Học sinh được dạy CNTT trong năm học mới

Trong năm học mới 2010-2011, thủ đô Hà Nội đặt chỉ tiêu phấn đấu sẽ có 40% học sinh từ lớp 3 trở lên được học về tin học.

0:00 / 0:00

Thông tin này được báo chí Việt Nam nói tới nhiều, vì đây là nhiệm vụ ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học trong nhà trường, bước đầu là ở các thành phố lớn, sau đó sẽ được triển khai đến các khu vực xa xôi.

Để thực hiện chương trình phát triển và đẩy mạnh mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều hành và quản lý giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang cho tăng cường hệ thống email, đồng thời xây dựng website cho các đơn vị, trường sở trực thuộc.

Nếu nói về mặt chỉ tiêu, có 40% học sinh từ lớp 3 trở lên tiếp xúc với tin học, đó là chuyện bình thường, chứ không phải là một mục tiêu lớn lắm.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng

Những nội dung cụ thể được áp dụng trong việc đổi mới phương pháp dạy và học ở mọi cấp, gồm có sự ứng dụng một cách hợp lý ngành công nghệ thông tin, tiếp tục triển khai rộng rãi chương trình giảng dạy môn tin học, trong học đường ngay từ bậc tiểu học.

Về mặt quản lý và điều hành, Sở Giáo dục Hà Nội có thông tư hướng dẫn gởi đến tất cả các đơn vị trực thuộc yêu cầu trong năm học mới này, mọi thông tin, văn bản phải thường xuyên trao đổi, tiếp nhận qua thư điện tử. Chỉ tiêu đặt ra là 100% các trường thuộc địa bàn cấp quận, huyện, thị xã triệt để sử dụng thư điện tử.

Bước kế tiếp sẽ là 100% giáo viên, học sinh trung học phổ thông được lập thư điện tử theo tên riêng của từng trường. Các giáo viên dạy giỏi cũng sẽ ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Nếu làm được như vậy, chỉ tiêu phấn đấu toàn thủ đô Hà Nội có 40% số học sinh từ lớp 3 trở lên được theo học về tin học và công nghệ thông tin, theo chủ trương của Bộ Giáo dục, Đào tạo, là một công tác có thể đạt tới hiệu quả trong tầm tay.

Thuận lợi và khó khăn

Ngay sau khi đón nhận tin cho hay 40% học sinh từ lớp 3 trở lên được học về môn tin học, tiến sĩ Trần Thị Hồng, chuyên giảng dạy khoa công nghệ thông tin, đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết một vài suy nghĩ của bà:

“Tôi rất phấn khởi nhưng cũng muốn nói thêm như thế này, thật ra con nít bây giờ tiếp xúc với tin học tương đối sớm, nhất là ở thành phố. Nếu nói về mặt chỉ tiêu, có 40% học sinh từ lớp 3 trở lên tiếp xúc với tin học, đó là chuyện bình thường, chứ không phải là một mục tiêu lớn lắm. Bọn tôi trong ngành công nghệ thông tin, thì tôi thấy bây giờ trẻ ở lớp 1, lớp 2 cũng đã ngồi đánh trên máy tính rồi.”

tin180-250.jpg
Một lớp tiểu học trong ngày tựu trường 16/8/2010 ở SG. Photo courtesy of tin180 (Một lớp tiểu học trong ngày tựu trường 16/8/2010 ở SG. Photo courtesy of tin180)

Tuy nhiên theo tiến sĩ Trần Thị Hồng thì kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin cho trẻ cũng sẽ gặp một số khó khăn khác:

“Ở thành phố thì rất dễ dàng, còn ở vùng sâu, vùng xa thì đòi hỏi những nỗ lực và cố gắng rất lớn, thứ nhất là điều kiện kinh tế khó khăn, thứ hai là trở ngại về mạng Internet. Ở Hà Nội thì không phải là một chỉ tiêu xa vời, còn ở vùng xa xôi thì đó là điều cần phải suy nghĩ, đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn của chính phủ, của từng tỉnh thành một, chứ không đơn giản.”

Là một chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, bà tin rằng đây là một chuơng trình giáo dục hữu ích và thiết thực :

“Bất kỳ ngoài Bắc hay trong Nam cũng cần có sự cố gắng, nếu có chính sách như vậy, tôi nghĩ là chính phủ sẽ có những đầu tư hợp lý, vì các em tiếp xúc sớm với tin học rất có lợi, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ chương trình đó.”

Ông Nguyễn Hợp, một giáo chức hồi hưu ở Hà Nội, có các con cháu tiếp tục phục vụ ngành giáo dục, nói lên cảm nghĩ của mình khi đón nhận thông tin cho hay về việc ứng dụng công nghệ thông tin từ lớp 3 trở lên:

“Hiện nay hầu hết các trường ở Hà Nội đều có trang bị máy vi tính cho học sinh, ít nhất cũng đã có từ 20% đến 30% các em được tiếp xúc với môn tin học. Thế nhưng vấn đề là có máy computer, nhưng mà học ra sao? Hay có computer rồi chơi game thì hỏng bét, cái khó là ở chỗ đó. Hiện nay máy móc không đắt lắm, cha mẹ học sinh ở Hà Nội thì nhiệt tình lắm, sẵn sàng góp tiền ngay cho nhà trường mua computer.

Ở Hà Nội thì không phải là một chỉ tiêu xa vời, còn ở vùng xa xôi thì đó là điều cần phải suy nghĩ, đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn của chính phủ, của từng tỉnh thành một, chứ không đơn giản.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng

Phải học và dạy như thế nào, chứ đừng như kiểu học ngoại ngữ, trường nào cũng dạy ngoại ngữ, từ cấp 2 lên cấp 3, rồi lên đại học, cứ học đi học lại như thế, nhưng mà học sinh không nói gì được tiếng nước ngoài cả. Vấn đề đặt ra là duy trì việc học thế nào cho đến nơi đến chốn, rồi thực hành ra làm sao? Biến thành kỹ năng, chứ việc tổ chức lớp học như đánh trống ghi tên, khai trương cho hoành tráng, cái đó quá dễ.”

Ngoài chỉ tiêu phấn đấu cho các học sinh lớp 3 trở lên được học về tin học, Sở Giáo dục Hà Nội cũng đề nghị các trường tổ chức phổ biến thông báo trên website của nhà trường về kết quả học tập của học sinh cho các phụ huynh được rõ về kết quả rèn luyện của các con em mình.

Mặt khác, các trường cũng nhận được chỉ thị phải thường xuyên cập nhật chương trình, nội dung giảng dạy, theo phương pháp thiết thực, hiện đại, thay vì sử dụng các nội dung và sách giáo khoa rập khuôn bị xem là giáo điều, cứng nhắc.

Theo thông tin được quảng bá trên báo chí thì năm học 2010-2011, Hà Nội có gần một triệu bốn trăm ngàn học sinh theo học tại trên 2400 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở , trung học phổ thông, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và trung tâm giáo dục thường xuyên. Báo chí nói là sau một tuần kể từ ngày khai giảng năm học mới, nhìn chung các trường lớp đều đã ổn định nếp sinh hoạt và học tập.

Theo dòng thời sự: