Thêm vào đó tại một số công ty, các nhà quản lý doanh nghiệp còn đưa ra những quy định chặt chẽ về lao động khiến cuộc sống của người công nhân đã khổ, lại càng cơ cực hơn.
Đình công vì lương thấp
Trong những năm gần đây thường xảy ra các cuộc đình công của công nhân thuộc các doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài. Mới đây, khoảng 2,000 công nhân thuộc Công ty Sambu Vina, doanh nghiệp 100% vốn đầu nước ngoài của Hàn quốc hoạt động tại xã Xuân Thới Sơn, Huyện Hóc Môn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đình công sang đến ngày thứ nhì.
Báo chí trong nước cũng loan tin có hơn 12 cuộc đình công của công nhân trên cả nước trong tháng Tư; trong đó có vụ đình công của trên 1,200 công nhân của Công ty Carimax Saigon, một doanh nghiệp Hàn quốc chuyên may va-ly, túi xách, đóng trên địa bàn Củ Chi.
Mức lương tối thiểu của công nhân rất thấp, chỉ khoảng một triệu ba trăm ngàn đồng mà phải thuê nhà, rồi tiền điện, tiền nước nên họ không đủ sống.
Một GĐ nhân sự
Mấy tháng trước đây, ở Trà Vinh cũng nổ ra một vụ đình công lớn với khoảng 10,000 công nhân của một doanh nghiệp Đài Loan.
Hầu hết lý do của các cuộc đình công, theo công nhân phản ánh, là do mức lương hiện tại còn quá thấp, không đảm bảo đời sống, nên họ đình công đòi chủ doanh nghiệp phải tăng lương. Đồng thời, công nhân cũng yêu cầu giải quyết một số chính sách khác đối với người lao động như: thái độ đối xử với công nhân, giảm tăng ca, cải thiện bữa ăn, v.v...
Với tốc độ đô thị hóa nông thôn, hàng chục ngàn lao động rời bỏ nông thôn đến những thành phố lớn làm công nhân để kiếm sống và phụ giúp gia đình. Nhưng đồng lương nhận được quá thấp cùng giá cả đắt đỏ tại các đô thị đang đẩy những người công nhân vào ngõ hẹp.
Khi hỏi về mức lương của công nhân, một nữ Giám đốc Nhân sự của một doanh nghiệp Hàn quốc nằm trong Khu Công nghiệp Đồng Nai, không muốn nêu tên, khẳng định mức lương tối thiểu của công nhân rất thấp, chỉ khoảng một triệu ba trăm ngàn đồng mà phải thuê nhà, rồi tiền điện, tiền nước nên họ không đủ sống.
Công ty luôn cố gắng hết sức để giúp cho công nhân có những khoản trợ cấp lúc họ bị đau ốm, bệnh hoạn. Nhưng "thật ra thì công ty chỉ trợ cấp thêm những khoản ấy thôi, chứ công ty cũng không giúp được gì nhiều vì công ty cũng gặp khó khăn."
Vị Giám đốc Nhân sự này giải thích là "do tình hình kinh tế của Việt Nam nói chung là không được tốt, nên ngoài việc điều chỉnh mức lương theo thời giá hàng năm vào đầu tháng giêng, theo quy định của nhà nước thì còn có các khoản phụ cấp cho nhân viên như: phụ cấp xăng dầu, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp nhà ở. Việc đó cũng giúp cho người lao động giải quyết phần nào khó khăn của đời sống."
Và theo chị, để giữ chân những công nhân giỏi có kinh nghiệm thì công ty còn áp dụng một chế độ ưu đãi "cho một số công nhân viên làm giỏi, làm lâu năm và có tay nghề cao."
Đồng lương – bài toán khó
Chị Ngọc Yến ở Thành phố Hồ Chí Minh có cuộc sống gia đình rất chật vật mặc dù chị là nhân viên kế toán và chồng chị là công nhân cơ khí có tay nghề cao.
Chị cho rằng nhà nước qui định tăng lương nhưng cũng không giải quyết được gì nhiều vì "Việt Nam đang bị vấn đề lạm phát cho nên vật giá cũng lên, đời sống đắt đỏ. Thậm chí vật giá bên ngoài còn lên trước lương và lên nhiều hơn lương nữa."
Vật giá lên khiến cuộc sống người dân thêm khốn khó, chị Yến cho biết "ngày xưa cầm 100,000 đồng đi chợ cũng mua được thịt, cá. Bây giờ với 100,000 đồng thì chỉ mua được rau và các thứ lặt vặt thôi. Cho nên dù có lên lương thì cuộc sống, nhất là cuộc sống của người công nhân, hầu như không thay đổi nhiều".
Cha mẹ phải làm thêm một nghề gì nữa để có thêm thu nhập mà đóng tiền cho con học thêm, còn không thì chịu chết. Con mình không được đi học thêm sẽ bị thua thiệt so với các bạn cùng lớp.
Chị Ngọc Yến
Với những người có con thì cuộc sống khó khăn hơn gấp bội, chị Yến nói thêm rằng "cha mẹ phải làm thêm một nghề gì nữa để có thêm thu nhập mà đóng tiền cho con học thêm, còn không thì chịu chết. Con mình không được đi học thêm sẽ bị thua thiệt so với các bạn cùng lớp."
Trước đây, Báo Thanh Niên Online cũng có bài viết đề cập đến đời sống người công nhân với đồng lương eo hẹp. Một nữ công nhân, 26 tuổi, quê ở Quảng Trị, làm công nhân cho một công ty may mặc nằm trên đường Kha Vạn Cân nói rằng, mặc dù con gái ai cũng thích ăn vặt, nhưng từ khi vào làm công nhân ở đây chị bỏ hẳn thói quen đó vì,"chỉ mua một cây kem là mất đứt tiền công một giờ làm việc".
Chị than thở, "mỗi tháng chỉ có một triệu hai trăm ngàn đồng thì làm sao sống nổi ở đất này vì còn tiền nhà trọ, tiền ăn uống, chi phí hằng ngày."
Không chỉ là vấn đề mức lương thấp, cuộc sống của người công nhân luôn bị căng thẳng vì thái độ đối xử của chủ doanh nghiệp với lao động, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một phần vì sự khác biệt về văn hóa, nguyên nhân chủ yếu là do sự lỏng lẻo trong luật lao động của Việt Nam.
Trong một bài đăng trên Báo Lao động tuần trước với tựa đề “Lá thư đầy ‘uất nghẹn’của một công nhân” có đề cập đến một bức thư của một nữ công nhân làm việc tại Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Hansoll gửi tới người lãnh đạo cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Trong thư chị Nguyễn Thị Thắm trình bày tình cảnh khốn khó mà các công nhân tại phân xưởng nơi chị làm việc đang phải chịu đựng.
Công ty Hansoll là một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Hàn quốc, nằm trong Khu Công Nghiệp Bàu Xéo, thuộc Huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Nhận được thư của chị Thắm, Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã viết thư trả lời ngay, và ông cho rằng không thể chấp nhận tình trạng thiếu tôn trọng người lao động. Đồng thời cũng chỉ thị cho Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai kiểm tra, xử lý những vi phạm của công ty này.
Những trường hợp xảy ra tương tự như ở công ty của chị Thắm cũng nhiều, nhưng đâu phải ai cũng có can đảm viết thư phản ánh như chị đã làm.