Làm sao chấm dứt tình trạng Đại Học dạy Đại Học

Tại hội nghị triển khai chỉ thị của chánh phủ và chương trình đổi mới quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2012, bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra mục tiêu phấn đấu, trong vòng 5 năm tới là phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học, đồng thời không để giảng viên vượt quá nhiều giờ đứng lớp so với thời gian quy định.

0:00 / 0:00

Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm thông tin về kế hoạch này.

Cải tiến phương pháp giảng dạy, thi cử

Gần một ngàn đại biểu là cấp lãnh đạo các trường đại học cả nước đã tham gia hội nghị này qua các hệ thống truyền hình trực tuyến từ Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh vào tuần qua.

Qua diễn đàn này, các lãnh đạo trường đại học nhận định rằng, nghiên cứu khoa học là yếu tố mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, có nghĩa là phải sớm chấm dứt tình trạng “thầy cô đọc, trò chép” hay “thầy cô chiếu, trò chép”.

Phương pháp lỗi thời này chỉ có thể chấm dứt khi giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học có hiệu quả, nói cách khác là phải chấm dứt thực trạng giảng viên tốt nghiệp đại học được giao trách nhiệm giảng dạy, hướng dẫn sinh viên bậc đại học, cao đẳng.

dai-hoc-van-hoa-classroom-250.jpg
Một lớp học tại trường Đại học Văn Hóa Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo by Tyler Chapman/RFA.

Hội nghị đổi mới quản lý giáo dục yêu cầu các trường đại học phát động phong trào cải tiến phương pháp giảng dạy, kiểm tra, tổ chức thi cử, đánh giá phù hợp với từng bộ môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài cho đất nước.

Dịp này, thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Trần Quang Quý thông báo là từ năm học 2010-2011, các trường đại học và cao đẳng phải công khai giờ giảng, đề tài nghiên cứu của từng giảng viên trên website nhà trường. Mỗi giảng viên phải có ít nhất một sáng kiến về đổi mới phương pháp giảng dạy bậc đại học, vì thầy cô không nghiên cứu khoa học thì không đủ kiến thức mới, truyền đạt cho sinh viên và cũng không thể hướng dẫn sinh viên về kinh nghiệm cần có khi tiến hành nghiên cứu.

Nâng cao đời sống giảng viên

Về những khó khăn thường gặp, các lãnh đạo đại học cho rằng, trong công tác nghiên cứu khoa học mà các trường phải đối phó, là phần lớn giảng viên bị quá tải khi giảng dạy, nên không còn thời gian làm công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nếu nhà nước không tìm cách nâng cao đời sống của các giảng viên thì họ phải dạy thêm, làm thêm kiếm thu nhập bên ngoài công việc chính, nên cũng không thể lo chuyện nghiên cứu theo như yêu cầu.

... chỉ tiêu do bộ giáo dục đưa ra chỉ áp dụng cho các trường đại học ở thành phố lớn thôi, thành lập đã lâu đời. Đối với các trường ở địa phương thì chỉ tiêu đó khó đạt lắm.
GSTS Hoàng Xuân Quảng

Qua câu chuyện với RFA, giáo sư tiến sĩ Hoàng Xuân Quảng, Hiệu phó trường đại học An Giang nói lên suy nghĩ của mình về mục tiêu của bộ Giáo dục là phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học:

“Hiện nay tại Việt Nam, các trường đại học mở ra rất nhiều, với 376 trường đại học, cao đẳng mở ra trong lúc này, chỉ tiêu do bộ giáo dục đưa ra chỉ áp dụng cho các trường đại học ở thành phố lớn thôi, thành lập đã lâu đời. Đối với các trường ở địa phương thì chỉ tiêu đó khó đạt lắm.”

Trong khi đó, giáo sư tiến sĩ Trần Thị Hồng, Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Thông tin, đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì tỏ ra lạc quan hơn về quyết tâm chấm dứt thực trạng “đại học dạy đại học”:

“Theo ý kiến cá nhân của tôi thì nếu mà bộ Giáo dục có quyết tâm như vậy, họ có thể làm được, bởi vì hiện nay cùng với chương trình, dự án nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy, nhà nước đã gởi đi nước ngoài rất nhiều giáo chức, cho nên mục tiêu đó sẽ có thể thực hiện được.”

Đầu tư cơ sở vật chất

Báo chí trong nước cũng cho hay là trong cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến với sự tham gia của gần một ngàn sinh viên thuộc nhiều trường đại học lớn, thì có 90% sinh viên nói rằng cơ sở vật chất và trang bị thiếu thốn, phòng học không đủ nên nhà trường bị động trong việc sắp xếp lịch học; số lượng giảng viên thiếu nên sinh viên ít có sự lựa chọn; tại các thư viện, sách chỉ đáp ứng được một phần tư nhu cầu tham khảo, học tập của sinh viên.

Giáo sư tiến sĩ Hoàng Xuân Quảng đưa ra nhận xét của ông về tình trạng khó khăn này:

“Nhà nước có đề ra nhiều dự án yêu cầu các trường nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, và được phê duyệt nhưng việc tiến hành còn chậm lắm. Thời hạn hoàn tất các công trình đó không theo đúng như lộ trình đề ra. Nói chung tình hình cải thiện cơ sở còn chậm, vì số trường công và tư lập ngày càng mở ra nhiều hơn, nhà nước chưa có chính sách ưu đãi nên các trường đang tự bơi thôi, vì thế đã không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.”

Fact box
- Tính đến tháng 4/2010, trường ĐHSPTPHCM có:
- 619 giảng viên, trong đó có 416 giảng viên có trình độ trên Đại học
- 24 GS và Phó GS, 126 Tiến sĩ và TSKH, 286 Thạc sĩ

Về hướng phấn đấu của ngành giáo dục dự tính đào tạo 20 ngàn tiến sĩ trong những năm tới, giáo sư tiến sĩ Trần Thị Hồng trình bày những quan điểm của bà:

“Tôi không thể bình luận về vấn đề này vì đây là một con số rất lớn, có lần tôi đã tham dự một forum, diễn đàn giáo dục Việt Nam, Hoa Kỳ, cũng có những người hỏi các anh chị lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam, như vậy, thì họ nói là có thể trong số 20 ngàn tiến sĩ, thì 10 ngàn sẽ đào tạo trong nước, và 10 ngàn được đào tạo ở nước ngoài.

Hiện nay số hồ sơ của các thầy cô xin học tiến sĩ ở nước ngoài rất nhiều, thực hiện được chuyện này hay không, tôi không dám có ý kiến. Tuy nhiên theo tôi thì vấn đề đại học dạy đại học thì có thể vượt qua được, có nhiều anh chị giảng viên đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ, đó là việc mà đại học quốc gia chúng tôi đang thực hiện và sẽ có thể giải quyết chuyện đại học dạy đại học.”

Nói chung tình hình cải thiện cơ sở còn chậm, vì số trường công và tư lập ngày càng mở ra nhiều hơn, nhà nước chưa có chính sách ưu đãi nên các trường đang tự bơi thôi, vì thế đã không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.

GSTS Hoàng Xuân Quảng

Vẫn liên quan đến chính sách giáo dục, đào tạo, theo giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường dân lập Lương Thế Vinh ở Hà Nội thì việc đổi mới giáo dục nên bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy và cách quản lý giáo dục trước hết ở cấp bộ, không nên thay đổi xoành xoạch các chủ trương dù là nhỏ, tránh tình trạng mới thực hiện một lần rồi bỏ ngay, thậm chí chưa thực hiện lần nào đã thay đổi gấp.

Trong bài viết phổ biến trên mạng, giáo sư Văn Như Cương đặt câu hỏi “ Vì sao giáo dục tại Việt Nam, đụng đâu dở đó ?” và ông đưa ra nhận xét, đề nghị và yêu cầu bộ giáo dục hứa thì phải làm cho bằng được, bởi vì đừng hứa trước những điều không dễ thực hiện, cần giảm bớt những người không có năng lực, thiếu thực tế, chỉ ngồi ở bàn máy tính, cần tăng cường người có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám hy sinh, dấn thân.

Theo dòng thời sự: