Tổng thống Obama: Người Mỹ sẽ không bao giờ bỏ cuộc

Tối thứ Ba 24-2-2009, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đọc bài diễn văn đầu tiên của ông trước Quốc Hội.

0:00 / 0:00

Xuất hiện lần đầu tiên trước lưỡng viện liên bang Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama cam kết sẽ đưa quốc gia vượt qua những khó khăn về kinh tế, đồng thời trấn an người dân bằng phát biểu nước Mỹ “sẽ trổi dậy mạnh hơn bao giờ hết”.

Sẽ trổi dậy mạnh hơn

Trong bài diễn văn dài 52 phút đồng hồ đi kèm với 61 lần đươc các vị dân cử Thượng và Hạ Viện đứng lên vỗ tay tán thưởng, vị Tổng Thống trẻ tuổi của nước Mỹ nói rằng trong khi nền kinh tế của quốc gia có thể bị suy yếu, lòng tin của mọi người có thể lung lay, và mặc dù nước Mỹ đang trải qua thời kỳ khó khăn và bất ổn, nhưng ông muốn người dân biết rằng “chúng ta sẽ tái thiết, sẽ phục hồi và nước Mỹ sẽ trổi dậy mạnh hơn” trong những ngày tháng tới.

Mước Mỹ sẽ mạnh hơn bao giờ hết, vì gánh nặng của cuộc khủng hoảng không phá huỷ được vận mạng của đất nước này cũng như khả năng vượt qua khó khăn không vượt quá tầm tay của mọi người.<br/>

TT Barack Obama<br/>

Ông nhấn mạnh sự trổi dậy của một nước Mỹ tương lai “sẽ mạnh hơn bao giờ hết”, vì “gánh nặng của cuộc khủng hoảng không phá huỷ được vận mạng của đất nước này” cũng như khả năng vượt qua khó khăn “không vượt quá tầm tay của mọi người”.

Để có thể đối phó với tình trạng kinh tế đang tiếp tục xuống dốc, ông Obama cho hay chính phủ cần thêm tiền để tạo ổn định cho thị trường tài chánh, ám chỉ số tiền 700 tỷ dollars được Quốc Hội thông qua hồi năm ngoái chưa đủ để giúp cho những ngân hàng đang gặp khó khăn.

Ông cũng nhìn nhận việc chính phủ dùng tiền thuế của người dân để cứu nguy các ngân hàng quản lý yếu kém là điều “không được công chúng ủng hộ”, nhưng khẳng định đó biện pháp duy nhất và rất cần thiết ngay trong lúc này “để phục vụ người dân và nền kinh tế của nước Mỹ”.

Chính sách này được chính phủ do ông lãnh đạo thực hiện với mục đích giúp ngân hàng “nhanh chóng tái khởi động hoạt động cho người dân và doanh nghiệp vay tiền” để chấm dứt tình trạng “dòng tín dụng ngưng chảy” cũng như “chấm dứt hẳn cuộc khủng hoảng” đang xảy ra.

Ông cam kết những ngân hàng “phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự hỗ trợ mà họ nhận được” từ chính phủ, và “phải làm rõ tiền thuế người dân được sử dụng như thế nào”, và kêu gọi các vị dân cử nhanh chóng thông qua luật hoạch định lại những quy luật được áp dụng cho thị trường tài chánh.

(Video: Tổng thống Barack Obama đọc diễn văn trước Quốc hội. courtesy of WhiteHouse.gov)

Ông cũng nói đến những khó khăn mà kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ đang gặp phải, cho biết chính phủ “không nên và không bao giờ bảo vệ những quyết định quản lý tồi tệ” mà các nhà lãnh đạo các công ty sản xuất xe hơi đã làm trong những năm trước đây, nhưng cũng chính ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ “giữ vững mục tiêu về một ngành kỹ nghệ xe hơi có thể cạnh tranh và thắng lợi”.

Ông cũng nhắc mọi người đừng quên “hàng triệu việc làm phụ thuộc vào kỹ nghệ này” và quan trọng hơn nữa, một quốc gia đã phát minh ra xe hơi không thể nào tiếp tục khoanh tay đứng nhìn ngành kỹ nghệ quan trọng của quốc gia “ở bờ vực phá sản”.

Cũng trong bài diễn văn, ông Obama kêu gọi mọi người cùng ông bỏ hẳn “những lợi ích ngắn hạn”, cùng hành động “với quyết tâm cao độ, chú trọng “vào sự thịnh vượng dài lâu” cho để “thế kỷ này sẽ là một thế kỷ nữa của nước Mỹ”.

