Tất cả những người này đã bị tạm giam hơn 1 năm sau khi công khai lên tiếng và có các hoạt động kêu gọi nhà nước thực thi dân chủ, tôn trọng nhân quyền, phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa-Trường Sa.
Nhà dân chủ Phạm Văn Trội
Trong câu chuyện với Trà Mi, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ nhà dân chủ Phạm Văn Trội, chia sẻ:
Chị Trang: Chiều ngày hôm nay 17/9/09, em có qua Tòa án. Họ đã cấp cho em giấy thông báo chính thức là sáng ngày 24/9 này.
Trà Mi: Trong giấy có ghi rõ phiên tòa này chỉ có anh Trội hay cùng xét xử những trường hợp tương tự khác nữa?
Chị Trang: Sẽ xét xử riêng anh Trội tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Họ truy tố tội vi phạm điều 88, khoản 1, điều C. Đến hôm qua, luật sư mới được tiếp cận hồ sơ vụ án. Gia đình tôi thì được thăm gặp anh 3 lần. Lần gần nhất cách đây hơn 1 tháng.
Trong suốt thời gian anh Trội bị tạm giam, anh không có "nhận tội" hay "xin khoan hồng" gì cả. Không có chuyện đó.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang
Trà Mi: Chị có biết anh Trội trong thời gian tạm giam có "nhận tội", "xin khoan hồng" hay dứt khoát khẳng định mình vô tội?
Chị Trang: Trong suốt thời gian anh Trội bị tạm giam, anh không có "nhận tội" hay "xin khoan hồng" gì cả. Không có chuyện đó.
Trà Mi: Hiện tại chị đã chuẩn bị tâm lý cho mình như thế nào?
Chị Trang: Hôm nay nhận được giấy thông báo tôi cũng cảm thấy rất lo lắng. Tôi chỉ mong rằng phiên tòa hôm đó sẽ diễn ra một cách minh bạch và công bằng.
Vụ án nhạy cảm
Được biết luật sư Huỳnh Văn Đông sẽ đại diện cho nhà dân chủ Phạm Văn Trội tại phiên tòa ngày 24/9 tới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với luật sư Đông để hỏi thăm thêm chi tiết. Ông cho biết:
LS Đông: Phiên tòa sẽ diễn ra bắt đầu từ buổi sáng 8 giờ ngày 24-9-2009 và tại Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội, là phiên tòa của riêng bị cáo Phạm Văn Trội. Còn những bị cáo khác cũng cùng ngày 24 nhưng mà ở TP.Hải Phòng. Tôi đã đồng ý bào chữa cho hai người, đó là anh Phạm Văn Trội và anh Ngô Quỳnh. Tuy nhiên trường hợp của anh Ngô Quỳnh thì chúng tôi đã gửi các thủ tục bằng đường bưu điện cho Tòa Án Nhân Dân TP.Hải Phòng, nhưng đến nay thì tôi vẫn chưa nhận được sự hồi đáp, trả lời bằng văn bản của Tòa Án Nhân Dân TP.Hải Phòng về vấn đề tôi tham gia tố tụng bào chữa cho anh Ngô Quỳnh. Tuy nhiên, chúng tôi được biết rằng phiên tòa sẽ diễn ra trong cùng một ngày, tức là ngày 24 khai mạc. Cho nên dù Tòa Án Nhân Dân TP.Hải Phòng có cấp cho tôi giấy chứng nhận bào chữa đi chăng nữa thì tôi cũng không thể nào tham gia bào chữa cho anh Ngô Quỳnh tại Tòa Án Nhân Dân TP.Hải Phòng được, bởi vì nó cùng ngày với anh Trội. Và tôi đã có một kiến nghị chính thức với Tòa Án Nhân Dân TP.Hải Phòng về vấn đề thủ tục luật sư tôi đã gửi một cách hợp pháp và đầy đủ theo yêu cầu, nhưng chưa có được trả lời.
Trà Mi: Nhưng cho tới phút này, đối với trường hợp anh Phạm Văn Trội, Luật Sư đã được thăm gặp, tiếp xúc trực tiếp với bị cáo chưa ạ?
LS Đông: Tôi có một thắc mắc là như thế này. Thủ tục bào chữa tôi đã gửi cho Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội cách đây đã hơn 2 tháng, nhưng cho đến hôm nay 14-9 thì chúng tôi mới nhận được giấy Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội cấp thì nó quá trễ, và khi có giấy đó, tôi mới được tiếp cận hồ sơ. Chúng tôi sẽ không có thời gian nữa để yêu cầu tòa án cho gặp anh Phạm Văn Trội trong trại được. Cho nên có thể là chúng tôi chỉ có thể gặp nhau trong giây lát tại tòa án vào ngày 24 tháng 9 tới đây.
Trà Mi: Luật Sư được tiếp cận hồ sơ cũng như tiếp cận với bị can trong một thời gian quá ngắn trước khi phiên tòa thực sự diễn ra. Đây có là một điều bình thường hay không, và lý do vì sao ạ?
LS Đông: Đây không phải là một điều bình thường, bởi vì theo quy định của luật, khi có đầy đủ giấy tờ và các thủ tục cần thiết thì sau 3 ngày tòa án phải trả lời cho tôi, phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi, còn nếu như không cấp thì cũng phải trả lời cho chúng tôi được biết vì sao không cấp. Cho nên tôi thấy cái việc này là hơi bất bình thường của Tòa Án Nhân dân TP.Hà Nội. Bởi vì thời gian nó quá dài, và trong cái thời gian đó thì chúng tôi cũng đã có một công văn đề nghị Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội trả lời cho chúng tôi được biết là cấp hay không cấp để chúng tôi có hướng đi cụ thể. Từ ngày hôm qua chúng tôi đi tiếp cận hồ sơ và cho đến ngày xử thì chúng tôi còn khoảng 9 ngày. Và chúng tôi hy vọng rằng trong 9 ngày đó chúng tôi có đủ thời gian để lên phương án bảo vệ cho anh Trội tại tòa.
Theo suy nghĩ và cảm nhận của tôi thì hình như Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội có ý không muốn cho tôi tham gia hay như thế nào đó thì tôi không biết, …
LS Huỳnh Văn Đông
Trà Mi: Vâng. Luật Sư vừa nói rằng đây là một điều bất thường, không đúng mấy với những quy định của pháp luật. Theo Luật Sư nhận xét, sự bất thường này lý do là vì sao?
LS Đông: Theo suy nghĩ và cảm nhận của tôi thì hình như Tòa Án Nhân Dân TP.Hà Nội có ý không muốn cho tôi tham gia hay như thế nào đó thì tôi không biết, chớ còn bình thường thì tòa án đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi trong thời hạn theo như luật định.
Trà Mi: Nếu như phỏng đoán của ông là đúng, tức là phía bên tòa án không muốn ông tham gia vào vụ án này, thì theo ông, lý do vì sao họ lại có ý là không muốn như thế?
LS Đông: Chúng tôi nghĩ rằng đây là những vụ án, mà theo như dư luận ở trong nuớc và cũng như là theo quan điểm của nhà nước, là những vụ án mang tính chất "nhạy cảm" - tôi xin đặt cái từ "nhạy cảm" trong ngoặc kép. Vì sự "nhạy cảm " đó, theo suy nghĩ của họ, mà có thể là họ không muốn cho chúng tôi tham gia. Đó là suy nghĩ của tôi thôi. Còn tôi thấy là mọi việc mà chúng tôi tham gia bào chữa cho bất cứ bị can nào, cho bất cứ bị cáo nào, về phạm tội gì, thì đó là trách nhiệm và nghề nghiệp của chúng tôi và chúng tôi cảm thấy rất là bình thường. Nhưng mà có một số trường hợp, vẫn còn cái suy nghĩ ở trong Việt Nam, là những vụ án này nó mang tính chất "nhạy cảm" thì chúng tôi không hiểu được cái từ "nhạy cảm" đó là như thế nào cả.
Trà Mi: Thưa Luật Sư, ý ông là những phiên tòa "nhạy cảm" thì thường người luật sư hay bị ngăn trở, hay là vì riêng đối với từng vụ việc, từng người luật sư mà có thể gặp những sự ngăn trở khác nhau? Ý chúng tôi muốn nói đây là vì ông cũng từng đã có tham gia vào vụ án Thái Hà. Đó có phải là một trong những lý do khiến cho ông gặp phải sự ngăn trở trong phiên tòa này không?
LS Đông: Nhận xét của chị có thể là đúng. Ví dụ như trường hợp ông Lê Trần Luật chẳng hạn. Ông Lê Trần Luật cũng là một luật sư bào chữa những vụ án mà người ta gọi là "nhạy cảm". Sau đó thì số phận pháp lý cũng như là công việc làm ăn của ông ta như thế nào và sự đi lại của ông ta như thế nào thì quý vị cũng đã hiểu, cũng đã thấy rồi, thì việc đó đã quá rõ.
Trà Mi: Thế nhưng bản thân Luật Sư, ông đã từng bao giờ tham gia vào các phiên tòa chính trị như thế này chưa ạ?
LS Đông: Tôi chưa hề, Đây là lần đầu tiên tôi tham gia phiên tòa mà nó mang cái tính chất mà người ta gọi là về "chính trị", "tội phạm chính trị".
Trà Mi: Lần đầu tiên ông nhận lời tham gia vào phiên tòa chính trị như thế, ông có chuẩn bị cho mình những bước tâm lý như thế nào không?
LS Đông: Chúng tôi không nghĩ là căng thẳng lắm bởi vì tôi đã xác định ngay từ đầu đây chỉ là một trong những vụ án bình thường, với tội phạm bình thuờng được quy định trong luật hình sự Việt Nam. Nó không phải là những cái tội gì khác trong bộ luật hình sự. Chúng tôi thấy rằng trong tất cả các tội phạm được quy định trong luật hình sự của Việt Nam thì tội nào, tính chất và cách tham gia tố tụng của tôi cũng như những người tham gia tố tụng khác là như nhau.
Trà Mi: Vâng. Thưa Luật Sư, trước khi kết thúc cuộc nói chuyện này, ông có điều gì muốn chia sẻ thêm với công luận trong và ngoài nước, với những người đang quan tâm tới những phiên tòa như phiên tòa của anh Phạm Văn Trội sắp tới đây không ạ?
LS Đông: Chúng tôi cũng chỉ mong muốn một điều rằng phiên tòa nó sẽ diễn ra một cách tốt đẹp và phiên tòa diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Các nhà đấu tranh dân chủ khác
Mười nhà bất đồng chính kiến ở miền Bắc lần lượt bị bắt hồi tháng 9 năm ngoái. Sau hơn 1 năm bị tạm giam, 8 người sẽ ra tòa cùng thời điểm, về cùng tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Trong số này, 6 bị can bao gồm nhà văn và cũng là thành viên khối dân chủ 8406 Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh, cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Sơn, ông Nguyễn Văn Tính, ông Nguyễn Văn Túc, và ông Nguyễn Kim Nhàn sẽ bị đưa ra Tòa án nhân dân Hải Phòng vào ngày 24 và 25/9.
Sau đó thì số phận pháp lý cũng như là công việc làm ăn của ông ta như thế nào và sự đi lại của ông ta như thế nào thì quý vị cũng đã hiểu, cũng đã thấy rồi, thì việc đó đã quá rõ.
LS Huỳnh Văn Đông
Cùng ngày 24/9, phiên xử nhà dân chủ Phạm Văn Trội sẽ được tổ chức tại Tòa án nhân dân Hà Nội. Trong khi đó, phiên tòa dành cho nhà dân chủ Vũ Hùng dự tính sẽ diễn ra vào ngày 25/9, cũng tại Tòa án nhân dân Hà Nội, theo thông tin từ luật sư Trần Vũ Hải.
Luật sư Hải nhận lời bảo vệ cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc trong vụ xét xử ở Hải Phòng, đồng thời cũng đại diện cho ông Vũ Hùng trong vụ xử ở Hà Nội.
Luật sư Huỳnh Văn Đông đồng ý bênh vực cho Ngô Quỳnh trong phiên tòa Hải Phòng và cho Phạm Văn Trội trong phiên xử ở Hà Nội.
Lịch xét xử ở hai nơi trùng lắp vào hai ngày 24 và 25/9 đã gây không ít khó khăn cho ông Trần Vũ Hải và ông Huỳnh Văn Đông, hai trong số rất ít luật sư tại Việt Nam tham gia các vụ án chính trị.
Cuối cùng, như luật sư Đông chia sẻ, ông chỉ tham gia được phiên tòa ở Hà Nội. Còn luật sư Hải cho biết ông đang yêu cầu cơ quan chức năng sắp xếp lịch thuận tiện cho ông được đại diện các thân chủ của mình ở cả hai phiên tòa chính trị này.
Chưa có thông tin về thời điểm của các phiên tòa dành cho blogger Phạm Thanh Nghiên và nhà thơ Trần Đức Thạch.
Người nhà các bị can Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc và Phạm Văn Trội cho biết có được 1, 2 lần thăm gặp thân nhân trong suốt thời gian hơn 1 năm tạm giam.
Còn mẹ của bị can Phạm Thanh Nghiên thì nói rằng:
Vẫn như thế thôi vẫn chưa gặp lần nào. Tôi xin gặp mà có được đâu. Cũng chả nghe nói về xử xét gì cả.
Vợ của bị can Vũ Hùng phát biểu:
Từ hồi anh ấy bị bắt 18/9 năm ngoái đến nay gia đình chưa được gặp lần nào. Chúng tôi có làm đơn gửi các cấp chính quyền nhưng chưa được trả lời
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan và gửi đến quý vị trong thời gian sớm nhất.