Chuyến đi này để làm việc với các viên chức chính phủ Hoa Kỳ và các chuyên gia chính sách liên quan đến quan hệ Mỹ và châu Á.
Hoạt động của hội đồng
Đoàn cũng đã ghé thăm đài Á châu tự do và Việt Hà đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Lạc, một thành viên trong hội đồng cố vấn của dân biểu Ed Royce về chuyến thăm và làm việc lần này của đoàn. Trước hết, ông Nguyễn Tấn Lạc giới thiệu một cách vắn tắt về hội đồng cố vấn và các hoạt động của hội đồng như sau:
Nguyễn Tấn Lạc: Một cách vắn tắt thì hội đồng cố vấn các cộng đồng châu Á Thái Bình Dương là một bộ phận có tính chất riêng biệt của ông dân biểu Ed Royce, mục đích để ông dân biểu Ed Royce có thể biết được những mối quan tâm và những quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ở đơn vị ông Ed Royce đại diện, để ông có thể đem những mối quan tâm này vào trong quốc hội với những đạo luật hay nghị quyết mà cộng đồng quan tâm.
Hội đồng cố vấn các cộng đồng châu Á Thái Bình Dương là một bộ phận có tính chất riêng biệt của ông dân biểu Ed Royce, mục đích để ông có thể biết được những mối quan tâm và những quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Ô. Nguyễn Tấn Lạc
Cụ thể là qua những nghị quyết hay đạo luật. Mới đây ông đã vận động để cho đài Á châu tự do được trở thành một đài có tính chất thường xuyên chứ không phải xin quỹ mỗi năm nữa. Chính ông là người đầu tiên vận động để thành lập đài Á châu tự do cho tới giờ. Do có nhiều người Việt làm việc với ông nên nhờ thế mà ông đã giúp được cộng đồng người Việt ở Nam California nói riêng hay toàn thế giới nói chung đưa những tiếng nói và tin tức từ trong nước ra hải ngoại và ngược lại.
Việt Hà: Xin ông cho biết trong chuyến thăm lần này của đoàn đến Washington DC để gặp gỡ các viên chức chính phủ và các chuyên gia chính sách, trọng tâm các cuộc nói chuyện liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á là gì?
Nguyễn Tấn Lạc: Rất nhiều vấn đề được bàn thảo, tất nhiên mỗi cộng đồng có những vấn đề riêng của họ. Trong những vị cố vấn của dân biểu Ed Royce thì bên phía Việt nam, chúng tôi chú trọng nhiều đến vấn đề là muốn tìm hiểu xem chúng tôi có thể làm được những gì để yêu cầu quốc hội và bộ ngoại giao Mỹ đưa Việt nam trở lại danh sách CPC vì những vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt nam đã xảy ra mấy năm qua.
Rất tiếc là chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt nam ra khỏi danh sách CPC quá sớm nên sau khi chính phủ Việt nam được nhận vào WTO thì các chuyện vi phạm nhân quyền, tôn giáo tiếp tục xảy ra và rất ít những tiến bộ. Chính ông dân biểu Ed Royce đã đưa ra nghị quyết 20 yêu cầu bộ ngoại giao đặt Việt nam vào CPC, nhưng bây giờ chưa có tiến triển gì cả. Chúng tôi lên đây là để hỏi Bộ ngoại giao xem tình hình thế nào, và chúng tôi có thể làm gì và Bộ ngoại giao có thể làm gì để cải thiện tình hình ở Việt nam. Vì thời gian không có nhiều thành ra chúng tôi đề cập đến vấn đề CPC nhiều hơn các vấn đề khác.
Việt Hà: Ngoài vấn đề CPC, đoàn còn đề cập đến vấn đề nào khác?
Nguyễn Tấn Lạc: Chúng tôi quan tâm đến vấn đề biển đông, sự gia tăng sự hiện diện của Trung cộng trên biển Đông và vấn đề quan hệ quốc tế trong giải quyết vấn đề biển đông. Chúng tôi có trao đổi bên trong là làm thế nào để có thể có sự tiến bộ ở Việt nam về cải tổ chính trị, đàn áp những người bất đồng chính trị.
Việt Hà: Phía chính phủ có hứa hẹn gì với đoàn về những đề nghị lần này?
Nguyễn Tấn Lạc: Với vấn đề CPC thì họ nói là nếu phía cộng đồng Việt nam tìm được các chứng cớ rõ rệt là cộng sản Việt nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, thì họ sẵn sàng cứu xét việc đưa cộng sản Việt nam trở lại danh sách CPC. Những vấn đề khác thì chúng tôi có gặp gỡ với các chuyên gia và phân tích gia thì họ cũng chỉ trả lời một cách tổng quát mà thôi, vì có quá nhiều vấn đề mà cả 5 phái đoàn đều đặt vấn đề cả nên thường chúng tôi cũng không có cơ hội hỏi tất cả mọi vấn đề.
Vai trò của RFA
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của đài Á châu Tự do trong quan hệ Việt Mỹ những năm qua và trong những năm sắp tới, nhất là sau khi tổng thống Obama ký đạo luật trao quy chế vĩnh viễn cho đài?
Nguyễn Tấn Lạc: Chúng tôi thấy đài RFA đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin tức để cộng đồng người Việt tại hải ngoại hiểu được tình hình trong nước, đồng thời đưa tin của cộng đồng Việt nam ở hải ngoại để người dân trong nước và những nơi khác biết.
Qua những tin tức đó, cộng đồng chúng ta bên này hiểu rõ tình hình trong nước và làm việc với các vị dân biểu và nghị sĩ tại Mỹ để có thể vận động với quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ có những phản ứng và biện pháp thích đáng đối với những vấn đề chúng ta quan tâm như tự do tôn giáo, nhân quyền cũng như những trao đổi thương mại và các lĩnh vực khác, nhất là tự do dân chủ. Tôi nghĩ sự đóng góp của đài RFA là rất to lớn.
Việt Hà: Chuyến thăm lần này của đoàn cũng xảy ra vào đúng lúc Mỹ và Việt nam kỷ niệm 15 năm bình thường hóa, đây có phải là sự tình cờ ngẫu nhiên hay do sắp xếp của đoàn?
Nguyễn Tấn Lạc: Không có sự trùng hợp gì cả, ngẫu nhiên thôi, vì cái này đã được dự trù cách đây 6 tháng rồi.
Việt Hà: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, chính phủ Mỹ và Việt nam đều ca ngợi những thành tựu về hợp tác kinh tế thương mại mà hai bên đã đạt được, theo ông những đề nghị của đoàn lần này về Việt nam có thể gây cản trở cho quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước hay không?
Nguyễn Tấn Lạc: Chúng tôi nghĩ có thể là nó cũng không gây trở ngại gì cả nếu chính phủ Việt nam nhìn vấn đề một cách tích cực hơn. Một mặt họ phải cải thiện mối quan hệ giữa hai chính phủ, nhất là họ phải nhìn cộng đồng việt ở hải ngoại này, nhất là họ vẫn gọi là khúc ruột ngàn dặm thì họ phải quan tâm đến những gì mà đồng bào ở đây quan tâm, chứ không phải họ chỉ muốn đưa các tin tức ở trong nước ra mà là những tin tức chúng tôi biết không phản ảnh trung thực.
Chúng tôi thấy đài RFA đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin tức để cộng đồng người Việt tại hải ngoại hiểu được tình hình trong nước, đồng thời đưa tin của cộng đồng Việt nam ở hải ngoại để người dân trong nước và những nơi khác biết.
Ô. Nguyễn Tấn Lạc
Chúng tôi hy vọng là với những việc mà chúng tôi làm ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tìm hiểu để tìm cách cải thiện mối quan hệ hai nước theo hướng tích cực và xây dựng chứ không phải chỉ có trên chiều hướng là hỗ trợ chính phủ Việt nam phát triển thương mại để cho chính quyền hưởng lợi nhiều hơn người dân.
Chúng tôi muốn tạo nhiều cơ hội để nói chuyện với các vị dân cử và hành pháp Hoa Kỳ để chỉ ra rằng việc cải thiện mối quan hệ hai nước phải xây dựng trên cả hai chiều, và cộng sản Việt nam nên lắng nghe nhiều hơn phía bên ngoài này, nên hợp tác và đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc ở trên chứ không phải của Đảng cầm quyền.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.