Cách đây 6 năm, lúc ấy chỉ có trên 7000 người, cuối năm ngoái con số đó đã lên đến gần 53 ngàn, theo số liệu chính thức được công bố.
Hiện giờ, có hơn 100 ngàn lao động nước ngoài đến Việt Nam kiếm ăn, nhưng số người được cấp phép hợp lệ chỉ vào khoảng gần 45%.
Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH có văn thư gởi các cấp chánh quyền yêu cầu kiểm tra thường xuyên những đối tượng đó hầu phát hiện những trường hợp làm việc chui, nhập cảnh bất hợp pháp, không giấy tờ hợp lệ, thì sẽ bị trục xuất.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu tóm lược các chi tiết về quyết định mới này.
Chiến dịch tăng cường kiểm tra đối với người lao động nước ngoài là sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công An và các Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh, cùng quận - huyện.
Trọng tâm của đợt kiểm tra nhắm đến việc duyệt xét lại các thủ tục tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề dành cho giới lao động nước ngoài.
Giấy phép lao động
Theo các quy định mới, kể từ nay tất cả lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc thì phải có giấy phép làm việc và chứng chỉ hay bằng cấp chuyên môn khoa học, kỹ thuật.
Tất cả các ứng viên phải nộp đầy đủ mẫu đơn, chứng từ cho chủ nhân trong đó có bản sơ yếu lý lịch, giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe tốt và bản sao bằng cấp chuyên môn.
Phía chủ nhân cũng như người lao động nước ngoài đều phải ký hợp đồng làm việc theo luật pháp Việt Nam và phải báo cáo với cơ quan lao động tại mỗi địa phương.
Lên tiếng với báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Trưởng Lao Động - Thương Binh và Xã Hội, tuyên bố nếu có sai phạm trong việc tuyển dụng hay trong các thủ tục xin giấy phép hành nghề hợp lệ cho người lao động nước ngoài, thì chủ doanh nghiệp sẽ bị xử lý về hành chánh và người lao động không hợp pháp sẽ bị trục xuất.
Trong tinh thần đó, các Ủy Ban Nhân Dân cấp quận, huyện và tỉnh thành phải gởi báo cáo về Bộ, vào ngày 25 tháng thứ ba, mỗi quý, với đầy đủ chi tiết liên quan đến việc sử dụng lao động nước ngoài.
Ngoài ra, các chủ công ty, doanh nghiệp cũng được Bộ Lao Động yêu cầu thông báo tin tức cập nhật, đầy đủ đến tất cả những lao động nước ngoài thuộc hãng xưởng hay cơ sở sản xuất của mình.
Trong câu chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi, bà Phạm Chi Lan trước đây là chuyên gia đoàn cố vấn cho cựu thủ tướng Phan Văn Khải, nhấn mạnh bất cứ người nước ngoài nào, muốn đến Việt Nam làm việc, đều phải có giấy phép hợp lệ, mà không có thể có con đường nào khác:
Có giấy phép làm việc, giấy phép lao động thì mới được làm, chớ còn nếu không có giấy phép thì không thể làm việc được.
Bà Phạm Chi Lan
“Tôi nghĩ là điều này hoàn toàn có thể làm được và đúng luật pháp. Có lẽ ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy, một người nước khác muốn vô làm việc ở nước đó thì phải có phép tắc của nước người ta chấp nhận cho vào làm, phải có cái "working permit" thì mới được làm. Có giấy phép làm việc, giấy phép lao động thì mới được làm, chớ còn nếu không có giấy phép thì không thể làm việc được.
Hồi đầu đấy thì khi báo chí hỏi hoặc một số người hỏi thì cũng có lời giải thích là có thể là do họ không biết cho nên họ vô làm; tôi nghĩ là ngay cả lập luận đó cũng không thật là đúng bởi vì ai thì cũng phải biết là đi sang một nước khác mà làm việc thì phải có giấy phép chứ không quốc gia nào lại cho tự do ai đến làm việc ở nước mình cũng được. Hiện bây giờ nhà nước có biện pháp là yêu cầu họ ra khỏi Việt Nam thì tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn đúng.”
Theo Bộ Lao Động, qua các chuyến khảo sát, kiểm tra tại chỗ, hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước đều có tuyển lao động nước ngoài đến làm việc, nhưng nhìn chung thì không nắm vững tình hình thực tế, vì số liệu do doanh nghiệp báo cáo về Sở Lao Động, nên những trường hợp nhập cảnh trái phép, không được nói đến.
Trước đây, đối với những trường hợp lao động nước ngoài làm việc không giấy phép, thanh tra của Bộ Lao Động chỉ áp dụng hình phạt xử lý hành chánh và yêu cầu chủ nhân sử dụng lao động phải xin cấp phép cho các đương sự trong vòng 60 ngày và báo cáo sự việc đó về cơ quan quản lý lao động địa phương.
Vẫn theo lời bà Phạm Chi Lan, quyết định trục xuất lao động nước ngoài vào Việt Nam “làm chui” là một việc ưu tiên cần phải làm vì phù hợp với luật pháp quốc tế và luật lao động Việt Nam:
“Tôi nghĩ là chính phủ sau khi được các thông tin thì cũng yêu cầu các cơ quan rà soát kỹ hơn xem ở đâu có lao động bất hợp pháp, tổng hợp lại xem số người là bao nhiêu và rồi đưa ra biện pháp giải quyết, tức là yêu cầu họ ra khỏi Việt Nam. Tôi nghĩ là việc này chính phủ trong thời gian vừa qua đã rất chú ý nghe từ dư luận xã hội, phản ánh của báo chí, và cũng bây giờ với lời tuyên bố của bà Bộ Truởng là đã bắt tay vào làm việc này. Tôi tin là chính phủ có thể hoàn toàn làm được.”
Lực lượng lao động trong nước?
Bà Phạm Chi Lan cũng phát biểu với đài chúng tôi rằng, sự có mặt đông đảo của lao động nước ngoài khiến người dân Việt bị chia sẻ cơm áo, vì hiện có hàng triệu lao động tại chỗ đang trông chờ công ăn, việc làm ngày càng khó tìm kiếm hơn:
“Chắc chắn là có chứ ạ, bởi vì công ăn việc làm vào thời buổi khủng hoảng này thì ở đâu cũng là hiếm hoi, nước nào cũng phải lo tạo việc làm thêm cho người dân của mình, nhất là trong điều kiện khủng hoảng mà một số ngành kinh tế có thể bị giảm sút và số việc làm mới tạo ra rất khó.
Thì nước nào cũng phải lo, Việt Nam cũng vậy. Việt Nam lại có lực lượng lao động rất là đông, mỗi một năm bình thường cũng đã phải tạo hơn một triệu việc làm mới cho người dân, và trong điều kiện khủng hoảng thì lại càng cần phải tạo việc làm hơn cho người dân.
Tôi nghĩ là việc người nước ngoài vào làm việc mà không có giấy phép, nhất là trong những lãnh vực lao động bình thường mà người Việt Nam có thể làm được thì điều đó chắc chắn nó ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động Việt Nam. Và vì vậy cho nên chính phủ phải ra tay mà đưa họ, yêu cầu họ ra khỏi Việt Nam là điều hoàn toàn đúng.”
Tôi nghĩ là việc người nước ngoài vào làm việc mà không có giấy phép, nhất là trong những lãnh vực lao động bình thường mà người Việt Nam có thể làm được thì điều đó chắc chắn nó ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan
Kế đó, bà Kim, một doanh nhân ngành may mặc ở Sài Gòn cho chúng tôi biết là người ta rất sợ lực lượng lao động hùng hậu Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường, dư luận cũng rất ngại khi sử dụng hàng hóa của China, vì có lắm thứ độc hại:
“Cái gì của Trung Quốc, đồ Trung Quốc mà qua Việt Nam mình sợ không dám xài, không dám dùng. Mấy người Trung Quốc cũng ẩu quá, làm những cái gì cũng ẩu, người ta cũng sợ vậy thôi.
Thì cũng thấy (người TQ) đi ngoài đường đó nhưng mà người dân mình cũng thấy nhưng mà điều không biết có số người nào thắc mắc không chớ còn một số người thì cũng không có để ý tới làm chi nữa, chuyện nhà nước mà! Có một số người thì người ta cũng phàn nàn. Người Trung Quốc qua đây, người Việt Nam mình sợ tại vì có lên báo nhiều có một chương trình làm rất là ác ôn.”
Giới truyền thông báo chí thường đặt vấn đề với nhà nước là cần phải sớm luật hóa công tác quản lý người lao động nước ngoài đồng thời đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm. Vấn đề then chốt cần được đặc biệt lưu ý là cần có cơ chế tài chánh đủ mạnh, phối hợp nhịp nhàng và nghiêm khắc giữa các bộ ngành hữu trách.
Những trường hợp cố tình sai phạm, qua mặt luật pháp, phải được xử lý triệt để, có như vậy mới thật sự siết chặt công tác quản lý đối với hàng chục ngàn người lao động từ nước ngoài đến Việt Nam làm chui, trong khi đó hàng triệu người dân trong nước vẫn bị thất nghiệp.
Dư luận hy vọng quyết định của Bộ Lao Động cho trục xuất người lao động nước ngoài nhập cảnh trái phép sẽ được thi hành triệt để, đồng bộ và hữu hiệu.