Đâu là thực tế của vấn đề Lao động Xuất khẩu?

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Rất nhiều người đã không quản ngại vay mượn tiền bạc để mong được ra nước ngoài làm việc cho dù số tiền phải đóng cho những công ty Xuất khẩu Lao động được biết là rất cao. Tuy nhiên khi tính lại môt cách tỉnh táo thì liệu số tiền kiếm được sau khi khấu trừ có xứng với mồ hôi mà người lao động bỏ ra hay không chưa kể nhiều trường hợp bị bạc đãi và bạo hành nơi xứ người. Mặc Lâm mời quý vị theo dõi bài viết sau đây.

TaiwanVietnamLabor200.jpg
Công nhân làm việc ở Đài Loan. AFP PHOTO

Theo những số liệu chính thức của Sở Lao Động và Thương Binh Xã Hội Thành Phố Hồ Chí Minh thì hiện nay trên địa bàn thành phố có 52 công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, trong đó có 8 công ty thuộc quyền quản lý của UBND Thành Phố Hồ Chí Minh số còn lại thuộc quyền quản lý của các bộ ngành đoàn thể thuộc trung ương và các UBND các tỉnh thành phố.

Tuy nhiên rất nhiều công ty tư nhân không thuộc sự quản lý của nhà nước kinh doanh lĩnh vực xuất khẩu lao động vì đây là một dịch vụ không tốn kém tiền đầu tư nhưng nguồn lợi thu vào rất đáng kể.

Trung bình mỗi lao động nộp đơn xin đi lao động nước ngoài thì công ty sẽ hưởng được 1200 đôla và nhiều phí phụ thu khác như phí huấn luyện ngoại ngữ, phí huấn luyện chức năng làm việc, khám sức khỏe... người lao động thật sự nằm dưới sự hướng dẫn của các công ty tuyển người này mà không hề thắc mắc.

Thông tin và chi phí tuyển dụng, đào tạo

Chúng tôi tìm hiểu thêm về thủ tục cũng như những công đoạn mà một người đi lao động nước ngoài phải trải qua. Một nhân viên tiếp nhận người xin việc của Công ty xuất khẩu lao động Hướng Dương có trụ sở tại Hà Nội cho chúng tôi biết những thủ tục ban đầu của một người muốn đi lao động tại Đài Loan: “Chúng tôi có rất nhiều đơn hàng của Đài Loan chủ yếu chỉ làm trong các nhà máy, giúp việc thì không còn nữa. Cũng có thể làm ở viện dưỡng lão là hộ lý, y tá. Thứ nhất anh phải đủ chiều cao cân nặng. Anh cũng phải làm xét nghiệm kiểm tra máu xem anh có bị nhiễm HIV hay viêm gan B hay không. Sau đó phải học tiếng”.

Mặc Lâm: Như vậy những người muốn đi xuất khẩu lao động sẽ học tiếng Đài Loan ở đâu?

Nhân viên Công ty Hướng Dương: Chúng tôi có đào tạo các khóa học, về khóa học Đài Loan thì khoảng 3 tháng. Có hai loại đào tạo một là ngoại trú thì chỉ đóng tiền học thôi, hay ký túc xá thì ăn ở tại chỗ luôn. Trong khi huấn luyện chúng tôi theo dõi cái phản xạ lao động để đề cử đơn hàng. Có hai loại đề cử một là gửi cho đối tác, hai là họ về Việt Nam để tuyển trực tiếp. Riêng thủ tục giấy tờ cá nhân thì mình tự làm thôi.

Mặc Lâm: Xin chị cho biết là người công nhân phải đóng bao nhiêu tiền cho toàn bộ việc xin đi lao động.

Nhân viên Công ty Hướng Dương: Người lao động chỉ đóng tiền học ban đầu cho một khóa học ba tháng. Riêng về giấy tờ thì mình tự làm chẳng hạn như hộ chiếu hay lý lịch tư pháp thì mình phải tự chi trả chứ công ty không làm giúp mà công ty chỉ hướng dẫn thủ tục mà thôi.

Mặc Lâm: Như vậy sau khi trúng tuyển thì họ phải đóng bao nhiêu tiền trước khi lên máy bay?

Nhân viên Công ty Hướng Dương: Khi trúng tuyển thì công ty sẽ đưa đi khám sức khỏe và làm những thủ tục tài chính. Tùy từng đơn hàng cụ thể, nó giao động từ 4500 đến 5500 cộng với tiền đặt cọc sổ đỏ hoặc tiền chống trốn. Nếu sau này người lao động không trốn thì về nước sẽ lấy lại.

Mặc Lâm: Vậy người lao động phải trả bao nhiêu cho công ty tuyển mộ?

Nhân viên Công ty Hướng Dương:Trong số tiền họ nộp trước khi đi là khỏang hơn 5000 đôla, đã bao gồm hai năm phí quản lý của Việt Nam theo quy định của Bộ cho những người đi lao động nước ngoài dù nước nào chăng nữa thì phải nộp phí này một năm là một tháng lương cơ bản. Sang bên kia thì các bạn sẽ phải chịu khấu trừ những khoảng theo quy định của Đài Loan chẳng hạn như tiền khám sức khỏe định kỳ cứ mỗi ba năm thì khám 4 lần, tiền bảo hiểm y tế, tiền phí dịch vụ Đài Loan

Mặc Lâm: Xin chị cho biết tiền lương mỗi tháng sẽ được bao nhiêu?

Nhân viên Công ty Hướng Dương: Lương thì cơ bản là 15.840 Đài tệ tương đương khoảng 500 đô la. Đấy là lương cơ bản chưa tính các ngày làm thêm hoặc chưa khấu trừ các khoản theo quy định.

Dòng người vẫn tiếp tục ra đi

Mặc dù lương tháng còn lại không bao nhiêu so với số tiền rất lớn phải bỏ ra nhưng dòng người xin đi lao động nước ngoài không hề giảm sút. Điều này cho thấy ước muốn được làm việc ở nước ngoài hấp dẫn người dân cao đến thế nào.

Những trường hợp bất trắc xảy ra hàng ngày tại Đài Loan không làm người xin đi nản chí có lẽ những khó khăn trong cuộc sống đã thúc đẩy họ có những quyết định hết sức liều lĩnh, ngay cả khi đem tiền để nạp cho những tổ chức kinh doanh loại hình này một cách trái phép.

Nhiều tin tức mới đây cho thấy không ít những công ty bất hợp pháp mượn danh nghĩa hợp đồng xuất khẩu lao động nước ngoài đã lấy tiền của người đi tìm việc rồi bỏ trốn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh thương tâm.

Chúng tôi liên lạc với Sở Lao Động và Thương Binh Xã Hội Thành Phố Hồ Chí Minh mong tìm những câu trả lời từ phía nhà nước về những giải pháp ngăn ngừa và phòng chống tình trạng này. Khi xin phép phỏng vấn bà Đinh Kim Hoàng, người phụ trách việc trả lời báo chí chúng tôi được bà Hoàng cho biết:

“Thưa ông để cho dễ dàng trong vấn đề thông tin, theo quy định của ông giám đốc sở tôi thì các phóng viên báo đài nói chung trong nước cũng như nước ngoài cần biết tin tức của sở hoặc tình hình lao động chung của thành phố xin cho một cái fax nội dung cần biết. Nếu trong nước thì chúng tôi sẽ xin phép giám đốc sở trả lời theo luật lao động Việt Nam con đối với những báo đài nước ngoài chúng tôi sẽ trao đổi với sở ngoại vụ và sẽ có phúc đáp”.

Những thông báo tương tự như trên thật ra cản trở rất nhiều cho những điều cần biết của người dân thông qua phương tiện truyền thông đại chúng. Hy vọng rồi đây khi người lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi và bổn phận của mình thì những công ty ma mãnh kia sẽ không còn chỗ để lường gạt họ thông qua hình thức trung gian xuất khẩu lao động nữa.