Nhân tố nào quyết định tăng năng suất lao động của Việt Nam?

Cải thiện năng suất lao động là một trong những giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra nhằm tăng năng suất của Việt Nam tại Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) sáng ngày 13 tháng 12.

Trong giải pháp này, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đầu tư giáo dục, cải thiện trình độ và kỹ năng của người lao động.

Những yếu tố quan trọng

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ Hà Nội cho chúng tôi biết Việt Nam hiện nay là nước có năng suất lao động (NSLĐ) thấp nhất trong khu vực, cho dù có tiến triển nhưng rất chậm.

Nguyên nhân dẫn đến vị trí này, theo kinh tế gia Ngô Trí Long, là do Việt Nam gặp rất nhiều hạn chế so với các nước khác như điều kiện lao động; trình độ lao động; trang thiết bị máy móc…

“Nói chung là mọi yếu tố đều hạn chế, đều thấp.”

Trong những yếu tố đó, kinh tế gia Ngô Trí Long cho biết theo ông, có hai yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất, đó là trang bị công nghệ và trình độ, năng lực của người lao động.

“Trình độ trang bị kỹ thuật rất thấp, yếu, công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó trình độ của người lao động Việt Nam cũng không được nâng cao. Hai cái này là hai nhân tố quyết định tới NSLĐ của Việt Nam tăng nhưng rất thấp.”

<i> <i>Trình độ trang bị kỹ thuật rất thấp, yếu, công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó trình độ của người lao động Việt Nam cũng không được nâng cao. Hai cái này là hai nhân tố quyết định tới NSLĐ của Việt Nam tăng nhưng rất thấp. - Kinh tế gia Ngô Trí Long</i> </i>

Một yếu tố khác nữa cũng đóng vai trò cốt lõi trong việc trì trệ khả năng tăng năng suất lao động của Việt Nam, theo kinh tế gia Ngô Trí Long, đó là trình độ tổ chức quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng như của các đơn vị. Ông cho biết cụ thể như sau.

“Hiện nay đối với NSLĐ của Việt Nam thì trình độ trang bị vẫn còn hạn chế yếu kém rất lớn. Đồng thời trình độ của người Việt Nam thì nói chung là so với tay nghề của các nước thì không thua nhưng do tổ chức quản lý cũng như điều kiện lao động và mọi mặt hoạt động khác dẫn đến năng suất, trình độ lao động của người Việt Nam còn thấp.”

Đồng thuận với ý kiến này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng yếu tố tổ chức quản lý, cải cách thể chế chính là lý do dẫn đến sự tụt hậu về phát triển và Việt Nam cần phải xem xét thực hiện một số vấn đề liên quan đến thể chế.

“Cái điều Việt Nam cần phải làm là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là nhà nước làm những việc mà đích thị nhà nước làm có hiệu quả và cần thiết. Như chăm lo bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm lo giáo dục y tế. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại như sản xuất bia nước ngọt thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động có hiệu quả hơn.”

Khi trình độ của người lao động bị hạn chế thì hiển nhiên dẫn đến thiếu vắng sức sáng tạo trong quá trình hoạt động. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn văn phòng thủ tướng nhận định rằng Việt Nam hiện đang rất thiếu về nhân tố sáng tạo. Điều đó làm cho năng suất lao động không thể cao như các nước khác trong khu vực.

“Nhân tố sáng tạo của Việt Nam lâu nay rất thấp và không đóng góp được bao nhiêu vào tăng trưởng, vì vậy làm cho năng suất Việt Nam không cao lên được.

Muốn tăng năng suất trong thời gian tới thì phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo của nền kinh tế. Sáng tạo ở đây chúng tôi đã khuyến nghị rằng không nhất thiết ngay từ ban đầu Việt Nam phải có được những phát minh, những sáng chế lớn như những nước khác họ làm. Mà điều đầu tiên là phải ứng dụng được tốt những phát minh công nghệ của những nước khác đã có. Có thể đưa những công nghệ này vào thông qua đầu tư nước ngoài, hay các kênh khác nhau.”

Cải thiện – Khắc phục

Để cải thiện vị trí năng suất lao động thấp trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định Chính phủ Việt Nam cần phải khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, phát huy tối đa sức sáng tạo.

Nhận xét về điều này, nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Giang nói rằng hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam cần phải có những cải cách rất mạnh mẽ và cấp bách. Ông gọi vấn đề này là “Đổi mới căn bản toàn diện.”

Theo ông, giáo dục Việt Nam đã dừng lại quá lâu một phương thức tiếp cận mà cho đến bây giờ không phù hợp nữa, là tiếp cận nội dung theo khuôn khổ đúc sẵn rồi vận dụng vào xã hội.

“Đấy là một hạn chế mà bây giờ đang bắt đầu công việc đổi mới không hề dễ chút nào, rất là khó khăn. Nó chuyển đổi hẳn sang một tiếp cận để người học được học phương pháp, học kỹ năng, học làm người và nhiều cái khác nữa. Bởi bây giờ, kiến thức thì người ta có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, học ở bất cứ đâu.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có sự đồng thuận khi cho rằng giáo dục là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất lao động.

“Điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao chất lượng nền giáo dục của Việt Nam. Muốn khả năng sáng tạo tốt thì hệ thống giáo dục phải tốt. Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay bản thân nó đã không khuyến khích sự sáng tạo trong suy nghĩ của học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ảnh hưởng đến cả khi họ đi làm việc.”

<i> <i>Điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao chất lượng nền giáo dục của Việt Nam. Muốn khả năng sáng tạo tốt thì hệ thống giáo dục phải tốt. Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay bản thân nó đã không khuyến khích sự sáng tạo trong suy nghĩ của học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ảnh hưởng đến cả khi họ đi làm việc. - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan</i> </i>

Về phía chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ông cho rằng cần phải có “những giải pháp đồng bộ”.

“Những nước như Singapore đã thành lập những ban chiến lược để tăng NSLĐ. Việt Nam thì nói rất mạnh nhưng chưa thật sự có 1 hệ thống hay tổ chức để nghiên cứu xem xét, tìm ra nhân tố cho NSLĐ tăng lên.”

Theo ông, nguồn chất lượng đào tạo của lao động Việt Nam còn hạn chế rất lớn. Và sở dĩ có hạn chế, là vì người lao động Việt Nam chưa có một cơ chế khuyến khích, buộc họ nâng cao năng suất lao động bằng cách nâng cao trình độ và đầu tư giáo dục.

Thêm vào đó, một nghịch lý đáng buồn được ông nhắc đến đó là mặc dù lao động tay nghề là nhân tố quyết định trong tăng trưởng năng suất lao động của quốc gia, nhưng chính những người được đào tạo Đại học lại là số lượng thất nghiệp nhiều trong xã hội hiện nay, hơn hẳn số lao động không qua đào tạo, còn gọi là lao động giá rẻ.

“Lý do làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp là như vậy.”

Vào năm 2012, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, trường ĐH Kinh tế TPHCM khi trả lời báo chí trong nước đã so sánh năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần và Nhật Bản tới 135 lần. Lúc đó, theo vị giáo sư này, khi xem lao động giá rẻ là một lợi thế thì đó là sai lầm bởi vì yếu tố quyết định đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp chính là là năng suất lao động.

Năm năm sau, cũng từ một báo cáo dày hơn 60 trang về NSLĐ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hoàng Ngân và Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam bình quân cả thời kỳ 2000 - 2014 là 4,4%, cao hơn trung bình của khối ASEAN (3,3%), nhưng vẫn thấp hơn Lào.

Cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu, từng có câu nói rất nổi tiếng khi ông còn tại thế: “Nếu có vị trí số một Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam.” Ngày nay, những chuyên gia kinh tế trên thế giới đã thừa nhận vị trí số 1 ấy là Singapore.

Vậy thì, câu hỏi đơn giản hơn, với những giải pháp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra, khi nào năng suất lao động của Việt Nam có thể vượt qua Lào? Câu trả lời của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long không đề cập đến thời gian, mà theo điều ông nói với chúng tôi: “Điều quyết định chính là tư duy của các lãnh đạo, cần phải thấy được năng suất lao động ảnh hưởng như thế nào đến sự thành bại hay tồn tại phát triển của 1 chế độ xã hội.”