Tình hữu nghị và nghĩa đồng bào

Tờ Quân đội Nhân dân vừa cho biết, sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Việt Nam tham gia tìm kiếm hai tàu đánh cá của Trung Quốc ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ, Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đã điều động bốn tàu hải quân lên đường tìm kiếm hai con tàu này...

0:00 / 0:00

Tin vừa kể được tờ Quân đội Nhân dân loan tải hôm 20 tháng 10, cùng lúc với việc tờ Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của một đại tá hiện là Phó Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, thiệt hại mà ngư dân của 16 con tàu đánh cá ở Quảng Ngãi vào quần đảo Hoàng Sa trú bão số 9, bị phía Trung Quốc tịch thu tài sản, nhiên liệu được ước lượng gần một tỉ đồng.

Liệu có gì đáng chú ý quanh hai sự kiện cùng xảy ra trên biển Đông? Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình.

Tích cực tìm kiếm ngư dân TQ

Theo tờ Quân đội Nhân dân, hôm 14 tháng 10, hai tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị bão đánh chìm ở khu vực gần đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam.

Trên hai con tàu ấy có 13 ngư dân Trung Quốc. Cũng vì vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tìm kiếm.

Sau khi nhận được đề nghị kể trên, Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chỉ thị cho Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện đề nghị đó.

Tờ Quân đội nhân dân tường thuật – xin dẫn nguyên văn: Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động bốn tàu hải quân tham gia tìm kiếm tàu cá Trung Quốc bị nạn. Đến 7 giờ 55 phút ngày 17 tháng 10, tàu HQ 797 đã phát hiện và vớt được một thi thể ngư dân Trung Quốc ở khu vực đông nam đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã thông báo cho phía tàu Trung Quốc đến vị trí của hai tàu HQ 797 và HQ 786 nhận bàn giao thi thể ngư dân Trung Quốc.

Cách hành xử của TQ

Qua vụ này, có thể thấy, cách ứng xử của Việt Nam hoàn toàn khác với lối hành xử của Trung Quốc.

Hồi cuối tháng trước, do không kịp chạy vào bờ khi bão số 9 ập đến, 16 tàu đánh cá ở Quảng Ngãi, với hơn 200 ngư dân Việt Nam đành tạt vào quần đảo Hoàng Sa để trú bão. Tuy nhiên lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang chiếm đóng quần đảo này đã chặn họ lại cho đến khi Việt Nam liên lạc, xin để ngư dân của mình được cập cảng tránh bão.

Nói chung mình nghe là của Việt Nam nhưng của Việt Nam gì mà ra nó bắt miết. Việt Nam đi ra đó là phải né đi ban đêm chứ ban ngày không dám đi, đi rồi sợ ngang qua đó nó bắt anh ơi!

Ông Trương Minh Quang

Sau khi bão tan, nhiều ngư dân Việt Nam được cho phép tạm trú tránh bão đã bị lực lượng vũ trang của Trung Quốc đánh đập, nhiều tàu đánh cá bị cướp, tài sản trên tàu bị hủy hoại, ...

Một trong các nạn nhân, ông Trương Minh Quang, chủ tàu QNg 90078, kể: "Nói chung là bão xong rồi, nó ra nó lấy đồ hết. Nói chung là nó ra rồi nó bóp cổ, nó làm dữ dội lắm, nó làm kinh lắm. Máy móc, dụng cụ mình đi làm, lấy hết luôn, chỉ để lại một la bàn cho mình về à."

Hai sự kiện vừa dẫn cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong cách hành xử với những ngư dân lâm nạn. Một bên tích cực cứu giúp, bên kia thì ngược lại.

Nghĩa đồng bào đâu rồi?

Thế nhưng, đối chiếu hai sự kiện này với nhiều sự kiện khác, một số người cho biết, họ cảm thấy tiếc vì hình như chính quyền cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ tích cực cứu giúp ngư dân Trung Quốc.

Những người này cho rằng, khi lâm nạn trên biển, dù rất cần sự hỗ trợ tích cực của cả chính quyền lẫn quân đội, song hiếm khi ngư dân Việt Nam được quan tâm đến như vậy. Họ vẫn thường xuyên đơn độc, đối đầu với gió to, sóng dữ, bão tố, kể cả chuyện bị săn đuổi, tấn công, bị đánh, cướp, tàu bị đâm chìm.

Thực tế có đúng như thế? Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, ông Nguyễn Thanh Thu, ngụ tại Quảng Ngãi, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu QNg 95348, bị đâm chìm giữa biển, vào lúc rạng sáng ngày 19 tháng 5, kể:

Nguyễn Thanh Thu: Tàu chìm hẳn trong khoảng 15 phút, anh em chúng tôi bơi miết cho đến 6 giờ sáng rồi có một chiếc thúng vớt chúng tôi lên. Chúng tôi dùng bộ đàm kêu các tàu ở gần đến cứu…

Trân Văn: Mình có hải quân, có cảnh sát biển, có biên phòng, việc tuần tra trên biển như thế nào? Trong những trường hợp tàu lạ đâm chìm tàu đánh cá, tàu hang của mình…

Nguyễn Thanh Thu: Không có tàu hải quân Việt Nam... Không có tàu…

Trân Văn: Rồi cảnh sát biển hoạt động thế nào?

Nguyễn Thanh Thu: Tàu cảnh sát biển không có… Chúng tôi gọi ngư dân cùng quê làm ở gần đó tới cứu chúng tôi và sau đó tôi phải thuê một cái ghe chở 26 lao động vào trong đất liền.

Những gì đã xảy ra với ông Nguyễn Thanh Thu hình như không phải là cá biệt. Vợ của thuyền trưởng một tàu đánh cá ở Đà Nẵng, tâm sự: "Ở ngoài biển phần ai nấy biết chứ mô có ai bảo vệ. Bảo vệ là hồi bão tố, biên phòng ở trong bờ điện ra nhắc chừng, bảo là Đài báo bão, bảo phải cập bến thì họ kêu gọi mình vô bờ thôi chứ ngoài đó làm chi có ai bảo vệ. Làm ăn ngoài biển mạnh anh mô lo anh nấy. Lo làm ăn thế thôi chứ không có ai bảo vệ hết."

Với thực tế như người ta đã biết, việc chính quyền và quân đội Việt Nam cử đến bốn tàu hải quân để tìm kiếm hai tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc hình như là khác lệ thường?

Tại sao?

Một số người phỏng đoán, đó có thể là vì chính quyền Việt Nam thực sự muốn chứng tỏ thiện chí thực hiện phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt, bất kể thái độ của Trung Quốc thế nào. Tuy nhiên điều đó chỉ là phỏng đoán.

Những phỏng đoán này có thể vì mọi người vẫn thường nghe lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tuyên bố những ý như ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát biểu tại Hà Giang – một trong những tỉnh giáp với Trung Quốc: Tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa là số một! Phải làm sao giữ mãi, trân trọng. Dù nó có gặp khó khăn, có gặp những vấn đề gì trở ngại thì hãy đoàn kết, thân ái với nhau. Trao đổi để tìm ra cái giải pháp khắc phục! Hai bên biên giới phải là hai bên biên giới hữu nghị. Nhân dân hai bên phải thực sự đoàn kết!

Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ..

CT Nguyễn Minh Triết

Thật ra tình hữu nghị là yếu tố không mới. Đây là điều mà xưa nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam thường xuyên khẳng định, sẽ tích cực gìn giữ khi quan hệ với các quốc gia có cùng thể chế chính trị.

Chỉ canh giữ hòa bình thế giới?

Ở chuyến thăm Cuba hồi đầu tháng này, cũng với quan niệm như thế, ông Nguyễn Minh Triết tuyên bố: "Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ..." Video clip ghi lại tuyên bố quí vị vừa nghe đang được giới thiệu rộng rãi trên Internet.

Trong khi Việt Nam và Cuba đang canh giữ hòa bình cho thế giới thì tại biển Đông, ngư dân Việt Nam vẫn còn đầy âu lo, trăn trở khi kiếm sống trên vùng biển vốn thuộc chủ quyền xứ sở của mình.

Ông Trương Minh Quang, chủ tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90078, kể suy nghĩ cũng như tâm sự của ông về thực tế biển Đông: "Nói chung mình nghe là của Việt Nam nhưng của Việt Nam gì mà ra nó bắt miết. Việt Nam đi ra đó là phải né đi ban đêm chứ ban ngày không dám đi, đi rồi sợ ngang qua đó nó bắt anh ơi!"

Ông Dương Văn Thọ, chủ tàu đánh cá mang số hiệu QNg 6597 TS, cũng vậy. Ông bảo: "Tôi thường gặp Hồng Kông, Đài Loan hay Nhật Bản cũng đều làm ở quần đảo Hoàng Sa nhưng mà mình chưa nghe bắt các nước ấy. Bắt Việt Nam không à! Nó lạ kỳ!"

Sự kỳ lạ đó có phải là hệ quả của việc duy trì, phát triển tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa anh em để cùng canh giữ hòa bình cho thế giới?