Gia Minh, phóng viên đài RFA
Người công nhân đi làm thuê cho bất kỳ công ty nào đều mong muốn có được đồng lương và đãi ngộ xứng với công sức lao động họ bỏ ra. Thông thường, người công nhân tham gia vào công đoàn để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi chủ nhân không tôn trọng những quyền lợi mà hai phía thỏa thuận.

Thế nhưng tại Việt Nam những công đoàn ở các công ty, xí nghiệp lâu nay hoạt động ra sao? Có lo được cho đời sống người công nhân hay không, nhất là trong việc đấu tranh với giới chủ để đòi hỏi những quyền lợi bị vi phạm?
Đối với nhiều người Việt Nam sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cụm từ 'bộ tứ' khá quen thuộc với họ. Trong bất cứ một cơ quan, đơn vị hay trường học nào, bộ tứ gồm chi bộ Đảng, ban giám đốc hay giám hiệu cho truờng học, công đoàn và các đoàn thể hoặc là thanh niên hoặc là phụ nữ.
Dù phân làm bốn nhưng thực chất tất cả đều nằm dưới sự chỉ đạo cao nhất của chi bộ, ngừời đứng đầu ba ban ngành kia cũng do chi bộ chỉ định, điều hành.
Khá mờ nhạt
Do một thời gian dài nằm trong cơ chế đó, nên khi nền kinh tế mở cửa với những công ty nước ngoài hay liên doanh vào Việt Nam, vai trò của công đoàn trong các đơn vị đó khá mờ nhạt. Thậm chí nhiều công ty không hề có tổ chức công đoàn; hoặc nếu có thì cũng chỉ cho có để không vi phạm qui định của nhà cầm quyền.
Trong rất nhiều trường hợp, chủ tịch công đoàn là người của chủ lao động đưa ra, chứ không phải là người được chính các công nhân tín nhiệm bầu ra để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Có một số công đoàn cơ sở năng lực họat động yếu kém. Có chủ tịch công đoàn là do giới chủ trả lương đưa sang nên người lao động không tin.
Một chuyên viên ban Pháp Luật thuộc Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam đưa ra một số nhận xét liên quan: "Có một số công đoàn cơ sở năng lực họat động yếu kém. Có chủ tịch công đoàn là do giới chủ trả lương đưa sang nên người lao động không tin."
Về phía cơ quan chức năng thì dù đã có Luật Lao động thế nhưng việc kiểm soát, chế tài đối với những công ty không thành lập công đoàn hay vi phạm chế độ chính sách đối với công nhân vẫn không được thực hiện nghiêm.
Tờ Người Lao động, trong một số ra hồi tháng 6 năm nay, trích dẫn lời của một giám đốc công ty sau khi có xảy ra đình công tại công ty lên tiếng nói rằng công ty không hề ký hợp đồng với công nhân, không đóng bảo hiểm cho công nhân nhưng không thấy bị cơ quan chức năng nhắc nhở, phạt vạ gì. Và chuyện gì phải đến đã đến, là công nhân tại công ty đó phải đình công để đòi hỏi quyền lợi của họ.
Báo cáo của Bộ Lao động- Thương Binh và xã hội cho thấy từ khi Bộ Luật Lao động Việt Nam có hiệu lực cho đến cuối tháng ba năm nay, khắp nơi trên cả nước diễn ra gần 1200 vụ đình công. Theo đánh giá của chính Bộ này thì trong những năm gần đây đình công xảy ra dồn dập, quy mô lớn và có tính chất gay gắt và phức tạp hơn.
Thường thì giới chủ bao giờ cũng muốn giảm chi phí sản xuất, trong đó có xem xét kỹ lưỡng về việc trả lương, tăng lương, rồi mọi chế độ và điều kiện làm việc. Vì thế chỉ có luật pháp mới có thể ràng buộc người chủ đảm bảo thực hiện đúng mọi quy định về bảo đảm lương tiền và điều kiện làm việc cho người dân.
Thế nhưng việc ban hành những qui định về điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay các vấn đề liên quan tại Việt Nam thường chậm so với thực tế cuộc sống. Ngay cả chủ tịch Hội đồng dân tộc Việt Nam, ông Tráng A Pao, lên tiếng nói rằng chính sách tiền lương nói chung của Việt Nam quá lạc hậu; việc quy định 3- 4 năm mới tăng một bậc lương là quá chậm.
Đình công
Ông Thomas O'Dore, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam vào hồi tháng Sáu qua khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2006, có phát biểu được Thời báo Kinh tế trích dẫn, nói rằng một trong những nguyên nhân chính của các cuộc đình công là cách thức nhà chức trách công bố những thay đổi dự kiến về quy định mức lương tối thiểu quá đột ngột và không rõ ràng.
Vào làm thì có thang lương, hiện nay lao động bình thường được trả tám chín trăm ngàn một tháng, cộng với tăng ca đuợc chừng trăm đô. Công đoàn của công ty nhà nước thì còn được nhưng công đoàn công ty nuớc ngoài thì không bảo vệ cho dân mình.
Một công nhân tại Bình Dương nói về mức lương hiện nay và vai trò của công đoàn: "Vào làm thì có thang lương, hiện nay lao động bình thường được trả tám chín trăm ngàn một tháng, cộng với tăng ca đuợc chừng trăm đô. Công đoàn của công ty nhà nước thì còn được nhưng công đoàn công ty nuớc ngoài thì không bảo vệ cho dân mình."
Luật sư Lê thị Công Nhân, một người hành nghề luật sư độc lập tại Việt Nam và có nghiên cứu về tình hình đình công trong nước cho biết đang có một báo cáo liên quan và sẽ trình bày tại một cuộc họp sắp đến ở trụ sở Quốc hội Ba Lan:
“Bài báo cáo của tôi về tình hình công nhân lao động, nhất là vai trò công đoàn trong đình công. Lâu nay vai trò này mờ nhạt, phải có một công đoàn độc lập thì mới bảo vệ đuợc cho người lao động.”
Trong khi phía cơ quan chức năng và nhà nước đang có những điều chỉnh trong qui định liên quan đình công, thì vào ngày 20 tháng 10 vừa qua, một Công đoàn Độc lập đã ra đời tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, một thành viên trong Ban đại diện lâm thời cho biết về nguyên nhân ra đời của tổ chức này: "Nhận thấy công nhân bị giới chủ bóc lột phải đi đến đình công, rồi xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, chúng tôi đứng ra thành lập công đoàn độc lập."
Tại kỳ họp giữa năm vừa qua của quốc hội Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng lãnh đạo đình công là quyền duy nhất của tổ chức công đoàn do đó là thông lệ quốc tế. Luồng ý kiến khác nói do thực tế Việt Nam còn nhiều doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời thì tập thể lao động được cử đại diện để tổ chức đình công và đại diện trong quá trình thương lượng, giải quyết đình công. Đến nay vấn đề vẫn chưa ngã ngũ.