Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Chương trình Trả Lời Thư Tín và Thanh Trúc xin gởi đến quí thính giả nghe đài lời chào thân ái và trân trọng nhất, khi chúng ta đã bước hẳn vào năm thứ tám của thế kỷ XXI.

Tuần qua, thư từ hay lời nhắn từ thính giả đến chúng tôi có phần thưa vắng. Thanh Trúc đoán là mọi người còn bận bịu giải quyết nhiều chuyện cho năm mới, nhưng vẫn tin rằng quí vị thường xuyên theo dõi tin tức, phóng sự hay tường trình do anh chị em Ban Việt Ngữ RFA thực hiện để cống hiến người nghe mỗi ngày.
Thưa cùng quí vị là chúng tôi thật mừng khi biết chương trình phát thanh tiếng Việt đài Á Châu Tự Do đang là món ăn tinh thần, một cái gì không thể thiếu, chẳng những đối với thính giả trong ngoài nước mà cho cả những người trong nước nhưng lại đang làm việc ở quốc gia khác. Thanh Trúc muốn nói đến các anh chị em công nhân Việt Nam ở nước ngoài như Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc.
Nghe đài RFA trên mạng
Họ đến với RFA qua đường sóng ngắn phát đi từ Washington, họ truy cập vào trang nhà www.rfa.org của đài Á Châu Tự Do để nghe lại hay đọc những bài đã phát.
Điều đáng buồn mà anh Nam Hiệp, quê ở Hà Tĩnh, sang Malaysia làm công nhân xây dựng tại tỉnh bang Terrengganu, hỏi chúng tôi là làm thế nào giúp anh nghe đài rõ hơn vì làn sóng bị nhiễu quá chừng, khi thì ồn ào, lúc lại chen lẫn tiếng Hoa hay tiếng Lào tiếng Miên gì đó.
Bạn Nam Hiệp thân mến, xin thưa với bạn đó là một trong những khuyết điểm của các đài phát thanh trên sóng ngắn. Chúng tôi không thể so sánh với phát thanh trên sóng trung bình hay FM. Chúng tôi đề nghị bạn nghe RFA trên Internet, ở Malaysia chắc không có tường lửa chặn đâu, âm thanh sẽ tốt hơn nhiều. Nếu không thì bạn thử đổi làn sóng xem sao.
Và dẫu thế nào bạn Nam Hiệp vẫn thay mặt người nghe ở Malaysia để bày tỏ tiếp với chúng tôi như thế này:
Cái đài Á Châu Tự Do này là em nghe từ trong nước, em nghe lâu lắm rồi, nhưng mà ở trong nước thì em chả dám ho he gì, em chả dám nói với ai cả. Em cũng chả sợ ngồi tù đâu nhưng mà thôi mình thấp cổ bé miệng thì im lặng cho nó yên cái thân. Em cũng biết địa chỉ của đài lâu rồi.
Cái đài Á Châu Tự Do này là em nghe từ trong nước, em nghe lâu lắm rồi, nhưng mà ở trong nước thì em chả dám ho he gì, em chả dám nói với ai cả. Em cũng chả sợ ngồi tù đâu nhưng mà thôi mình thấp cổ bé miệng thì im lặng cho nó yên cái thân. Em cũng biết địa chỉ của đài lâu rồi.
Thế thì sang đây em tiếp tục nghe rồi em mạnh dạn thư cho đài thế thôi . Em nghe đài Á Châu Tự Do em thấy được một cái thế này, nghĩa là cái gì được trình bày trên đài là sự thật, dĩ nhiên một sự việc thì có nhiều mặt để nhận xét, nhưng đài Á Châu Tự Do là tiếng nói để mình nghe một cách khách quan, đưa tin về những cái mà ở Việt Nam em chưa bao giờ nghe được bởi vì người ta dấu nhẹm.
Đấy, đưa lại cho em nhiều thông tin rất hữu ích , để nhìn nhận cái xã hội cái đất nước cho nó rõ ràng một chút xíu. Em hết sức cám ơn, thế thôi.
Ban Việt Ngữ RFA cảm ơn bạn Nam Hiệp cách riêng đã đáp trả những điều RFA mong đợi khi thực hiện chương trình và làm việc trong một đài điền thế gởi đến người nghe trong nước. Chúc bạn Nam Hiệp , Ngân và những bạn khác công việc tốt đẹp, mọi sự như ý.
Cảm ơn vị thính giả khiếm thị Hồ Thanh luôn quan tâm đến RFA, thường xuyên trò chuyện góp ý cùng chúng tôi qua hộp thư thoại. Thanh Trúc cũng đã liên lạc với một thính giả khiếm thị khác là ông Đạt ở thành phố Hồ Chí Minh. Thật hân hạnh khi biết ông tin tưởng cùng gởi gắm nỗi bức xúc đến chúng tôi. Trong tư cách những người đưa tin, chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức để xem có làm được gì đối với trường hợp khó khăn của ông.
Chúng tôi có được email của một bạn ký tên Con Rồng Cháu Tiên. Cảm ơn đã liên lạc với RFA, về chuyện bạn yêu cầu liên quan đến những người tham gia Diễn Đàn Bạn Trẻ. Vui lòng chờ chúng tôi hỏi ý kiến các bạn ấy trước.
Bao giờ các bạn chấp thuận thì chúng tôi sẽ báo cho bạn hay. Xin bạn hiểu cho rằng đây là vấn đề nguyên tắc. Mong bạn thường xuyên theo dõi những buổi hội luận giữa người trẻ với nhau nhé. Và nếu bạn muốn tham gia trực tiếp thì cũng xin cho chúng tôi hay.
Những góp ý xây dựng
Vẫn liên quan đến hội luận giới trẻ, một thính giả khác, tiến sĩ Anthony Phùng , góp ý là nên có đề tài mang tính cách xây dựng hơn. Ông viết:

Tôi thấy các bài “Vì Sao Việt Nam Vẫn Còn Là Một Nước Chậm Phát Triển “ rất hay, nhưng không có tính cách xây dựng. Tôi thiết nghĩ nếu nói về những sự sai lầm về Việt Nam và các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì nhiều lắm không thể kể hết cho được. Nếu cứ phê bình lẫn nhau thì cũng không đi đến đâu cả. Càng bình luận và phê bình lẫn nhau thì chúng ta lại càng chia rẽ mà thôi, không có lợi gì cho cộng đồng người Việt và đất nước Việt Nam đâu.
Tiến sĩ Anthony Phùng viết tiếp: Nên bình luận về đề tài có tính cách xây dựng, thí dụ đề tài: "Làm Sao Để Việt Nam Tiến Đến Hiện Đại Hoá Và Kỹ Nghệ Hoá" , "Ngành Giáo Dục Việt Nam Cần Phải Thay Đổi ra Sao Để Bắt Kịp Các Nước Phát Triển Trên Thế Giới", "Chính Phủ Việt Nam Cần Làm Gì Để Giúp Đỡ Đời Sống Khó Khăn Của Dân Việt Nam", "Việt Kiều Có Thể Làm Gì Cho Công Cuộc Hiện Đại Hoá Và Kỹ Nghệ Hoá Việt Nam" . Càng bình luận về những đề tài này thì hy vọng sẽ tìm được giải pháp để giúp nước Việt Nam.
Xin gởi một lời cảm ơn đến tiến sĩ Anthony Phùng và bức thư đầy tinh thần xây dựng của ông. Quả là ông đã bỏ nhiều thời giờ để lắng nghe tiếng nói người trẻ trên diễn đàn hội luận RFA. Những đề tài ông nêu lên thì các biên tập viên Ban Việt Ngữ cách này cách khác đã thực hiện lâu nay dưới hình thức tường trình, hỏi đáp, hay thảo luận bàn tròn giữa hai ba người.
Và khi mang những đề tài này ra cho giới trẻ phân tích, mổ xẻ , thì nội dung sẽ có phần khác hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn, nhưng vẫn không mất đi tính cách xây dựng.
Khi đã quan tâm và gởi một lời thẳng thắn đến các thanh niên trong Diễn Đàn Bạn Trẻ như vậy, chúng tôi phần nào nhận thấy sự ân cần của ông. Chắc ông cũng đồng ý với Thanh Trúc rằng Đi Thì Hỏi Già Mà Về Nhà Thì Hỏi Trẻ.
Tuổi trẻ khi thảo luận về một vấn đề nào đó đang gây bức xúc thì không thể tránh có đôi lúc các bạn trẻ chỉ trích thẳng thừng không nhân nhượng, đó là cái quí của tuổi trẻ, của tâm huyết thanh niên Việt Nam. Mong ông vẫn theo dõi hay đọc chương trình RFA hàng ngày, cũng như thỉnh thoảng lại email phản hồi ý kiến của ông đến chúng tôi. Đài RFA so với thông tin ở trong nước
Thư của thính giả Nguyễn Thịnh nhận xét rằng: Trong vòng hai tuần qua các báo điện tử trong nước đã bắt đầu có nhiều bài viết về vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa, sử dụng mọi nguồn thông tin từ trong nước và cả ngoài nước. Đó là một tiến bộ cần được nhìn nhận.
Thưa ông Nguyễn Thịnh, chúng tôi rất mong được chia sẻ cùng ông điều này, bởi đó là thông tin hai chiều, nguyên tắc cần thiết của truyền thông hiện đại. Báo chí trong nước dù muốn dù không cũng phải tìm cách tiến trên con đường truyền thông hai chiều nếu thực sự quí trọng và muốn thuyết phục độc giả.
Email của một người từ Việt Nam, chúng tôi xin phép dấu tên, tự gọi mình là thính giả thường xuyên của RFA, nói về vai trò của công đoàn ở trong nước:
Qua những lần nghe và so sánh tin tức của đài RFA với tin tức trong nước thì em thấy có những tin cùng nói về một vấn đề mà tin trong nước lại cung cấp thiếu hoặc không cung cấp phần đó.
Từ 1986 đến 1992, tôi làm thợ hàn cho nhà máy cơ khí thuộc Bộ Thuỷ Lợi, 1993 tới 1996 làm tài xế công ty liên doanh VINATAXI, 1996 đến 2000 tại công ty liên doanh vận tải hỗn hợp Việt Nhật, tôi chắc chắn với RFA rằng hầu hết công đoàn đều ăn lương của chủ doanh nghiệp và đứng về phia chủ doanh nghiệp khi có vấn đề giữa chủ với công nhân, mặc dù hàng tháng công nhân phải đóng lệ phí công đoàn là mười ngàn đồng.
Chúng tôi cũng được thư của quí thính giả Biêu Phạm, Văn Trần, Khánh Trần hoặc Khanh Trần. Xin vui lòng bỏ qua nếu Thanh Trúc đọc tên sai vì email tiếng Việt không bỏ dấu.
Lại thêm một thính giả trong nước , bạn Linh, cho biết vào đài RFA rất khó vì tường lửa. Thưa nếu bạn không vượt nỗi tường lửa thì RFA cũng khó có thể đến với bạn. Bạn nghĩ sao nếu chúng tôi gởi bản tin hàng ngày cho bạn qua email. Thính giả Vương Thanh, hy vọng Thanh Trúc đọc tên đúng, bày tỏ lòng ái mộ và sự thích thú với mục cải lương hay cổ nhạc do Nguyễn Phương phụ trách. Sẽ chuyển lời yêu cầu của ông hay bà đến soạn giả Nguyễn Phương để quí thính giả được nghe những giai thoại và những tài năng của một lãnh vực nghệ thuật mà nhiều người lo sợ bị mai một đi.
Và sau cùng , lá thư viết tay từ một bạn trẻ cư ngụ tại Phường Bình Hưng Hoà A, Quận Bình Tân, thành phố Hố Chí Minh. Thư bạn vượt trùng khơi về đến RFA chỉ vài tiếng trước khi mục Trả Lời Thư Tín hôm nay được phát đi trong chương trình sáng thứ Sáu. Bạn nói là qua những lần nghe RFA trên sóng radio, bạn nhận thấy tin tức đài cung cấp rất hay, rất đúng và cũng rất thiết thức cho người dân Việt Nam trong xã hội Việt Nam bây giờ. Bạn viết tiếp:
Bởi lẽ có nghe mới có biết, không nghe làm sao biết chế độ mà mình đang sống có gì sai, có gì đúng, và những người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình khi họ không tôn trọng quyền dân chủ của người dân.
Qua những lần nghe và so sánh tin tức của đài RFA với tin tức trong nước thì em thấy có những tin cùng nói về một vấn đề mà tin trong nước lại cung cấp thiếu hoặc không cung cấp phần đó.
Để minh chứng điều vừa nói, bạn trẻ này nêu thí dụ về cung cách khác nhau giữa RFA với báo đài trong nước khi tường thuật tin tức liên quan đến phiên toà xét xử những người bất đồng chính kiến hay đòi hỏi nhân quyền chẳng hạn.
Bạn thân quí, Ban Việt Ngữ RFA không mong nhận những lời khen ngợi. Ban Việt Ngữ cần được góp ý từ người nghe. Nhưng nếu RFA đáp ứng được lòng khao khát hiểu biết về sự thật việc thật của thính giả thì cho phép chúng tôi vui mừng đôi phút được không? Thư của bạn tựa cốc trà sen thơm ngát , làm ấm lòng người một sáng mùa đông xa nhà. Cảm on bạn. Thanh Trúc nhắc lại địa chỉ của đài cho bạn đây, hãy thư về : RFA, box 288, 40 Hongkong, hoặc là Box 49, Tokyo, CPO, Tokyo 100-91 , Japan.
Hay bạn cứ email cho chúng tôi về vietweb@rfa.org , bạn nhé.
Mục Trả Lời Thư Tín tạm ngừng ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị sáng thứ Sáu tuần tới.