Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Sáu, tổ chức Reporters Sans Frontieres, tức phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, lên tiếng cảnh báo về một ứng dụng kỹ thuật đang được đại tổ hợp Microsoft nghiên cứu, có thể vô tình giúp cho các chánh quyền độc đoán kiểm soát thông tin dân chúng trong nước chặt chẽ hơn.

Thông cáo báo chí do RSF phổ biến mới đây nói rằng, những kỹ thuật hiện đại do tập đoàn Microsoft nghiên cứu và phát triển có thể giúp cho những chế độ cầm quyền độc đoán, phi dân chủ thu tóm những thông tin liên quan đến bất cứ cá nhân nào từng vào truy cập mạng thông tin Internet.
Từ đó, các nhà cầm quyền này có thể lập hồ sơ để theo dõi những công dân mà họ cho là phần tử bị xem là gây nguy hại cho chế độ.
Chính vì thế mà trong câu chuỵên với Ban Việt Ngữ chúng tôi, ông Julien Pain, Trưởng Văn phòng Internet của tổ chức phóng viên không biên giới nhấn mạnh rằng, việc làm của công ty Microsoft không thể chấp nhận được, đặc biệt là công trình nghiên cứu đó lại được thực hiện tại Trung Quốc là nơi mà hơn 50 nhân vật dấu tranh cho dân chủ đang bị giam cầm chỉ vì họ phổ biến bài vở và tài liệu trên mạng Internet.
Vẫn theo ông thì việc theo dõi lý lịch cá nhân và hoạt động trên mạng Internet của từng người một, sau khi họ đã vào xem tin tức hay trao đổi ý kiến qua mạng là vấn đề vi phạm nguyên tắc đạo đức, nhất là trong một đất nước không hề tôn trọng quyền tự do cá chân như tại Trung Quốc.
Ông kêu gọi công luận thế giới phải mạnh mẽ lên tiếng để yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet không tiếp tay với nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng như các chánh phủ độc tài trong việc bám sát, theo dõi, truy lùng và xử lý những người muốn nói lên nguyện vọng dân chủ, yêu chuộng hòa bình và công lý.
Được biết là trong bài báo phổ biến trên tạp chí khoa học New Scientist hôm 16 tháng 5 vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Microsoft đang phát triển khả năng ghi nhận lại tất cả chi tiết về lý lịch của người sử dụng khi họ điền mẫu đơn xin sử dụng phương tiện Internet.
Do đó, những cá nhân nào ở Hoa Lục thường xuyên lén vào xem những "website nhạy cảm", tức là bị nhà nước cấm đoán, ngăn chặn vì cho là nguy hại cho an ninh quốc gia, thì sẽ bị phát hiện ngay, mọi chi tiết sẽ hiện rõ như tên họ, nơi cư trú, vị trí đặt máy vi tính.
Tác dụng của "logiciel"
Trong cuộc trao với RFA, ông Julien Pain cũng cho biết là RSF thường xuyên vận động với các nhân hay tập đoàn, công ty có phần hùn trong Google, Yahoo, và Microsoft, để kêu gọi họ cùng lên tiếng thuyết phục các hãng đó nghe theo lẽ phải và công lý thay vì chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận khồng lồ thu thập được quan chuyện làm ăn với Bắc Kinh.
Trong trường hợp các công ty Google, Microsoft hay Yahoo không chịu thay đổi lề lối làm ăn của họ hiện đang bị công luận quốc tế phê phán mạnh mẽ thì RSF sẽ vận động Quốc hội Hoa Kỳ ban hành những luật lệ nhằm ngăn cấm các hãng đó tiếp tay với Bắc Kinh để thực hiện chính sách đàn áp dân chủ và nhân quyền.
Để tìm hiểu thêm về tác dụng của "logiciel" tức chương trình giúp theo dõi lý lịch của những người truy cập Internet ở Hoa Lục mà Microsoft đang triển khai, Ban Việt ngữ chúng tôi hỏi chuỵên tiến sĩ Đinh Văn Long, phụ trách môn điện toán ở viện đại học Strayer tại Washington và được ông giải thích, có lẽ Microsoft không chủ trương ghi lại lý lịch của người sử dụng Internet, vì nếu làm điều đó thì đại công ty này sẽ bị mang tiếng là công cụ của Bắc Kinh.
Theo giới truyền thông quốc tế hoạt động tại Hoa Lục thì vào tháng trước, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có một phiên họp với các ủy viên bộ chính trị để thảo luận và đề ra những biện pháp nhằm kiểm soát Internet gắt gao hơn nữa trên cả nước.