Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
2 tuần qua, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức ở các thành phố lớn ở Hoa Kỳ, quy tụ giới học giả và các nhà quan sát chính trị Châu Á. Ðề tài của các cuộc thảo luận xoay quanh những dữ kiện được viết trong quyển sách mới phát hành mang nhan đề “Trung Quốc, Một Cường Quốc Mong Manh”, trong đó tác giả trình bầy những trở ngại mà giới lãnh đạo Bắc Kinh đang gặp phải khi lãnh đạo đất nước của họ.

Tác giả quyển sách đang được chú ý là Bà Tiến Sĩ Susan Shirk, khách mời của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do tuần này. Bà Tiến Sĩ Shirk từng nắm giữ chức vụ Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ đặc trách Ðông Á-Thái Bình Dương, hiện đang điều hành Trung Tâm Nghiên Cứu Hợp Tác Toàn Cầu của hệ thống đại học bang California.
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện, và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.
Nguyễn Khanh: Quyển sách bà viết mang nhan đề "Trung Quốc, Một Cường Quốc Mong Manh". Bà có ý gì khi dùng chữ "mong manh" để nói về đại cường Trung Quốc, và thưa Bà, Trung Quốc "mong manh" ở mức độ nào?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Điều thật lý thú là khi tôi nói với những người bạn Mỹ rằng tôi đang viết quyển sách nói về chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Lục mang nhan đề "Trung Quốc, Một Cường Quốc Mong Manh", thì các bạn tôi đặt ngay câu hỏi là mong manh ở chỗ nào.
Khi tôi nói với những người bạn người Hoa về quyển sách, thì những người bạn của tôi lại hỏi Trung Quốc là cường quốc ở chỗ nào, và chẳng ai thắc mắc về từ mong manh mà tôi dùng cả. Chữ mong manh mà tôi dùng ở đây là vì từ năm 1978, Trung Quốc đã trải qua những biến chuyển rất lớn, qua việc mở cửa quan hệ và mở cửa thị trường, thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội.
Khi nhìn vào xã hội của Trung Quốc hiện giờ, giới lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rõ ngay là có sự cách biệt giữa hệ thống chính trị và đời sống mà người dân Hoa Lục đang có, và họ phải lo lắng về sự sống còn của quyền lực mà Ðảng Cộng Sản đang nắm giữ.
Khi dùng từ mong manh để nói quyền lực ở Hoa Lục, tôi không có ý nói rằng Ðảng Cộng Sản Trung Hoa sẽ tan vỡ, mà tôi chỉ muốn nói rằng đang có căng thẳng giữa đảng với người dân, và giới lãnh đạo hiện nay không an tâm, lo âu vì chuyện này.
Điều thật lý thú là khi tôi nói với những người bạn Mỹ rằng tôi đang viết quyển sách nói về chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Lục mang nhan đề “Trung Quốc, Một Cường Quốc Mong Manh”, thì các bạn tôi đặt ngay câu hỏi là mong manh ở chỗ nào.
Lo âu
Nguyễn Khanh: Bà bảo rằng giới lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Trung Quốc lo âu, xin Bà nói rõ hơn về điểm này được không?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Ý tôi muốn nói là đặc biệt kể từ năm 1989 khi cuộc biểu tình diễn ra ở quảng trường Thiên An Môn ngay thủ đô Bắc Kinh và 130 tỉnh thành khác ở Hoa Lục, biến cố đó tưởng đã khiến cho Ðảng Cộng Sản Trung Quốc phải sụp đổ.
Dân chúng biểu tình khắp nơi, giới lãnh đạo thì chia rẽ trầm trọng, không thể đồng thuận với nhau về biện pháp giải quyết vấn đề. Mãi đến khi quân đội nghe theo lệnh của lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình, sử dụng võ lực để giải tán các cuộc biểu tình, lúc đó, Ðảng Cộng Sản Trung Quốc mới tồn tại.
Cũng năm đó, bức tường Bá Linh bị phá vỡ, Liên Bang Sô Viết và toàn thể Ðông Âu cũng bắt đầu sụp đổ theo. Kể từ đó, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng lo âu là thời vàng son của họ rồi cũng sẽ qua đi.
Nguyễn Khanh: Như vậy liệu giới lãnh đạo Bắc Kinh có dẫn Trung Quốc đến dân chủ, coi đó là giải pháp để cứu vãn tình thế, để giữ lấy uy quyền mà họ đang có hay không?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Không, ý tôi không phải như thế. Ðiều tôi muốn trình bày là chính trị gia nước nào cũng đều quan tâm đến việc làm sao tiếp tục nắm quyền hành. Ở các nước dân chủ, điều này được thực hiện bằng cách phải chiến thắng ở nhiệm kỳ tới, ở Trung Quốc thì giới lãnh đạo quan tâm đến chuyện làm thế nào để Ðảng Cộng Sản sống còn, và họ công khai nói điều đó với mọi người, chẳng dấu diếm gì cả.
Chuyện này được ghi lại trong các tài liệu quan trọng của Ðảng, được đảng viên các cấp bàn thảo trong những phiên họp, và mọi cấp trong đảng đều nói đến việc phải ổn định trật tự xã hội, và rất bận rộn tìm cách để đảng tồn tại trong một xã hội đang thay đổi rất nhanh về mọi mặt như xã hội Trung Quốc.
Chuyện này được ghi lại trong các tài liệu quan trọng của Ðảng, được đảng viên các cấp bàn thảo trong những phiên họp, và mọi cấp trong đảng đều nói đến việc phải ổn định trật tự xã hội, và rất bận rộn tìm cách để đảng tồn tại trong một xã hội đang thay đổi rất nhanh về mọi mặt như xã hội Trung Quốc.
Giải pháp
Nguyễn Khanh: Nếu như thế thì giải pháp nào là giải pháp đang được giới lãnh đạo Trung Quốc áp dụng để có thể tồn tại như Bà Tiến Sĩ vừa nói?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Tôi nghĩ rằng nếu nhìn vào các chính sách đối nội mà họ làm, ông thấy ngay chính sách này được thực hiện với mục đích củng cố quyền lực của đảng.
Ðương nhiên ông Hồ Cẩm Ðào, ông Ôn Gia Bảo rất quan tâm đến những vấn đề nổi cộm chưa thể giải quyết ngay được, trong đó có cả vấn đề một nửa nước Trung Hoa chưa được hưởng các ưu điểm do cải cách kinh tế đem đến, thí dụ như những nông dân nghèo ở Trung Quốc hay thành phần công nhân bị mất việc, hoặc cách biệt giữa người giầu ở thành thị và người nghèo ở nông thôn.
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc hiện đang cho thực hiện các chính sách mà tôi xin gọi là “Lòng Trắc Ẩn Trong Chủ Nghĩa Cộng Sản” để chứng tỏ cho thành phần nghèo ở Hoa Lục thấy là Ðảng quan tâm đến đời sống của họ, đồng thời dành những khoản tiền lớn vào các chương trình y tế, giáo dục.
Vì thế, tôi có thể nói là rõ ràng chính sách đối nội của họ nhắm vào mục đích lôi kéo sự ủng hộ của người dân, và đồng thời họ còn dùng chủ nghĩa quốc gia để người dân tin vào chủ thuyết cộng sản. Ðặc biệt trong thập kỷ 1990, chủ nghĩa quốc gia được tận dụng trong chương trình giáo dục, trong tổ chức tuyên truyền, để lôi kéo người dân vào với đảng, ủng hộ đảng. Nhưng chính điều đó lại tạo nên một vấn đề khác, đó là áp lực của chủ nghĩa quốc gia đối với chính sách đối ngoại.
Mức độ trách nhiệm
Nguyễn Khanh: Nhưng thưa Bà Tiến Sĩ, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn nói rằng chính phủ Bắc Kinh là một chính phủ có trách nhiệm. Ðiều đó có đúng không? Là một chuyên gia và là người đã từng hoạch định chính sách ngoại giao mà Hoa Kỳ áp dụng đối với Hoa Lục, xin hỏi là mức độ trách nhiệm của họ được Bà đánh giá như thế nào?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Thật lý thú khi nghe ông dùng từ đó để đặt câu hỏi với tôi, vì lúc còn làm việc với Tổng Thống Bill Clinton, tôi dùng từ "chính phủ có trách nhiệm" với mục đích kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm của một cường quốc, và cuối cùng, giới lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng từ này trong những bài diễn văn của họ, dường như với mục đích muốn bảo là chính Hoa Kỳ cũng phải có trách nhiệm của một đại cường.
Không. Tôi không nghĩ rằng họ chỉ muốn biểu diễn là một chính phủ có trách nhiệm đâu, mà họ thật sự không muốn va chạm với các nước khác. Nhưng điều họ đang làm nhắm vào mục tiêu quan trọng hơn là để có thì giờ lo chuyện nội tại, và tôi tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Tôi nghĩ rằng hầu hết chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh đang thực hiện cho chúng ta thấy họ là một chính quyền có trách nhiệm. Họ đã đi một bước rất dài để đảm bảo với các nước khác ở Châu Á là Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng tình bạn, không phải là một nước nuôi ý tưởng gây hấn trong khu vực, mở rộng quan hệ thương mại với mọi người, giải quyết căng thẳng do tranh chấp biên giới gây nên.
Trong đó phải kể đến việc ký kết Văn Kiện Quy Ðịnh Hành Xử với những nước đang tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Ðông, và ngay cả với một nước lớn khác là Ấn Ðộ, Trung Quốc cũng tiến đến việc cải thiện quan hệ cho tốt hơn và gần đây, Trung Quốc đóng một vai trò tích cực trong vấn đề Bắc Hàn.
Những điều đó lại dẫn chúng ta trở lại với các bất ổn trong nội bộ của Hoa Lục. Tại sao Bắc Kinh lại có chính sách ngoại giao như hiện giờ? Câu trả lời là họ muốn tránh tất cả những va chạm quốc tế có thể khiến mức phát triển kinh tế của họ bị chậm lại.
Họ e ngại kinh tế phát triển chậm có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan tràn, có thể tạo nên những cuộc biểu tình của công nhân, đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của Ðảng Cộng Sản. Chính những lo âu đó khiến giới lãnh đạo Hoa Lục phải thực hiện một chính sách ngoại giao quốc tế có trách nhiệm hơn.
Bạn trong tương lai?
Nguyễn Khanh: Như thế, trong tình huống hiện tại, thế giới có quyền xem Trung Quốc là bạn nhưng trong tương lai thì chưa hẳn như thế. Có phải ý Bà muốn nói như thế không?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Không. Tôi không nghĩ rằng họ chỉ muốn biểu diễn là một chính phủ có trách nhiệm đâu, mà họ thật sự không muốn va chạm với các nước khác. Nhưng điều họ đang làm nhắm vào mục tiêu quan trọng hơn là để có thì giờ lo chuyện nội tại, và tôi tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Nguyễn Khanh: Như thế thì theo Bà tương lai của Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Bà Tiến Sĩ Susan Shirk: Không thể nào đoán biết trước được. Ông cũng biết là hiện giờ ở Trung Quốc, mức độ đòi hỏi phải đổi mới chính trị không cao, nhưng như chúng ta đã thấy qua kinh nghiệm ở những nước khác, tình hình có thể thay đổi rất nhanh.
Và chỉ cần một cơn khủng hoảng thôi, chẳng hạn như một thiên tai xảy ra, làn sóng người chống đối sẽ tăng rất nhanh. Lúc đó các kỹ thuật hiện đại hiện giờ như điện thoại cầm tay, tin nhắn qua điện thoại, e-mail, sẽ tụ tập người dân lại. Ðiều này đã từng xảy ra không chỉ ở Liên Bang Sô Viết, mà ở những nước khác chẳng hạn như ở Trung Á. Không thể nào biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc.
Ngay bây giờ thì tôi không thấy có dấu hiệu rõ rệt cho lắm, nhưng có thể dần dần, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đưa dân chủ đến với người dân Hoa Lục, như các chính phủ Ðài Loan, Nam Hàn đã làm trước đây. Gần đây, họ có nói đến chuyện dân chủ trong nội bộ Ðảng, nhưng thể hiện ra bên ngoài thì chưa.
Có thể chính phủ Bắc Kinh sẽ lo cho dân hơn, có trách nhiệm với dân hơn, nhưng không có nghĩa là người dân được tự do, dân chủ. Dĩ nhiên điều này cũng không dễ thực hiện, nhưng không vì thế mà tôi dự đoán Trung Quốc sẽ sụp đổ ngay ngày mai.
Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Tiến Sĩ.