Đây là lần thứ hai trong vòng năm tháng vừa qua, tờ Tuổi Trẻ đột ngột ngắt ngang một loạt bài nhiều kỳ và nội dung của cả hai loạt bài này đều liên quan đến Trung Quốc.
Sự kiện vừa kể còn có gì khác đáng chú ý? Trân Văn tổng hợp và tường trình...
Khởi đăng từ ngày 8 tháng 9, “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” có lẽ là loạt bài đầu tiên, trên hệ thống thông tin của Đảng CSVN và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tường thuật chi tiết về sự kiện 19 tháng 1 năm 1974 – thời điểm Hải quân Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tại biển Đông từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Sự kiện 19 tháng 1 năm 1974
Qua hai bài đầu của loạt bài này, thông qua hồi ức của một sĩ quan địa phương quân và một hạ sĩ quan hải quân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa – những người đã từng tham gia gìn giữ Hoàng Sa, cũng như đã từng tham chiến để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - tờ Tuổi Trẻ giải thích lý do họ quyết định thuật lại câu chuyện liên quan đến Hoàng Sa – xin dẫn nguyên văn phần "Lời Tòa soạn" giới thiệu loạt bài này: Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển, trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo, biển của người Việt!
Tờ Tuổi Trẻ kể, tuy Hoàng Sa đã mất song ông Nguyễn Văn Đức – cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và là một người từng học, có hiểu biết về luật pháp quốc tế - vẫn âm thầm lục tìm những tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, gói ghém cẩn thận bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và theo tờ Tuổi Trẻ - xin dẫn nguyên văn: 35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Trong số những bằng chứng này có tờ Sự vụ lệnh của Bộ Chỉ huy Biệt khu Quảng Đà, thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cử ông Đức và một trung đội địa phương quân ra trấn giữ Hoàng Sa.
Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển, trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo, biển của người Việt!
Lời Tòa Soạn, báo Tuổi Trẻ
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, ngoài ông Nguyễn Văn Đức, còn có ông Lữ Công Bảy – cựu thượng sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, người đã từng có mặt trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư, một trong những chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, từng tham dự trận hải chiến với hải quân Trung Quốc năm 1974 - kể lại toàn bộ câu chuyện liên quan đến sự kiện Trung Quốc khiêu khích, chuẩn bị cho việc chiếm đoạt Hoàng Sa như thế nào (?), Hải quân, Biệt hải Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng để bảo vệ Hoàng Sa ra sao (?).
Thế rồi loạt bài "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau" đột ngột ngưng ở đó và tờ Tuổi Trẻ giải thích nguyên nhân phải tạm dừng là "vì lý do ngoài ý muốn". Chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Đức Hải – Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ và đề nghị ông giải thích cặn kẽ hơn. Ông Hải cho biết: "Câu chuyện này rất là dài. Thành ra nói qua điện thoại không tiện lắm!..."
Thật ra, nếu quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông nói chung và Hoàng Sa nói riêng, người ta có thể tìm được rất nhiều thông tin, dữ kiện liên quan đến sự kiện 19 tháng 1 năm 1974.
Thậm chí, loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” cũng không mới. Nó đã từng được ông Bùi Thanh – nguyên Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, sau đó bị cách chức, tước thẻ hành nghề, vì liên đới trách nhiệm đến những thông tin về vụ PMU 18 trên tờ báo này - đưa lên blog của ông hồi đầu năm ngoái, cũng vì vậy, số năm trên tựa bài ít hơn: “Hoàng Sa – tường trình 34 năm sau”.
Trận tử chiến
Trên blog của ông Bùi Thanh, loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 34 năm sau” gồm ba kỳ. Kỳ cuối mà tờ Tuổi Trẻ tạm ngưng, không giới thiệu đến độc giả của mình “vì lý do ngoài ý muốn”, đề cập đến trận tử chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa với Hải quân Trung Quốc để giữ Hoàng Sa.
Câu chuyện này rất là dài. Thành ra nói qua điện thoại không tiện lắm!
Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải
Trong kỳ cuối, ông Lữ Công Bảy, nhân chứng tham gia trận tử chiến để bảo vệ lãnh thổ này kể về khung cảnh trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư sau trận tử chiến: Trên hành lang xuống nơi nghỉ ngơi, tôi đã chứng kiến một sự kinh khủng sau chiến trận. Hành lang dưới tàu tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng… mấy ngày liền không có thời gian thu dọn. Hơn 130 thủy thủ đoàn bám chặt vị trí chiến đấu giờ đều mệt lả, nằm đâu ngủ đó. Họ chỉ cầm hơi bằng mì gói, nước ngọt và lương thực khô. Các binh sĩ biệt hải kiệt sức nằm rải rác trên hành lang phòng ăn. Trong phòng y tế, các binh sĩ người nhái bị thương cũng nằm la liệt. Một binh sĩ bị đạn bắn thủng cằm từ trái qua phải, mặt sưng vù. Anh ngồi bất động, máu không còn chảy ra nữa, nhưng khóe miệng những vệt máu lẫn nước bọt vẫn rỉ ra. Hạ sĩ Danh nằm thoi thóp trên băng ca, ngực anh đầy bông băng nhuốm máu. Tôi rờ lên trán anh nóng hổi, hỏi anh có khỏe không? Anh mở mắt rồi gật đầu nhưng lịm dần rồi chết...
Khoảng 16 giờ 30 tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt, thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo:“Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”.
Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này.
Thế rồi, giữa khoảnh khắc yên lặng kỳ lạ và căng thẳng đó, một câu nói được thốt ra, tôi còn nhớ mãi: “Dù sao đánh nhau với Trung Quốc nếu có chết cũng vinh quang hơn…”
Quyền yêu nước, giữ nước
Với nội dung chỉ là như thế, tại sao tờ Tuổi Trẻ phải tạm dừng việc đăng loạt bài "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau"? Phải chăng chỉ vì loạt bài này đề cập đến việc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã từng cố gắng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa? Tiến sĩ Nguyễn Nhã – một người chuyên nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông nhận định: "Theo tôi Tuổi Trẻ đã bắt đầu có thể đưa nhưng mà liều lượng như thế nào thì đúng là... cũng phải theo tình hình nhiều mối quan hệ hiện nay. Dĩ nhiên là có những người đồng ý, có những người chưa đồng ý nhưng mà đến lúc nào đó, mọi người đều đồng ý cả thì nó sẽ diễn ra một cách trôi chảy hơn. Tôi không có ngạc nhiên về vấn đề này."
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, cùng lúc với việc công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã kêu gọi đóng góp thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Lúc đó, trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Đặng Công Ngữ, chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa – nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng tuyên bố: "Đương nhiên là chúng tôi mong đón nhận từ mọi người. Vâng, từ mọi người chứ không loại trừ bất cứ ai. Ai có vật kỷ niệm hoặc đã có thời gian ở đó thì có thể cung cấp thông tin cho chúng tôi như Lý Sơn, Quảng Ngãi đã cung cấp chiếu của vua triều Nguyễn cách nay 173 năm. Đó là chuyện chúng tôi hoan nghênh".
Sự kiện tờ Tuổi Trẻ phải tạm ngưng loạt bài “Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau” cho thấy, ở đây, “chúng tôi” không phải là toàn bộ. Nhiều người bảo, ở Việt Nam “yêu nước” là một thứ đặc quyền, phải yêu đúng kiểu, nay với sự kiện này, hình như “giữ nước” cũng vậy.