Những vấn đề được cảnh báo gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, đó là con số 52% trẻ em khuyết tật không được đi học và một phần ba trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Bà Geetanjali Narayan, Trưởng phòng Kế hoạch và Chính sách xã hội của UNICEF cho biết đây là lần đầu tiên cơ quan quốc tế này tập trung nghiên cứu về sinh hoạt của thiếu nhi tại Việt Nam. Bà bày tỏ sự quan ngại khi kết quả nghiên cứu cho thấy một phần lớn trẻ em và vị thành niên sống trong những hoàn cảnh và điều kiện chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi dành cho tuổi trẻ và chưa được hòa nhập với xã hội.
Tỷ lệ nơi trẻ em đối với các bệnh có liên quan đến đường hô hấp, sốt xuất huyết, tiêu chảy vẫn cao ở những khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trong các gia đình nghèo khó. Vẫn theo UNICEF thì cứ ba em dưới 5 tuổi thì có một em bị suy dinh dưỡng, đây là một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia khác trong cùng khu vực.
Cách biệt thành thị - nông thôn
Phát biểu về tình trạng suy dinh dưỡng nơi các trẻ em Việt Nam, Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Giám đốc Viện Nghiên cứu lâm sàng của đại học Oxford, trụ sở đặt tại Saigon giải thích:
“Các trẻ em vùng sâu, vùng xa, ở thôn quê bị suy dinh dưỡng tức là trong dạng không phát triển đúng với biểu đồ dinh dưỡng bình thường của trẻ em.
Các trẻ em ở thôn quê bị suy dinh dưỡng, tức là trong dạng không phát triển đúng với biểu đồ dinh dưỡng bình thường của trẻ em. Ở thành phố thì kinh tế khá hơn, nên vấn đề dinh duỡng cho trẻ em tốt hơn, nhiều khi quá tốt sinh ra hiện tượng béo phì.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền
Ở thành phố thì càng ngày mức sống càng cao, kinh tế khá hơn, nên vấn đề dinh duỡng cho trẻ em tốt hơn, nhiều khi quá tốt sinh ra hiện tượng béo phì, trẻ em rất mập. Ở thôn quê thì mức sống, điều kiện dinh dưỡng chưa đầy đủ, nên vẫn có tình trạng suy dinh dưỡng giống như UNICEF đã nghiên cứu.
Thật ra đã có nhiều tổ chức từ phía nhà nước cũng như phi chánh phủ lo tập trung vào nhiều địa điểm với những chương trình giáo dục bà mẹ, dạy cách ăn uống như thế nào, về khẩu phần ăn uống, trẻ em ăn uống thế nào và đặc biệt là sử dụng thực phẩm tương đối rẻ mà chất lượng dinh dưỡng cao.”
Theo ông, với kinh nghiệm của một chuyên gia y tế quốc tế thì có nhiều cách để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng nơi trẻ, tuy nhiên dù cố gắng mấy thì cũng vấp phải những khó khăn nhất định:
"Trước đây tôi có làm tham vấn cho một số chương trình lo cho trẻ ở các vùng sâu, vùng xa, nhưng rõ ràng kết quả cũng khó đánh giá, ví dụ như vào thời gian cách đây chừng 10 năm, tôi có làm cho một chương trình ngoài Phan Thiết, có một tổ chức phi chánh phủ đến vùng núi để cung cấp kinh phí cho những đứa trẻ trong một xã nơi đó, mỗi ngày cho trẻ một quả trứng gà, nhưng khi đem về nhà lẽ tất nhiên không phải chỉ có một mình nó ăn, mà thường thì phải chia cho anh, chị hay em nó, nên số lượng không đủ.
Chưa kể là khi cho trẻ thịt thì về cả nhà cùng chia ra, chứ không phải chỉ có đứa trẻ đó ăn. Người ta cũng tổ chức các lớp dạy cho những bà mẹ nấu ăn, nấu thế nào cho đúng cách. Đó là những gì tôi biết và tôi thấy, khi nói về vấn đề suy dinh dưỡng nơi trẻ em tại Việt Nam.”
Ngoài ra, trong phúc trình vừa được phổ biến, các chuyên gia thuộc Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc cũng rất lo ngại trước con số trên dưới 243 ngàn người kém may mắn đang chung với HIV/AIDS được xem là “căn bệnh hiểm nghèo” của thế kỷ, tuy nhiên theo các cơ quan y tế, xã hội Việt Nam thì số bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS không được kiểm kê cao hơn gấp bội.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền góp thêm ý về vấn đề đáng ngại đó trong xã hội Việt Nam hiện giờ:
"Nó cũng khá phức tạp, trước đây đúng là xã hội mình chưa chấp nhận bệnh đó vì cứ ngh ĩ rằng, do mình sinh hoạt tình dục không lành mạnh, quan hệ bừa bãi, thì bệnh đó mới lây lan. Tôi cũng được may mắn tham gia vào chương trình phòng ngừa HIV từ đầu, 20 năm về trước, thấy bây giờ nhận thức có thay đổi.
