Hình ảnh mới về chợ Svay Pak của người Việt

Một khu phố đèn đỏ có đông người Việt thuộc ngoại ô Phnom Penh bên xứ Chùa Tháp, hiện đang yên lặng. Nhưng đã tạo một số nét của hình ảnh mới. Từ Campuchia, thông tín viên Nguyễn Bình có bài tường trình như sau:

0:00 / 0:00

Svay Pak nổi tiếng về sex tour

Chợ Svay Pak, nơi tập trung rất đông cư dân người Việt ở ngoại ô Phnom Penh, thuộc quận Russey Keo, từng được quảng bá trên một số trang web nước ngoài như là khu đèn đỏ nổi tiếng, phục vụ cho đường dây sex tour, nay trở nên vắng lặng vào ban đêm.

Với khung cảnh xung quanh là ruộng vườn của người bản xứ, chợ Svay Pak còn giống một thị trấn thuộc tỉnh lẻ hơn là một phần của thủ đô. Kể cả ban ngày cũng rất ít khách phương xa so với trước năm 2005.

Theo người dân địa phương, người Việt đến định cư tại chợ này ngày một đông trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Trong số đó có nhiều người có thế lực hoặc cấu kết với người có thế lực mở nhà chứa từ hạng trung đến cao cấp phục vụ chủ yếu khách nước ngoài.

Các chính trị gia đối lập nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính phủ Phnom Penh là bất lực trước những hoặt động của các chủ chứa ở Svay Pak, mà họ tin rằng có quan hệ với đường dây buôn người.

Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện thương tâm do phụ nữ Việt Nam kể với các tổ chức dân sự sau khi họ được cứu thoát từ các ổ chứa, như dùng nhục hình hay ép nạn nhân của đường dây buôn người sử dụng ma túy. V.v..

Đặc biệt, sau khi có một số trang web nước ngoài mô tả Svay Pak như một địa chỉ hấp dẫn cho đường dây sex tour kèm theo một số hình ảnh thô tục vào năm 2005, khiến nhiều người dân Campuchia phẫn nỗ như hình ảnh quốc gia của họ bị sỉ nhục, thì chính phủ mới ra tay.

Cuộc giải thể các nhà chứa năm 2005

Tất cả nhà chứa tại Svay Pak bị giải thể từ năm 2005, mà theo người dân địa phương cho đến nay họ chưa giám “tái phạm”.

Theo bà Nary, một người dân địa phương thì hiện vẫn còn một số chủ chứa còn đang ở tù. Còn những người hành nghề mãi dâm thì một số đi nơi khác, một số đổi sang nghề buôn bán.

Bà Trương Thị Thanh, một người phụ nữ Việt Nam sống tại đây trên 10 năm nói rằng chợ Svay Pak hiện không còn phức tạp như trước nữa. Còn dân số người Việt thì chỉ còn khoảng 3 phần 10 so với trước.

Nguyễ n Bình: Tối có khách vô đây chơi không?

Bà Trương Thị Thanh: Dạ, không có đâu. Vắng que à. Trước đây 9, 10 giờ tôi còn mở cửa. Bây mới 7 giờ đọc kinh xong ở nhà thờ là về đóng cửa rồi. Thí dụ như 10 phần, người ta đi hết 7 phần rồi, còn có 3 phần à.

Nhà này người ta cho mướn. Toàn là dân lao động. Một tháng 15, 20 đô vậy thôi.

Nguyễ n Bình: Người mướn cũng là người Việt ở đây à?

Bà Trương Thị Thanh: Dạ phần lớn là người Việt ở đây. Nhưng họ đi làm ở ngoài Nam Vang, hoặc là người buôn bán lóc cốc ở đây vậy đó.

Hình ảnh mới của Svay Pak

Vào sâu trong chợ Svay Pak, qua nhà bà Thanh và một số dãy nhà cho thuê vắng người vào ban ngày, thấy có một nhà thờ của đạo Công Giáo và một trường mẫu giáo dành cho con em người Việt.

Cô Trương Thị Bích Hợp đang dạy trẻ em cho biết trường mẫu giáo này do các Cha trong nhà thờ tạo dựng lên để giúp trẻ em Việt Nam làm quen với tiếng Khmer trước khi đến trường cùng với ngườ bản xứ.

Cô Hợp kêu gọi các bậc phụ huynh người Việt ở đây khiến khích con em đi học trường Campuchia.

Cô Trương Thị Bích Hợp: Cha mẹ người Việt Nam suy nghĩ rằng học chữ Miên không làm gì được. Nhưng mà mình ở nước người ta, mình phải đi theo người ta. Còn mình nói biết, đi ra đường không ai khi dễ.

Cô lấy ví dụ về trường hợp tai nạn giao thông do không biết chữ. Vì nơi cần giảm tốc độ ở Campuchia chỉ có bản hiệu viết bằng chữ Khmer. Nếu không biết chữ thì tiếp tục giữ tốc độ rất nguy hiểm.

Cô Trương Thị Bích Hợp: Người ta kêu ( giảm tốc độ ) còn mình không biết chữ cứ đi tới hoài. Mình đi cứ chạy mạnh hoài, bởi vậy mới có tai nạn xảy ra.