Nam Nguyên trình bày một số ý kiến đánh giá của chuyên gia và người dân về vấn đề liên quan.
Loại trừ bần cùng?
Trong tám mục tiêu phát triển Thiên Niên Kỷ, đứng đầu bảng là ‘Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn. Về các chỉ tiêu cụ thể thì trong khoảng thời gian 1990-2015, các quốc gia đang phát triển giảm một nửa tỷ lệ người có thu nhập dưới 1USD một ngày. Cùng thời gian này giảm một nửa tỷ lệ người bị thiếu ăn đồng thời tạo việc làm thích hợp và hữu ích cho tất cả mọi người bao gồm cả phụ nữ và thanh niên.
Nhận định tổng quát về thành quả xóa đói nghèo của Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội phát biểu:
Vì đầu tư nước ngoài chỉ đổ vào thành thị chứ ít đổ về nông thôn, vì vậy công ăn việc làm và thu nhập ở thành thị khá hơn ở nông thôn rất nhiều.
TS Lê Đăng Doanh
“Không nghi ngờ gì là qua công cuộc đổi mới tình hình kinh tế của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đã có những thay đổi hết sức mạnh mẽ và tình trạng đói nghèo đã giảm đáng kể. Nếu như năm 1993 tình trạng đói nghèo là 58% các hộ có thu nhập dưới 1 USD một ngày thì vào năm 2010 này, theo thống kê của chính phủ mà chưa có một nguồn điều tra thống kê độc lập nào xác minh thì con số đó đã giảm xuống 11%. Và tình trạng đói nghèo hiện nay còn khó khăn vì thứ nhất tốc độ giảm nghèo ngày càng chậm lại và thứ hai tỷ lệ đói nghèo ở những vùng sâu vùng xa và những vùng đồng bào dân tộc còn cao, việc giảm tỷ lệ đó không phải dễ dàng.”
Tại báo cáo về 2/3 chặng đường thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc được Bộ Kế Hoạch Đầu Tư phổ biến hôm 20/9 cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa GDP bình quân trong thời kỳ 2001-2010 đạt 7,2% một năm. Bộ này dự kiến GDP bình quân đầu người năm 2010 của Việt Nam khoảng 1.200USD. Được biết, theo số liệu của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, năm 2009 thu nhập trung bình của người Việt Nam khoảng 1.050 USD.
Đáp câu hỏi của chúng tôi về khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày một xa hơn trong bối cảnh hiện nay, TS Lê Đăng Doanh nhận định:
“Đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện rất nhiều, kết cấu hạ tầng đường xá xe ô tô về được tận xã, có điện có truyền hình vệ tinh, có điện thoại có trạm xá có trường học và ở nhiều nơi hàng hóa đưa về tương đối tốt. Những điều đó là chắc chắn không có điều gì đáng nghi ngờ, nhưng ở thành thị có những người thu nhập tăng lên rất là cao, đời sống của khu vực thành thị so với khu vực nông thôn ngày càng dãn ra. Bởi vì đầu tư nước ngoài chỉ đổ vào thành thị chứ ít đổ về nông thôn, vì vậy công ăn việc làm và thu nhập ở thành thị khá hơn ở nông thôn rất nhiều. Đó cũng là một sự thật và chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đầu tư cho nông thôn vì đầu tư nước ngoài không chảy về nông thôn. Chính phủ cần phải tìm cách cải thiện kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư của tư nhân Việt Nam vào nông thôn. Tôi nghĩ đấy là những việc cần phải làm và cũng là những việc đang còn ở trước mặt của Việt Nam.”
Nhiều điều đáng nói
Một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long nhìn nhận là bộ mặt nông thôn có thay đổi, người dân tiếp cận một số phương tiện kỹ thuật, nhưng cuộc sống và những mặt trái nói chung còn nhiều điều đáng nói:
Tôi đã từng chứng kiến những tình cảnh đáng thương, thậm chí sáng sớm có gia đình mà những đứa trẻ 5-6 tuổi không có gì để ăn.
Nông dân ĐBSCL
“Cái điện thoại di động bây giờ phổ biến lắm, thậm chí có người thất nghiệp dài dài vẫn có, điện thoại di động bây giờ hầu như ai cũng có. Nhưng cuộc sống nghèo khổ vẫn còn nhiều lắm, tôi đã từng chứng kiến những tình cảnh đáng thương, thậm chí sáng sớm có gia đình mà những đứa trẻ 5-6 tuổi không có gì để ăn, phải đem cơm nguội của ngày hôm qua đem ra với vài hột muối ngồi ăn. Tôi chứng kiến thường xuyên, đây là số đông những người nghèo khổ ở nông thôn, những người không có đất, những người đi làm thuê làm mướn, những mùa không có người thuê làm thì họ khổ lắm.”
Mục tiêu thứ hai mà Bộ Kế Hoạch Đầu Tư cho rằng Việt Nam chắc chắn đạt được đúng hạn, đó là phổ cập giáo dục bậc tiểu học vào năm 2015 cho tất cả trẻ em trai gái.
Việc tiếp cận giáo dục ở nông thôn vùng sâu vùng xa có thể kém lạc quan hơn báo cáo của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư. Tình trạng học sinh được đến trường ở đồng bằng sông Cửu Long được mô tả theo cách nhìn thực tiễn của nông dân:
“Con cái những người giàu có hoặc trung bình thì có thể học tới lớp 9 lớp 10. Còn số đông con cái những người nghèo học tới lớp 2 lớp 3 lớp 4 là nghỉ rồi, vài năm sau cũng trở lại mù chữ số đó cũng nhiều lắm. Theo tôi biết phải khoảng 20 nhà mới có một nhà có con học hết lớp 12, chứ đừng nói chi việc thi vô đại học, chỉ một vài gia đình khá giả con mới học lên đại học, đa số bỏ học giữa chừng là nhiều. Ở nông thôn cán bộ thường chạy theo thành tích báo cáo tốt đẹp lên trên.”
Xóa bần cùng, nghèo cùng cực và thiếu ăn cũng như phổ cập giáo dục bậc tiểu học với đích đến năm 2015, những mục tiêu này có thể Việt Nam sẽ chạm tay. Nhưng các chuyên gia nói với chúng tôi những điều cần suy gẫm: Việt Nam tụt hậu quá xa so với các nước Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 1.200 USD, trong khi của Singapore hơn 37.000 USD, Brunei hơn 35.000 USD, Malaysia hơn 8.000 USD ngay như Thái Lan cũng hơn 4.000 USD. Bao giờ Việt Nam mới tiến tới được những con số ngoạn mục như vậy?
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam ngày nay: kẻ ăn không hết, người lần không ra
- Những tiếng nói cho công bằng xã hội
- Vấn đề phát triển kinh tế và bất bình đẳng tại VN
- Đâu rồi lợi thế 35 năm?
- Xuất khẩu gạo: Thực trạng và Giải pháp
- Xuầt khẩu gạo phải có điều kiện
- Cải tổ xuất khẩu gạo chưa chú ý nông dân
- Bao giờ người nông dân hết nghèo
- Để nông dân được đối xử công bằng
- Việt Nam sẽ mua trữ 500 ngàn tấn gạo