Để làm được điều này, ông đưa ra một kế hoạch cho tương lai, trong đó ông nói rõ “dựa vào những thực tế, tất cả mọi người đều phải hy sinh”, kể cả ông.

Obama-Congress-022409b-305.jpg
Bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama được Quốc hội Hoa Kỳ nồng nhiệt tán thưởng. Photo courtesy of WhiteHouse.gov (Photo courtesy of WhiteHouse.gov)

Kế sách cho tương lai mà ông nói đến bao gồm nhiều việc, từ giải quyết vấn đề năng lượng với mục tiêu trong 3 năm tới phải tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái sinh, đầu tư thêm vào công nghệ phát triển phong điện và điện mặt trời, để Hoa Kỳ không tiếp tục phải mua một lượng dầu thô khổng lồ của nước ngoài, cho đến bảo hiểm y tế, cải cách toàn diện hệ thống chăm sóc y tế dựa trên 2 nguyên tắc “chất lượng và phải chăng cho tất cả mọi người dân Mỹ”, và “khẩn cấp mở rộng cơ hội giáo dục” để mọi người đều được tiếp cận với một nền “giáo dục cạnh tranh và hoàn chỉnh” từ ngày mở mắt chào đời cho đến khi bắt đầu đi làm.

Ở điểm này, Tổng Thống Hoa Kỳ nói rằng trong nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, điều giá trị nhất mà mọi người có thể bán chính là sự hiểu biết, vì thế “giáo dục không phải chỉ là một cơ hội, mà là một điều kiện tiên quyết”, và đầu tư cho giáo dục “chính là liều thuốc giải quyết suy giảm kinh tế”.

Vẫn theo ông, điều đáng lo âu là chỉ có 50% công dân Mỹ có bằng đại học, Hoa Kỳ đang dẫn đầu danh sách những nước công nghiệp có tỷ lệ bỏ học trung học cao nhất, trong lúc ai cũng biết “những quốc gia có nền giáo dục mạnh hơn chúng ta ngày hôm nay sẽ có sức mạnh cạnh tranh hơn ở ngày mai”.

Ông Obama cũng thông báo thứ Năm này sẽ chuyển sang Quốc Hội bản đề nghị ngân sách cho tài khoá tới, trong đó các nhân viên đặc trách ngân sách cắt giảm rất nhiều chương trình được ông coi là không thực tế hay không đem lại thành quả.

Ông nhắc lại cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống chỉ còn một nửa ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, và sẽ tiết kiệm được 2 ngàn tỷ dollars cho quốc gia trong 10 năm tới.

Bài diễn văn đầu tiên ông Obama đọc trước lưỡng viện liên bang kết thúc với nhiều câu chuyện kể, bắt đầu bằng chuyện một ông chủ tịch ngân hàng ở bang Florida chia khoản tiền thưởng 60 triệu đô cho các nhân viên dưới quyền, thay vì giữ lấy làm của riêng, và kết thúc với chuyện cô học sinh cấp hai tên Ty’Sheoma Bethea mà ông gặp ở thành phố Dillon thuộc bang South Carolina.

Cô học sinh nhỏ bé này theo học ở một ngôi trường “trần nhà thì dột, sơn tường thì tróc” thày cô giáo “mỗi ngày phải ngừng dạy 6 lần vì tiếng động do những đoàn xe lửa đi qua”.

Ông Obama kể cho mọi người nghe rằng trong lúc mọi người đều bảo ngôi trường đó không còn hy vọng gì cả, thì cô học sinh cấp hai đến thư viện, ngồi đánh máy lá thư gửi cho các vị dân cử, kêu gọi giúp đỡ.

Lá thư này có đoạn viết rằng “chúng cháu chỉ là những đứa học sinh ước mơ trở thành luật sư, bác sĩ, thành nghị sĩ như các bác và biết đâu chừng có ngày trở thành tổng thống”, vì thế sự giúp đỡ của mọi người sẽ tạo cơ hội “để chúng cháu có thể thay đổi không chỉ bang South Carolina mà còn thay đổi cả thế giới”.

Lá thư kết luận với câu “chúng cháu không phải là những người bỏ cuộc”.

“Không phải là những người bỏ cuộc” cũng là câu ông Obama dùng để kết thúc bài diễn văn. Ông cũng nhắc lại điều ông đã sử dụng trong bài diễn văn nhậm chức đọc cách đây hơn một tháng, là nước Mỹ “sẽ can đảm đương đầu với thách thức của thời đại” để con cháu sau này hãnh diện là hậu duệ của những người chẳng lùi bước, không bỏ cuộc.