Khiếu kiện đất đai: Chuyện dài nhiều tập

Khiếu kiện đất đai là vấn đề dai dẳng và âm ỉ tại Việt Nam. Dù cơ quan chức năng đưa ra nhiều hứa hẹn nhưng rồi những người dân mất đất vẫn chưa tin tưởng.

0:00 / 0:00

Thừa nhận về bất cập

Năm nay chính phủ Hà Nội ra ưu tiên giải quyết những khiếu kiện đất đai kéo dài lâu nay với chỉ thị của thủ tướng là các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết những vụ việc được cho là kéo dài và gây bức xúc trong dân.

Lý do vì sao chính phủ Việt Nam phải đưa ra ưu tiên đó? Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho biết thông tin liên quan tình hình khiếu kiện liên quan đất đai và thực tế giải quyết các đơn thư trong lĩnh vực này của dân chúng lâu nay:

Điều quan trọng cần phải nhìn vào sự thực, thực tế. Pháp luật hiện nay đã đủ; tuy nhiên còn có những luật chưa đủ chi tiết thì có thể bổ sung bằng những nghị định của chính phủ, bằng những thông tư hướng dẫn của cấp bộ.

TS. Đặng Hùng Võ

“Nguyên nhân trường hợp giải tỏa treo do bắt đầu có quyết định thu hồi đất mà mãi không dứt điểm được việc bồi thường - giải phóng do xác định giá đất thấp quá dẫn đến việc khiếu kiện. Nếu khiếu kiện có lý, việc giải quyết phải đi theo hướng tìm kiếm giải pháp hợp lý.

Trường hợp quyết định của địa phương đưa đến những khiếu kiện của dân, cần phải xem xét quyết định sai ở đâu: do qui hoạch hay trình tự ra quyết định… Trường hợp bị treo thiên hình vạn trạng, nên để giải quyết các cơ quan phải rất thành tâm: xem xét cụ thể nguyên nhân nào gây ách tắc…

Điều quan trọng cần phải nhìn vào sự thực, thực tế. Pháp luật hiện nay đã đủ; tuy nhiên còn có những luật chưa đủ chi tiết thì có thể bổ sung bằng những nghị định của chính phủ, bằng những thông tư hướng dẫn của cấp bộ.

Pháp luật của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng cho việc giải quyết những khiếu kiện hiện nay tại Việt Nam. Vấn đề còn lại là việc thực thi pháp luật cần phải đẩy cao hơn nữa mới có thể làm mọi việc đúng và nhanh. Phức tạp nhưng có thể tìm ra giải pháp, miễn giải pháp đó đúng qui định pháp luật, đúng đạo lý cuộc sống. Cần những người giải quyết phải có tâm, có trình độ. Những giải pháp đó sẽ được sự ủng hộ của những phía có liên quan.”

Thực trạng

Condau-camle-danang.gov.vn-250
Người dân tổ 20, thôn Cồn Dầu xem bản vẽ sơ đồ dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Photo courtesy of camle.danang.gov.vn (Người dân tổ 20, thôn Cồn Dầu xem bản vẽ sơ đồ dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Photo courtesy of camle.danang.gov.vn)

Quả thực điều mà ông Đặng Hùng Võ nêu ra là cái thiếu từ lâu. Có thể nói vì thiếu tâm nên việc qui hoạch không nhắm đến lợi ích phát triển của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Truyền thông trong nước nêu ra biết bao dự án treo không thực hiện sau nhiều năm thu hồi đất của người dân.

Cảnh tượng những khu công nghiệp trống trải, đất đai bỏ hoang có thể được nhìn thấy tại hầu hết các địa phương.Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền bên lề hội nghị. Các cơ quan chống tham nhũng tại khu vực Đông Nam Á lần thứ 5, gọi tắt là SEA-PAC 5, hồi năm ngoái cho biết có thông tin nói chỉ riêng ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có khoảng 20 khu công nghiệp, 117 cụm công nghiệp sử dụng khoảng 19 ngàn héc ta đất nhưng có đến 17 ngàn héc ta đất bỏ hoang; do đó cơ quan thanh tra sẽ tập trung vào đó.

Một đơn cử gần đây nhất về việc qui hoạch lấy đất của người dân đang làm ăn sinh sống, khi mà viễn cảnh công ăn việc làm tương lai không được cơ quan chức năng xác định rõ khiến người dân phản đối. Đó là việc chính quyền thành phố Đà Nẵng đưa ra kế hoạch giải tỏa trắng hơn 400 héc ta tại thôn Cồn Dầu, xã Hòa Xuân, huyện Cẩm Lệ để thực hiện dự án đô thị sinh thái ven sông.

Tôi khiếu kiện từ năm 90 đến nay, do hợp tác xã lấy ruộng, lấy bò của tôi. Tôi đi khiếu kiện từ huyện, tỉnh đến trung ương mà không ai giải quyết cho cả.

Một người dân Cồn Dầu

Một người dân tại Cồn Dầu trình bày:

“Cồn Dầu đa số không chấp thuận kế hoạch giải tỏa trắng hơn 400 héc ta, chỉ có một số người vì quyền lợi của họ mà thuận thôi. Chúng tôi không lấy tiền ruộng, nghĩa địa vẫn giữ lại. Giá tiền bồi thường mà ông bí thư Nguyễn bá Thanh đưa ra quá rẻ so với nghị định 69 của chính phủ - 25 triệu đồng một sào ruộng…

Làm ruộng như chúng tôi có thể nuôi ba thế hệ, nay không làm nữa thì làm gì…khi mà chúng tôi đang an cư lạc nghiệp tại đây. Ông Thanh lấy lý do vùng này thấp trũng, nhưng chúng tôi thấy lụt có lợi cho chúng tôi.”

Cũng vì thiếu tâm trong giải quyết các đơn thư khiếu kiện về đất đai, tài sản như thừa nhận của ông Đặng Hùng Võ nên nhiều người dân cho biết suốt mấy mươi năm qua họ đi khiếu kiện hết từ cấp dưới đến cấp trung ương nhưng rồi cuối cùng trường hợp của họ bị đùn qua đẩy lại như phát biểu của một người dân sau đây:

“Tôi khiếu kiện từ năm 90 đến nay, do hợp tác xã lấy ruộng, lấy bò của tôi. Tôi đi khiếu kiện từ huyện, tỉnh đến trung ương mà không ai giải quyết cho cả.”

Những hứa hẹn mà các cơ quan chính phủ đưa ra vẫn chưa thuyết phục được người dân, bởi thực tế cho thấy cách giải quyết luôn không vì người dân mà nhắm đến lợi riêng là chính.

Hiện nay cảnh tượng những người dân mất đất đai, nhà cửa lên thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ăn chực- nằm chờ để được giải quyết không còn công khai nhiều như trước đây; điều đó không phải trường hợp của những người đó đã được giải quyết mà chính quyền cưỡng bức họ về địa phương.

Theo dòng thời sự: