Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Kính chào quí vị, đề tài của Mục Đời Sống Người Việt Hôm nay là người Thượng từ Việt Nam chạy qua Kampuchia hồi năm 2004, sau đó được chính phủ Phần Lan nhận cho định cư mới được ba tháng nay.
Ngày 12 tháng Năm 2005, sau một thời gian được Cao Ủy Tị Nạn ở Kampuchia giúp đỡ, một nhóm mười mấy người Thượng đặt chân tới thành phố Ulu của Phần Lan, quốc gia nằm trong vùng Bắc Âu, có một cộng đồng người Việt ổn định và khá thành công tại thủ đô Helsinki.
Họ là những người Thượng theo đạo Tin Lành thuộc hai sắc tộc B’nar và J’rai, cư ngụ tại tỉnh Kontum, ra đi vì sợ bị bắt, sợ bị giam tù vì không chịu từ bỏ đức tin theo như lời khai với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
Đó là tiếng hát của những người Thượng theo đạo Tin Lành từ Ulu, Phần Lan, trong một buổi nhóm để cầu nguyện với nhau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Những người Thượng chân ướt chân ráo đến Phần Lan đa số trong độ tuổi trung niên hay trẻ hơn, người có gia đình, kẻ còn độc thân. Nhờ sự giúp đỡ của một người Việt đang cư ngụ ở Phần Lan, Thanh Trúc mới liên lạc và hỏi chuyện được với họ.
Những lo ngại và nỗi nhớ nhà
Qua điện thoại, Thanh Trúc đã gặp anh A Đan, chị Y Muối, anh Xiu Đun, anh Bùi Nghéo, anh Xiu Grưn. Trước hết, Thanh Trúc mời quí vị nghe lời trần tình của anh A Đan, một người dân tộc B’nar, theo đạo Tin Lành hệ phái Báp Tít Liên Hiệp. Anh A Đan người làng Đakrơchách, xã Đắc La, huyện Đắc Hà, tỉnh Kontum vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, chạy qua Kampuchia hồi tháng 10 năm 2005:
Mời bạn tham gia mục Ðời sống Người Việt Khắp Nơi. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Chi Y Muối, dân tộc J'rai, cũng là người làng Đakrơchách, mô tả đời sống trong bản làng của chị ở Việt Nam trước đây: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Và đây là anh Xiu Đun, người J'rai, cùng vợ và hai con nhỏ băng rừng qua Kampuchia hồi tháng Mười Một 2004, đến Phần Lan ngày 12 tháng Năm 2005: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Bây giờ đến lượt hai anh Bùi Nghéo và Xiu Grun, hai tín hữu của đạo Tin Lành Mennonite, ra đi từ tỉnh Kontum. Xin mời quí vị nghe anh Bùi Nghéo kể về quê làng và hoàn cảnh của mình trước: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vừa rồi là anh Bùi Nghéo với nỗi lo, nỗi nhớ khi phải bỏ vợ con ờ lại bản làng nghèo khó của mình. Trường hợp của anh Xiu Grưn có phần đặc biệt hơn. Là một thanh niên độc thân, Xiu Grưn đã một lần chạy qua Kampuchia hồi năm 2001.
Sau đó, theo đợt trở về, Xiu Grun quay trở lại bản làng của mình ở Kontum năm 2002. Thế rồi vẫn bị cấm đạo gắt gao, bị đe doạ nhiều lần, Xiu Grưn quyết định ra đi chuyến nữa vào năm 2004. Lần này anh tìm đến Phnom Penh, được Cao Ủy Tị Nạn Liên hiệp Quốc bảo trợ, được chính phủ Phần Lan nhận cho định cư sau đó: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vừa rồi là những mẫu chuyện góp nhặt từ những người Thượng vùng cao Việt Nam hiện đang định cư tại thành phố Ulu của Phần Lan.
Hoa Kỳ đồng ý nhận 41 người Thượng
Tuần trước, một nguồn tin từ thủ đô Phnom Penh của Kampuchia cho biết Hoa Kỳ đồng ý nhận 41 người Thượng từ Việt Nam chạy sang Kampuchia xin tị nạn hồi năm 2004.
Hôm Chúa Nhật 28 vừa qua, một nhóm trong số 41 người này lên đường tới tiểu bang North Carolina của Hoa Kỳ. Bước sang thứ Hai 29 tây, nhóm thứ nhì được đưa về tiểu bang Texas.
North Carolina là tiểu bang duy nhất của nước Mỹ có đông người Thượng ra đi từ Việt nam hồi 1975 và mãi về sau này. Người Thượng vùng Cao Nguyên Trung Phần của Việt Nam qui tụ về ba thành phố của North Carolina là Raleigh, Charlotte và Greensboro.
Hiện tại còn khoảng 500 người Thượng vùng Tây Nguyên đang sống dưới sự che chở của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại thủ đô Phnom Penh của Kampuchia.
Hẳn quí vị còn nhớ ngày 20 tháng Bảy vừa qua, Ban Việt Ngữ đã tường trình cùng quí vị là hơn 100 người Thượng bị gởi trả về nước trong khuôn khổ cưỡng bách hồi hương sau khi Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tuyên bố họ không hội đủ tiêu chuẩn tị nạn:
Một nhân viên thiện nguyện nước ngoài có mặt lúc hơn trăm người Thượng bị lôi kéo ra xe, đã mô tả cảnh tượng lúc ấy là vừa kinh hoàng vừa tuyệt vọng: "Những người sắc tộc bị buộc trở về đã đứng sát vào với nhau, nắm tay nhau, lớn tiếng than khóc và cầu nguyện, còn nhân viên công lực Kampuchia thì xông vào tách họ ra, đẩy họ đi, bế xốc họ vất lên xe."
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi xin tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc sẽ tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.