nào Đơn Dương cùng vợ và hai con đã rời khỏi Việt nam? Thời gian qua, cuộc sống của anh ra sao? Liệu vết thương lòng và nỗi uất ức của anh có nguôi ngoai được chưa? Mời quí vị và các bạn đón nghe tiếp câu chuyện của Đơn Dương vào kỳ sau. Phương Anh thân ái chào quí vị và các bạn.