Nhân dịp quá cảnh Ba Lan, sau chuyến làm việc tại Đức, để về lại Việt Nam, bà dành cho phóng viên Vân Anh của Đài Á Châu Tự Do, câu chuyện sau đây; trong đó bà đề cập đến nỗi sợ, niềm tin, vai trò người Việt ở nước ngoài với vận mệnh đất nước.
Tránh né vì sợ hãi
Vân Anh: Thưa chị Võ Thị Hảo, xin cảm ơn chị đã dành thời gian quá cảnh ở Ba Lan cho RFA cuộc phỏng vấn. Thưa chị ở Việt Nam còn rất nhiều người kể cả giới trí thức vẫn còn giữ thái độ né tránh nói về những điều khó nói, nhạy cảm. Theo chị làm thế nào để có thể vượt qua?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Thái độ né tránh của rất nhiều người, kể cả những người được gọi là người của công chúng, những người được gọi là trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, chính khách và rất nhiều người nữa ở Việt Nam là quá phổ biến.
Người ta né tránh nói về những suy nghĩ của mình, tránh nói về những sự thật hiển nhiên vốn đã nhiều người biết. Điều đó rất là dở, nó khiến cho người Việt Nam ngày càng khổ hơn và làm cho tình hình tồi tệ đi. Tất cả sẽ xấu đi, tệ hơn nếu không được sửa chữa, không có sự khởi đầu là sự minh bạch. Bản thân tôi ở trong nước tôi biết quá nhiều và tôi cũng thông cảm với sự sợ hãi của mọi người.
Hiện nay có một sự tan rã từ trong lòng. Bởi quá sợ hãi, quá bị đe dọa và nhiều người đã mất rất nhiều rồi bị bắt bớ. Tan rã ở trong lòng mà thậm chí mọi người còn không tin nhau nữa. Người này sợ người kia là công an chìm, nên không ai dám tin nhau nữa. Mà sự thật có thể không đến mức đó.
Tôi biết trong quân đội hay công an cũng có người có tấm lòng, và họ biết sự thật chứ không phải không biết. Tôi thấy sự sợ hãi của người Việt nhiều khi bị thổi phồng quá. Mọi người quá sợ hãi nên tình hình ngày càng tệ. Để vượt qua điều đó, mỗi người hãy tự làm điều tối thiểu là lên tiếng. Nếu mình đau hãy nói là đau đi. Nếu thấy có người bị đánh thì hãy nói người ta bị đánh, nếu có người đang chết đuối mình phải cứu người ta chứ lờ đi là đồng nghĩa với tiếp tay giết chết người ta đó thôi.
Vân Anh: Nhưng để đi tới hành động cụ thể người ta cần có niềm tin, điểm tựa. Theo chị thì người Việt có thể dựa vào điều gì cơ bản nhất để có niềm tin?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Trước hết đừng đợi ai mang niềm tin tới cho mình, đừng đợi ai dâng tặng tự do cho mình, đừng đợi ai mang nhân quyền tới cho mình nếu quyền tối thiểu của mình mà chính mình không dám công nhận, không dám sử dụng thì rồi tình hình sẽ tệ hơn.
Người ta né tránh nói về những suy nghĩ của mình, tránh nói về những sự thật hiển nhiên vốn đã nhiều người biết.
Nhà văn Võ Thị Hảo<br/>
Hôm nay người ta đối xử tệ bạc với người này, mình đứng đó khoanh tay mỉm cười, ngày mai sẽ đến lượt mình đó. Vậy nên mọi người cần biết rằng mình phải có trách nhiệm thừa nhận sự thật. Đừng sợ hãi. Trên hết hãy dâng nhân quyền cho chính mình, thế thôi.
Vân Anh: Còn trường hợp của chị, tới một lúc nào đó chị cảm thấy phải lên tiếng và chị đã lên tiếng một cách mạnh mẽ. Điều gì đã khiến chị có tiếng nói mạnh mẽ như vậy?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Đấy là hơi thở thôi. Đấy là sự hồn nhiên của người thấy trắng thì nói trắng, thấy đen thì nói đen. Và tôi thấy hồn nhiên, không dối trá là việc đầu tiên con người phải làm.
Không quên đất nước
Vân Anh: Xin chị cho biết người Việt trong nước nhìn nhận người Việt ở nước ngoài như thế nào? Người Việt ở nước ngoài có được nhìn nhận như một lực lượng hỗ trợ hay không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có nhiều điều báo trong nước không đăng bởi đăng sẽ bị kỷ luật chẳng hạn, hoặc bị đóng cửa tòa báo. Có những sự thật báo trong nước không đăng thì người Việt lại tìm chúng ở báo nước ngoài. Đó là một điều đáng buồn nhưng cũng đáng mừng là hệ thống truyền thông ở nước ngoài đã quan tâm đến vận mệnh của đất nước, đến số phận của người trong nước – là điều mà người trong nước rất cảm ơn.
Người Việt Nam mình có cái hay là dù ở nước ngoài, dù có no ấm đầy đủ ở những quốc gia đảm bảo nhân quyền, đầy đủ tự do nhưng họ không quên nước mình. Họ không quên. Họ vẫn ngày đêm trăn trở và họ gắng làm gì đó cho đất nước. Và đó là điều rất tuyệt vời.
Nhưng cũng có điều rất lạ tôi thấy ở nước ngoài là có nhiều trường hợp ở nước ngoài rồi mà vẫn sợ hãi, vẫn e dè người này người kia là công an chìm. Điều này thật đáng thương cho người Việt Nam nhưng cũng phản ánh hiện thực là nhiều khi có những tan rã tự đáy lòng. Điều này rất rõ ở người Việt Nam.
Bởi vậy mà nhiều người nói người Việt Nam hèn, người Việt Nam nô lệ. Vậy ráng mà chịu thôi. Có một lịch sử rất dài về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ người Việt Nam vốn không hèn, người Việt vốn không phải sinh ra để chịu làm nô lệ.
Tôi muốn trước hết mọi người hãy dâng tặng niềm tin cho chính mình. Niềm tin ấy không có gì cao xa cả. Mà hãy tin rằng tôi trong sáng, tôi tin rằng tôi tôn trọng sự thật, tôi tin rằng tôi muốn điều tốt cho chính bản thân tôi và đồng bào của tôi, thế thôi. Và chúng ta sẽ mạnh hơn.
Vân Anh: Xin hỏi chị câu cuối cảm nhận của chị về Ba Lan, chị đã kịp cảm nhận gì chưa?
Người Việt Nam mình có cái hay là dù ở nước ngoài, dù có no ấm đầy đủ ở những quốc gia đảm bảo nhân quyền, đầy đủ tự do nhưng họ không quên nước mình.
Nhà văn Võ Thị Hảo<br/>
Nhà văn Võ Thị Hảo: Ồ, tôi có mấy tiếng đồng hồ quá cảnh tại Ba Lan và tôi sẽ lên đường bay về Việt Nam. Đây cũng là điều bất ngờ. Tôi thấy tuyết đọng trên ngọn cây rất đẹp, rất long lanh. Tôi được bạn bè đưa vào thành cổ của Ba Lan, nhìn thấy cây thông nô-en, tôi được gặp một số bạn Việt ở đây tôi rất là vui. Tôi thấy các bạn trẻ, đầy nhiệt huyết, quan tâm đến Việt Nam. Tôi thấy rất vui. Tôi không ngờ người Việt Nam lại thành công ở Ba Lan như vậy.
Vân Anh, thông tín viên RFA tại Ba Lan.