Trước đây thật là rất khó thuyết phục để cho người ta sử dụng ống kim chích sạch, giống như bên Hà Lan ch ẳn hạn, bởi vì đối với những người chích xì ke, ma túy, thì mình không phòng , không chống được, mà cứ tiếp tục để người ta share, tức là sử dụng chung kim và ống chích, thì bệnh sẽ lây lan.
Một số nước ở Châu Âu, người ta phát không cho những ống chích sạch . Ở Việt Nam, người ta không chấp nhận việc đó, vì lý luận làm như vậy coi như khuyến khích chích xì ke, ma túy, hoặc phát bao cao su cho các đối tượng làm gái mại dâm, thì cũng không chấp nhận.
Bây giờ, đã có thay đổi, mình đã thực hiện được những chuyện ấy rồi. Về số lượng người mắc HIV/AIDS thì thật là rất khó biết, ở Việt Nam mình, người ta ngại, không đi khám để biết về bệnh đó, số lượng thống kê chỉ dựa trên những bệnh nhân đến phóng khám thôi, những người bị bệnh mà không đến khám thì rất khó biết.”
Bất bình đẳng
Trong bản phúc trình xét trên lãnh vực giáo dục, kết quả nghiên cứu của UNICEF công nhận là Việt Nam luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho ngành giáo dục và đào tạo, nhưng sự cách biệt và bất bình đẳng nơi học đường vẫn còn tồn tại. Tại thành phố hơn 90% trẻ em được đến trường thì cũng có 52% trẻ em khuyết tật không có điều kiện để được học hành.
Mặt khác, tại nhiều nước khác, học sinh được đến trường miễn phí, còn ở Việt Nam thì chi phí giáo dục luôn tăng, ngoài ra cha mẹ học sinh còn phải đóng thêm tiền như gây quỹ trường lớp, sách giáo khoa, đồng phục, dụng cụ học tập, nhiều gia đình phải cho con bỏ học vì không đủ khả năng chi trả những lệ phí đó.
Lên tiếng với RFA, thầy Giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường trung học phổ thông ở Hà Nội, nói lên thực trạng của sự bất bình đẳng nơi học đường:
"Theo tôi, có thể thông tin này là đúng, vì số lượng trẻ em khuyết tật ở Việt Nam khá nhiều, do nhiều nguyên nhân gây ra kể cả chất độc da cam, khiến trẻ không phát triển bình thường, hay tai nạn lao động, tai nạn cột sống, bom đạn còn s ót lại. Thế nhưng chuyện trẻ em khuyết tật không được đến trường, đa số rơi vào các vùng sâu, vùng xa. Tôi đang sống ở vùng nông thôn, ngoại vi của Hà Nội, thu ộc Hà Tây cũ, nói chung ở đây trẻ khuyết tật có khả năng tiếp thu đều được vận động để đến trường lớp. Giáo dục mầm non, cấp một, đều miễn phí không bao giờ thu tiền, chứ người ta không có ác cảm gì đối với các trẻ ấy cả.
Ở vùng miền núi, vùng sâu,vùng xa, tập trung nhiều trẻ khuyết tật khác, là những nơi đi lại xa xôi, trường lớp rất xa, khiến cho các em không đến trường được. Đương nhiên những học sinh lành lặn không khuyết tật ở những nơi đó cũng sẽ không đến trường được.
Thầy Giáo Đỗ Việt Khoa
Ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, tập trung nhiều trẻ khuyết tật khác, là những nơi đi lại xa xôi, trường lớp rất xa, khiến cho các em không đến trường được, vì không có người đưa các em đến trường. Đương nhiên những học sinh lành lặn không khuyết tật ở những nơi đó cũng sẽ không đến trường được.
Đây là điều còn s ót, còn tồn tại, do nhiều nguyên nhân, có thể là địa phương còn nghèo, nhà trường thiếu cơ sở vật chất, gia đình kém quan tâm, và thiếu giáo viên vì không vận động được thầy cô chịu đi làm việc xa xôi."
Qua cảnh báo về sinh hoạt của trẻ và vị thành niên, các chuyên gia liên hiệp quốc cũng lo ngại trước vấn đề bóc lột tình dục trẻ em tại Việt Nam, vì mục đích thương mại mà cụ thể là hiện có 15% giới nữ dưới 18 tuổi bị đưa vào đường mại dâm. Nguyên nhân chính dẫn đến tệ đoan xã hội này là do trình độ học vấn thấp kém, cộng với hòan cảnh gia đình nghèo khó triền miên.