Nhận định của TS Cù Huy Chử về vụ án LS Cù Huy Hà Vũ

Đưa ra nhận định về điều 88 trong vụ án tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ “tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội Chủ nghĩa”, tiến sĩ Cù Huy Chử cho rằng, vụ án này là một tấm bi hài kịch, tức là đối thoại với những người không cần đối thoại...

0:00 / 0:00

Do đâu mà tiến sĩ Cù Huy Chử đã nhận định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn với Việt Hùng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.

Cũng xin nói thêm về Tiến sĩ Cù Huy Chử. Tiến sĩ Cù Huy Chử từng là cán bộ cao cấp Ban Tuyên huấn Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Lý luận Văn hóa và Phát triển - Phân viện II, Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Mời quý vị theo dõi.

Việt Hùng: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Chử, cá nhân ông, vừa là chú ruột của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vừa là người được cháu ông chính thức mời trong vai trò bào chữa trong phiên tòa tới đây. Cho đến nay các cấp chính quyền đã cấp giấy phép cho ông với tư cách bào chữa trong vụ án này hay chưa?

TS Cù Huy Chử: Tôi có nhận được giấy của anh Cù Huy Hà Vũ mời tôi làm người bào chữa cho anh ấy, nhưng từ khi anh Vũ gửi và người ta chuyển sang Tòa án Hà Nội, cho tới nay (12-02-2011) Tòa án Hà Nội không hề có trả lời gì đối với tôi cả. Tôi chưa nhận được trả lời gì hết.

Việt Hùng: Nhưng mà hoặc là chưa, hoặc là có, hoặc là không có giấy phép chính thức bào chữa cho cháu ông trong phiên Tòa tới đây, cá nhân ông, ông có tham dự phiên Tòa này hay không?

TS Cù Huy Chử: Điều này tôi xin trả lời với ông là chưa chắc tôi đã tham dự được, lý do vì hiện nay tôi bị ung thư, đi lại rất khó khăn. Bây giờ tôi đi trong nhà cũng đã khó khăn rồi, cho nên đi ra ngoài tôi chỉ đi được vài chục thước thôi chứ đi xa thì tôi không đi được… thành thử không tham gia được là vì sức khỏe thôi chứ không vì lý do nào khác.

Đối thoại với những người không cần đối thoại

nuvuongcongly.net-250.jpg
Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Photo of nuvuongcongly.net (Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Photo of nuvuongcongly.net)

Việt Hùng: Thưa Tiến sĩ Cù Huy Chử, bằng sự trải nghiệm và thực tế trong thời gian ông còn là cán bộ cao cấp của Ban Tuyên huấn cũng như trường đảng Nguyễn Ái Quốc thì ông nhìn bản luận tội, buộc cháu ông (Cù Huy Hà Vũ) vào Điều 88 tuyên truyền chống phá nhà nước Xã hội Chủ nghĩa như thế nào?

TS Cù Huy Chử: Về điều này tôi xin trả lời, buộc tội như vậy là quyền của những người bắt anh Hà Vũ, còn anh Vũ có tội hay không thì còn phải chờ xét xử và phải có sự tranh tụng giữa anh Vũ và các luật sư về vụ án đó. Còn bây giờ đứng về phía nhà nước người ta có quyền hành thì người ta có quyền buộc tội, thì cái đó là quyền của họ…

Việt Hùng: Ông nói là quyền của họ, nhưng mà ông theo dõi vụ án này và ông đọc bản luận tội của bên Viện Kiểm sát thì ông đánh giá như thế nào?

TS Cù Huy Chử: Tôi đánh giá về điều này đứng về cơ sở pháp lý là chưa có sức thuyết phục. Khái niệm nhà nước là không đồng nhất với khái niệm của những cá nhân đang điều hành nhà nước. Một bên nhà nước do pháp định tức là do Hiến pháp quy định. Nhà nước là ai? Chứ còn người đứng ra điều hành nhà nước thì không thể đồng nhất với nhà nước là một được.

Tôi lấy ví dụ, vừa rồi cơ quan điều tra công bố tội của anh Vũ, đồng thời tới đây Tòa án xử anh Vũ thì hay nhân danh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng mà tôi xin thưa rằng Tòa án không đủ tư cách nhân danh nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để buộc tội một cá nhân nào chống nhà nước. Bởi vì đại diện cho nhà nước không thể là Tòa án được. Đại diện cho nhà nước chỉ có hai người đại diện thôi, một là ông Chủ tịch nước, hai là ông Chủ tịch Quốc Hội. Tôi hiểu là như vậy cho nên vấn đề này cần được tranh tụng.

Trong lời buộc tội có nói chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì người tố cáo tôi không thấy. Tôi đọc trong bản tố cáo của công an thì tôi không thấy người đại diện nhà nước tố cáo. Bởi vì người đại diện cho nhà nước tố cáo là ai? Là như tôi nói là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc Hội.

Nhưng mà anh Vũ có được đối thoại bao giờ đâu? Kiện Thủ tướng mấy năm có thấy trả lời đâu? Công khai góp ý kiến cho các cơ quan cũng đâu có trả lời đâu? <br/>

TS Cù Huy Chử

Tôi biết lúc anh Vũ chưa bị bắt đã có lần Viện Kiếm sát Tối cao đã mời anh Vũ lên để giải thích việc anh Vũ kiện Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng). Sau đó anh Vũ có đề nghị nếu thấy việc làm của tôi phạm pháp thì đề nghị Chủ tịch Quốc hội ra quyết định đó, nhưng cho đến khi anh Vũ bị bắt thì Chủ tịch Quốc hội cũng không hề lên tiếng. Tóm lại nói một cách cho hài hước, anh Vũ ở trong một tấm bi hài kịch tức là đối thoại với những người không cần đối thoại.

Anh ấy phát biểu những điều gì, nếu tôi là người cầm quyền thì tôi sẽ giải quyết bằng cách mời anh ấy lên để đối thoại. Rồi sau khi đối thoại xong mà anh ấy vẫn còn tiếp tục có hành động chống phá thì khi đó bắt. Nhưng mà anh Vũ có được đối thoại bao giờ đâu? Kiện Thủ tướng mấy năm có thấy trả lời đâu? Công khai góp ý kiến cho các cơ quan cũng đâu có trả lời đâu? Hay việc anh Cù Huy Hà Vũ có ý kiến về ông (tướng an ninh) Vũ Hải Triều thì có thấy trả lời đâu? Không có một cơ quan nhà nước nào trả lời với anh Cù Huy Hà Vũ cả.

Ông biết rằng, thông thường với tư cách là con người khác với loài động vật ở chỗ là con người có ngôn ngữ, có ý thức và có ngôn ngữ, cho nên khi ý thức và ngôn ngữ được phát ngôn ra thì đứng về quyền con người bình thường là cần thiết có sự đối thoại ngược lại. Tức là người phát những thông tin thì đồng thời họ cũng có quyền lợi và nguyện vọng cần được đối thoại ngược trở lại, cần được thông tin trở lại…

Ngay trong gia đình khi cha mẹ mắng con cái thì cha mẹ cũng cần nghe con cái trả lời mình như thế nào? Thế thì ở đây, ngược lại, khi đứa con nói mà cha mẹ không trả lời mà chỉ dùng roi để đánh đập nó thì sự khó chịu cũng vậy thôi. Đó là lẽ bình thường của cuộc sống con người anh ạ.

Nói ra những điều mà người khác không nói ra

vu-ha-250.jpg
Vợ chồng Cù Huy Hà Vũ. Photo courtesy of DCVonline (Vợ chồng Cù Huy Hà Vũ. Photo courtesy of DCVonline)

Việt Hùng: Vâng, chúng tôi xin đặt một câu hỏi và cũng phải xin phép và xin lỗi ông trước. Như ông vừa trình bày, người bị khởi tố trong vụ án này, người hiện đang bị buộc tội là cháu ruột của ông. Bây giờ chúng tôi đặt một câu hỏi, nếu như trong trường hợp mà người đó là người ngoài thì ông có bảo lưu ý kiến mà ông vừa trình bày hay không thưa ông?

TS Cù Huy Chử: Tôi xin thưa với ông như thế này. Ông quên tôi là một trí thức sao? Ông có hiểu ý tôi nói không? Tôi là một trí thức, mà vì vậy tôi trả lời ở đây không phải vì tôi là chú ruột của anh Cù Huy Hà Vũ. Tôi là một trí thức, tôi có nhận thức của tôi chứ! Và để biện hộ cho ý kiến này thì tôi mời ông đọc ở trên mạng Blog của ông Nguyễn Trọng Tạo có bài của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trả lời.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh trả lời ông ấy nói, rất nhiều người nghĩ như Vũ nhưng chỉ có điều khác là Vũ nói ra mà người khác không nói ra. Tất cả những điều Vũ nói rất nhiều người nghĩ. Điều đó để có thể nói một ông Tướng như ông Nguyễn Trọng Vĩnh năm nay 95 tuổi, tức là dày dặn kinh nghiệm hơn tôi rất nhiều, ông Nguyễn Trọng Vĩnh cũng trả lời như thế cơ mà.

Việt Hùng: Thưa ông, từ trước đến nay trong các bản cáo trạng khi buộc tội những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo ít khi đề cập và nhắc cụ thể tới những cơ quan truyền thông quốc tế, nhưng trong bản cáo trạng với cháu ông, Viện Kiểm sát đã nêu đích danh Đài Á Châu Tự Do (RFA) và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) là những cơ quan truyền thông quốc tế mà cháu ông đã bày tỏ ý kiến về thực trạng hiện tình đất nước cũng như công việc mà cháu ông đeo đuổi với mong muốn Viêt Nam có tam quyền phân lập. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh trả lời ông ấy nói, rất nhiều người nghĩ như Vũ nhưng chỉ có điều khác là Vũ nói ra mà người khác không nói ra.

TS Cù Huy Chử

TS Cù Huy Chử: Theo tôi thì cũng như ông đang hỏi tôi và tôi phải trả lời, thế thì những Đài nào đó hỏi anh Vũ thì anh Vũ trả lời thì cũng là chuyện bình thường. Có người hỏi thì phải có người trả lời. Chứ còn trả lời như thế nào thì là quan điểm của người ta chứ làm sao mà mình bắt buộc họ được.

Nếu không hỏi anh Vũ mà hỏi tất cả những người khác thì mỗi người đều có quan điểm riêng của họ và họ có quyền trả lời ý kiến của họ và do đó cho nên tôi cho đây là một thông lệ có tính quốc tế. Ví dụ Đài Á Châu Tự Do hay Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nếu đã được công luận công nhận là có tiếng nói rõ ràng thì họ có tư cách pháp nhân để họ hỏi.

Và khi họ hỏi một ai đó thì người đó có quyền trả lời theo quan điểm của họ, đó là điều bình thường. Việt Nam đã ký vào công ước quốc tế công nhận nhiều quyền tự do trong đó có nhân quyền, trong đó có quyền tự do ngôn luận và nhiều quyền khác, cho nên những đài vừa rồi nếu cảm thấy bị xúc phạm danh dự thì tôi nghĩ các đài đó có quyền dựa vào những thông lệ quốc tế và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã công nhận, những công ước mà Việt Nam đã ký, để trên cơ sở đó có cách hành xử phù hợp với pháp luật quốc tế.

Việt Hùng: Với tư cách là chú ruột của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ông có điều gì chia sẻ với quý thính giả đang theo dõi cuộc nói chuyện này?

TS Cù Huy Chử: Tôi mong muốn Tòa án Nhân dân Hà Nội hãy làm việc một cách thiết thực đúng với tiêu chí mà đảng đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và xã hội công bằng. Xã hội mà chúng tôi mong muốn một xã hội dân chủ, một xã hội công bằng. Tôi mong rằng, đảng và nhà nước hãy luôn luôn bám sát lấy tiêu chí mà chính đảng đã nêu ra và nhà nước đã nêu ra mà cụ thể nhất là Đại hội XI vừa rồi đã nêu ra kiên quyết thực hiện xây dựng cho được một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và công bằng.

Việt Hùng: Vâng, xin cám ơn Tiến sĩ Cù Huy Chử.

Theo dòng thời sự: