Biển Đông luôn là chủ đề nóng được mang ra thảo luận tại các hội nghị này. Chủ đề biển Đông đang được các nước bàn thảo ra sao tại các buổi họp ở Hà Nội trong những ngày qua?
Các nước đã đạt được thỏa thuận chung gì liên quan đến biển Đông tại các hội nghị này? Ngọc Trân có bài tường trình.
Phải giải quyết trong hòa bình
Khác với Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng được tổ chức tại Hà Nội cách đây hơn hai tuần, chủ đề biển Đông đã được các nước đưa ra thảo luận tại các cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội trong tuần qua.
Nỗ lực của chúng tôi là để bảo đảm hòa bình, ổn định trên Biển Đông trước tiên, giải pháp hòa bình này thông qua đối thoại và ngoại giao giữa các nước.
Ô. Marty Natalegawa
Mặc dù Indonesia là nước không có tranh chấp trên biển Đông, thế nhưng nước này đã lên tiếng phản đối thái độ hiếu chiến của Trung Quốc qua việc tranh chấp với các nước trong khu vực. Hồi tháng Bảy vừa qua, Indonesia đã gửi công hàm phản đối bản đồ “lưỡi bò” của Trung Quốc bao trùm khắp biển Đông, cũng như các tuyên bố gần đây cho thấy Indonesia ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa, trên cơ sở đa phương.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ Tư vừa qua, ông Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia nói rằng, chính phủ nước ông muốn thấy hòa bình và ổn định trên biển Đông, cũng như các vùng biển khác trong khu vực, và vì thế bất kỳ cuộc xung đột nào đều phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Ông nói: "Nỗ lực của chúng tôi là để bảo đảm hòa bình, ổn định trên Biển Đông trước tiên, giải pháp hòa bình này thông qua đối thoại và ngoại giao giữa các nước có tuyên bố chủ quyền tài phán trên biển Đông".
Ông Natalegawa cho biết, các cuộc hội đàm giữa các nước ASEAN và các nước khác, trong đó có Trung Quốc hôm thứ Năm vừa qua, các bên đã tập trung thảo luận những vấn đề khu vực, như các tuyên bố chồng lấn trên biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia cũng đã nêu lên lập trường của nước này về biển Đông như sau:
“Không nên có chỗ cho chính trị vũ lực và chính sách ngoại giao pháo hạm. Tất cả phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình…Chúng ta nhận ra rằng, hòa bình và ổn định trong khu vực là quý giá và do đó các tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, phải được giải quyết thông qua ngoại giao và phải được giải quyết theo quy định của luật pháp quốc tế”.
Ngược lại với ý kiến của Ngoại trưởng Indonesia, ông Hun Sen, Thủ tướng Cambodia phản đối việc quốc tế hóa biển Đông. Theo tin từ Tân Hoa xã cho biết, hôm thứ Năm, ông Hun Sen đã nói với ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc rằng, chính phủ Campuchia không ủng hộ vấn đề quốc tế hóa hay đa phương hóa biển Đông.
Ông Hun Sen nhấn mạnh rằng các bên có liên quan nên sử dụng các cơ chế hiện có để giải quyết vấn đề biển Đông, thông qua tham vấn và không gây áp lực với Trung Quốc bằng cách liên minh với Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Giải quyết bằng tình hữu nghị?
Các ngoại trưởng ASEAN muốn thấy cuộc thảo luận về các nguyên tắc hướng về phía trước.
TS. Surin Pitsuwan
Cũng theo tin từ Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ giữa ông Ôn Gia Bảo, với ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, hôm thứ Năm tại Hà Nội, ông Ôn kêu gọi xử lý đúng đắn vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Ông Ôn nói rằng, xử lý đúng đắn vấn đề biển Đông là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững trong quan hệ Việt – Trung.
Thủ tướng Trung Quốc lưu ý, hai nước Việt – Trung đã thành lập một cơ chế đàm phán để giải quyết vấn đề, ông hy vọng hai nước sẽ thảo luận và ký một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản, hướng dẫn việc giải quyết các vấn đề trên biển trong thời gian sớm nhất.
Ông Ôn Gia Bảo cũng nói thêm, tình hữu nghị và hợp tác là vấn đề chi phối mối quan hệ Việt – Trung kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ cách đây 60 năm. Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc sẽ duy trì các mối quan hệ cấp cao với Việt Nam, thiết lập một đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước, và tăng cường tham vấn giữa các bộ, ngành nhằm gia tăng sự tin cậy lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp một cách thích hợp để thúc đẩy lợi ích chung.
Ông Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với các ý kiến trên của ông Ôn Gia Bảo và nói rằng, Việt Nam coi trọng việc thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, và đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ duy trì các chuyến thăm cấp cao và giao lưu hữu nghị ở mọi cấp với Trung Quốc, gia tăng sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị giữa hai nước, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác cũng như các vấn đề trong khu vực, và đóng góp tích cực vào hòa bình và phát triển chung ở khu vực Đông Á.
Hướng tới bộ quy tắc ứng xử
Ngoài việc nêu quan điểm của các nước, các cuộc họp lần này cũng đã đề cập đến việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử (CoC) trên biển Đông. Tiến sĩ Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng, các nước ASEAN sẽ có cuộc họp với Trung Quốc vào tháng 12 để chuẩn bị cho bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các bên trên biển Đông.
Ông Pitsuwan cho biết: "Các ngoại trưởng ASEAN muốn thấy cuộc thảo luận về các nguyên tắc hướng về phía trước. Họ chờ đợi ngày dự kiến thảo luận của các nhóm làm việc ở thời điểm nào đó trong tháng 12 năm nay, ở một nơi nào đó tại Trung Quốc".
ASEAN luôn mong muốn xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (CoC), mang tính ràng buộc nhiều hơn là Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên biển Đông (DoC). Tuyên bố này đã được ký kết giữa Trung Quốc với các nước ASEAN tại Phnom Penh hồi năm 2002 với mục đích duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, thế nhưng tuyên bố này không mang tính ràng buộc và Trung Quốc không thực hiện những điều mà họ đã ký.
Theo dòng thời sự:
- Mỹ khẳng định sự trở lại ASEAN trong vai trò lãnh đạo
- Ngoại trưởng Hillary Clinton yêu cầu VN cải thiện nhân quyền
- Khai mạc Hội nghị Cấp cao Đông Á lần 5 tại Hà Nội
- Nhật – Trung không gặp gỡ song phương tại Hà Nội
- Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du Châu Á
- Mỹ thách thức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông?
- Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN – Mỹ
- Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Việt Nam
- Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng quan sát hải quân Trung Quốc