Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng đáng kể, thì được biết tình trạng “chợ người” trong nước cũng phát triển rộn rịp. Thanh Quang tìm hiểu tình hìn hnày theo các thông tin liên hệ và trình bày như sau:
Thảm cảnh ‘Chợ Người’
Trong mấy tháng nay, báo chí trong nước nói nhiều đến “chợ người”. Qua những bài báo tựa đề như “Mua bán người”, “Đi chợ lao động cuối năm”, “Náo nhiệt chợ buôn người ở Miền Tây”, “Những mảnh đời bị rao bán”, người ta khó có thể dằn được nỗi xúc động trước tình cảnh – hay nói đúng hơn là bi cảnh – của những thân phận bất hạnh ở “chợ người”.
Cách đây không lâu, VietnamNet có bài đề cập đến “những chuyến hàng đặc biệt” – tức những chuyến xe buýt hàng ngày chở “những người lao động đủ lứa tuổi ở các tỉnh miền Tây lên “chợ người” ở TPHCM để chờ bị chọn mua.
Vẫn theo bài báo thì một phụ nữ bán nước ở khu vực “chợ người” này - trên đường 3/2 - đã tỏ ra bức xúc trước cảnh bất nhẫn ấy, nên thốt ra, theo nguyên văn bài trong bài báo, rằng “tụi chăn người và tụi “cò” cũng khốn nạn lắm! Tiền thì chúng hưởng còn người lao động không biết mình đang phó thác số phận cho ai”.
Càng đi nhiều, mà nhất là trong chuyến trở lại Cambodia gần đây nhất, tôi càng bức xúc hơn khi phát hiện vẫn còn nhiều em gái nhỏ Việt Nam phải trải qua những kiếp đời kinh hoàng trong những nhà chứa, quán ba, quán karaôkê và những tiệm mát xa ở Svey Pak, Seam Reap, Battambang, thậm chí ở thủ đô Phnom Penh nữa kìa.
‘Hàng’ ở ‘Chợ Người’
Được biết, “hàng” đắt khách nhất ở “chợ người” này vẫn là các cô gái trẻ quê thơ ngây vô tội sống trong hòan cảnh nghèo khổ túng quẩn triền miên.
Bài báo đăng lời của một cư dân cho biết rằng “thị trường hiện đang ‘hút hàng’ lọai này dữ lắm ! Các cô chủ yếu phục vụ ở các quán cà phê, quán bia, quán nhậu”.
Qua bài tựa đề “Mua bán người”, báo Tuổi Trẻ có đọan viết rằng “Đứng sau những ‘vựa người’ trên đường Ba tháng Hai là cả một đường dây chăn dắt được nối mạng từ các miền quê có nhiều người thất nghiệp…lên TPHCM. Mỗi đường dây đều có những người chuyên dắt mối để bán đi từng số phận…”
Trong một bài báo khác tựa đề “Những mảnh đời bị rao bán”, báo Tuổi Trẻ cho biết những “đại lý” chào hàng “nhiều khi chẳng phải ai xa lạ mà chính là bà con trong dòng họ, hàng xóm”, và cả thầy giáo nữa!
Bài báo cho biết thêm rằng “Nhiều thân phận trôi nổi lên thành phố mưu sinh ở “chợ người” phải chịu nhiều cảnh khắc nghiệt đến tận cùng”.
Thủ đọan của bọn buôn người
Qua chiêu bài “đưa người lên thành phố bán quán lương cao, bọn gian đưa nhiều thôn nữ sang tận các xứ láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Malaysia… để hành nghề mại dâm.
Điều đau lòng nhất là nhiều trẻ gái vị thành niên Việt Nam bị bán qua Campuchia cho mục tiêu này, như ông Aaron Cohen, nhà nghiên cứu độc lập về nạn buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài Á Châu Tự Do.
Ông Cohen nói rằng ông là người hoạt động độc lập, chuyên phân tích về nạn buôn người trên thế giới, làm việc theo hợp đồng với nhiều cơ quan khác nhau cho mục tiêu này. Ông đã nhiều lần đi Campuchia và Việt Nam để tìm hiểu tình hình.
Tôi nghĩ các nạn nhân trẻ tuổi bị bán đi này không hiểu biết gì, cũng không có sự chọn lựa nào khác ngoài phải làm nô lệ tình dục. Trong chuyến đi thực tế vừa rồi, chuyện làm tôi vô cùng trăn trở là tôi đã gặp một em gái Việt Nam 8 tuổi. Điều tệ hại hơn nữa mà tôi tìm hiểu được là chính em bé gái 8 tuổi này được bọn gian cho về bên Việt Nam để dụ dổ rủ rê những em gái khác qua Cambodia.
Trong chuyến trở lại Campuchia gần đây nhất, ông rất đau lòng khi phát hiện nhiều em gái nhỏ Việt Nam phải trải qua cảnh đời kinh hoàng trong những nhà chứa, quán bar, karaôkê, tiệm mát-xa ở nhiều nơi tại xứ Chùa Tháp.
Vai trò của chính quyền
Theo số liệu của Bộ Công An Việt Nam trong hội nghị về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, thì từ năm 1998 tới nay, công an đã phát hiện và khởi tố gần 1.500 vụ với 2.500 người có liên hệ những đường dây mua bán hàng ngàn phụ nữ và trẻ em.
Nhưng không rõ trước nỗ lực đó của công an mà sao các “phiên chợ người” xem chừng như không giảm.
Cách đây không lâu, Tin Nhanh trong nước có đăng bài tựa đề “Náo nhiệt chợ ‘buôn người’ ở miền Tây”, cho thấy “phiên chợ người” ở bến xe Trà Vinh “trở nên nhộn nhịp với cảnh kẻ bán rao ‘hàng’, người mua trả giá, lựa ‘hàng’, và “khác hẳn sự ồn ào, bát nháo đến thô lỗ, cộc cằn của các ‘đại lý’ khi ra giá, trả giá, sang tay…, những thiếu nữ đến từ nông thôn mà tuổi có lẽ chưa quá đôi mươi luôn túm tụm, co ro và im lặng nhìn một cách sợ sệt…”
Và chắc chắn rằng trong số “những mảnh đời bị rao bán” này, không ít trẻ vị thành niên bị vùi dập “tuổi xanh” ở xứ lạ quê người!