Hiện đại hóa quân đội không đơn giản

Việt Nam đang tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2009). Vào dịp này, vấn đề hiện hóa quân đội Việt Nam đã trở thành một chủ đề được cả dư luận trong và ngoài nước quan tâm.

0:00 / 0:00

Không thể không đầu tư cho quốc phòng

Tại Việt Nam, hiện đại hóa quân đội là vấn đề đã được đặt ra từ hàng chục năm nay song vấn đề này chỉ xuất hiện như một đề nghị và ngừng ở đó. Những tin tức liên quan đến việc hiện đại hóa quân đội không được công khai hóa.

Trên thực tế có nhiều biểu hiện cho thấy năng lực của cả không quân lẫn hải quân Việt Nam đều rất yếu.

Trong nhiều năm qua, năm nào cũng có vài vụ tai nạn xảy ra với máy bay quân sự, khi phi công Việt Nam đang tập luyện. Theo báo chí Việt Nam, riêng trong năm nay, ít nhất đã có hai vụ tai nạn liên quan đến máy bay quân sự.

Vụ thứ nhất xảy ra hôm 9 tháng 6.

Hôm đó, trong khi đang thực hiện bài bay huấn luyện, một chiếc SU-22 đã lao xuống xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 cây số khiến một đại úy phi công thiệt mạng. Vụ thứ hai diễn ra hồi tháng trước. Ngày 22 tháng 11, trong một đợt huấn luyện, một chiếc MIG-21 đã lao xuống khu vực phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái khiến một thượng tá là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 31 và một thượng úy cùng tử nạn.

Đối với hải quân, tuy Việt Nam có khoảng 3.000 cây số bờ biển song giới nghiên cứu quốc phòng cho biết, tàu chiến Việt Nam vừa thiếu, vừa cũ kỹ. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngư dân cũng như thân nhân của họ cùng than, như vợ của thuyền trưởng một tàu đánh cá, ngụ ở Đà Nẵng: "Ở ngoài biển phần ai nấy biết chứ có ai bảo vệ mô. Bảo vệ là hồi bão tố, biên phòng ở trong bờ điện ra nhắc chừng, bảo là đài báo bão, bảo phải cập bến thì họ kêu gọi mình vô bờ thôi chứ ngoài đó làm chi có ai bảo vệ. Làm ăn ngoài biển mạnh anh mô lo anh nấy. Lo làm ăn thế thôi chứ không có ai bảo vệ hết!"

Đối với hải quân, tuy Việt Nam có khoảng 3.000 cây số bờ biển song giới nghiên cứu quốc phòng cho biết, tàu chiến Việt Nam vừa thiếu, vừa cũ kỹ.

Mãi đến gần đây, hiện đại hóa quân đội nói chung và hiện đại hóa hải quân nói riêng mới được Quốc hội, các viên chức lãnh đạo nhà nước, chính quyền, cũng như quân đội loan báo rộng rãi. Đặc biệt là trong một vài tuần qua, Việt Nam liên tục chứng minh mình đang nỗ lực biến mong muốn hiện đại hoá quân đội thành hiện thực.

Mua đủ thứ, ở khắp nơi

Hồi giữa tháng này, ông Nguyễn Tấn Dũng-Thủ tướng Việt Nam, đến Nga rồi xác nhận với báo giới Nga rằng Việt Nam đã ký các hợp đồng mua tàu ngầm, máy bay và các trang thiết bị quốc phòng khác của Nga. Báo chí Nga tiết lộ thêm, Nga sẽ chế tạo cho Việt Nam 6 tàu ngầm hạng Kilo, sẽ giao cho Việt Nam 8 chiến đấu cơ loại SU-30MK2 và Việt Nam dự định mua thêm 12 chiến đấu cơ loại này, cùng với một lượng lớn trực thăng MI-17,...

Đúng thời điểm đó, truyền thông Nga loan báo thêm, một xưởng đóng tàu ở Tatarstan tiết lộ vừa hoàn tất việc đóng một tuần dương hạm loại Gepart-3.9 cho Việt Nam và đang thực hiện tuần dương hạm thứ hai.

Cũng vào giữa tháng 12, tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đến Hoa Kỳ. Tướng Thanh cho biết ông đã đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Sau đó, Hoa Kỳ loan báo đang cân nhắc việc bán cho Việt Nam các phương tiện quân sự không sát thương như hệ thống radar hay máy bay tuần tra. Trong tương lai, có thể Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam rà gỡ bom mìn, tham gia các lĩnh vực gìn giữ hoà bình, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai.

Ngay sau khi rời Hoa Kỳ, tướng Phùng Quang Thanh tới Pháp, chính thức bày tỏ mong muốn mua từ Pháp các loại máy bay vận tải và trực thăng, đề nghị hỗ trợ huấn luyện quân y, hợp tác quốc phòng song phương.

Đó là chưa kể, ở thời điểm giữa tháng 12 còn có sự kiện tướng Nguyễn Huy Hiệu-Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đi thăm Hàn Quốc để phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Tại Hàn Quốc, tướng Hiệu đã đến thăm một tập đoàn đóng tàu, một tập đoàn thiết bị quốc phòng, chuyên sản xuất các hệ thống điện tử chính xác cho hỏa tiễn, radar,...

Hiện đại hóa không đơn giản

Tuy những hoạt động ngoại giao liên quan đến việc hiện đại hóa quân đội diễn ra trong vài tuần qua, gieo hy vọng cho nhiều người Việt ở trong nước về viễn cảnh năng lực quốc phòng của Việt Nam sẽ tốt hơn trước, song hình như những hoạt động đó đang gây lo ngại cho một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Cách nay vài ngày, tờ Bangkok Post của Thái Lan cho biết, các quốc gia ở khu vực này đang theo dõi kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam một cách chặt chẽ, bởi điều đó sẽ mang lại “các hậu quả khôn lường, phần lớn không có gì tích cực”. Bangkok Post khuyên Việt Nam nên suy nghĩ lại về kế hoạch mà tờ báo này cho là “tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực ASEAN”. Thậm chí Bangkok Post còn khuyến cáo Tổng thư ký đương nhiệm của ASEAN nên trực tiếp thảo luận với Việt Nam về việc tăng cường vũ trang nghiêm trọng đó.

Thế còn các chuyên gia quốc tế đánh giá kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam thế nào? Trả lời Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do, ông Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, nhận định: " Kể từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ hồi năm 1991, quân đội Việt Nam đã có sự suy yếu đáng kể vì họ không thể tự bảo dưỡng những loại vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ đô la của Liên Xô. Đây là lý do họ phải thay đổi."

Các quốc gia ở khu vực này đang theo dõi kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam một cách chặt chẽ, bởi điều đó sẽ mang lại "các hậu quả khôn lường, phần lớn không có gì tích cực". <br/>

Bangkok Post

Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ thì cho rằng: "Việc quân đội Việt Nam hiện đại hóa là nhằm duy trì khả năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Giúp họ ngang tầm với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung, bao gồm cả Trung Quốc."

Tuy nhiên, cả ông Carl Thayer và ông Ernest Bower cùng tin rằng kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam có khá nhiều rủi ro mà rủi ro đầu tiên là chi phí quá lớn. Ngoài chi phí để mua, còn phải có tiền để chi cho huấn luyện và đầu tư hạ tầng phục vụ việc sử dụng chúng. Rủi ro thứ hai là khi mua nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự khác nhau của nhiều quốc gia, cả việc bảo dưỡng lẫn phối hợp sử dụng sẽ hết sức phức tạp, tốn kém. Chưa kể Việt Nam có thể sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ông Bower dự đoán: "Tôi nghĩ thách thức mà các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đối mặt là giữ cho quân đội của họ hiện đại nhưng nó đắt đỏ. Đó là một thách thức về tài chính. Tiếp đến là việc giữ cân bằng với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực, nên các quốc gia không chỉ hiện đại hóa mà còn sẽ có những hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự. Chúng ta sẽ nhìn thấy điều này qua cuộc họp bộ trưởng quốc phòng được tổ chức ở Hà Nội vào năm tới."

Mới đây, trong diễn văn đọc vào sáng 21 tháng 12, tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ông Nguyễn Minh Triết-Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, tiếp tục yêu cầu quân đội phải nhanh chóng phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật.

Tuy nhiên cho đến nay, giải thích về nhu cầu hiện đại hóa quân đội, cả giới lãnh đạo chính quyền cũng như quân đội chỉ nhấn mạnh mục tiêu chính yếu, đó là "làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta".