Giá thuốc trong bệnh viện có cao hơn bên ngoài?

Gần đây, báo chí trong nước lên tiếng về việc giá thuốc lên xuống thất thường làm ảnh hưởng đời sống người dân. Khoa Diễm tìm hiểu thêm về sự khác biệt giữa giá thuốc trong bệnh viện và bên ngoài.

0:00 / 0:00

Thành ngữ “Đã nghèo còn gặp eo” có thể xem là luôn luôn đúng đối với người nghèo khi đau bệnh. Ngoài viện phí, tình trạng giá thuốc và giá các dụng cụ y tế cần sắm quá cao, luôn là một gánh nặng mà người nghèo tại Việt Nam không thể kham nổi.

Phụ thuộc loại thuốc

Liệu nhà thuốc của bệnh viện có lợi dụng tình thế để bắt chẹt người nghèo?

Ở trong bệnh viện mắc hơn khi bệnh viện có những mẫu độc quyền mà ở ngoài không có chẳng hạn.

DS Lương Thị Thanh Bình

Theo Dược sĩ Lương Thị Thanh Bình, hiện làm chủ một nhà thuốc Tây tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Xuân, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì sự khác biệt về giá bán thuốc giữa nhà thuốc trong khuôn viên hoặc quanh bệnh viện và nhà thuốc bên ngoài không lớn. Cũng theo dược sĩ này, sự khác biệt về giá dược phẩm phụ thuộc vào loại thuốc chứ không phải do vị trí nhà thuốc. Dược sĩ cho biết:

"Bệnh viện mà lấy theo đúng tuyến của công ty dược thì nó đảm bảo nhưng thường thì bệnh viện lấy theo kiểu trình dược viên thì cũng là cái hàng của thị trường thôi. Tụi em cũng vậy, nếu tụi em lấy hàng hóa đơn đỏ của công ty hoặc lấy hàng ngoài thị trường thì nó cũng như vậy. Vừa rồi thì nhiều thuốc nó lên thật chứ không phải là bệnh viện tăng đâu, ở ngoài tụi em lấy cũng vẫn lên, có cái lên đến mười mấy phần trăm nhưng hầu hết thì nó chênh lệch ít thôi chứ cũng không nhiều. Ở trong bệnh viện mắc hơn khi bệnh viện có những mẫu độc quyền mà ở ngoài không có chẳng hạn."

Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Photo courtesy of soytekhanhhoa.
Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Photo courtesy of soytekhanhhoa.

Vào năm 2005, Cục Quản lý Dược đã không báo trên trang web của mình các loại giá nhập khẩu, giá dự kiến bán sỉ, bán lẻ tại Việt Nam của các thuốc đã đăng ký lưu hành và nhập khẩu để người dân và các cơ sở điều trị có thể tham khảo khi mua thuốc trên thị trường nhằm phòng chống tệ nạn nâng giá. Những ai có nhu cầu có thể lên trang web này để tham khảo giá thuốc trong nước và nước ngoài theo từng thời điểm khác nhau.

Vào ngày 16/4, Bộ Y tế đã ra quyết định rà soát thị trường dược sau khi có nhiều vụ các nhà thuốc tùy tiện nâng giá, đặc biệt là các nhà thuốc trong bệnh viện, nơi mà người dân tin tưởng nhất. Các Sở Y Tế các tỉnh thành phố đã được đề nghị phải mau chóng thanh, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc, quy định về giá bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện. Các quy định về quản lý giá thuốc, kê khai giá thuốc cũng được yêu cầu phải siết lại việc thực hiện.

Mắc vẫn phải mua

Là một người tiêu dùng, chị Linh, cư ngụ tại TPHCM cho biết cảm nghĩ của chị sau khi phải đưa cha chị đi cấp cứu và cố gắng chăm sóc cho ông trong thời gian dài nằm viện.

"Khi người ta đã vào bệnh viện rồi khi người ta cần cái gì thì đương nhiên phải mua rồi, mua liền chứ không thể nào đi xa hơn nữa. Phần đông bệnh viện nào cũng vậy, cũng bán đồ mắc hơn ở ngoài. Khi mà đã đi rồi thì làm sao mình chuẩn bị được món này, món kia, vào tới nơi mà còn thiếu thì mình phải đi mua mà lúc đó mình đâu còn tiếc tiền nữa. Thuốc men cũng vậy, được có thuốc là được rồi chứ mình đâu nghĩ đến giá cả chi nữa, mình biết là nó mắc đó nhưng mà mình vẫn phải mua. Những ngày sau thì chỉ có Bác gái thôi thì cơm nước đâu có thường xuyên được thì phải ăn ở căn tin hay ăn ở ngoài thì đương nhiên nó mắc hơn và nó không ngon nữa. Mua thì mua không mua thì thôi chứ trả giá nó không bán đâu. Mắc hơn năm ba ngàn cũng không thành vấn đề vì lúc đó mình cần mà"

Fact box
Mỗi 10.000 người Việt Nam có:
- 25 giường bệnh.
- 32,5 cán bộ y tế. Trong đó có 6,5 bác sĩ.
Theo Bộ Y tế 2008

Trong thời gian gần đây, nhiều bài báo đã lên án việc các công ty dược tăng giá thuốc, dùng tiền kiếm được chia hoa hồng cho bác sĩ trong bệnh viện để những bác sĩ này kê đơn cho thuốc của họ sản xuất. Cả bác sĩ và công ty dược đều có lợi nhưng người dân nghèo lại là kẻ thiệt thòi khi chỉ có họ là người nay lưng ra chi trả cho số thuốc cần với giá khủng.

Khoảng từ đầu tháng đến nay, giá thuốc nội địa cũng bắt đầu tăng làm cho những người nghèo trong cơn bệnh lại phải thêm phần lo lắng. Nếu chính quyền không làm chủ được thị trường giá dược phẩm thì người dân phải tiếp tục với mối lo toan tiền nong mà sự thật thì phần lớn số tiền họ trả không dành cho việc thuốc men. Người dân hy vọng rằng các nhà chức trách sẽ ổn định giá thuốc để nếu khi mắc bệnh, họ sẽ giảm được nhựng chi phí không cần thiết.

Theo dòng thời sự: