Tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, hình thức nô lệ mới

0:00 / 0:00

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Là phụ nữ, thường ai cũng mong có một cuộc đời bình yên; khi còn thơ được chở che trong vòng tay cha mẹ; lúc bứơc vào độ trăng tròn được ấm êm dưới mái gia đình đôi lứa. Nói chung thì được yêu thương và bảo vệ, thay vì bị hành hạ, ngược đãi.

HumanTraffickingReport200.jpg
Phúc trình nạn buôn người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Trong xã hội Việt Nam xưa nay tuy không phải ai cũng đạt nguyện ước, thế nhưng mới khoảng trên dưới 20 năm nay xảy ra sự kiện hàng chục, hàng trăm ngàn thanh, thiếu nữ và trẻ thơ trở thành nô lệ tình dục hoặc nô lệ lao động bất đắc dĩ.

Trở lại cùng quí vị và các bạn trong chuyên mục Câu Chuyện Hàng Tuần, hôm nay Nhã Trân muốn nói về nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam, một tội ác đã, đang và có cơ tiếp tục xô đẩy nhiều mảnh đời bất hạnh vào con đường tăm tối.

Nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam

Thưa quí vị và các bạn, tệ nạn buôn người, hay nói riêng là nạn bán thiếu nữ và trẻ thơ Việt Nam, được quan tâm trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Điều tra của một số chính quyền trong đó có Việt Nam, và những tổ chức ngoài chính phủ của nhiều nước cho biết tệ nạn có dấu hiệu khởi đầu từ những năm 80 và ngày càng trở nên trầm trọng.

Theo báo cáo của Bộ Công an Việt Nam, từ năm ngoái đến năm nay số nạn nhân mới vào khoảng 1 ngàn 500 người, tăng hơn 7 phần 10 so với năm 2005. Tuy nhiên, theo nhiều phúc trình quốc tế, mỗi năm có đến hàng trăm ngàn trẻ thơ và thiếu nữ Việt Nam rơi vào tay những tổ chức buôn người, trong phạm vi nội địa hay xuyên quốc gia, trên tổng số cả triệu nạn nhân toàn thế giới.

Phúc trình của nhiều chính quyền trong đó có cả Việt Nam, khẳng định rằng các đường dây buôn người qua những nước Đông Nam Á như Cambodia, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Miến Điện, Ma Cao hoặc một số nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Cộng Hoà Czech, Ba Lan và thậm chí cả Bắc Mỹ là Hoa Kỳ và Canada… xuất phát từ Việt Nam.

Nói rõ ra, các băng đảng mua bán trẻ em và phụ nữ có đầu mối ở Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Mỹ năm 2005 từng báo cáo rằng Việt Nam là nguồn cung cấp phụ nữ và trẻ em cho kỹ nghệ tình dục hoặc kỹ nghệ lao động ở các nước khác.

Cũng theo các điều tra, vùng Đông Nam Á là nơi tập trung nạn nhân người Việt nhiều hơn cả. Số phụ nữ và trẻ em rơi vào tay bọn bất lương tại vùng này ước lượng lên đến hơn 200 ngàn mỗi năm, trong đó Đài Loan đứng thứ nhì và Cambodia đứng đầu bảng. Các thành phố Cambodia giáp giới Việt Nam có hàng ngàn thiếu nữ và trẻ em bị cưỡng ép phục vụ tình dục.

Ngày càng gia tăng

Có thể dẫn chứng xác định của một vài tổ chức chống tệ nạn buôn người, như East Meet West Foundation, tạm dịch là Sáng hội Đông - Tây, có trụ sở ở California, Hoa Kỳ, qua lời ông giám đốc John Anner:

“Tình trạng buôn hiện nay là vấn đề rất lớn. Tôi biết được điều này khi làm việc chung với tổ chức của người Mỹ gốc Việt đang cố gắng ngăn chặn tệ nạn này. Tôi đã đến Việt Nam rất nhiều lần và gặp những phụ nữ trở về sau khi bị bán sang Cambodia…

Tình trạng buôn người ở miền Nam Việt Nam cũng như ở Cambodia vậy. Có 3 tỉnh đang xảy ra chuyện buôn người nhiều nhất là Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, là những tỉnh nằm sát biên giới Cambodia. Những người phụ nữ trẻ này bị bán hay bị lừa sang Cambodia để làm công việc mại dâm. Hầu hết ở ngay tại Cambodia. Họ không phải là những cô gái mãi dâm. Họ bị bắt buộc phải tiếp khách, không được trả tiền”.

…hoặc Tổ chức Nghĩa vụ Quốc tế Hoa Kỳ USIM, qua ông giám đốc Aaron Cohen, ngừơi từng nhiều lần đến Cambodia thu thập chứng cớ về nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em người Việt qua xứ Chùa Tháp:

“Từ mấy năm nay tôi nhiều lần đi Kampuchea và Việt Nam để tìm hiểu tệ nạn buôn trẻ em ở hai nước này. Càng đi nhiều tôi càng bức xúc hơn khi phát hiện vẫn còn nhiều em gái nhỏ Việt Nam phải trải qua những kiếp đời kinh hoàng trong những nhà chứa, quán ba, quán karaoke, tiệm massagea ở Seam Reap, Batambang, thậm chí ở thủ đô Phnom Penh nữa.

Cái thực trạng mà tôi thấy ở đó là dường như có cả một hệ thống buôn bán và dụ dỗ các em gái nhỏ Việt Nam để bán chúng sang Kampuchea. Điều đáng nói là những người bán chúng có khi không ai khác hơn là ông bà, cha mẹ hoặc băng đảng buôn người hay có khi là những kẻ có chút quyền hành, như cảnh sát địa phương chẳng hạn”.

Nạn nhân của các hình thức lừa đảo

Các nạn nhân của kỹ nghệ buôn người bị lùa vào bẫy bằng cách nào? Cách thông thường nhất là được hứa hẹn việc làm với mức lương cao như giúp việc nhà hoặc nhàn nhã như bán quán tại một nước khác.

Một trong những nạn nhân bị dụ dỗ kiểu này, cô gái trẻ Ái Vi, kể lại trừơng hợp bị lừa bán do tin lời giới thiệu việc làm lương hậu ở Malaysia:

“Tôi vô Sài gòn bán cà phê, gặp người dụ dỗ tôi đi, bảo qua đó [Mã Lai] làm việc nhà lương tháng cao. Tôi cũng nghe. Qua đến đó là Kampuchea, người ta bắt, người ta làm giấy tờ bán tôi luôn, đưa sang Mã Lai, nói là Campuchea. Đi đường Châu Đốc, đường bộ”.

Cách lường gạt thứ hai là nói giới thiệu làm con nuôi cho các gia đình hiếm muộn ở ngoại quốc. Ngoài hai cách phổ biến này, và tương đối ít xảy ra hơn, là bắt cóc. Sau cùng, ngoài lối bị lừa bởi những kẻ xa lạ còn có những em bị bán bởi chính người thân, thường là cha mẹ, hầu hết vì gia cảnh quá túng đói, không còn xoay sở nào khác.

Là những thôn nữ nghèo khó mong thoát khỏi cảnh đời quá cơ cực hay những trẻ thơ lắm lúc chưa tới tuổi cắp sách đến trường, những con người đáng thương ấy bị sa vào cạm bẫy vì chất phác, cả tin người lạ hoặc vì quyết định thiếu suy nghĩ của người thân.

Bị đối xử, bóc lột tàn tệ

Sau khi rơi vào tay những kẻ buôn người, nạn nhân được chuyển tải thế nào? Một phần nhỏ bị đưa đi các tỉnh, thành trong nước còn đa số bị đưa ra nước ngoài qua các ngỏ biên giới, như Quảng Ninh ngoài Bắc và An Giang trong Nam, di chuyển đường bộ hàng tháng để tới các xứ Đông Âu hay đường hàng không nếu đến các nước khác.

Những con người khốn khổ ấy bị chuyển đến bất cứ nơi nào có nhu cầu. Những nhà chứa đã chờ đón các nạn nhân mới, nguồn thu nhập dồi dào do bán dâm và nhiều gia đình cũng đang đợi cô giúp việc người Việt, một hứa hẹn phục vụ việc nhà đồng thời cũng là đối tượng để lạm dụng tình dục.

Họ bị đưa đến các ổ mãi dâm hoặc nhà chủ, bị trao tay như một món hàng. Trong các động buôn hương bán phấn, nạn nhân bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho những du khách nước ngoài hoặc những người đàn ông bản xứ, thích chọn các thiếu nữ càng trẻ càng tốt vì tâm lý bệnh hoạn hoặc vì muốn tránh nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.

Trong các gia đình chủ nhân, họ bị cưỡng bách lao động quần quật ngày đêm, lương rất thấp hoặc không được trả, mà đồng lương ít ỏi, bóc lột nếu có kiếm được cũng bị trừ khấu vào món nợ để được đặt chân tới xứ người.

Nếu bất mãn, trái lời hoặc bỏ trốn, các cô gái trẻ bơ vơ giữa xứ lạ quê người bị đánh đập thậm tệ, có khi thương tích nặng hoặc thiệt mạng. Nhiều vụ chỉ được phát giác sau khi nạn nhân tử vong, trốn thoát hoặc được giải cứu, mà những phát hiện này ước lượng chỉ là một phần vô cùng nhỏ so với con số thực tế.

Dẫu dưới hình thức nào, bị bán vào con đường mãi dâm hay giúp việc nhà, nạn nhân cũng bị đối xử tàn tệ như một loại nô lệ không hơn không kém: ăn uống thiếu thốn hoặc thậm chí bị bỏ đói trong khi phải phục vụ suốt ngày cho khách mua hoa hoặc làm việc cật lực, lạnh không được mặc đủ ấm, ốm đau không được thuốc men, săn sóc.

Lao động quần quật từ tinh sương đến nửa khuya ngày này sang này khác, tháng này sang tháng nọ, những con người bất hạnh lê kiếp sống tủi nhục cho đến khi ngã quị vì lây nhiễm HIV/AIDS hoặc mỏi mòn, suy kiệt.

Nói tóm lại, trừ khi được giải cứu, các thanh, thiếu nữ và trẻ thơ đáng thương ấy bị đày đoạ như một con vật, còn nếu có ý định tố cáo hay bỏ trốn thì bị đánh đập tàn tệ hoặc thậm chí thủ tiêu.

Các mạng lưới tội ác có tổ chức

Điều tra của nhiều cơ quan, tổ chức nhân đạo cho biết đầu mối của kỹ nghệ buôn người khu vực Đông Nam Á là một phần của mạng lưới tội ác có tổ chức, tinh vi và thủ đoạn.

Giới thẩm quyền trong và ngoài nước đã có những biện pháp đối phó nào nhằm triệt tiêu tệ nạn này?

Từ mấy năm đầu thập niên 2000, chính quyền Việt Nam đề ra Chương trình Hành động Quốc gia, nhằm kiểm soát và bài trừ nạn buôn người. Hà Nội cũng từng ký kết một số thoả ước song phương với các quốc gia liên quan, như Trung Quốc, về việc tiêu trừ nhiều tệ nạn trong đó buôn người là một.

Quỹ Châu Á tại Việt Nam, sau khi nhận được tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ năm 2006, hiện đang bắt đầu thực hiện công tác giáo dục hầu cảnh giác dân chúng, như lời bà Giám đốc Tô Kim Liên:

“Khoản tài trợ này Quỹ Châu Á nhận được từ năm ngoái nhưng bây giờ mới chính thức thông báo vì có một số hoạt động phải xây dựng từ chính phủ. Từ trứơc đến nay chúng tôi vẩn hỗ trợ về truyền thông giáo dục phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhưng giai đoạn này sẽ áp dụng những phương pháp truyền thông sáng tạo và có hiệu quả hơn.

