Những bất thường trong phiên xử PMU 18: Việt Nam đã cần cải tổ pháp luật hay chưa ?

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Vụ án Bùi Tiến Dũng còn được gọi là PMU18 đã bắt đầu vài ngày qua nhưng tiếng vang của những sự việc được coi là khác thường trong phiên xử vẫn đang được dư luận theo dõi và chú ý.

BuiTienDungPmu200.jpg
Ông Bùi Tiến Dũng ngồi trong xe cảnh sát sau khi rời phiên tòa xét xử hôm 3-8-2007. AFP PHOTO

Dư luận không chú trọng nhiều lắm đến số phận của các bị can, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử tòa án tại Việt Nam, những biểu hiện mạnh mẽ chống lại Hội Đồng Xét Xử của các luật sư đã làm quần chúng có cảm giác như đang xem những trận bóng đá hấp dẫn giữa hai phía đại diện cho công lý tại Việt Nam. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.

Trước đây ít lâu, Bùi Tiến Dũng đã bị bắt vì đã lấy tiền công quỹ để cá độ bóng đá và số tiền được y bỏ vào các cuộc cá độ lên tới hơn 750.000 đô la. Vụ án này có tầm quan trọng đối với nhà nước Việt Nam vì cùng với hành vi tham nhũng, các bị can còn gây ấn tượng xấu cho hình ảnh của Việt Nam trước dư luận quốc tế và nhất là những định chế tài chính đang giúp đỡ Việt Nam phát triển và xây đựng hạ tầng cơ sở thông qua các ngân quỹ tài trợ ODA.

Trong bản kết tội, tòa đã nhanh chóng được sự nhận tội của bị can chính là Bùi Tiến Dũng khi ông này hầu như không có một lời biện bạch nào cho hành vi của mình, ngoài việc xin giảm khinh vì sự nhẹ dạ của ông ta. Tuy nhiên qua phần cáo buộc các bị can có hành vi chạy án cho Bùi Tiến Dũng thì vấn đề tranh cãi xảy ra nhiều khi đi đến chỗ gay gắt giữa Luật sư biện hộ và Viện Kiểm Sát.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng suốt quá trình xét hỏi, kiểm sát viên ít khi thẩm vấn các bị cáo mà chỉ đọc cáo trạng là chính. Điều này có thể được hiểu rằng kiểm sát viên đã có ý định kết tội sẵn trong văn bản và chỉ hỏi lấy lệ bị cáo mà thôi.

Tháo bỏ còng tay

Ngay từ những giây phút đầu tiên phiên tòa xử vụ án đã nóng lên. Lần đầu tiên trong lịch sử tòa án của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có một luật sư thẳng thắn lên tiếng yêu cầu tòa tháo bỏ còng tay của tất cả các bị cáo trước khi bắt đầu phiên xử. Luật sư Ngô Ngọc Thủy đã viện dẫn điều 9 bộ luật tố tụng hình sự để nêu ra yêu cầu này.

Đương nhiên cái việc hạn chế thời gian tranh tụng của Luật sư là không được pháp luật cho phép. Pháp luật đã quy định rõ ràng trong các vụ án không có hạn chế thời gian tranh tụng và lấy việc tranh tụng càng hiều và càng sâu thì đó là cơ sở tốt cho Hội Đồng Xét Xử.

Luật sư Thủy cho rằng không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án. Về mặt pháp lý thì thời điểm này các bị cáo không coi là có tội. Luật sư Thủy nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải cởi bỏ những điều không có trong luật đang diễn ra chốn pháp đình.

Đáp lại lời yêu cầu được viện dẫn từ văn bản luật của Hiến Pháp Việt Nam, chủ tọa Ngô thị Yến đã ngập ngừng nói rằng đây không phải là trách nhiệm của Hộ Đồng Xét Xử mà trách nhiệm này thuộc về công an dẫn giải các phạm nhân.

Luật sư Nguyễn Hằng Nga không đồng tình với thái độ tránh né của chủ tọa và cho rằng khi ra tòa, quyền quyết định thuộc về Hội Đồng Xét Xử và việc mở còng tay cho bị cáo sẽ giúp cho họ yên tâm, thoải mái khi khai báo. Tuy nhiên, việc này không được giải quyết khiến ngay từ đầu khiến không khí trong phiên xử đã trở nên gay cấn giữa các phía.

Trong lúc tranh cãi, luật sư biện hộ luôn đòi hỏi những bằng chứng cụ thể mà đại diện Viện Kiểm Sát không đưa ra được để kết tội các thân chủ của họ như Vũ Mạnh Tiến, Nguyễn Mậu Thôn, và Tôn Anh Dũng mặc dù những nghi can này có cầm tiền của Bùi Tiến Dũng nhưng hành vi cầm tiền này không có đủ yếu tố buộc tội họ tham gia chạy án.

Giữa lúc tranh cãi, bà Ngô Thị Yến là chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố rằng tất cả các luật sư chỉ được phép 10 phút để biện hộ cho mỗi người mà thôi vì tòa không muốn mất thời giờ. Sau khi nghe lời tuyên bố này, Luật sư Phạm Hồng Hải, chủ nhiệm đòan luật sư Hà Nội đã lên tiếng phản đối rằng việc bà Yến bảo mỗi luật sư được phép 10 phút bào chữa là vi phạm thủ tục tố tụng và sau đó Luật sư Hải cùng ba luật sư khác là Nguyễn Hằng Nga, Nguyễn Hồng Bách và Ngô Ngọc Thủy bỏ phiên xử ra về.

Mức án có sẵn

Chúng tôi tìm hiểu việc này có vi phạm luật pháp hay không qua ý kiến của luật sư Cù Huy Hà Vũ, một nhà luật học tại Hà Nội. Ông Vũ cho biết:

“Đương nhiên cái việc hạn chế thời gian tranh tụng của Luật sư là không được pháp luật cho phép. Pháp luật đã quy định rõ ràng trong các vụ án không có hạn chế thời gian tranh tụng và lấy việc tranh tụng càng hiều và càng sâu thì đó là cơ sở tốt cho Hội Đồng Xét Xử.”

Một luật gia trẻ khác là ông Nguyễn Ngọc Hòa, hiện đang làm việc tại Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đồng tình với ý kiến của luật sư Cù Huy Hà Vũ, luật sư Hòa nói:

“Điều này không đúng đối với luật pháp Việt Nam, trong quy định của tố tụng hình sự thì không được hạn chế khi đứng lên phát biểu hay chứng minh bằng những chứng cứ. Trong nhiều vụ án phức tạp thì rất tốn thời gian cho những việc này so đó tòa không có quyền giới hạn thời gian cho luật sư bào chữa.”

Mức án có sẵn trước khi xét xử là việc làm thông thường của tòa án tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên sau khi nghị quyết 08 về tư pháp ra đời thì những biểu hiện tiêu cực này có giảm nhưng vẫn còn nằm trong một số lớn tư duy thủ cựu của các Hội Đồng Xét Xử.

Luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng hành động bỏ ra về của ông là để phản ứng lại thái độ thiếu tế nhị và coi thường luật sư của HĐXX. Việc hạn chế thời gian nói hay ngắt lời giữa chừng là vi phạm điều 218 của bộ luật hình sự.

Những bản án được xử trước hay còn gọi là bỏ túi là tệ nạn nghiêm trọng nhất trong nền tư pháp Việt Nam. Vụ PMU18 tuy được xã hội đồng tình nhưng không vì thế mà tòa án có thể hành xử như cách thường làm trước đây. Nhiều người quan tâm cho là thái độ chống lại những biểu hiện tiêu cực và bất công tại tòa của những vị luật sư là một tín hiệu đáng mừng cho tư pháp Việt Nam.