Sông hồ Hà Nội đang từ từ biến mất

Hà nội, vẫn được gọi là thành phố ‘bên trong sông’ là thành phố của sông và hồ. Sông hồ ở Hà Nội không chỉ mang lại vẻ đẹp đặc trưng của thành phố mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết lượng nước mưa, chống lũ lụt cho thủ đô.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cùng với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt và sự phát triển nhanh chóng của dân số, các ao hồ Hà Nội đang dần bị biến mất, các con sông bị thu nhỏ.

Sông hồ Hà Nội đang bị bức tử. Đó là tựa đề một bài báo gần đây trên Việt Nam net nói lên thực trạng bê tông hóa, san lấp ao, hồ, sông ở Hà nội. Cũng theo bài báo này thì có đến 65% diện tích sông, hồ đã bị lấp, số còn lại thì bị bê tông hóa đến mức khả năng điều hòa của các hồ ở Hà Nội đang ‘chết’ dần.

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết thì chỉ tính 10 năm từ năm 1986 đến 1996, riêng bốn quận nội thành của Hà Nội đã mất đi già nửa diện tích mặt nước. Diện tích mặt nước ở đây được hiểu bao gồm các sông, hồ, ao.

Riêng đối với hồ, cách đây hơn chục năm, cả Hà Nội còn có trên 40 hồ với tổng diện tích trên 850 ha, nhưng hiện nay chỉ còn 19 hồ với tổng diện tích trên 600 ha.

Tốc độ đô thị hóa

Nguyên nhân chính khiến diện tích mặt nước tại Hà Nội bị thu hẹp là do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số đô thị tăng nhanh. Vì thế Hà Nội cần thêm quỹ đất để mở rộng, xây dựng các công trình nhà cửa cho dân cư. Nói về thực trạng này, giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho biết:

Người ta cố gắng lấp đi để làm diện tích xây dựng, xây nhà, công trình, người dân cũng lấp, nhà nước cũng lấp.

GS Phạm Ngọc Đăng

“Người ta cố gắng lấp đi để làm diện tích xây dựng, xây nhà, công trình, người dân cũng lấp, nhà nước cũng lấp. Lấy đi để làm đất xây dựng. Giá khoảng độ mấy trăm nghìn một mét vuông thì thành mấy triệu một mét vuông. Và rất nhiều ao hồ là do nhà nước lấp để xây dựng các khu nhà ở đủ đảm bảo chỉ tiêu hồi đó là khoảng 1 triệu mét vuông nhà ở một năm.”

Giá đất ở Hà Nội bắt đầu tăng lên vù vù vào hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Đất nội thành Hà Nội được ví như tấc đất tấc vàng. Người dân ngang nhiên đổ đất đá xuống hồ để lấn chiếm. Điển hình nhất là ở khu vực Hồ Tây nổi tiếng của Hà Nội. Đây cũng chính là một trong những khu vực có giá đất cao nhất tại Hà Nội, và cũng là nơi các biệt thự cho người nước ngoài thuê mọc lên như nấm. Giá thuê trung bình một biệt thự ở đây phải tính hàng ngàn đô la một tháng.

Làm đẹp thành phố?

Trong khi đó, với nỗ lực làm đẹp mỹ quan đô thị, Hà Nội có chủ trương cho kè hàng loạt các hồ lớn và các con sông như hồ Thuyền Quang hay còn gọi là hồ Ha le, hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Lừ. Theo lý giải của các nhà quản lý thì ngoài việc làm đẹp bộ mặt thành phố, thì việc kè như vậy cũng giúp ngăn chặn nạn đổ rác thải bừa bãi của dân hai bên bờ các con sông, và tránh được nạn san lấp sông hồ trái phép. Thế nhưng theo các nhà khoa học, khi kè các công trình này, thay vì kè theo chiều thẳng đứng thì Hà Nội cho phép kè theo góc xiên 45 độ. Điều này vô hình chung đã làm mất diện tích các sông hồ.

Nguyên nhân ngập lụt

Việc san lấp và bê tông hóa sông hồ đã khiến cho khả năng điều tiết nước tự nhiên của chúng bị hạn chế, gây nạn úng lụt thường xuyên ở Hà Nội, kể cả khi mưa chỉ ở mức 50mm, gây thiệt hại về kinh tế cho cả chính quyền lẫn người dân. Giáo sư Phạm Ngọc Đăng giải thích về tình trạng này như sau:

Nhưng mà nếu anh đã lấp đi, bê tông hóa rồi thì nước chảy xuống không thấm đi được mà tràn trên mặt nước, tạo các dòng úng, tích nước ở thủ đô, gây ra úng ngập.

GS Phạm Ngọc Đăng

“Ao hồ, tất cả các mặt nước ở Hà Nội thì lâu nay là điều kiện cân bằng nước tự nhiên, lúc mưa xuống thì nó chứa vào đó, lúc trời khô hanh thì nó bốc hơi lên tạo ra độ mát mẻ của thành phố, và tích nước mưa. Và cứ mỗi một trận mưa to như vậy thì nó có khả năng điều hòa dòng nước, thứ hai là mặt nước mặt đất, mặt cỏ, cây thì khả năng thấm nước xuống dưới nước ngầm, tạo nước ngầm. Nhưng mà nếu anh đã lấp đi, bê tông hóa rồi thì nước chảy xuống không thấm đi được mà tràn trên mặt nước, tạo các dòng úng, tích nước ở thủ đô, gây ra úng ngập. Việc kè sông và hồ vừa qua là theo phương án kè thoải hết, tức là kè dốc khoảng 1:1, tức là 45 độ nên nó làm mất không gian của sông, hồ, vì cái hồ Thuyền Quang mà báo chí nói là biến hồ thành cái ao, tức là kè như vậy thì làm mất thể tích của nó và sức chứa nước của nó sẽ rất ít, và ngay dòng sông như vậy, diện tích cắt ngang để chảy nước cũng ít đi, nên kè như vậy là sai.”

Chữa cháy tạm thời

Cũng theo ông Đăng thì các nhà khoa học đã phản biện mạnh mẽ về tình trạng bê tông hóa sông hồ tại nhiều cuộc họp với lãnh đạo thành phố nhưng thường thì việc hỏi ý kiến của nhà khoa học chỉ diễn ra khi việc đã rồi nên giờ chỉ còn cách chữa cháy mà thôi.

Để hạn chế nạn úng ngập cho thành phố, có 4 giải pháp chữa cháy mà các nhà khoa học nêu ra đối với Hà Nội hiện tại là tăng cường hơn các trạm bơm lưu động, phát huy hết công suất của trạm bơm Yên Sở, khuyến khích các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất xây dựng bể chứa nước mưa, tăng cường chính sách quản lý để sông hồ không bị lấn chiếm vào diện tích sử dụng vào mục đích khác.

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân còn gợi ý Hà Nội tạo hệ thống công viên hồ nước. Theo kiến trúc sư Vân thì nếu có một hệ thống sông hồ diện tích khoảng 1,000 ha thì có thể thu được 15 triệu mét khối nước vào ngày mưa và mang lại không khí mát mẻ cho ngày nắng.

Mới đây, vào ngày 27 tháng 8, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát tất cả các quy hoạch công viên, cây xanh, hồ nước trên địa bàn thủ đô. Trước đó, vào tháng 6 thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đặc biệt quan tâm, giữ gìn, và cải tạo các ao hồ để tạo cảnh quan đẹp trong thành phố. Kết quả những cố gắng này ra sao tất nhiên còn phải chờ thời gian trả lời.