Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu dài 32 trang cuả Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong một cuộc họp kín của các thành viên Bộ Chính Trị hôm 2-11-2005, nhằm chuẩn bị cho Đại Hội lần thứ 10 của đảng CSVN. Ông Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của CSVN, từng giữ vai trò cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam như các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh...
(tiếp theo) Điểm thứ hai nữa là, việc xây dựng một hệ thống chính trị có hiệu lực, mỗi một bộ phận có chức năng phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập là điều rất quan trọng. Trong đó, có một điểm rất quan trọng đối với Đảng cầm quyền là phải biết được thông tin, nguyện vọng hiểu được tâm tư của người dân một cách kịp thời nhất. Cái đó, nếu đưa vào báo cáo thì theo tôi là rất hạn chế, vì từ trước tới nay chúng ta đã có quá nhiều ví dụ về việc ấy rồi. Về bản chất thì không có gì ngạc nhiên cả bởi vì kinh tế thị trường nó có những lợi ích riêng, nó có thể có một lợi nhuận nào đấy dù là hợp pháp hay không hợp pháp.
Sẽ gặp rất nhiều vụ Tây Nguyên
Mọi người đều hành động, rằng là theo đúng điều lệ của Đảng, chính sách của nhà nước ấy, nhưng có một cái “cục” mà ông không nói ra là “cục” lợi ích. Cái cục đó là nặng lắm chứ và điều đó cũng là điều bình thường thôi. Thế bây giờ mình phải làm sao thiết kế một cơ chế và để cho thông tin phải thông suốt, phải có một kênh độc lập để nó giám sát phát hiện và để nó đưa lên kịp thời.
Điểm rất quan trọng đối với Đảng cầm quyền là phải biết được thông tin, nguyện vọng hiểu được tâm tư của người dân một cách kịp thời nhất.
Nếu mà chúng ta muốn hạn chế kênh đó không muốn nghe kênh đó thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vụ Tây Nguyên. Mà vì Tây Nguyên có phải anh em người ta không báo đâu, báo từ lâu lắm rồi, có sách đã xuất bản rồi chứ, từ năm 1996 người ta đã viết là với tiết mục là cứ ào ạt lên lấy đất như thế này thì chắc chắn sẽ dẫn tới một xung đột trong xã hội mà không thể nào giải quyết được.
Tôi lên Tây Nguyên gặp anh em nói rồi, về báo cáo lại rằng là người Tây Nguyên chưa có đất đâu.
Các anh cứ để ý mà xem, khi mà đi ngoài đường thấy có dân tộc gùi một gùi măng, đang đi có một cái ôtô đỗ xịch, xuống mua mấy ký măng trả có 1.500 đồng. Tôi bảo sao các vị trả rẻ thế. Cô ta nói, các ông bênh gì bọn mọi đó. Mọi thì trả thế là tốt rồi. Vậy mình có phải đối xử với người dân tộc bình đẳng như anh em đâu. Mình cứ nói thế thôi, không phải như thế.
Thế bây giờ làm sao đưa được người đồng bào dân tộc ấy tham gia vào kinh tế thị thường, họ phải đứng trên chân của họ, phải được kinh doanh thì mới được. Chứ bây giờ với trình độ của họ như vậy, cho họ vay tiền thì họ để trong ống nứa gác lên gác bếp.
Cơ hội và thách thức
Thế thì, với tình hình hiện nay, theo tôi phải có một sự nhận chân về cơ hội và thách thức; nhận thức được thực trạng dù có thể nhiều người không thích nghe, không muốn chấp nhận và cho rằng nếu nói về nguy cơ này thì hơi quá đáng. Theo tôi, hệ thống chính trị của chúng ta có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả, đang tự tạo ra nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề, kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường thì dẫn tới sự chệch hướng rất lớn.
Nếu chúng ta kiểm điểm một cách nghiêm túc rằng chúng ta có tạo ra được công bằng xã hội không thì xin báo cáo với các anh là không. Thuế thu nhập 1,2% là không. Bộ máy Nhà nước này đã bất lực, thất bại trong việc điều tiết những người có thu nhập cao. Những người đó là những người có chức, có quyền hay là có hiểu biết, có trí tuệ kiếm ra tiền. Nếu kiếm ra tiền thì anh phải góp vào xây dựng đất nước chứ sao anh lại thế. Bây giờ, chúng ta có chiến lược như là người Thụy Điển hay không.
Hệ thống chính trị của chúng ta có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả, đang tự tạo ra nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề...
Xin báo cáo là ở Thụy Điển, thuế thừa kế tài sản là 50%. Bố anh chết, anh chỉ được nhận 50% tài sản còn lại. Tôi hỏi Thụy Điển là tại sao mày làm dã man thế mày. Nó bảo, triết lý của chúng tao là không cho thằng nào sống được phè phởn được bằng tiền thừa kế cả. Bố nó giàu, chúng tao sẽ lấy cái giàu có ấy đi cho đất nước; còn lại, nó phải tự đi làm. Tiền thừa kế ấy có thể làm một bệ phóng tốt, nếu mà nó muốn thành người.
Điều đó cũng có mặt trái. Trong nền kinh tế toàn cầu, những thằng Thụy Điển giỏi nó sang Mỹ làm. Tôi hỏi là mày sang làm gì, nước mày là thiên đường nhất trên thế giới. Nó bảo thiên đường thì cũng có thiên đường, nhưng nó cũng có mặt trái, nên tao sang Mỹ làm ăn khoảng 10 năm, sau đó lại về Thụy Điển tao dưỡng già, lúc bấy giờ tao được hưởng cái phúc lợi của nó cũng tốt.
Thế tức là không có một mô hình hoàn chỉnh, mọi công cụ đều có mặt trái; anh điều tiết nó, quá thì nó không sống được, phải chạy đi chỗ khác để nó làm. Ví dụ, giờ người Thụy Điển xây nhà ở Hy Lạp và Tây Ban Nha rất nhiều là bởi vì ở đấy giá rẻ, mùa đông lại ấm áp và cũng trốn được một ít tiền thuế thu nhập. Nếu như thế này thì không lâu nữa, tôi tin là người Thụy Điển sẽ mua đất mua nhà ở Nha Trang, Hội An.
Nguy cơ
Thế thì, bây giờ nguy cơ đó đã bộc lộ chưa. Theo tôi, nguy cơ đó bộc lộ khá rõ. Hiện nay, ta chưa có được sự tổng kết sâu sắc chưa thấy được hết căn bệnh, chưa thấy được hết nguồn gốc và bản chất sâu xa tính sâu rộng của điều này. Tôi nghĩ rằng, sự bất cập và nguy cơ này có liên quan đến cả sự tồn vong của chế độ mà nguy cơ lớn nhất là từ trong nội bộ của chúng ta.
Bởi vì như thế, anh không thể thu hút đầu tư được, tham nhũng sẽ ngày càng tăng lên, phân biệt giàu nghèo sẽ ngày càng tăng lên. Và bằng cách như thế này thì anh không đưa được người giỏi lên mà anh đưa những thằng đút lót, nhiều tiền lên. Và thằng đút lót nhiều tiền nó muốn lên thì nó chạy chức, chạy quyền, nó lại phải hoàn vốn lại khoản tiền mà nó đã đầu tư vào.
Cho nên, việc đầu tư mà nó muốn làm không phải lo gì cho nước cho dân cả mà nó kiếm cách lấy lại được tiền của nó. Như thế bộ máy sẽ ngày càng méo mó, và mức độ cứ thế hệ sau của người giữ vị trí đó nó lại càng kém hơn người trước đây cả về năng lực, trí lực, cả về động cơ.
Đồng chí Phạm Văn Đồng trước khi chết có nói với tôi là không biết đại hội này rồi đến đại hội sau có còn đại hội được nữa không. Chắc là các đồng chí có nghe đồng chí Phạm Văn Đồng trước khi mất có những tâm tư rất lớn, lo rằng là bây giờ Đảng như thế này thì Đảng là thế nào, cương lĩnh là thế nào, lý luận là thế nào, chất lượng là thế nào, Đảng làm cái gì, đảng viên nên như thế nào, trách nhiệm như thế nào trước xã hội. Nhiều điều chưa nghiên cứu được thì cụ đã mất rồi.
Nguy cơ là người nói cứ nói, mà giới trẻ thì nó làm theo kiểu khác. Xã hội của chúng ta dẫn tới sự phân hóa về suy nghĩ, tình cảm rất mạnh.
Thế thì, một điều nữa là với tình hình như thế này mà nếu như không có sự chuyển hướng một cách rất cơ bản thì tôi thấy có một nguy cơ. Nguy cơ là người nói cứ nói, mà giới trẻ thì nó làm theo kiểu khác. Xã hội của chúng ta dẫn tới sự phân hóa về suy nghĩ, tình cảm rất mạnh.
Thử hỏi mấy cụ cựu chiến binh, cụ có đọc kỹ báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân không. Rất kỹ, nhưng sau đó có phát biểu không. Mang ra bàn bạc về những chuyện nọ, chuyện kia, những chuyện mà không đăng báo. Rồi là các tài liệu rất hay từ Internet xuống, nhiều lắm, mình không biết, các cụ lại biết. Thế bây giờ là trong tình hình toàn cầu như thế này, mình phải cung cấp những thông tin chính thức, trung thực.
Thông tin chính thức, trung thực rất nhiều tại sao mình không cung cấp cho người ta được.
Xin lỗi các chị là có một vấn đề mà mọi người đều biết cả. Bây giờ bảo là cấm mại dâm, có cấm không, có cấm được không. Thế bây giờ xử lý vấn đề này như thế nào? Có mấy cấp xử lý. Tức là phải khoanh lại một chỗ. Tức là người ấy, mình thì luật pháp không công khai, nhưng người ấy phải bảo vệ người ta chứ, phải chăm sóc người ta về mặt y tế, rồi bảo vệ về pháp luật, cho người ta cái quyền để sau này người ta được hưởng. Người nào là người ăn tiền nhiều nhất. Một là mấy mụ chủ chứa, là mấy ông khách sạn. Mấy ông ấy biết hết, Bảo kê nó biết hết. Xã hội ông không biết đâu. Chỉ có điều là ông muốn tóm cổ lúc nào là ông tóm, thế thôi.
Tôi ở Nghĩa Tân, trước đây có mấy cô đứng đường, cứ thấy tôi đi tập thể dục mới đến “chào hàng”. Tôi mới hỏi cô ấy rằng là sao giỏi thế, đứng đây mà cảnh sát không phát hiện. Cô ấy bảo, trời ơi chỗ đứng này là mỗi tháng một trăm ngàn đó. Ngày nắng thì còn được vài ba bữa chứ ngày mưa thì làm sao. Khủng khiếp lắm chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, chúng ta phải thấy là phải có một giải pháp về tình hình đó.
Nhược điểm của chế độ ?
Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là gì. Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề. Trong Đảng có dân chủ chưa. Tôi từ năm 71 đến nay là theo các cụ, đầu tiên là theo cụ Phạm Văn Đồng, cụ Nguyễn Duy Trinh, theo cụ Đỗ Mười, rồi theo cụ Nguyễn Văn Linh, sau đó về làm anh nghiên cứu cải cách, thực chất tôi thấy chưa có dân chủ.
Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là gì. Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề.
Bây giờ nói rất thật là việc phê bình, tự phê bình trong Bộ Chính trị. Nói thẳng, nói thật thì sợ mất lòng nhau. Tôi không muốn kể thêm những người nói lại với tôi hay lắm là đồng chí A, đồng chí B phê phán mình như thế nào. Đến bây giờ, đến mười mấy năm sau, ông vẫn cứ nói lại là ngày ấy, tháng ấy thằng ấy nó nói tao cái này v.v...
Theo tôi, có lẽ không nên sơ sơ song cũng không nên tuyệt đối hóa, nên xem xét góp cái gì và cách góp như thế nào; sự giám sát phải được thực hiện như thế nào, bằng những công cụ và phương pháp nào? Chứ còn bây giờ, nói thẳng ra là anh mất dân chủ lắm đấy; anh thành kiến với tôi đấy, anh là hẹp hòi đấy, anh mà có nhà có đất đây, anh là chỗ này, chỗ kia người ta nói đấy... Sao thằng kia nó nói tao thế mày, tao đối với nó cũng tốt chứ, bây giờ tao nghe ra và hóa ra là nó nói tao tệ quá; mấy đêm rồi tao không ngủ được. Lâu lâu mới đến, tưởng nói chuyện gì, hóa ra lại vẫn nhắc lại cái chuyện thằng ấy nó nói tao thế ấy.
Tôi nói là thôi thì quên đi chứ nhắc lại mãi làm gì nữa. Tức là các cụ có những chuyện rất cũ mà nhớ dai lắm, nhớ rất dai. Thế thì, tôi thấy cần phải có một bước chuyển biến rất quan trọng để tăng tính dân chủ như có một mệnh lệnh là quyền lực tuyệt đối dẫn tới tham nhũng tuyệt đối. Thế bây giờ, suy nghĩ thế nào về giám sát Uỷ ban Kiểm tra do Trung ương bầu ra có giám sát được Bộ Chính trị không, có giám sát được Tổng Bí thư không, đại hội đại biểu bầu ra có thực hiện dân chủ không.
Tất cả chúng ta ở đây đều là những trang theo hầu, bưng bê; cũng là một trong những thằng quân sư quạt mo, quân sư quạt giấy mãi rồi, bây giờ đến quân sư điều hòa khí hậu đây, cũng theo hầu mấy đại hội rồi. Thử hỏi là mấy đại hội thảo luận dân chủ, đóng góp thiết thực, bao nhiêu phần trăm là chỉ lo nhăm nhắm chạy cái chức. Bây giờ là sôi nổi lắm rồi đó, quyết liệt lắm rồi đó. Tức là từ khi nói chuẩn bị Đại hội một cái là mọi người đều khác hẳn. Việc xuất hiện, rồi nói năng câu gì gay cấn là không có ai nói nữa xuất hiện trước nhà báo là không ai thích nữa. Rồi thì là mình mà nói thẳng về ngành ông nào đấy là ông ấy ghét lắm.
Trực tiếp bầu Tổng bí thư?
Thế thì cái mệnh đề tôi thấy muốn báo cáo là đề nghị phải có một bước tiến, nên chăng là đại hội trực tiếp bầu ra Tổng Bí thư. Tổng Bí thư có một quyền hạn nhất định. Đại hội bầu ra Uỷ ban Kiểm tra, Uỷ ban Kiểm tra có quyền hạn nhất định kiểm sát Tổng Bí thư, giám sát Bộ Chính trị. Thường vụ đại hội đại biểu có thể là một mô hình không, có nên thí điểm không, nên làm cái gì.
Chứ bây giờ, về các tỉnh ủy, trời ơi, ông bí thư tỉnh ủy được coi như ông vua con tuyệt đối rồi. Anh ấy mà đã nói ra là miễn bàn rồi. Con ông chả học hành vào đâu cả, nhưng vẫn được xếp làm ở chỗ này chỗ nọ; làm vương làm tướng, mọi người cứ phải lắc đầu.
Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp.
Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp. Trong nền kinh tế thị trường, với lợi ích và môi trường thế này là không đủ, phải lấy luật pháp bổ sung cho luật của Đảng, phải lấy công khai minh bạch, phải tạo ra một sự văn minh và văn hóa chính trị trong phê bình tự phê bình, trong góp ý, trong tự sinh hoạt.
Chính cái chuyện xử lý đằng sau lưng, chính chuyện thành kiến, lấy thông tin ở đây đây báo cáo lên, chính sự để bụng nhau đã tạo ra sự hạn chế chúng ta trong khung cảnh nền kinh tế thị trường. Phải coi pháp luật là công cụ chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có chức, có quyền chứ không phải pháp luật là công cụ chủ yếu để đè nén quần chúng. Pháp luật phải tạo ra sự tự do của quần chúng, tự do kinh doanh.
Pháp luật chủ yếu là phải hạn chế, khống chế người có quyền. Anh chỉ có quyền làm được thế này thôi và quyền ấy phải có sự giám sát. Chứ bây giờ, lại là pháp luật chủ yếu để áp đặt, cai trị người dân. Tôi rất ngạc nhiên là có chiến hữu là đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Công an nói rằng bây giờ cấm xe máy không cho vào Hà Nội, mà nói ở Hội đồng nhân dân Hà Nội luôn, mà cũng im ru luôn.
Tôi tức quá, viết bài gửi báo Tuổi trẻ nói về chuyện Bác Hồ nói về “ba xây, ba chống”. Hồi bấy giờ Bác đi từ Trung Quốc về, anh Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị đã duyệt đề cương rồi, chỉ có ba chống thôi. Anh Phạm Văn Đồng bảo là Bác mới về, phải báo cáo xin ý kiến Bác; thế nhưng trong lòng vẫn nghĩ bụng mình làm thế này chắc hay lắm, rồi đây, thế nào Bác cũng đồng ý thôi. Vào đến nhà sàn, Bác cầm báo cáo ném xẹt xuống bàn. Bác bảo: “Các chú lạ, các chú muốn quản lý đất nước mà các chú chỉ chống là làm sao, chủ yếu là phải xây cái tốt mới chống được cái xấu chứ, cái tốt mới đẩy lùi được cái xấu”.
Tôi đứng dưới chân cầu Thăng Long từ 5 giờ rưỡi đến 7 giờ kém mười lăm, đã đếm được 82 cái xe máy chở đằng sau 3 con lợn, một xô tiết đằng trước và hai bên là lòng. Tôi mới nghĩ bụng là ông kia định cấm những chiếc xe máy này. Thế thì ông định đưa lên xe buýt cả lòng mề, tiết các thứ như thế thì thử hỏi ông có làm được không. Rồi còn cá nữa chứ. Nghĩa là ông cầm cái quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hành nào cho phép anh làm việc ấy?
Bạn nghĩ gì về bài thuyết trình này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Tôi thấy những chuyện ấy là phải hết sức nhất quán về tư duy. Rằng pháp luật chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có pháp luật, còn ra phải tạo điều kiện phát huy sự tự do, sáng tạo, không hạn chế quyền của người công dân. Thế mới được.
Điểm quan trọng nữa là phải có thái độ nghiêm túc đối với báo chí, yêu cầu báo chí hành động một cách có trách nhiệm, trung thực, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích đưa thông tin phát hiện những vấn đề. Bởi vì, như ông Jefferson nói, có thể không có chính phủ nhưng vẫn phải cần báo chí. Nếu không có báo chí thì xã hội này không còn là xã hội văn minh nữa, không thể vì cái việc là báo chí đưa lên chỗ này, chỗ kia, trong một xã hội mà chuyện mua bán, chuyện chạy quyền, chạy chức nhiều thế này mà bảo thằng nhà báo nó không viết một câu chuyện giật gân để đưa ra là không thể được. Chỉ có điều là những chuyện ấy phải theo đúng pháp luật, còn phải khuyến khích, tạo điều kiện cho nó nữa, để nó đưa lên sự thật.
(còn tiếp)