Thách thức mới cho qui trình tố tụng của pháp luật Việt Nam

Truyền thông trong nước vừa loan tin về dự thảo Thông tư liên tịch do Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng đưa ra quy định c ông an không được hỏi cung bị can và lấy lời khai người liên quan nếu không có bố trí thiết bị ghi âm, ghi hình.

Khả năng thực thi của dự thảo này như thế nào? Liệu có hy vọng sẽ giảm được những bản án oan sai?

Một tiến bộ đáng khen

Dự thảo Thông tư liên tịch được soạn thảo với mục đích giảm thiểu tối đa những án oan sai hoặc trường hợp dùng nhục hình để lấy lời khai. Cụ thể ở Điều 7 của dự thảo cho biết bản ghi âm, ghi hình được dùng để kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu oan sai, bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình trong quá trình điều tra xét hỏi hay không?

Ngay khi điều này được báo trong nước loan tin, trao đổi qua email với chúng tôi vào tối 8 tháng 11, một vị thẩm phán của Toà án Nhân dân Quận 6, Sài Gòn, cho biết bà có biết về dự thảo thông tư này, cũng như mục đích của Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao và Bộ Quốc phòng khi đề xuất dự thảo. Vị thẩm phán này khẳng định “rất khó tránh được những chuyện oan sai”, do đó quy định phải có ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung là cần thiết.

“Ghi âm ghi hình lúc hỏi cung để chứng minh không có tình trạng ép cung hoặc dùng nhục hình.”

<i> <i>Ghi âm ghi hình lúc hỏi cung để chứng minh không có tình trạng ép cung hoặc dùng nhục hình. - Thẩm phán Toà án Nhân dân Quận 6</i> </i>

Từ Sài Gòn, Luật sư Bùi Quang Nghiêm nói với RFA hai điều mà theo ông, đó là lý do để nói rằng dự thảo này là một bước tiến đáng khen của pháp luật Việt Nam. Điều thứ nhất, ông cho rằng khi có ghi hình, ghi âm, bị can sẽ không còn cảm giác sợ hãi dẫn đến việc né tránh câu trả lời.

Điều thứ hai được ông cho biết.

“Có ghi âm, ghi hình thì sẽ hạn chế được những việc trái pháp luật như bức cung, nhục hình, mớm cung, gợi ý để trả lời theo ý muốn của điều tra.”

Nhìn lại những bản án oan

Trong những năm qua, Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án oan sai khiến nhiều người đã phải ngồi tù rất nhiều năm dù cho họ không phạm tội. Những vụ án này dưới ngòi bút của báo giới được gọi là “vụ án chấn động dư luận” hoặc “vụ án thế kỷ”.

Có thể kể ngay ra những cái tên đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam như Huỳnh Văn Nén – ‘Người tù xuyên thế kỷ” của “vụ án vườn điều” với hai lần bị kết án tử, được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan. Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ thật sự của vụ án.

Đó cũng là trường hợp Nguyễn Thanh Chấn, người mang án tù chung thân từ năm 2003. Cho đến mãi đầu năm 2014, ông được chính thức tuyên bố vô tội sau một thập kỷ người vợ của ông không ngừng gõ cửa công lý.

<i>Có ghi âm, ghi hình thì sẽ hạn chế được những việc trái pháp luật như bức cung, nhục hình, mớm cung, gợi ý để trả lời theo ý muốn của điều tra. LS Bùi Quang Nghiêm</i>

Hơn 11 năm là thời gian ông Hàn Đức Long phải ngồi tù với tội danh “Giết người và Hiếp dâm”. Cho đến cuối năm 2016, khi Viện Kiểm sát Bắc Ninh khẳng định chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Hàn Đức Long về các tội danh trên, vụ án mới được đình chỉ và ông cũng thoát khỏi được đời tù tội oan.

Đó chỉ là 3 trong 7 vụ án oan sai được báo chí gọi là “những vụ án oan chấn động dư luận Việt Nam.”

Nhưng lại là một thách thức

Qui trình pháp luật của việc ghi âm, ghi hình được qui định rõ trong dự thảo Thông tư liên tịch, đó là "người có thẩm quyền của các cơ quan phụ trách việc điều tra sẽ quyết định hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh"

Luật sư Bùi Quang Nghiêm hoàn toàn phản đối yếu tố này. Ông cho rằng nếu dự thảo thông tư được thông qua thành luật, thì đấy lại là một thách thức trong việc mong muốn đảm bảo sự minh bạch của quá trình hỏi cung. Giải thích rõ hơn về sự thách thức, ông cho biết.

“Quy định ấy không qui định rõ việc ghi âm ghi hình là trách nhiệm đương nhiên của cơ quan điều tra, mà nó chỉ là ghi âm ghi hình với điều kiện là có lệnh của người có thẩm quyền. Nghĩa là chỉ được ghi lại buổi hỏi cung ấy nếu có sự đồng ý hoặc sắp xếp của thủ trưởng. Như vậy trong trường hợp đấy, thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc người có thẩm quyền với điều tra viên lại là MỘT”.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhấn mạnh thêm, yếu tố này sẽ ngăn cản thực hiện quyền của bị can bị cáo được ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra xét hỏi.

Chúng tôi viện dẫn những vụ án oan sai tiêu biểu mà báo chí Việt Nam đã đưa tin và đặt câu hỏi với vị thẩm phán Toà án Nhân dân Quận 6, Sài Gòn rằng liệu nội dung của bản ghi âm ghi hình sẽ góp phần thay đổi như thế nào trong việc đưa ra bản án tại phiên toà, vị này cho biết vẫn phải đòi hỏi có những yếu tố khác.

“Ghi âm, ghi hình phải chứng minh làm đúng qui định pháp luật mới có giá trị chứng cứ. Và cũng còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là chứng cứ thu thập tại hiện trường và lời khai của các bên liên quan có phù hợp hay không?”

Trở lại vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn. Cho đến thời điểm ông được minh oan sau 10 năm ngồi tù, những chi tiết trong quá trình hỏi cung được tiết lộ. Báo trong nước khi đó ghi lại lời của ông cho biết trong thời gian tạm giam hơn một tháng, ông Chấn bị bắt phải tập các động tác cầm dao, đâm vào hình nhân giả. Một điều tra viên khi đó đã nói thẳng thừng với ông: “Mày có khai không, tao cho mày chết”.

<i>Nó hạn chế quyền của bị can bị cáo được hỏi cung trong điều kiện tinh thần thoải mái, chắc chắn rằng mình không bị điều tra viên chèn ép về mặt tinh thần, làm hoảng loạn về mặt tinh thần để khai theo ý của điều tra viên. - LS Bùi Quang Nghiêm</i>

Do đó, theo ý kiến của luật sư Bùi Quang Nghiêm, nếu việc ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung hoặc điều tra xét hỏi phải có quyết định của người có thẩm quyền thì hoàn toàn bác bỏ minh bạch, công bằng đáng hoan nghênh của dự thảo thông tư này.

“Nó hạn chế quyền của bị can bị cáo được hỏi cung trong điều kiện tinh thần thoải mái, chắc chắn rằng mình không bị điều tra viên chèn ép về mặt tinh thần, làm hoảng loạn về mặt tinh thần để khai theo ý của điều tra viên.”

Một yếu tố khác cũng rất đáng quan tâm trong dự thảo thông tư này, đó là khi vụ án mang ra xét xử, tuỳ trường hợp, thẩm phán hay chủ toạ phiên toà nếu thấy cần thiết thì có thể yêu cầu xem nội dung của băng ghi âm, ghi hình.

Do đó, như luật sư Bùi Quang Nghiêm đã nói, tuy ông xem dự thảo thông tư này là một bước tiến bộ đáng khen của nền tư pháp Việt Nam, nhưng để đảm bảo tính công minh thì theo ông, nên được chỉnh sửa và cân bằng giữa quyền của bị can bị cáo và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.