Quy mô phải đi đôi với chất lượng

Thủ Tướng VN, ông Nguyễn Tấn Dũng, vừa đưa ra chỉ thị về việc đổi mới giáo dục đại học trong giai đoạn 2010-2012, nhấn mạnh rằng quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với chất lượng đào tạo.

0:00 / 0:00

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng giữa lúc xu hướng số trường đại học trong nước bị cho là “mọc lên như nấm” và không đi đôi với chất lượng đào tạo. Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Giáo sư Phạm Phụ thuộc Đại Học Quốc Gia TP HCM nhận xét như sau:

Cần kiểm soát tiêu chí

GS Phạm Phụ: Mọi người hay nói là trường đại học mọc lên như nấm, lập trường đại học không đảm bảo chất lượng, thì dễ đưa tới hiểu nhầm là không nên lập trường đại học, theo tôi thì không phải như vậy. Theo tôi là anh phải xét tổng số sinh viên hàng năm tăng lên bao nhiêu cho nên vấn đề thứ nhứt anh phải xem thử mức tăng số lượng sinh viên hàng năm như vậy là anh có thể phát triển những điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ thầy giáo để đảm bảo một mức chất lượng tối thiểu hay không, là cái mức nên tăng hàng năm là tăng 5%, 7% hay 10%.

Anh kiểm soát đủ đảm bảo những tiêu chí thì anh mới bắt đầu cho tuyển sinh. Nếu làm như vậy là chúng ta vẫn đảm bảo được chất lượng tối thiểu.

GS Phạm Phụ<br/>

Cũng có nước nó tăng một năm tới 20%, vì vậy cho nên xét, thứ nhứt là phải xét số lượng tăng sinh viên lên hàng năm chứ không phải xét tăng lên mấy trường đại học; thứ hai là tôi nghĩ rằng nhiệm vụ, sứ mệnh của giáo dục đại học không chỉ là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mà nó còn có nhiệm vụ là nâng cao tính đại chúng của nền giáo dục, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với giáo dục đại học.

Theo tôi, việc mở thêm trường đại học ở các tỉnh, đặc biệt là loại cao đẳng, thì tôi nghĩ việc họ không sai mà thậm chí nên xem là hợp lý, chỉ có điều nó nhầm lẫn là thế này: Khi anh cho phép lập trường rồi nhưng mà anh không kiểm soát được những lời hứa của người ta là tới năm nào tôi có bao nhiêu cơ sở vật chất, tôi có bao nhiêu thầy giáo. Anh kiểm soát đủ đảm bảo những tiêu chí thì anh mới bắt đầu cho tuyển sinh. Nếu làm như vậy là chúng ta vẫn đảm bảo được chất lượng tối thiểu.

Luôn kiểm định chất lượng

Thanh Quang: Nhưng thưa Giáo Sư, dẫu có kiểm soát đủ những tiêu chí của một trường đại học như GS vừa nói, có thật sự bảo đảm được chất lượng giáo dục đại học không ạ?

GS Phạm Phụ: Khi cho tuyển sinh rồi là chúng ta phải luôn luôn có những tổ chức kiểm định chất lượng, luôn giám sát cái việc đấy, thì việc này chúng ta buông lỏng, đặc biệt buông lỏng là không đủ điều kiện mà vẫn cho phép tuyển sinh, dẫn tới kiểu như Đại Học Phan Thiết mà trước đây người ta hay nói đến đấy. Vấn đề là do cách làm, do thiếu kiểm soát chứ không phải là vấn đề lập trường.

pham-phu-200.jpg
GS Phạm Phụ. Photo courtesy of vovnews.

Tóm lại thế này, quan điểm của tôi là sứ mệnh nền giáo dục đại học khi nó đã trở thành đại trà rồi, tỷ lệ sinh viên, thanh niên trong độ tuổi đã lớn rồi thì nó không còn đơn thuần là nền giáo dục đại học tinh hoa nữa mà đã là nền giáo dục đại học đại trà. Do đó nhiệm vụ chính của nó đúng là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước nhưng nó còn có nhiệm vụ phải nâng cao cái tính đại chúng, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục đại học, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận giáo dục đại học.

Nếu nhìn cả góc độ đó tôi cho việc lập thêm trường cũng như tăng số lượng sinh viên là một việc hợp lý, nhưng cái là ở chỗ chúng ta buông lỏng, không quản lý, ví dụ những trường không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ thầy giáo mà chúng ta lại cho phép họ tuyển sinh, thậm chí tăng quy mô tuyển sinh lên rất nhanh, vấn đề kiểm định chất lượng ta buông lỏng, rồi chúng ta cho việc đó là sai thì tôi nghĩ là không hợp lý.

Nên chia bớt quyền lực

Thanh Quang: Nói chung thì vấn đề quản lý giáo dục đại học hiện ra sao, có thích hợp chưa, có tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của đại học không, thưa Giáo Sư?

GS Phạm Phụ: Văn bản vừa rồi của Thủ Tướng, trọng tâm ông nói đổi mới công tác quản lý, quản trị giáo dục đại học đấy. Thực ra tôi có đọc văn bản đấy nhưng mà nội dung nó chưa thực là tương thích với nhau lắm. Đứng về quản lý, ngay trong quyết định của TT Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi đấy, ý tức là xem vấn đề đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện công tác quản lý giáo dục đại học từ nay đến năm 2012, có nghĩa là 3 năm đấy, được xem là cái điểm đột phá đấy, điều đó có nghĩa là gì?

