Kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi suy giảm?

Sáu tháng đầu năm nền kinh tế VN đạt tăng trưởng 3,9%, hơn hẳn nhiều nước trong khu vực. Tuy vậy nhiều chuyên gia cả trong và ngoài chính phủ có vẻ hoài nghi và giải mã những ẩn số cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng này có thể là con số ảo.

0:00 / 0:00

Có chuyên gia dự báo mức tiêu dùng của dân chúng sẽ tiếp tục giảm, hoặc cho rằng khủng hoảng kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam chưa thực sự chạm đáy.

Bài nhận định của TS Lê Hồng Giang được Báo SGTT đưa lên mạng ngày 14/7 có thể làm nhiều người ưu tư. Tác giả dựa vào thông tin tổng tiêu dùng của người dân đã giảm 10% trong sáu tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ 2008, để mô tả mức suy giảm này là vô cùng trầm trọng, ngay cả nếu so sánh với những nước là trung tâm cuộc khủng hoảng hiện nay như Anh và Mỹ.

Tổng tiêu dùng của dân chúng giảm 10% trong sáu tháng đầu năm là thông tin đáng tin cậy, vì do ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng vụ Thống Kê Tài Khoản Quốc Gia Tổng Cục Thống Kê công bố với báo chí.

Tiêu dùng tiếp tục giảm

Theo Tác giả TS Lê Hồng Giang, hầu hết các nước trên thế giới có tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của người dân trên GDP vào khoảng 60 đến 80%, do vậy tổng tiêu dùng cuối cùng của người dân có đóng góp rất quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bài báo sử dụng kiến thức chuyên môn về định nghĩa GDP tổng sản phẩm quốc nội trong hệ thống tài khoản quốc gia, theo đó bao gồm tổng tiêu dùng cuối cùng của người dân, tổng tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tổng đầu tư kể cả tồn kho và xuất khẩu, lấy tổng số vừa nói trừ cho nhập khẩu thì có được GDP tức tổng sản phẩm nội địa.

Kết luận bài viết của mình trên báo SGTT, TS Lê Hồng Giang cho rằng tiêu dùng cuối cùng của người dân, một thước đo quan trọng cho mức sống của đại đa số dân chúng, nhiều khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm.

TS Lê Hồng Giang đã áp dụng phương pháp tính toán khá phức tạp để đưa ra các kết quả chuyên môn. Cuối cùng ông rút ra nhận định rằng, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã và đang ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế Việt Nam, GDP của Việt Nam tăng 3,9% trong sáu tháng đầu năm, nếu chính xác, hoàn toàn do thâm hụt thương mại thu hẹp chứ tất cả các hoạt động kinh tế nội địa đều sụt giảm.

Chính sách kích cầu của chính phủ, mặc dù giúp các ngân hàng trong nước tiếp tục có lãi lớn trong sáu tháng đầu năm, nhưng không vực dậy được tổng đầu tư xã hội.

Hơn thế nữa, vẫn theo TS Lê Hồng Giang, có thể nói các chính sách kích cầu đã không đạt được mục đích giúp tổng cầu tăng, thể hiện rõ qua việc tiêu dùng cuối cùng của người dân đã sụt giảm mạnh. Ông cho rằng, tình hình kinh tế thế giới trong nửa sau năm 2009 chưa có gì sáng sủa, nên khả năng cán cân thương mại của Việt Nam nếu có tiếp tục cải thiện cũng sẽ chủ yếu do nhập khẩu thu hẹp. Đầu tư nước ngoài cũng chưa thể có đột biến, trong khi chính sách gọi là kích đầu tư của chính phủ sẽ không thể kéo dài quá lâu.

Kết luận bài viết của mình trên báo SGTT, TS Lê Hồng Giang cho rằng tiêu dùng cuối cùng của người dân, một thước đo quan trọng cho mức sống của đại đa số dân chúng, nhiều khả năng sẽ tiếp tục sụt giảm.

Nông dân càng nghèo thêm

Dân số Việt Nam 86 triệu người, trong đó 70% sống ở khu vực nông thôn. Qua bài viết của TS Lê Hồng Giang, người đọc báo liên tưởng tới một báo cáo của Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn thực hiện theo yêu cầu của Quốc Hội.

Trong cuộc nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của suy giảm kinh tế lên lao động việc làm và đời sống nông dân nông thôn, nhóm nghiên cứu đã chọn 4 tỉnh đại diện cho các vùng miền. Kết quả khảo sát gần 600 xã thuộc bốn tỉnh Lạng Sơn, Nam Định, Bình Thuận, An Giang cho thấy người dân đang nghèo đi.

Bản báo cáo này từng được báo chí khai thác mạnh với các tựa bài gây chú ý như ‘Nông thôn bữa ăn không thịt cá’ hoặc ‘70% hộ gia đình ở nông thôn không có tiền mua thịt cá’. Cuộc nghiên cứu cho thấy 85% lao động làm việc trong các trang trại nông nghiệp thủy sản bị mất việc làm, 22% lao động di cư mất việc làm phải trở về nông thôn, hơn 17% lao động xuất khẩu phải hồi hương trước hạn.

Trong dịp trả lời Đài RFA, TS Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn, một trong các tác giả của bản báo cáo phân tích về sự kiện nông thôn trở thành những nạn nhân đầu tiên của suy giảm kinh tế:

Thật ra thì nông sản là thế mạnh của xuất khẩu, nhưng trong cả chuỗi giá trị về xuất khẩu thì phần người nông dân được hưởng không phải là nhiều so với doanh nghiệp.

TS Vũ Trọng Bình

“Thật ra thì nông sản là thế mạnh của xuất khẩu, nhưng trong cả chuỗi giá trị về xuất khẩu thì phần người nông dân được hưởng không phải là nhiều so với doanh nghiệp. Khi bị khủng hoảng thì phần lớn nông thôn bị ảnh hưởng là do xuất khẩu bị thu hẹp, như lương thực, thuỷ sản và một số sản phẩm nông nghiệp, cho nên người nông dân bị giảm thu nhập mất việc làm.

Thứ hai, ngay bản thân một số ngành như may mặc, một số khu công nghiệp cũng bị thu hẹp bị giảm. Chính vì thế lao động khu công nghiệp mất việc làm đổ dồn về nông thôn, đấy cũng là một yếu tố.

Thứ ba, bản thân các công ty nước ngoài như trong vừa rồi đầu tư FDI cũng giảm hoạt động, khi ở chính quốc có vấn đề thì họ giảm hoạt động ở các nước khác.

Tất cả lao động thời gian qua từ nông thôn ra nay họ quay trở về nông thôn, và hầu như nông thôn đón chịu cái áp lực mang tính tổng hợp của tất cả các phía. Chính vì thế nông thôn là nơi tổn thương lớn nhất và gánh chịu nhiều nhất so với các khu vực khác.”

Kích cầu chưa hiệu quả

TS Lê Hồng Giang trong bài báo trên SGTT cảnh báo mức sống đại đa số người dân tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới, thì một chuyên gia tài chánh cao cấp là ông Bùi Kiến Thành tỏ ra bi quan hơn, khi ông cho rằng nền kinh tế nói chung của thế giới và Việt Nam chưa biết khi nào chạm đáy.

Theo báo Công Thương điện tử ngày 13/7/2009, ông Bùi Kiến Thành nhận định rằng cả hai gói kích cầu quan trọng của chính phủ đã và đang được triển khai không phát huy được nhiều mục đích như mong muốn cho nền kinh tế.

Ông Thành chứng minh bằng các số liệu rõ rệt cho thấy gói kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động, sau 5 tháng triển khai, hơn 370 ngàn tỷ đã giải ngân. Nếu số tiền cho vay là để chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải làm tăng dư nợ tín dụng lên khoảng 30%. Tuy nhiên báo cáo dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 17%, chứng tỏ phần lớn tiền đã quay ngược lại ngân hàng dưới hình thức phổ biến là đảo nợ.

Theo ông Bùi Kiến Thành, có dấu hiệu một lượng lớn tiền đã và đang được đầu tư vào thị trường chứng khoán để lướt sóng kiếm lời trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán khởi sắc mấy tháng qua là vì được nguồn vốn này chảy vào.

Vẫn theo tường thuật của Báo Công Thương, chuyên gia Bùi Kiến Thành cảnh báo bong bóng chứng khoán sẽ tiếp diễn trong một thời gian rồi sẽ lâm vào tình trạng mà ông gọi là xì hay nổ, vì theo ông thực chất tình hình kinh tế vĩ mô không phát triển đến mức tạo nên nền tảng hỗ trợ cho giá cổ phiếu đồng loạt tăng đột biến 60% tới 100% trong ba tháng vừa qua.

Trên thế giới cũng như trong khu vực, những quốc gia có nền quản lý nhà nước thông thoáng, nạn tham nhũng quan liêu, tiêu cực được đẩy lùi là những nền kinh tế phát triển mạnh, những quốc gia chìm đắm trong tiêu cực sẽ suy tàn và đi đến diệt vong.

Ô. Bùi Kiến Thành

Đối với gói kích cầu thứ hai trị giá 20 ngàn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay trung hạn 24 tháng, ông Bùi Kiến Thành nhận định cũng sẽ diễn biến theo gói thứ nhất. Sẽ xảy ra tình trạng vay để đảo nợ ngân hàng, đầu tư chứng khoán hoặc đưa vào bất động sản để giải cứu những dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản, biến thành nợ xấu với ngân hàng.

Vẫn theo báo Công Thương, chuyên gia Bùi Kiến Thành đề nghị giải pháp tối ưu là chính phủ nên điều chỉnh và thay thế ngay chính sách bù lãi suất bằng chính sách tín dụng với lãi suất thấp cho mọi đối tượng, mà không tạo ra thâm hụt ngân sách.

Theo ông Thành đây là hướng mà hầu hết các nền kinh tế thị trường trên toàn thế giới đang triển khai. Tức là Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại đến mức thấp nhất có thể, thí dụ từ 1% tới 2%, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất từ 4% tới 5% mà không làm mất cân bằng tài chính vĩ mô.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành đưa ra các giải pháp để vực dậy nền kinh tế, chẳng hạn phát triển thị trường nội địa. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải tạo điều kiện để 70% dân số ở khu vực nông thôn ăn nên làm ra. Tạo cho nông thôn có được lợi thế phát triển, tất cả những gì nông nghiệp cần nông thôn cần phải làm cho tới nơi tới chốn.

Vẫn theo báo Công Thương, ông Bùi Kiến Thành cho rằng nếu nông thôn phát triển tốt sẽ kích cầu tốt, cả nền kinh tế cùng phát triển theo. Rồi sau đó sẽ dẫn tới thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Sau cùng theo tường thuật của báo Công Thương, chuyên gia tài chánh cao cấp Bùi Kiến Thành nhận định rằng, trước nguy cơ mới và cũng là vận hội mới, Việt Nam cần có quyết tâm cải cách quản lý Nhà nước, bố trí nhân sự đúng người đúng việc, xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, triệt để giải quyết tệ nạn tham nhũng, quan liêu tiêu cực.

Trên thế giới cũng như trong khu vực, những quốc gia có nền quản lý nhà nước thông thoáng, nạn tham nhũng quan liêu, tiêu cực được đẩy lùi là những nền kinh tế phát triển mạnh, những quốc gia chìm đắm trong tiêu cực sẽ suy tàn và đi đến diệt vong. Điều mà ông Bùi Kiến Thành cho là qui luật tự nhiên.