Nhật ký Bắc Kinh, kỳ 14: Thương mấy cho vừa cô bé ơi!

Cô năm nay 22 tuổi, quê ở Ðồng Tháp. Thương cha mẹ, em chấp nhận theo môi giới lên Sài Gòn để lấy chồng nước ngoài. Lấy chồng sang đây được hai năm thì bỏ chồng chạy trốn.

1.-

Từ thủa nhỏ tôi đã không thích ăn rau. Hầu như bữa cơm nào cũng bị mẹ mắng về tội này, các ông anh bà chị trong nhà đều được dặn dò kỹ khi nào mẹ đi vắng “chúng mày phải nhớ gắp rau vào bát cho em”.

Khi lớn lên vẫn chứng nào tật nấy, giờ ăn chưa cầm đũa mắt đã nhìn vào đĩa thịt hay con cá ở trên bàn, chọn chỗ ngồi càng xa đĩa rau càng tốt. Nhất định không ăn rau.

Tôi trung thành với “chỉ tiêu” có từ tuổi thơ và tâm hồn ăn uống của mình cho đến khi tìm cớ trốn việc ở Bắc Kinh để đến một thành phố khác hồi cuối tuần rồi.

2.-

Cô cùng nhóm bạn đón tôi ở sân bay. Ðây không phải lần đầu tiên tôi đến đây, nhưng là lần đầu tiên bè bạn gặp nhau. Hầu hết người trong toán là những người tôi quen, từng “nói chuyện” nhiều lần qua internet, đây là buổi gặp mặt thứ nhất của anh em chúng tôi.

Dấu hiệu nhận nhau là tấm bảng mang hai chữ ghi tên tôi viết bằng mực đen thật đậm cô cầm đứng ngay phía trước.

“Mừng gặp anh”, ông Nghĩa “chồng” nói với tôi như thế. Quê Thanh Hóa, từng đi bộ đội, cuộc đời người lính đẩy đưa anh đến gần Hà Nội và sau cùng ở lại làm rể Bắc Giang.

Anh và vợ sang đây đã hai năm “làm ăn vất vả lắm vẫn không kiếm được đồng tiền gửi về nuôi 3 cháu”, chị “Nghĩa” vợ kể.

Xin được giải thích rõ: hơn cặp vợ chồng này đều tên Nghĩa, nên được anh em gọi yêu là Nghĩa “chồng” và Nghĩa “vợ”. Năm nay mới hơn 30 nhưng rõ ràng cả hai đều già trước tuổi, mái tóc cắt thật ngắn của cậu thanh niên từng trôi dạt khắp mọi miền đất nước đã bắt đầu có những sợi bạc. Dù rất ít, nhưng cũng đủ để cho người đối diện thấy được nỗi nhọc nhằn mà hai anh chị đang gánh vác.

Cô là người cuối cùng trong toán bắt tay tôi. “Dạ, em tên Lang” cô tự giới thiệu với giọng nói đặc sệt của một cô thiếu nữ miền Nam kèm theo điệu bộ không lạnh lùng, chẳng dửng dưng, nhưng cũng không lộ vẻ vui mừng đón khách từ xa đến thăm như các bạn khác.

Chị Xuân, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong đám thấy tôi có vẻ “khựng” trước cử chỉ không mấy niềm nở của cô, vội vã nhảy vào đỡ lời “con em đây là đứa bé nhất trong đám, anh chưa nói chuyện với nó bao giờ. Chúng em rủ ra sân bay đón anh cho vui”.

3.-

Tất cả chúng tôi lên xe, chia nhau 4 người ngồi chung một chiếc taxi. Nghĩa “chồng” bảo “đón anh chúng em mới đi taxi, thường chúng em chỉ đi xe buýt”.

Chị vợ tiếp lời chồng “anh đi có mệt không” chưa đợi tôi trả lời đã hỏi tiếp “chắc anh đói bụng rồi chứ gì? Về đến nhà, em và con Lang nấu cơm ngay cho anh ăn”.

Cô ngồi phía trước không nói gì và cũng chẳng nở một nụ cười góp chuyện, dù băng ghế đằng sau tôi và vợ chồng Nghĩa vẫn tay bắt mặt mừng, chuyện trò luôn miệng.

Xe chạy mất chừng 20 phút thì đến nơi, chỗ tôi gọi đùa là điểm hẹn.

Căn hộ vợ chồng Nghĩa thuê chung với một đôi vợ chồng khác. Nhà khá bề bộn vì chứa quá nhiều thứ cần phải chứa, giữa phòng đã đặt sẵn một chiếc bàn dài với hơn chục chiếc ghế sắt.

Ðây là bàn ăn và cũng là bàn ngồi uống nước. Nước là những cốc chè thật nóng, thật đặc, chưa đầy trong những cái phích để ở giữa bàn. Theo đúng phong tục của người Á Ðông, cánh đàn ông ngồi uống nước, hút thuốc nói chuyện vặt, các bà các cô ra đằng sau bắt đầu lo chuyện cơm nước.

Chuyện thì cũng chỉ có ngần ấy thôi, nhưng hết người này kể đến người khác huyên thuyên kể. Phía chủ thì quê ở đâu, sang bên này từ lúc nào, làm ăn có khá không, có gia đình chưa, nếu có thì mấy con, có thường gọi điện về nhà không, ở có gần đây không?

Phía khách thì sang Mỹ lâu chưa, ở chỗ ấy là chỗ nào, có đông “bà con người Việt mình” không, có gần quận Cam không, có thức ăn Việt Nam không, trong nhà có nói tiếng Việt với nhau không, đã về thăm nhà bao giờ chưa?

Tôi lặng yên nghe từng câu chuyện được kể, và phía chủ cũng ngồi lặng yên nghe kể về cộng đồng “bà con người Việt mình” bên Mỹ. Cách đây chỉ hơn nửa giờ cả hai bên không biết gì về nhau, nhưng đến gần ngay được với nhau vì tất cả đều nói tiếng Việt.

Nói chuyện một lát, tôi đứng dậy bảo Nghĩa chồng cho xuống bếp thăm các bà nấu ăn. Ở đó tôi gặp lại cô đang đứng một mình trước nồi rau luộc. Tôi đến làm quen, bảo theo tôi nghĩ tên cô phải là Lan, chắc mấy ông bà Ủy Ban Nhân Dân bên nhà đánh máy lộn thành “Lang” và nói dối lúc còn đi học trong lớp tôi cũng có một chị tên “y hệt như vậy”.

Cô cười bảo “dạ phải” nhưng không nói gì thêm nữa. Tôi bắt chuyện tiếp hỏi thế hôm nay cô cho ăn món rau gì đây. Cô lại cười “hôm nay đãi anh ăn món rau lang”.

Cái cười đó chưa hẳn cô đã dành cho tôi, có lẽ dành cho đĩa rau xanh ngắt trùng tên với mình cô vừa vớt khỏi nồi để cho ráo nước. Nhưng chính nụ cười thứ nhì kèm theo câu trả lời “dài hơi” đã giúp tôi đi một bước xa hơn, biết cô năm nay 22 tuổi, quê ở Ðồng Tháp, lấy chồng sang đây được hai năm thì bỏ chồng chạy trốn.

Thế bây giờ cô Lang làm gì??? Tôi hỏi tiếp. Cô ngập ngừng, tỏ vẻ phân vân, ngại ngùng trước khi trả lời câu hỏi của tôi.

“Dạ, em đi khách”

4.-

Em biết thế nào anh cũng hỏi câu này. Hôm qua mấy chị rủ ra sân bay đón anh, em đã ngần ngại không muốn đi. Ở bên này xa nhà, nghe tin có người đi cả ngàn cây số đến thăm mình thì mừng chứ, nhưng chị Nghĩa bảo anh là nhà báo em nên em ngại.

Em ngại vì biết trước sớm muộn gì anh cũng sẽ hỏi em làm nghề gì. Nói thật không được, nói dối thì không đành lòng. Thôi thì em làm gì thì em cứ nói, nghe lọt hay không tùy anh.

“Dạ, em đi khách”.

Chuyện của em không có gì hay, cũng chẳng đặc biệt gì đâu anh. Em ở dưới quê, nhà nghèo cha mẹ chạy từng bữa ăn một, trong khi xóm Ðài Loan, xóm Hàn Quốc cứ thay phiên nhau mọc lên nhờ tiền của những cô dâu gửi về giúp gia đình.

