Cách biệt giữa nông thôn và thành thị - tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội?

Bạo loạn ở khu vực nghèo khổ, bất ổn ở nông thôn Trung Quốc có thể là một cảnh báo cho Việt Nam. Liệu tình trạng đời sống cách biệt giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam có đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội hay không.

0:00 / 0:00

Sau nhiều thập niên đề cao nông nghiệp và nông dân như khẩu hiệu tuyên truyền, nhưng thực tế đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm tỷ lệ 1/10 tổng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tình trạng này khiến nông nghiệp nông thôn khá trì chậm trong tốc độ phát triển chung. Nông nghiệp đóng góp 1/5 tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam, xuất khẩu nông thủy sản đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là gạo và tôm cá. Thế nhưng người nông dân vẫn quá nghèo, một thực tế mà GSVS Đào Thế Tuấn nguyên Viện Trưởng Viện Khoa Học Nông Nghiệp Việt Nam trong phát biểu trên Vietnam Net ngày 2/7 đã nói rằng, nông dân đang bị bần cùng hóa và đây là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Như ở Trung Quốc bây giờ, bạo loạn xảy ra rất nhiều ở nông thôn, điều ông cho là hậu quả của sự bần cùng hóa.

Nhìn sang thế giới

Liệu nông thôn Việt Nam đang có những dấu hiệu của bất ổn xã hội hay không. Chúng tôi nêu câu hỏi này với TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn trụ sở ở Hà Nội và được ông trả lời:

… bên cạnh nguyên nhân về sắc tộc, về tôn giáo, thì sự chênh lệch về cuộc sống, về cơ hội phát triển của cư dân nông thôn và cư dân đô thị là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất ổn xã hội, dẫn đến bất ổn về môi trường.

TS Đặng Kim Sơn

“Tình hình ở Trung Quốc tương đối rõ, không những vậy tình hình ở Thái Lan, ở các nước Nam Á, gần đây tình hình ở Mỹ La Tinh cho thấy rằng, bên cạnh nguyên nhân về sắc tộc, về tôn giáo, thì sự chênh lệch về cuộc sống, về cơ hội phát triển của cư dân nông thôn và cư dân đô thị là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất ổn xã hội, dẫn đến bất ổn về môi trường. Ở Việt Nam chúng tôi nhìn nhận rằng đối với nông dân nông thôn vấn đề cơ hội, vấn đề công bằng của họ trong quá trình phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề ổn định chính trị xã hội và môi trường. Tuy nhiên về mức độ thì chúng tôi nghĩ là tình hình ở Việt Nam là khá tốt. Có thể nói là sự ổn định chính trị xã hội đã giúp cho Việt nam trong thời gian vừa qua thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, Việt Nam là nước đứng thứ 6 về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong sự ổn định chính trị xã hội này, vấn đề công bằng xã hội ở nông thôn phải luôn luôn chú ý, nếu mà lơ là nếu làm không đúng thì nó sẽ là nguy cơ gây bất ổn. Theo tôi ở Việt Nam thời gian qua về cơ bản đã làm tốt lãnh vực này.”

Nông dân vẫn thiệt thòi

Việt Nam đã từ giã chế độ kinh tế bao cấp, thực hiện đổi mới theo kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước từ những năm 1986. Trong ba thập niên qua, đời sống ở khu vực thành thị có những tiến bộ đáng kể, trong khi nông thôn và nông dân vẫn nghèo, dù xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới, xuất khẩu thủy sản mang về nhiều tỷ USD. Theo phân tích của TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn thì cần có thêm nhiều nỗ lực để giảm bớt khoảng cách đời sống chênh lệnh giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

“Cái mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích mà nông nghiệp đem lại. Đầu tư công cho nông nghiệp là thấp, đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp là thấp. Mức tăng trưởng đời sống của nông dân rất cao, nhưng so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị thì hiện nay khoảng cách của thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa của đô thị. Tất nhiên so với nhiều quốc gia kể cả Trung Quốc thì đây là một thành tích đáng tự hào, nhưng rõ ràng là người Việt Nam không phấn khởi với mức chênh lệch này.”

Cái mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích mà nông nghiệp đem lại.

TS Đặng Kim Sơn

Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có nhiều mặt, tuy nhiên lúa gạo là lãnh vực điển hình. Năm ngoái VN xuất khẩu 5 triệu tấn gạo đạt kim ngạch 2 tỷ 800 triệu USD, dự kiến năm nay xuất khẩu tới 6 triệu tấn, tuy nhiên người trồng lúa vẫn nghèo. Người nông dân ở tầng cuối cùng của hệ thống sản xuất tiêu thụ lúa gạo và không có vai trò quyết định về sản phẩm do mình làm ra. TS Nguyễn Quang A, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển một tổ chức tư nhân ở Hà Nội cho rằng phải có cải tổ cơ cấu nông nghiệp nông thôn để giải quyết sự bế tắc:

“Chừng nào chưa có sự thay đổi tư duy liên quan tới đất đai, chừng nào chưa sửa được luật đất đai một cách triệt để, giao quyền sở hữu cho người dân, bớt hay loại bỏ hạn điền, quan trọng nhất là có chính sách khuyến khích người dân tự tập họp lại.”

Có thể Nhà nước VN đã nhìn thấy mối nguy tiềm ẩn về sự bất ổn ở nông thôn, nên chính vì vậy vào năm 2008 Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam mới đề ra nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó gắn kết ba chủ thể này với nhau. Nghị quyết này được các chuyên gia nghiên cứu chính sách dẫn giải rằng, đã đặt ưu tiên về yếu tố con người ở nông thôn, yếu tố thu nhập, yếu tố cải thiện đời sống kinh tế xã hội và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Tuy vậy từ nghị quyết tới cuộc sống là một khoảng cách khá xa, có khi còn xa hơn mức chênh lệch đời sống giữa nông thôn và thành thị ở Việt nam hiện nay.