Nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa Cộng sản theo quan điểm của các Dân biểu Châu Âu

Ỷ Lan, phóng viên đài RFA

Hội đồng Châu Âu là tổ chức chính trị lâu đời nhất của Âu châu, ra đời năm 1949. Trụ sở đặt tại thành phố Strasbourg miền Đông bắc nước Pháp, cũng là nơi Liên hiệp Châu Âu và Quốc hội Châu Âu đặt trụ sở thứ hai sau trụ sở thứ nhất ở Brussels, Vương quốc Bỉ. Khác với Liên hiệp Châu Âu gồm 25 quốc gia thành viên Tây, Đông và Bắc Âu, Hội đồng Châu Âu có 46 quốc gia thành viên, trong số này có 21 quốc gia Trung và Đông Âu.

0:00 / 0:00
MaoChina150.jpg
Nhà cầm quyền Trung Quốc thời gian gần đây cũng tìm cách điều chỉnh học thuyết Karl Marx cho phù hợp với tình hình phát triển tại Hoa lục. AFP PHOTO.

Mục tiêu của Hội đồng Châu Âu là kết hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên nhằm mục đích bảo vệ an ninh dân chủ, nhân quyền và Nhà nước Pháp quyền.

Kể từ năm 1989, nghĩa vụ đặc biệt của Hội đồng Châu Âu là làm tiền vệ cho nhân quyền tại các quốc gia dân chủ hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu, giúp đỡ các quốc gia này cải cách chính trị song song với cải cách kinh tế, và trao truyền kiến thức trên các lĩnh vực nhân quyền, dân chủ cơ sở, giáo dục, văn hóa, môi trường.

Nghị quyết số 1481 lên án những tội ác chống nhân loại của các chế độ Cộng sản trên toàn thế giới được thông qua ngày 25.1.2006, với đa số áp đảo 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống.

Đặc biệt điều 9 của Nghị quyết xác định rằng : "Các chế độ toàn trị cộng sản vẫn còn hoạt động tại một số quốc gia trên thế giới và vẫn tiếp tục gây tội ác. Quyền lợi quốc gia không thể là cái cớ nhằm phản bác những phê phán thích đáng các chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay. Hội đồng Châu Âu cực lực lên án tất cả những vi phạm nhân quyền".

Các tội ác này đến từ đâu ? Điều 3 của Nghị quyết ghi nhận: "Nhân danh chủ trương đấu tranh giai cấp và nguyên tắc chuyên chính vô sản mà các tội ác được biện minh. Sự giải thích hai nguyên tắc này đã hợp thức hóa việc "thủ tiêu" những người bị cho là có hại cho sự xây dựng một xã hội mới, và do đó, bị xem là kẻ thù của các chế độ độc tài toàn trị cộng sản".

Điều 5 còn xác định : "Sự sụp đổ của những chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Trung và Đông Âu không được quốc tế điều tra theo dõi các tội ác gây ra. Hơn nữa, tác giả những tội ác nầy chưa hề bị đưa ra xét xử trước cộng đồng quốc tế, như trường hợp những tội ác khủng khiếp do Đức Quốc xã gây ra trước đây".

Trong thời gian hoạt động tại Strasbourg, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Cơ sở Quê Mẹ đã gặp gỡ các vị Dân biểu và ghi nhận những phát biểu sau đây của các Dân biểu Châu Âu ủng hộ Nghị quyết 1481, mà đa số là các Dân biểu thuộc Trung và Đông Âu, là các quốc gia kinh qua một thời gian dài dưới chế độ độc tài toàn trị Cộng sản.

Tôi lên tiếng hậu thuẫn cho việc tố cáo những tội ác của chế độ Cộng sản toàn trị, mặc dù trong thực tế tôi là cựu đảng viên Cộng sản. Tôi hy vọng rằng những nỗ lực nhằm chấm dứt chế độ ấy để xây dựng dân chủ tại Estonia đang sửa chữa những tổn hại mà tôi đã gây ra khi tham gia đảng Cộng sản.

Họ là nhân chứng sống cho những bạo tàn và thảm sát nhân loại không thể nào tha thứ, không thể nào còn giữ im lặng một cách bất lương và đớn hèn. Các lời phát biểu dưới đây đã được Đài Á châu Tự do phát về Việt Nam trong 2 chương trình buổi sáng và buổi tối hôm 8.2.2006.

Trong cuộc bỏ phiếu thông qua, một số đảng khuynh tả Châu Âu đã chống đối Nghị quyết, dù họ đồng tình tố cáo các tội ác cộng sản trong quá khứ, nhưng lại ngại rằng sự tố cáo ấy trở thành cuộc chống đối ý thức hệ Mác-xít. Các cuộc thảo luận trong năm 2004 chỉ xoáy quanh sự lo ngại này mà thôi, nên một số đảng tả khuynh đưa những đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản (amendment) chứ không hề chống đối sự lên án.

Hội đồng Âu châu mới đây đã thông qua nghị quyết mang số 1481 lên án các chế độ Cộng sản vì những tội ác mà họ gây ra cho nhân dân của họ. Nghị quyết đã gây xôn xao thế giới với những dư luận đồng tình và phản đối từ khắp nơi.

Riêng tại Việt Nam thì các báo đều có bài kịch liệt lên án, cho rằng đó là một nghị quyết sai trái.

Phái viên Ỷ Lan của ban Việt ngữ đã phỏng vấn một số đại biểu Hội đồng về bản nghị quyết này. Sau đây là phần đầu của cuộc phỏng vấn này, trong đó phái viên Ỷ Lan hỏi chuyện Dân biểu Catherine Saxe của Estonia, cùng với hai Dân biểu Mattiascioski và Nemen của Hungary.

Ỷ Lan : Sau đây là ý kiến của Bà Catherine Saxe, Dân biểu nước Estonia.

Dân biểu Catherine Saxe: Nếu Hội đồng Châu Âu coi trọng pháp quyền, dân chủ và nhân quyền, thì chúng ta phải áp dụng những tiêu chuẩn ấy để đánh giá quá khứ của chúng ta. Chúng ta không nhắc chuyện ở thời đại xa cách chúng ta, mà là một lịch sử mà đa số trong chúng ta từng chứng kiến.

Vì vậy mà chúng ta cần biết rõ sự thật. Nhưng bất hạnh thay, trong thực tế có số người không chịu nói lên sự thực, do bản thân họ từng tham dự, hoặc do họ từng đóng những vai trò trong các sự kiện đã qua ấy.

Tôi lên tiếng hậu thuẫn cho việc tố cáo những tội ác của chế độ Cộng sản toàn trị, mặc dù trong thực tế tôi là cựu đảng viên Cộng sản Estonia. Vì sao tôi vào đảng là điều không quan trọng, ngày nay tôi chẳng hãnh diện gì về điều này, là điều đã làm thương tổn cha mẹ tôi vì cha mẹ tôi bị thống khổ dưới chế độ ấy.

Tôi hy vọng rằng những nỗ lực nhằm chấm dứt chế độ ấy để xây dựng dân chủ tại Estonia đang sửa chữa những tổn hại mà tôi đã gây ra khi tham gia đảng Cộng sản.

Bản Nghị quyết hôm nay không nhằm kết án riêng tôi vì tôi không hề phạm các tội ác ấy. Những kẻ nào gây ra tội ác chống nhân loại sẽ phải đưa ra xét xử trước tòa án, chứ không phải tại Hội đồng Châu Âu.

Trên hết mọi sự, hôm nay chúng tôi biểu dương sự ủng hộ và công nhận các nạn nhân của chế độ Cộng sản, còn sống hay đã chết. 60 triệu người đã chết oan dưới các thể chế Cộng sản trong toàn thế giới.

Thật là một quyết định tối hậu cho xã hội dân chủ hiện đại khi vẽ ra một lằn ranh minh bạch giữa những tội ác vi phạm với những giá trị mà chúng ta trân quý.

Đây là điều tối ư quan trọng cho tương lai chúng ta. Làm được như vậy, tôi hy vọng rằng, các con cháu của tôi sẽ không bao giờ kinh qua những cảnh thảm khốc mà cha mẹ tôi đã phải chịu đựng.

Ỷ Lan: Ông Mattiascioski, Dân biểu Hung Gia Lợi có cùng một quan điểm khi ông phát biểu.

Dân biểu Mattiascioki: Sáng nay có một số người nhỏ biểu tình trước trụ sở Hội đồng Châu Âu, và chúng tôi đã nhận được vài lá thư của các nhóm vận động nói rằng chúng tôi đã sai lầm khi tố cáo những tội ác của các chế độ Cộng sản.

Tôi muốn nói với đảng tả khuynh Châu Âu Thống nhất và những ai đã viết các thư trên, rằng họ hoàn toàn tự do để đến đây, tự do phát biểu ý kiến của họ.

Hồi tôi còn trẻ, hồi tóc tôi còn nhiều và không bạc như bây giờ, tôi còn để râu nữa, thời ấy chúng tôi muốn viết kiến nghị thư hay muốn biểu tình ở Hung Gia Lợi, chúng tôi liền bị đánh đập và bắt bỏ tù. Đó là điều khác biệt kinh khủng với bây giờ...

Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần rút tỉa bài học từ thái độ trí thức của một Châu Âu tả khuynh. Hãy nghĩ tới những người như Jean-Paul Sartre, ông ta thú nhận trước khi chết rằng: "Tôi đã biết rất rõ về các trại tập trung Gulags, nhưng tôi không muốn vạch trần ra, vì tôi không muốn làm mất tinh thần của giai cấp công nhân đang tin tưởng vào một ngày mai ca hát"...

Bài học mà chúng ta rút tỉa từ một thái độ như thế, là phải biết rõ sự thật, xem đấy như tiêu chuẩn tối hậu. Ở đây chúng ta không đề cập tới vấn đề ý tưởng, mà nhắm vào những tội ác khủng khiếp...

Chúng ta nói đến trường hợp Pol Pot, Mao Trạch Đông, Stalin, và những gì bọn họ đổ lên đầu nhân dân họ. Điều cơ bản mà tôi sợ nhất, và tôi chẳng hiểu vì sao vẫn hiện hữu những người tả khuynh không chịu chấp nhận rằng chúng ta đang nhắc nhở tới những tội ác khủng khiếp, chứ không đề cập vấn đề ý thức hệ.

Ỷ Lan: Ông Nemen, Dân biểu Hung Gia Lợi kể lại một kinh nghiệm đau thương tại nước ông.

Dân biểu Nemen: Như quý vị đã biết, năm nay chúng tôi kỷ niệm 50 năm Cách mạng Hung Gia Lợi đấu tranh cho tự do. Xin cho phép tôi nhắc lại câu chuyện của một người đấu tranh cho tự do. Đó là công nhân Peter Mansfeld, năm ấy mới có 16 tuổi.

Sau khi chiến xa Liên Xô tiến chiếm thủ đô Budapest năm 1956, em bị bắt bỏ tù, rồi sống trong tình trạng tạm giam suốt 2 năm cho đến ngày sinh nhật 18 tuổi, là ngày em đủ tuổi lãnh án tử hình chiếu theo "luật pháp Xã hội chủ nghĩa". Em bị hành quyết năm 1958. Nếu còn sống, năm nay người thiếu niên ấy được 66 tuổi.

Trên hết mọi sự, hôm nay chúng tôi biểu dương sự ủng hộ và công nhận các nạn nhân của chế độ Cộng sản, còn sống hay đã chết. 60 triệu người đã chết oan dưới các thể chế Cộng sản trong toàn thế giới. Quyết định hôm nay vô hình trung xác nhận đã có hàng triệu Peter Mansfelds.