Thương cha mẹ, em chấp nhận lấy chồng nước ngoài, chính cha em đưa em lên Sài Gòn gặp môi giới chứ đâu. Ngồi xe lên Sài Gòn em cũng lo, không biết cuộc đời mình rồi sẽ ra sao.

Em chỉ biết nếu may mắn được chồng thương sẽ có tiền gửi về giúp cha mẹ để bớt khổ cực, chứ lấy chồng ở quê thì bao giờ có thể khá lên.

Rồi còn con cái nữa chứ, lấy chồng nghèo ở dưới quê thì con cái sẽ tiếp tục cảnh nghèo. Em chỉ nghĩ như vậy thôi, chứ đâu mơ ước gì cao hơn đâu.

“Dạ, em đi khách”.

Con người có số phận hết anh. Em nói vậy chắc anh hiểu. Hoàn cảnh chẳng ai muốn như thế này, nhưng làm sao thoát được số phận trời đã định. Hoàn cảnh của em không may, gặp ngay người ác.

Chuyện này chắc anh đã nghe nói đến nhiều rồi em đâu phải kể nữa anh hả, nhưng nếu em muốn em sẵn lòng kể lại cho anh nghe. Nhưng thôi đừng nghe anh. Anh trông cũng đâu có ác đến độ bắt em phải kể lại đầu đuôi ngọn ngành. Tội em lắm anh ơi.

“Dạ, em đi khách”.

Em làm nghề này cũng cả năm rồi anh. Về không được, ở không xong, nhưng vẫn phải lo kiếm tiền trang trải sống bên này, phần vẫn phải lo dành dụm gửi về cho cha mẹ.

Tuần nào em cũng gọi điện cho ba má em hết. Má em hỏi vợ chồng mày thế nào, em nói tụi con vẫn bình thường, nhà con gửi lời thăm ba má.

Có lần em bắt một thằng khách nói chuyện với má em, sau đó tự em thông dịch bảo ảnh gửi lời chào ba má đó.

Hôm nọ má em hỏi tụi mày tính chuyện con cái gì chưa, em trả lời con mới bị xẩy thai má à. Nghe vậy má em buồn, nhưng em đâu dám nói thiệt.

Xẩy thai còn đỡ hơn là kể cho má em nghe “má ơi, con gái má xẩy cả cuộc đời rồi”. Em đâu có đành lòng nói cho ba má biết điều đó.

“Dạ, em đi khách”.

5.-

Ðến giờ ăn cơm. Tất cả chúng tôi quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều ăn sớm. Tôi được đặt ngồi ngay ở giữa, cô tình nguyện ngồi ở một đầu bàn, bảo “để em bới cơm cho”.

Nghĩa “chồng” đứng lên nói ít lời, chào mừng và cám ơn “ông anh đã bỏ thì giờ đến thăm chúng em”. Tôi cũng đứng dậy đáp lễ, cám ơn các bạn đã đón tiếp với tất cả tấm lòng và không ngờ có ngày được các ngồi ăn cơm chung như thế này. Trước mặt tôi là bát canh chua, đĩa thịt kho và con cá chiên. Hai đĩa rau lang luộc được đặt thật xa.

Bữa cơm bắt đầu. Tôi thấy cô đưa tay làm dấu thánh giá. Lúc nãy ở nhà bếp, cô bảo “em nghe anh chị Nghĩa nói anh quen với mấy Cha Việt Nam ở đây hả?

Anh hỏi mấy Cha thì biết, tuần nào em cũng đi xưng tội hết, xin Chúa tha tội cho em vì em làm điều xấu, xin Chúa tha tội cho em vì em nói dối cha mẹ”.

Tôi cũng thấy cô cúi đầu thầm đọc kinh. "Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày và tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Ðây là câu kinh tôi được dậy phải đọc trước mỗi bữa ăn nên tôi biết. Tôi chỉ không hiểu Chúa có biết “lương thực hàng ngày” của cô đến từ đâu không, và nếu biết, đến bao giờ Chúa mới tha nợ cho cô, hay vẫn tiếp tục bắt cô phải đưa đôi vai gầy guộc ra để vác chiếc Thánh Giá quá nặng?

Tự dưng tôi nghĩ chính mình là kẻ có tội, nhiều tội nữa là đàng khác. Có tội vì đã khơi lại một vết thương quá đớn đau mà cô đang cố tìm cách dấu kín. Lúc ở nhà bếp cô vừa khóc vừa nói chuyện với tôi, khi Nghĩa “vợ” hỏi làm sao vậy, cô trả lời tại khói bếp.

Tôi thấy chị Nghĩa đưa mắt nhìn tôi thầm bảo “anh vừa đến mà đã làm gì để con Lang nó khóc thế? Nấu bếp gaz làm sao có khói?”. Cũng chính vì tôi mà cô phải nói dối, để rồi cuối tuần lại đi xưng tội.

Tôi đưa đũa gắp miếng rau luộc. Ðây là lần đầu tiên trong đời tôi muốn ăn rau. Ðây cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ăn “rau lang” lại do một cô tên Lang đứng luộc, và tôi có cảm tưởng từng lá rau một, lá nào cũng đậm đà vì nước mắt của cô.

6.-

Sáng hôm sau tôi ra phi trường về lại Bắc Kinh. Không có cô đưa tiễn. Nghĩa “vợ” bảo “con Lang đêm qua về khuya lắm, lúc nãy nó có gọi gửi lời chào anh”. Tôi ngồi yên không nói gì. Tối qua cũng bên cạnh điếu thuốc lá và ly nước chè thật đặc, tôi đã định hỏi vợ chồng Nghĩa xem có cách nào giúp cô hay không?

Ðịnh thôi nhưng không dám hỏi, vì Nghĩa mới than với tôi “hai vợ chồng em đi buôn xa chuyến này lỗ vốn, anh ạ”. Cũng chính Nghĩa bảo “em con nhà lính mà. Xem như mình lại thua một trận nữa”. Hai vợ chồng họ không lo nổi lấy thân, làm sao mình có thể nhờ cưu mang thêm một người khác.

Chuyến đi xa ngắn ngủi của tôi kết thúc. Với chiếc túi xách nhỏ cầm tay tôi bước vào sân bay đợi giờ về lại Bắc Kinh. Bỗng dưng tôi nhớ lại nhiều phi trường Châu Á có đặt những chậu hoa lan tuyệt đẹp, có quốc gia dựng hẳn một vườn lan ở trước cửa sân bay.

Nhưng có lẽ không có đóa hoa lan nào gầy gò, mong manh và đáng yêu như “Lang” mà tôi đã gặp.

Bạn có thể bảo “thằng cha này đang tập viết văn, không lo nhiệm vụ viết báo”. Bạn cũng có thể bảo “đúng thằng cha nhà báo nói láo ăn tiền, làm gì có chuyện này”.

Trách mắng sao cũng được cả, chỉ xin các bạn nhớ hộ một điều: có rất nhiều “cành lan” Việt Nam đang hiện diện ở nhiều quốc gia, từ Cam Bốt, Thái Lan đến Ðài Loan, Hàn Quốc, và ngay cả ở đất Trung Quốc mà tôi chỉ ghé qua sống tạm ít tuần.

Có thể họ đang rơi nước mắt khi luộc đĩa rau ăn bữa cơm chiều, hệt như cô Lang đã khóc trước nồi rau lang luộc cho tôi ăn cách đây chỉ một vài ngày, cũng có thể nồi rau luộc đã chín, họ đang đưa tay làm dấu thánh giá trước khi cầm đũa ăn miếng cơm đầu tiên, y hệt như cảnh cô Lang đưa tay làm dấu thánh giá mà tôi chứng kiến.

Và cũng có thể họ đang cúi đầu cầu nguyện. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày.

Cũng đừng quên trong số những cành lan đó, thế nào cũng có cô tên Lang. Nếu gặp, bạn nhớ e-mail kể chuyện cho tôi biết với nhé.

Chỉ sợ lúc đó bạn cũng có tâm trạng như tôi bây giờ. Tâm trạng của một kẻ vừa đi xa về, vứt chiếc túi xách vào một góc phòng và ước gì đừng có chuyến đi.