Luật Tư hữu Trung Quốc có mâu thuẫn với chủ thuyết cộng sản không?

0:00 / 0:00

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trung Quốc vừa thông qua và ban hành Luật về Quyền Tư hữu, qua đó các tài sản của lãnh vực tư cũng được pháp luật bảo vệ như tài sản của tập thể hay Nhà nước. Sự khẳng định đó có mâu thuẫn với chủ thuyết cộng sản Mácxít hay không ? Lê Dân trao đổi việc này cùng bình luận gia Ngô Nhân Dụng của nhật báo Người Việt ở California.

ChinaHousingPolice150.jpg
Công an Trung Quốc tuần tra trên đường phố. AFP PHOTO

Lê Dân: Thưa ông, do đâu mà có sự hình thành luật về quyền tư hữu này ở Trung Quốc ? Có phải nó đã được bắt nguồn từ mấy thập niên qua, vào khi Liên Xô và các nước Đông Âu đang bên lề sụp đổ và Bắc Kinh thấy cần phải đổi mới để tránh thảm họa do kinh tế suy đồi gây ra ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Dạ thưa, đây là một quá trình tự nhiên, khi mà đảng Cộng sản đã thay đổi về phương diện kinh tế. Từ một nền kinh tế chỉ huy, tập trung, hoạch định, sang một nền kinh tế thị trường tự do, thì tất yếu là họ phải công nhận quyền tư hữu. Đó là điều mà người ta thấy là nó phải diễn tiến bình thường, tự nhiên phải như vậy.

Động lực thúc đẩy

Lê Dân: Có những động lực nào thúc đẩy khiến Bắc Kinh phải cố sức vượt qua rất nhiều trở lực, mạnh nhất là trong nội bộ đảng Cộng sản cầm quyền, để hợp thức hóa và cam kết bảo vệ quyền tư hữu ngang bằng như các tài sản, vật chất khác của tập thể và của Nhà nước, thưa ông ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Chúng ta có thể nhìn vấn đề này dưới hai khía cạnh khác nhau. Một là sự phát triển kinh tế của một nước đòi hỏi phải công nhận quyền tư hữu và bảo vệ quyền đó.

Thứ hai, là nhu cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi đã đổi mới hơn hai chục năm, thì những người lãnh đạo ở trong đảng, cán bộ cấp trung, cấp cao, họ đã thủ đắc được những tài sản rất lớn. Họ thấy là cần có những luật lệ để bảo vệ những tài sản đó. Đấy có thể nói là hai lý do khiến đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra đạo luật mới thông qua này.

Thứ hai, là nhu cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi đã đổi mới hơn hai chục năm, thì những người lãnh đạo ở trong đảng, cán bộ cấp trung, cấp cao, họ đã thủ đắc được những tài sản rất lớn. Họ thấy là cần có những luật lệ để bảo vệ những tài sản đó. Đấy có thể nói là hai lý do khiến đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra đạo luật mới thông qua này.

Lê Dân: Thế nhưng chuyển đổi từ thái cực này sang thái cực kia, từ chủ trương tiêu diệt quyền tư hữu, đặc biệt là các phương tiện sản xuất, trở lại công nhận và đề cao, bảo vệ quyền đó, có phải là một việc cập rập và mâu thuẫn hay không, thưa ông ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Nếu chúng ta nói về diễn trình từ lúc đảng Cộng sản Trung Quốc đổi mới, thì họ đã chuẩn bị cho việc ra luật bảo vệ quyền tư hữu này từ 5, 7 năm trước. Cách nay 5 năm họ đã thay đổi cương lĩnh của đảng, cho phép đảng viên được kinh doanh tư, đồng thời họ cũng bắt đầu thu nhận những nhà tư sản vào trong đảng.

Sự thay đổi cương lĩnh đó có thể xem là bước mở đường. Vì khi các nhà tư sản trở thành đảng viên, hoặc đảng viên trở thành tư sản thì cuối cùng các quyền lợi của đảng viên và tư sản sẽ là một. Dĩ nhiên ở trong đảng, những người nào có quyền cao, chức trọng thì sẽ trở thành tư sản sớm hơn.

Sau khi đã thay đổi cương lĩnh, cách nay 3 năm, người ta đã thay đổi Hiến pháp. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ghi vào Hiến pháp là quyền tư hữu cũng được coi trọng như quyền sở hữu công. Đó là bước thay đổi thứ nhì. Bây giờ đến bước thứ ba là họ biến nó thành luật lệ.

Trở lại vị trí 58 năm trước

Lê Dân: Ông nghĩ gì về nhận xét "Các học giả, nhà nghiên cứu, thì không ủng hộ hay phê phán, mà chỉ bình luận rằng sau hơn nửa thế kỷ dìu dắt người Trung Quốc, đảng Cộng sản xứ này lại vừa lãnh đạo nhân dân quay trở lại đúng vị trí 58 năm trước, khi chế độ xã hội chủ nghĩa chưa áp dụng trên nước Trung Hoa mênh mông ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Chuyện này cũng không có gì là lạ. Ở bên các nước cộng sản khác như bên Nga, Đông Âu...người ta cũng đã làm một cuộc phiêu lưu, đi theo chế độ cộng sản một thời gian, rồi cuối cùng người ta cũng xóa đi, trở lại cái thời trước cộng sản.

Nếu nói là đạo luật về quyền Tư hữu này khiến họ trở lại chỗ cũ, trước đây năm 1949, lúc họ xóa bỏ nền kinh tế Trung Quốc để thiết lập chế độ cộng sản thì thật ra họ vẫn chưa, chưa đi đúng một vòng khép kín như vậy.....

Họ cấm vì nếu để cho tự do thảo luận thì sẽ có hai luồng chống đối. Thứ nhất là từ những người cộng sản cuồng nhiệt, kiên trì. Họ muốn bảo vệ một chế độ cộng sản không có quyền tư hữu trong đó. Những người đó rất là to tiếng. Có nhiều giáo sư đại học ở Bắc Kinh viết nhiều bài công kích đạo luật này, nói rằng nó phản lại chủ nghĩa Mác và Lênin.

Lê Dân: Sao lại chưa, thưa ông ? Khi từ chỗ tước bỏ quyền làm chủ tài sản, làm chủ các yếu tố sản xuất của người dân, để trao chúng vào tay tập thể hay nhà nước. Nay trao trở lại các tài sản đó cho bên khu vực tư, thì đúng là một vòng 360 độ rồi còn gì ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Là bởi vì trong cái đạo luật gọi là bảo vệ quyền tư hữu này nó vẫn chỉ là nửa vời, nó vẫn dở dang, chưa đi tới chỗ tận cùng của nó. Trong luật bảo vệ quyền tư hữu mới thông qua, Trung Quốc vẫn không cho người dân được quyền làm chủ ruộng đất, kể cả đất làm nhà, hay làm ruộng cày cấy.

Trước năm 1949, người dân Trung Hoa có quyền đó. Mà đó là một yếu tố rất quan trọng để kinh tế phát triển được. Trung Quốc hiện vẫn chưa đến được điểm đó.

Lê Dân: Thật ra, việc tư hữu, nói nôm na như người dân có vài lượng vàng, hay ít trăm cổ phiếu...hiện xem như là đương nhiên. Điều đó phần nào cũng có thể xem như cá nhân cũng nắm giữ phương tiện sản xuất, kinh doanh. Vậy thì đạo luật mới của Trung Quốc có gì khác biệt lớn lao ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Thì có thể coi đây là sự tiến bộ. Từ chỗ mình có thể giữ đồng tiền làm ra, lượng vàng mua được, cho đến cái cổ phiếu của mình. Bây giờ công nhận quyền sở hữu tư dù chỉ là chung chung, nhưng cũng đi ngược lại chủ nghĩa Mác và Lênin, tức là những tư liệu sản xuất bây giờ cũng có thể thuộc về tư nhân, chứ không nhất thiết phải thuộc về tập thể hay nhà nước.

Vì sao lại cấm

Lê Dân: Nếu nói đó là một sự tiến bộ thì tại sao Bắc Kinh chỉ thị cấm tất cả mọi cuộc thảo luận công khai về vấn đề này trên báo chí, truyền thông và tại các nơi công cộng ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Họ cấm vì nếu để cho tự do thảo luận thì sẽ có hai luồng chống đối. Thứ nhất là từ những người cộng sản cuồng nhiệt, kiên trì. Họ muốn bảo vệ một chế độ cộng sản không có quyền tư hữu trong đó. Những người đó rất là to tiếng. Có nhiều giáo sư đại học ở Bắc Kinh viết nhiều bài công kích đạo luật này, nói rằng nó phản lại chủ nghĩa Mác và Lênin.

Loại chỉ trích thứ hai là của những người muốn tự do hơn. Tất nhiên, như chúng tôi vừa mới trình bày là đạo luật này vẫn chỉ là nửa vời, nó chưa thành thật công nhận quyền tư hữu, đặc biệt là của giới nông dân Trung Quốc, là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Tôi chắc là giới lãnh đạo đàng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ đi những bước như bên lãnh đạo Bắc Kinh đang làm. Bởi vì từ trước đến nay, hễ bên Trung Quốc đưa ra quyết định thay đổi nào, thì sau đó một thời gian bên Việt Nam cũng làm.

Hai luồng chỉ trích đó, nếu được tự do thì họ sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ. Chính quyền Trung Quốc theo phản ứng tự nhiên của một đảng Cộng sản, bao giờ cũng vậy, là không cho ai nói gì khác với ý kiến của giới lãnh đạo cả. Do đó họ phải cấm không cho bàn, không những không được bàn về quyền tư hữu, mà họ còn không cho bàn rất nhiều vấn đề khác nữa.

Hà Nội sẽ bắt chước Bắc Kinh?

Lê Dân: Ông có dự đoán gì về tác động của tiếp trình lập pháp này của Trung Quốc đối với Việt Nam trong một tương lai gần ? Nên hay không nên, và lúc nào sẽ xảy ra việc đó ?

Ông Ngô Nhân Dụng: Tôi chắc là giới lãnh đạo đàng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ đi những bước như bên lãnh đạo Bắc Kinh đang làm. Bởi vì từ trước đến nay, hễ bên Trung Quốc đưa ra quyết định thay đổi nào, thì sau đó một thời gian bên Việt Nam cũng làm.

Chẳng hạn như hồi Bắc Kinh đồng ý cho các nhà tư sản gia nhập đảng, hay cho đảng viên kinh doanh, thì năm trước ở Đại hội 10 bên Việt Nam cũng làm giống như vậy. Trễ hơn dăm năm, nhưng mà có vẫn hơn không. Tôi chắc rằng trong thời gian tới đây, đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ thay đổi cả Hiến pháp cùng các luật lệ để công nhận quyền tư hữu.

Lê Dân: Xin cảm ơn nhà bình luận Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt về những nhận xét ông trao đổi hôm nay.