Khi mà có gần tới 400 trường đại học rồi thì không thể có cách quản lý lâu nay là trực tiếp từ Bộ Giáo Dục Đào Tạo được nữa vì nó vi phạm nguyên tắc quản lý, phạm vi giám sát có hiệu quả đấy.

GS Phạm Phụ

Cũng thấy vấn đề quản lý giáo dục đại học hiện nay là phần nhiều tồn tại, có nhiều bất cập, và nó hạn chế sự phát triển của nền giáo dục đại học VN, cả khía cạnh quy mô, cả khía cạnh chất lượng, cũng như là cái tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, việc đổi mới quản lý giáo dục đại học trong đó luôn luôn dẫn tới phân tán quyền lực quản lý, mà đã phân tán là có sự di chuyển về quyền lực, và khi đụng đến vấn đề dịch chuyển về quyền lực thì có những người thêm quyền lực, những người giảm bớt quyền lực, thì trong thực tế không có ai muốn giảm bớt quyền lực của mình cả, cho nên luôn luôn gặp những khó khăn.

Ở Việt Nam lẽ ra vấn đề đổi mới quản lý thì nó có một mảng là đổi mới quản lý của nhà nước, thứ hai là quản lý của chính cái cơ sở giáo dục đại học.

Thanh Quang: Như vậy Giáo Sư nhận xét như thế nào về việc quản lý của nhà nước ạ?

GS Phạm Phụ: Quản lý của nhà nước thì ở Việt Nam lẽ ra nó có tới 3 con đường lận. Khi mà có gần tới 400 trường đại học rồi thì không thể có cách quản lý lâu nay là trực tiếp từ Bộ Giáo Dục Đào Tạo được nữa vì nó vi phạm nguyên tắc quản lý, phạm vi giám sát có hiệu quả đấy. Vì vậy cho nên con đường thứ nhứt là gì? Là tăng thêm quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Con đường thứ hai là giao bớt quyền lực quản lý cho những chính quyền cấp dưới, ví dụ trong điều kiện TP.HCM hay là Hà Nội, là cái năng lực nó tương đối khá rồi, thì những cơ sở giáo dục đại học nhỏ, giáo dục đại học cho người lớn tuổi, hay là giáo dục dân lập tư thục gì đấy thì giao cho các địa phương đi. Nghĩa là con đuờng thứ hai là phải giao quyền lực quản lý cho các cấp chính quyền thấp hơn, đó là con đường thứ hai. Nhưng có con đường thứ ba nữa mà ở VN chưa được lưu ý lắm, đó tạm gọi con đường giao thêm quyền lực cho cộng đồng bằng cách có những bộ phận mà người ta gọi là trung gian, ví dụ hội đồng phân phối ngân sách giáo dục quốc gia, hay là các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập có tính chất tư nhân chứ không phải là nhà nước, hay là tổ chức những hội đồng trường kiểu như giáo dục phổ thông ở Mỹ đấy, tức là hội đồng giáo dục của khu giáo dục đấy, thì ở Việt Nam con đường thứ ba này còn chưa được chú trọng và chưa được nói đến.

VN-Students-200.jpg
Sinh viên ôn bài tại một quán cà phê trong sân trường Đại học RMIT Sài Gòn. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Thanh Quang: Thưa Giáo Sư, thế còn quản lý trong phạm vi đại học thì như thế nào ạ?

GS Phạm Phụ: Đổi mới quản lý ngay trong một cơ sở giáo dục đại học thì trong cơ sở giáo dục đại học hiện nay có một vấn đề là vấn đề hội đồng trường thì vấn đề này được đưa vào trong luật giáo dục, được đưa vào trong quy chế đại học. Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn thì không một hiệu trưởng nào là muốn có cái hội đồng bên cạnh mình hết, vì vậy cho nên mặc dù đã có cơ sở pháp lý rồi nhưng cho đến giờ vẫn rất ít trường đại học lập ra hội đồng trường, cũng như lập ra hội đồng trường chưa đúng nghĩa, chưa đúng bản chất.

Đáp ứng nhu cầu xã hội?

Thanh Quang: Liên quan phương cách đào tạo đại học VN hiện nay thì phương cách đào tạo đại học VN hiện nay có đáp ứng được nhu cầu xã hội không, thưa Giáo Sư?

GS Phạm Phụ: Để trả lời câu hỏi này thì rất là khó, nhưng nó rất là nhiễu. Tôi lấy thí dụ trường hợp bữa trước người ta nêu là trường hợp công ty Intel tuyển mấy chục người mà số lượng "apply" rất là đông mà tuyển được rất là ít, và họ cho như vậy là đào tạo chất lượng không đủ, ví dụ như vậy. Thực ra trong này nó có vấn đề nhiễu, khi Intel vào VN họ chỉ làm cái khâu đóng gói với lại "test" cho nên thực ra chưa phải là người chất lượng về mặt khoa học ở đấy, có nghiên cứu năng suất gì đâu! Nhưng cái mà tôi cho họ tìm được chính là thiếu mảng giáo dục tổng quát, nghĩa là vấn đề liên quan đến những kỹ năng mềm, những kiến thức tổng quát về xã hội, khả năng giao tiếp, vân vân, sinh viên VN lại thiếu cái đấy nhưng mà nhiều người cứ nghĩ là về mặt chất lượng đại học nó không đảm bảo. Cho nên câu này không dễ trả lời, nó nhiễu lắm.

Thanh Quang: Xin cảm ơn GS Phạm Phụ rất nhiều.

Theo dòng thời sự: