Miễn học phí THCS: ‘Chưa thể là nền tảng để thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam’

Bộ Giáo dục - đào tạo tuần vừa qua trình lên Chính phủ một dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đề nghị mở rộng đối tượng học sinh không phải đóng học phí đến lớp 9.

Đề xuất này có thể được ghi nhận như một nền tảng góp phần thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam phát triển tốt hơn hay không?

Một tiến bộ rất nhỏ

Ngay sau khi các trang báo mạng trong nước loan tin về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn học phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, rất nhiều bình luận của độc giả gửi vào trang mạng bày tỏ hưởng ứng và chia sẻ rằng đó là một tin vui cho con đường học vấn của các em học sinh. Không ít những bình luận nhắc đến việc xoá mù chữ và hy vọng dự thảo luật này sẽ góp phần cải thiện nền giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, một số người đã và đang cống hiến cho công cuộc “trồng người” thì cho rằng điều này vẫn chưa thể là một phương cách mà họ mong mỏi cho nền giáo dục Việt Nam.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA rằng “có thể ghi nhận đấy là một bước tiến mới”, nhưng “không thể là tất cả’.

“Nó cũng chỉ loại như ung thư mà uống aspirin thôi. Nếu có được như thế cũng là điều đáng quí, nhưng nó không phải là tất cả. Nó là 1 cái, thậm chí là rất nhỏ, rất nhỏ. Bây giờ có thể nói là sự đóng góp cho giáo dục của xã hội là gấp hàng chục, hàng trăm kinh phí của nhà nước bỏ ra.”

Một nữ học sinh trong nghi thức chào cờ.
Một nữ học sinh trong nghi thức chào cờ. (AFP)

Một ý kiến khác từ nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng với những lần lên tiếng chống tiêu cực trong ngành giáo dục, từ Hà Nội nói với RFA rằng miễn phí giáo dục là một điều mà những nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng, và chính cá nhân ông rất mong mỏi điều ấy. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi thì với ông, chưa đủ để nói lên một tiến bộ đáng kể của nền giáo dục.

<i>Nếu bảo rằng miễn học phí phổ thông như thế để tạo ra sự thay đổi nào đó thì tôi cho rằng không đáng kể. Vì thực tế học phí mỗi tháng chỉ trên vài chục nghìn" - Thầy giáo Đỗ Việt Khoa</i>

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho biết thêm vấn đề miễn học phí cho học sinh, sinh viên đã từng được áp dụng trước năm 1992, kể cả giáo dục đại học cũng được bao cấp 100%, sinh viên đại học được hưởng 100% học bổng và các trợ cấp, không phải đóng thêm khoản phí nào.

“Sau này có sự thay đổi là càng đóng góp nhiều hơn. Miễn học phí bây giờ chỉ có miễn ở tiểu học. Gọi là học phí thì học sinh phổ thông bây giờ đóng cũng không nhiều. Cấp Trung học cơ sở thì các em chỉ đóng từ 14,000 – 18,000/ 1 tháng. Cấp Trung học phổ thông từ 20,000 đến 40,000/ 1 tháng. Mấy năm gần đây giá thu chỉ như vậy thôi.”

Vẫn còn những khoản thu khác

Như chúng tôi vừa đề cập ở phần trên, có rất nhiều ý kiến từ cộng đồng độc giả gửi về những bài viết đăng tải trên báo trong nước bày tỏ sự vui mừng về thông tin miễn học phí đến lớp 9 vì cho rằng đề xuất này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, từ nay sẽ không phải chịu cảnh mù chữ.

Thế nhưng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết rằng từ trước đến nay, tuy số tiền học phí chỉ ở mức vài chục ngàn 1 tháng, nhưng các khoản khác mà hiệu trưởng các trường thu của học sinh gấp hàng trăm lần số học phí qui định mỗi tháng.

“Nó núp bóng 1 cụm từ gọi là xã hội hoá giáo dục hoặc dân mình gọi là lạm thu nhưng thực ra là tham nhũng tập thể.”