Ví dụ như hỗ trợ các địa phương về việc truỵền thông phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, và có thể đưa vào nhà trường nữa, để cộng đồng biết rõ hơn”.

Thế nhưng, theo nghiên cứu mới nhất của Hoa Kỳ, đựơc công bố mới đây, lâu nay kế hoạch phòng chống của Việt Nam kém hiệu quả và tiến hành không đều đặn. Bên cạnh đó còn có cảnh báo rằng có chứng cớ cho thấy nhiều quan chức địa phương đồng loã với kẻ gian, làm ngơ trước hoạt động buôn người vì đã nhận hối lộ.

Theo luật hình sự của Việt Nam hành vi buôn người bị phạt từ 2 đến 20 năm tù, tuỳ trường hợp bán trong nội địa hay ra nước ngoài. Tảo hôn, ép duyên hay dụ dỗ người vào đường mãi dâm bị phạt đến 5 năm tù. Tuy nhiên, cho đến nay số kẻ buôn người bị truy tố còn rất ít, thỉnh thoảng mới được nhà nước công bố, trong khi số nạn nhân tiếp tục gia tăng đến mức báo động.

Nói về bên ngoài, Cambodia, điểm đến của hầu hết nạn nhân Việt Nam, thỉnh thoảng cho lực lượng cảnh sát chống buôn người truy quét các ổ mãi dâm ở xứ Chùa Tháp. Các cuộc tảo thanh này thường chỉ giải cứu được mỗi lần trên dưới chục nạn nhân đồng thời bắt giam một vài thủ phạm, trong khi số thanh, thiếu nữ và trẻ thơ người Việt đang chịu đày đoạ có đến hơn 200 ngàn.

Ông Arron Cohen, giám đốc điều hành của Tổ chức Nghĩa vụ Quốc tế Hoa Kỳ, nêu thắc mắc vì đâu thiếu vắng sự can thiệp của Hà Nội:

“Câu hỏi luôn vụt đến trong đầu tôi, là tại sao các nhà cầm quyền Đông Nam Á, tại sao chính quyền Việt Nam và chính quyền Kampuchea không làm gì để diệt trừ tệ nạn buôn trẻ em làm nô lệ tình dục như thế này? Tôi tự hỏi, tại sao chính phủ Việt Nam không tạo áp lực với Kampuchea về vấn đề đó?

Thêm một điều đau lòng là tại Cambodia cũng như Thái Lan nạn nhân sau khi được giải cứu lại bị đưa ra tòa để chịu truy tố về tội nhập cảnh bất hợp pháp trước khi trục xuất về Việt Nam.

Những nỗ lực quốc tế

Trong khi tình hình phòng chống ở Việt Nam và Cambodia như thế, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã vào cuộc ít năm nay. Từ những cơ quan của Liên Hiệp Quốc như Quĩ Nhi đồng Quốc tế UNICEF cho đến các định chế khác như Tổ chức Di trú Quốc tế IOM, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Child Wise… đều có những đóng góp.

Mới đây không lâu, UNIAP, một cơ quan liên hợp, được thành lập cho sáu nước vùng sông Mê Kông nhằm diệt trừ nạn buôn người. Riêng Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bộ Ngoại Giao Mỹ mỗi năm ra phúc trình về nạn buôn người trên thế giới trong đó có Việt Nam, cùng công bố những chương trình phòng chống.

Ngoài các tổ chức quốc tế quan tâm đến nạn nhân nạn buôn người ở Việt Nam phải kể đến một số đoàn thể người Việt hải ngoại như Hiệp hội Cử tri Việt-Mỹ VAVA ở Hoa Kỳ… đã có những hoạt động nhằm góp phần vào công cuộc triệt tiêu tội ác này.

Các hành động cụ thể có thể kể là tiến hành điều tra đồng thời lập chương trình cứu giúp nạn nhân. Chính phủ Mỹ năm ngoái tài trợ Quỹ Châu Á ở Việt Nam 300 ngàn đô la cho chương trình phòng chống. Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức để trao đổi thông tin và kinh nghiệm.

Đặc biệt, năm 2004 một hội nghị phòng chống buôn bán và lao động thiếu nhi thuộc 5 quốc gia khu vực sông Mêkông đựơc tổ chức tại Thái Lan nhằm tạo cơ hội cho trẻ em gặp gỡ, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động phạm pháp của những kẻ buôn người, đó là diễn đàn “Tiếng nói của Trẻ em”, do nhiều đoàn thể như UNICEF, Liên Minh Các Tổ chức Liên Hiệp Quốc Chống Buôn Bán Ngừơi, Tổ chức Lao động Quốc tế… đề xướng.

Bên cạnh đó, vấn đề luật pháp cũng được một số quốc gia cải sửa để đẩy mạnh bài trừ tệ nạn. Từ năm 2000, Hoa Kỳ biểu quyết Trafficking Victims Act, tạm dịch là Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của Nạn buôn người, cung cấp nhiều dịch vụ cứu trợ nạn nhân. Năm 2004 giới chức du lịch thuộc ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) biểu quyết luật về phòng chống nạn buôn người, áp dụng cho du khách ngoại quốc tới khu vực này. Năm nay 2007, Hoa Kỳ công bố tăng mức phạt cho những kẻ phạm pháp lên từ 10 năm tù đến chung thân.

Bất kể các nỗ lực của nhiều phía, từ các chính quyền cho đến các tổ chức ngoài chính phủ, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam không ngừng xảy ra hàng ngày và còn có dấu hiệu leo thang. Một điểm đáng quan tâm khác, là độ tuổi của các nạn nhân trẻ em ngày càng thấp.

Nạn buôn người có thể được tiêu trừ? Có dư luận rằng thiện chí và quyết tâm của nhà cầm quyền là các yếu tố chính, kế đó là nhận thức của quần chúng.

Thưa quí vị và các bạn, công luận cho là, công bằng xã hội sẽ giúp người dân không lâm vào cảnh đói ăn thiếu mặc, từ đó không thúc đẩy thanh, thiếu nữ mong tìm được việc làm lương hậu ở nước ngoài và cha mẹ không bán con thơ để đổi chén cơm manh áo, không “giao trứng cho ác”, xem núm ruột như một món hàng.

Luật pháp nghiêm minh sẽ làm chùn tay những kẻ bất lương, tránh gây đau khổ cho bao cuộc đời, lẽ ra không phải chịu những đoạ đầy tàn nhẫn.

Công chúng nếu được cảnh gíac sẽ đề phòng, không dễ dàng bị rơi vào tay bọn buôn người, trở thành những nạn nhân khốn khổ, một loại nô lệ của thời đại mới, như nhận định của chính phủ Hoa Kỳ.

Thưa quí vị và các bạn, tóm tắt về hiện trạng và hậu quả của nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam có thể được diễn tả bằng lời của ông giám đốc Tổ chức Nghĩa vụ Quốc tế Hoa Kỳ, một trong các tổ chức chống tệ nạn nà

“Tệ nạn buôn người ở Việt Nam đang trở thành một vấn nạn cho xã hội. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam đang là đối tượng của bọn buôn người, trong lúc chính phủ Việt Nam chưa có biện pháp tích cực để bảo vệ công dân của mình.

Chính phủ Việt Nam chừng như quên đi rằng tuổi trẻ là tương lai của đất nước, và nếu tương lai bị bán đi tức là tiền đồ quốc gia bị mai một”

Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này, đề cập về tệ nạn buôn người ở Việt Nam mà thanh, thiếu nữ và trẻ thơ là đối tượng chính, tạm dừng nơi đây. Với mong ước tệ nạn sớm được tiêu trừ hầu tránh đẩy xô thêm hàng vạn phụ nữ, trẻ em vào bước đường cùng khốn, Nhã Trân kính chào và hẹn gặp lại quí vị cùng các bạn trong chương trình tới, cũng vào mỗi sáng thứ Ba, trên làn sóng đài Á Châu Tự Do.