Phản ứng của du học sinh Việt Nam về vụ Trường Sa-Hoàng Sa

0:00 / 0:00

Hưng Yên, thông tín viên RFA

Câu chuyện Hoàng Sa Trường Sa trong những ngày qua đã gây xôn xao dư luận trong ngoài nước. Sinh viên trong nứơc đã bày tỏ thái độ đối với Trung quốc qua các cuộc biểu tình. Và người Việt hải ngoại cũng gióng lên tiếng nói của mình qua các cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Thế còn sinh viên Việt đang du học nước ngoài thì sao? Phóng viên Hưng Yên của ban Việt ngữ có bài tường trình sau đây, mời quý thính giả theo dõi.

VnYouthProtestLonDon200.jpg
Hàng trăm sinh viên du học biểu tình chung với cộng đồng người Việt trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở London hôm thứ Bảy 21-12-2007. Photo courtesy BBC Vietnamese.>> Xem hình lớn hơn

Sau khi Quốc Vụ Viện Trung Quốc tuyên bố thành lập cơ cấu hành chính Tam Sa cấp quận huyện trên đảo Hải Nam để trực tiếp quản lí các quần đảo trên biển Đông trong có 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa mà theo tên gọi của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong giới thanh niên sinh viên Việt Nam, mà cụ thể nhất là bốn cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội trong 2 ngày 9 và16 tháng 12 vừa qua.

Lịch sử tranh chấp

Cách đây 19 năm vào tháng 4 năm 1988, Trung Quốc cũng đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Nghị quyết này được đưa ra sau một tháng từ ngày hải quân Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ một số đảo tại quần đảo Trường Sa.

Trong trận hải chiến này ba tàu vận tải của Việt Nam bị bắn chìm và 74 lính hải quân Việt Nam đã thiệt mạng. Ngược dòng thời gian vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc cũng đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ chiếm giữ hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và 58 binh sĩ của hải quân Việt Nam cộng Hòa cũng đã hi sinh.

Tại thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tức là chính phủ Bắc Việt lại không lên tiếng phản đối. Vào tháng 9 năm 1958 ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng chính phủ Bắc Việt gửi công hàm cho chính phủ Trung Quốc công nhận hải phận 12 hải lí của Trung Quốc.

Nhiều quan điểm cho rằng chính điều này đã đưa chính quyền Việt Nam vào thế kẹt trong việc tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Ỷ mạnh hiếp yếu

Nhiều sinh viên trong nước du học tại Hoa Kỳ rất quan tâm về sự kiện này, hầu hết đều cho rằng việc Trung Quốc thành lập cơ cấu hành chính Tam Sa thể hiện sự bành trướng, ỷ mạnh hiếp yếu của chính quyền Trung Quốc.

Thảo một sinh viên du học tại Houston bày tỏ sự bức xúc về việc này, cô cho rằng vì Trung Quốc cậy thế mạnh đi xâm chiếm các nước nhỏ:

“Thảo rất là bức xúc khi nghe được tin đó. Vì từ trước đến giờ Trường Sa và Hoàng Sa vẫn biết là thuộc địa phận Việt Nam, mà bây giờ không hiểu sao Trung quốc tuyên bố của Trung Quốc. Thảo nghĩ rằng Trung Quốc ỷ lớn xâm chiếm những địa phận nhỏ của các nước xung quanh.”

VnYouthProtestLonDon200b.jpg
Hàng trăm sinh viên du học biểu tình chung với cộng đồng người Việt trước Tòa đại sứ Trung Quốc ở London hôm thứ Bảy 21-12-2007. Photo courtesy BBC Vietnamese.>> Xem hình lớn hơn

Cũng là một sinh viên du học, Phương thừa nhận không hiểu nhiều về chính trị nhưng Phương gọi đây là một sự ăn hiếp của Trung Quốc đối với Việt Nam..

“Trung Quốc thể hiện một nước lớn ăn hiếp nước nhỏ lân cận. Họ cố tình muốn lấy hai quần đảo đó mặc dù chưa chính xác là của nước nào.”

Kiều Chi cho biết là một người Việt Nam, cô rất bức xúc khi biết được sự kiện này:

“Khi nghe được tin này thì tất nhiên là mình là người Việt Nam cảm thấy rất là bức xúc, mình nghĩ rằng bất cứ ai là người Việt Nam nên tỏ thái độ chống lại bằng bất cứ hành động nào đó có thể để nói lên tiếng nói của mình.”

Ngoài ý nghĩa quan trọng về quân sự và an ninh của biển đông đối với khu vực, tại đây còn có trữ lượng dầu khí rất lớn và nguồn hải sản đa dạng và phong phú.

Theo một số nguồn tin thì ước tính của Bộ Địa chất và tài nguyên khoáng sản Trung Quốc vùng quần đảo Trường Sa có chứa trữ lượng dầu và khí đốt lên đến gần 18 tỷ tấn so với 13 tỷ của Kuwait ở Trung Đông, và là một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới, giá trị lên đến hàng nghìn tỉ đô la.

Vào những thập niên 80, Lượng tàu chở dầu chạy qua Biển Đông lớn gấp ba lần lượng tàu chạy qua Kênh Suez và lớn hơn 5 lần lượng tàu qua Kênh đào Panama;gần 20% lượng dầu thô thế giới được chuyên chở ngang qua Biển Đông. Hiện nay không chỉ Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa mà còn có 4 quốc gia khác nữa là Phi luật Tân, Mã lai Á, Brunei và Đài Loan

Phản ứng với thái độ Hà Nội?

Phương, một du học sinh tại Houston nhận xét phản ứng của chính quyền Việt Nam chưa cương quyết, mà cô gọi điều đó là rất kỳ, cô nói:

Việt Nam thấy không có cương quyết lắm, chỉ nói là có bằng chứng hai quần đảo đó là của Việt Nam. Nhưng thấy là không cương quyết đâu, em thấy rất là kỳ lắm, không cương quyết lắm.”

Những sinh viên du học tại Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Việt Nam phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ toàn vẹn vùng lãnh hải này. Trang khẳng định điều này:

“Điều đó thuộc về những người lãnh đạo thì họ phải có trách nhiệm, họ phải có biện pháp để đấu tranh. Em nghĩ điều đó phải do chính phủ giải quyết.”

Kiều Chi, một người trẻ tuổi đang sống tại Houston cho rằng chính quyền Việt Nam cần phải mạnh dạn hơn trong việc phản đối trực tiếp với Trung Quốc, sữa đổi suy nghĩ và hành động hợp lý hơn cũng như kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế:

“Mình thấy là chính quyền rất là hèn nhát, không có dám nói đại diện cho tất cả người Việt Nam, qua đó người Việt mình khắp nơi, trong nước cũng như nước ngoài nên tỏ thái độ mạnh dạn hơn để làm cho chính quyền thay đổi suy nghĩ và có hành động hợp lý hơn. Bản thân họ tôi nghĩ là họ nên mạnh dạn hơn, bày tỏ thái độ một cách tích cực hơn, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài và mạnh dạn hơn trong việc phản đối trực tiếp với nhà cầm quyền Trung Quốc.”

Đối với Thảo, cô sinh viên này cho rằng chính quyền Việt Nam cần phải đưa vụ việc ra Tòa án quốctế:

“Thảo mong là chính phủ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để nêu lên tiếng nói của mình, dành lại phần lãnh thổ của mình.”

Thảo cũng chia sẻ nếu Việt Nam nhượng bộ không đưa vấn đề ra tòa án quốc tế thì cô rất thất vọng về chính phủ Việt Nam.

“Nếu mà chính phủ nhượng bộ không đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để dành lại lãnh thổ của mình thì Thảo rất thất vọng về chính phủ Việt Nam.”

Chính quyền Việt Nam khẳng định, Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thời chúa Nguyễn thế kỷ 17 đến thời vua Gia Long Triều Nguyễn với hơn 30 tư liệu, bản đồ khẳng định 2 quần đảo này thuộc lãnh hải của Việt Nam.

Thế thì tại sao Hoàng Sa và Trường Sa vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng? Phải chăng vì Trung Quốc là nước lớn, đông dân, Việt Nam là nước nhỏ, ít dân hơn? Ngày nay có nhiều quốc gia nhỏ bé trên thế giới nhưng không một nước nào dám xâm phạm đến, như đảo quốc Singapore nhỏ bé trong vùng Đông Nam Á chẳng hạn.

Hưng Yên xin rời làn sóng và hẹn quí vị trong chương trình lần tới.

VNeseOverseaStudents75.jpg