Vấn đề lạm thu ở trường học không phải là một chủ đề mới ở Việt Nam, nhất là mỗi khi đến đầu năm học mới, báo chí trong nước lại tập trung khai thác về điều này. Tháng 9 vừa qua, một bài viết trên báo Tuổi Trẻ trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại Học FPT trước vấn nạn lạm thu hiện nay tại các trường học của Việt Nam. Ông nói rằng:

“Hiện nay đang lẫn lộn giữa khoản thu ngoài học phí với đóng góp tự nguyện, giữa việc thu của nhà trường với thu của hội phụ huynh. Nó tạo ra bức tranh mập mờ, gây cảm giác khó chịu cho phụ huynh và xã hội.”

Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh thêm trong giáo dục, học phí phải ra học phí, phải minh bạch rõ ràng tất cả các thể loại tiền bạc trong trường học.

<i>Hiện nay đang lẫn lộn giữa khoản thu ngoài học phí với đóng góp tự nguyện, giữa việc thu của nhà trường với thu của hội phụ huynh. Nó tạo ra bức tranh mập mờ, gây cảm giác khó chịu cho phụ huynh và xã hội. - TS Lê Trường Tùng</i>

Đề cập đến những khoản phí không minh bạch, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho chúng tôi biết thực tế có rất nhiều khoản thu vô lối được vẽ ra:

“Nhiều loại không tên không tuổi không có trong hiến pháp. Thứ nhất là nhiều khoản thu với tên tuổi lạ hoắc, khoản nào cũng 1 vài chục, 1 trăn nghìn. Cộng lại thì 1 đợt học sinh có thể đóng lên đến vài chục triệu đồng như vừa rồi báo chí phản ánh. Phụ Huynh, bà con nông dân nghèo bị đóng cơ man nào là các quỹ như quỹ đê điều, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xây dựng thôn xóm…hàng trăm loại quỹ, cộng lại 1 năm họ phải đóng đến 5 - 7 triệu đồng.”

Ông nhắc thêm tình trạng lạm thu này phát triển rất mạnh kể từ năm 2007, dưới thời kỳ của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân.

Khi đề xuất miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020 vẫn còn chờ Quốc hội xét duyệt thì hôm 27 tháng 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho truyền thông trong nước biết khi đưa ra đề xuất miễn học phí đến lớp 9, Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu để có giải pháp kiểm soát.

Nền tảng từ đâu?

Những người quan tâm đến giáo dục của nước nhà đều cho rằng miễn học phí không thể là nền tảng của một hệ thống giáo dục tốt, càng không thể là viên gạch đầu tiên cho giấc mơ mang con chữ đến tất cả trẻ em trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như thế, điều gì là quan trọng? Trả lời điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nói rằng, đó chính triết lý giáo dục.

“Đừng lấy Mỹ, Anh, Đức, Pháp ra so sánh làm gì. Hãy nhìn các nước tiến bộ xung quanh ta để thấy cách đầu tư cho giáo dục như thế nào? Mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục, lý tưởng giáo dục họ khẳng định sáng tỏ với họ như thế nào. Còn với ta thì tất cả đang rất tù mù.”

Triết lý giáo dục cũng chính là điều mà một người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, nói rằng Việt Nam đang “đi lạc đường” ngay từ trong tư duy và triết lý giáo dục.

“Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do.”

<i> <i>Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do. - GS Nguyễn Đăng Hưng</i> </i>

Còn đối với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ông khẳng định chất lượng giáo dục của 1 quốc gia thành hay bại là do chương trình giảng dạy và ý thức của xã hội.

“Chất lượng nền giáo dục không phải bắt nguồn từ miễn học phí hay không miễn học phí, mà nó từ chương trình, sách giáo khoa, trình độ chuyên môn của giáo viên, của nhà quản lý, và cuối cùng là ý thức xã hội, tính tự giác của học sinh và nhiều yếu tố khác nữa.”

Những người mà đài RFA chúng tôi có dịp nói chuyện đều có cùng quan điểm cho rằng, đề xuất miễn học phí cho đến lớp 9 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tuy là một điều đáng hoan nghênh, nhưng chưa thể nói đó sẽ là nền tảng để thúc đẩy hoặc cải tiến một nền giáo dục “đã lạc đường suốt 35 năm” như cách nói của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng.