Nhân dịp "Đóng nắp ván thiên tính sổ chuyện đời" cho người vừa nằm xuống, biên tập viên Nguyễn An hỏi thăm nhà báo Bùi Tín về những đóng góp của ông Kiệt. Nhà báo Bùi Tín hiện đang sinh sống tại Paris nguyên là đại tá Quân Đội Nhân Dân và phó tổng biên tập báo Nhân Dân.
Nhiều quan điểm tiến bộ
Về những điểm tích cực nổi bật của ông Kiệt, ông Bùi Tín nói:
Ông Bùi Tín: Tôi thấy ở ông Kiệt có nhiều điểm nổi bật. Trong Bộ Chính Trị cũng như trong Trung Ương Đảng thì ổng là con người có quan điểm tiến bộ hơn cả.
Có thể nói là cái quan điểm về dân chủ trong đảng, quan điểm về nghe ngóng và đổi mới, rồi hiểu biết về thế giới thì tôi nghĩ ông Kiệt là một trong những người nổi bật và là người có những quan điểm tiến bộ. Ngay cả đối với vấn đề hoà hợp và hoà giải dân tộc thì ổng cũng có quan điểm khác với quan điểm của Bộ Chính Trị hiện nay.
Gần đây ổng viết cả một bài nói về số phận của nông dân, như là nông thôn đã bị đặt ra ở ngoài lề của đổi mới và cái thảm cảnh của nông dân trong cái đổi mới đó thì cuộc sống không được cải thiện mấy, v.v…
Ổng báo động về tình hình của nông thôn, hay là ngay đối với di tích Hoàng Thành Thăng Long (thì) ổng cũng có một thư riêng để nêu lên là không nên phá cái Hội Trường Ba Đình làm ảnh hưởng đến di tích đó và nên hoãn việc xây dựng trụ sở quốc hội mới lại.
Ở ông Kiệt có nhiều điểm nổi bật. Trong Bộ Chính Trị cũng như trong Trung Ương Đảng thì ổng là con người có quan điểm tiến bộ hơn cả.
Ông Bùi Tín<br/>
Tôi nghĩ đấy là những quan điểm rất là tiến bộ.
Chưa vượt qua được độc đảng
Nguyễn An: Thưa, thế còn mặt tiêu cực, tức là những điểm yếu của ông Kiệt thì ra sao?
Ông Bùi Tín : Sau khi đã nghỉ hưu thì ổng nhìn nhiều vấn đề rõ lắm. Cái thứ hai tức là ổng hơi chậm. Cái mức độ tiến bộ của ổng cũng là hạn chế, chưa vượt qua được cái quan điểm về độc đảng, về việc chấm dứt cái độc đoán, cái chế độ toàn trị, và cũng như là chưa vựơt qua được cái gọi là trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân. Đáng lẽ cái việc này phải làm từ Năm 1986 (thì) ổng cũng chưa vượt qua được những quan điểm thủ cựu.
Cho nên tôi nghĩ là ổng vẫn xếp vào lớp người bảo thủ, nhưng là người tiên bộ nhất trong hàng ngũ những người bảo thủ. Ổng cũng chưa vượt qua được chính mình để có những đổi mới cả về chính trị cần thiết, và nhất là như quan điểm về báo chí.
Nguyễn An: Thưa, về báo chí thì ông Kiệt chủ trương như thế nào?
Ông Bùi Tín : Thì ổng nói rõ là để cho báo chí có quyền điều tra và phát ngôn. Và ổng là người ủng hộ ngay cả ông Linh trong vấn đề là các nhà văn phải tự cúu lấy mình, không được bẻ cong ngòi bút.
Nhưng, ngược lại thì ổng lại là người không vượt quá lên được để cho phép tổ chức được nhiều tổ chức hội nhà văn chứ không phải chỉ có một hội duy nhất, hay là cho tư nhân làm báo.
Nguyễn An: Như vậy theo ông thì ông Kiệt là người có những mặt tích cực nhưng mà ngay ở những mặt tích cực đó thì ông ta có những giới hạn. Thế thì theo ông, nguyên nhân của những giới hạn đó là do đâu?
Đánh giá tổng quát thì ông Kiệt đáng khen ở cái điểm là ổng cũng có những quan điểm độc lập; hai nữa là có những quan điểm vượt lên trên Bộ Chính Trị, nhưng mà cũng vẫn hạn chế trong cái phạm vi của độc đảng.
Ông Bùi Tín<br/>
Ông Bùi Tín: Đánh giá tổng quát lại thì ổng đáng khen ở cái điểm là ổng cũng có những quan điểm độc lập; hai nữa là có những quan điểm vượt lên trên Bộ Chính Trị, nhưng mà cũng vẫn hạn chế trong cái phạm vi của độc đảng. Thì tôi cũng nghĩ là có lẽ hạn chế là bởi vì một là ổng ở trong rừng lâu và ổng tiếp xúc với thế giới ít lắm; cái thứ hai là cũng vì trình độ học thức nữa.
Nghị định 31/CP và Tổng cục 2
Nguyễn An: Thế còn cái Nghị Định 31/CP và cái việc thành lập Tổng Cục 2 thì ra sao?
Ông Bùi Tín : Đấy, ổng chính là người ký cái nghị định đó và đồng thời ổng cũng là người ký một cái nghị định nữa nhân danh thủ tướng chính phủ là cho cái Tổng Cục 2 quyền đặc biệt để cho nó thành ra một tổ chức tình báo đặt trên Đảng, đặt trên Chính Phủ.
Ổng có cái ưu điểm là ổng nhìn nhận rằng "Tôi đã ký cái nghị định này và đây là một sai lầm. Nhưng mà sau khi tôi đã suy nghĩ đến 10 tháng tôi mới ký." Nhưng mà sau này ổng vẫn để nguyên chứ ổng đã huỷ bỏ cái nghị định đó đâu!
Nguyễn An: Như vậy có thể coi việc ký hai nghị định đó như là những mặt tiêu cực của ông Kiệt không?
Ông Bùi Tín : Vâng. Đúng như thế. Ngay cả cái quan điểm cho là tiến bộ nhất là hoà giải dân tộc thì ổng đã có bao giờ nói là đảng cần phải xin lỗi nhân dân đâu?
Ông vẫn chưa nêu lên rõ cái sai lầm của đảng sau 30 Tháng 4 là đày đoạ người ta, rồi chiếm đóng Miền Nam, rồi do cái phân biệt đối xử mà gây nên cái thảm kịch thuyền nhân nữa. Xin lỗi tất cả nạn nhân trong vụ thuyền nhân thì mới có thể đi đến hoà giải hoà hợp dân tộc chứ! Xin lỗi và nhận tất cả cái khuyết điểm, cái sai lầm của thời kỳ đó, cái đó vẫn ở ngoài tầm của ổng.
Nguyễn An: Xin cảm ơn nhà báo Bùi Tín.
Ông Bùi Tín: Cảm ơn Nguyễn An.
(Trên đây là ý kiến của nhà báo Bùi Tín về họat động của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa từ trần. Xin đựơc nhắc rằng ý kiến của nhà báo Bùi Tín không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.)
Theo dòng thời sự:
- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, hưởng thọ 85 tuổi
- Những người cùng thời nói gì về sự ra đi của ông Võ Văn Kiệt?
- Tác động của những hoạt động gần đây của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt (I)
- Tác động của những hoạt động gần đây của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt (II)
- Cựu TT Võ văn Kiệt: "không thể làm bậy, rồi được hạ cánh an toàn"
- Về việc ông Võ Văn Kiệt đề nghị sửa đổi Điều lệ Đảng
- Dư luận tại Hà Nội về việc cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị sửa đổi Điều Lệ Đảng
- Các nhà dân chủ trong và ngoài nước nghĩ gì về những góp ý của cựu TT Võ Văn Kiệt với Bộ Chính Trị (phần 1 & 2)
- Thêm một lá thư góp ý của Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi đến đảng CSVN
- Ông Lê Hồng Hà: Bài phát biểu của ông Võ Văn Kiệt không đầy đủ
- Nhận xét của ông Bùi Tín về bức thư góp ý của ông Võ Văn Kiệt gửi đảng CSVN (I)
- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang trao đổi về thư góp ý của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị
Nguyên văn thư góp ý của ông Võ Văn Kiệt
- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng CSVN (phần 1)
- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng CSVN (phần 2)
- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng CSVN (phần 3)
- Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng góp ý kiến với Trung ương Đảng CSVN (phần 4)