Yếu tố Kinh tế tại Đông Hải

Nguyễn Xuân Nguyễn- Việt Long, RFA

Từ một tháng nay, tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã làm dư luận xôn xao.

SpratlyTruongSa200.jpg
Quần đảo Trường Sa, ảnh chụp từ trên máy bay. RFA file photo

Diễn đàn Kinh tế không thể không tìm hiểu những động lực kinh tế bên dưới hồ sơ này nên xin mở đầu tiết mục chuyên đề kinh tế của năm nay bằng cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài vừa nêu. Cuộc phỏng vấn do Việt Long thực hiện sau đây.

Việt Long:Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Vào dịp đầu năm, Diễn đàn Kinh tế đề nghị là chúng ta cùng trao đổi về một đề tài đang gây bất mãn trong dư luận người dân và gây lúng túng cho chính quyền Hà Nội, đó là vụ tranh chấp về chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc, được châm ngòi do một quyết định của nhà cầm quyền Bắc Kinh là lập ra một cơ chế hành chính mới tại đảo Hải Nam là huyện Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam nhận là của mình và có đủ chứng cớ cho việc đó. Câu hỏi của chúng tôi là vì sao vụ tranh chấp ấy lại bùng nổ vào thời điểm này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu theo dõi quan hệ Việt-Hoa - và tôi xin được gọi là Việt-Hoa thay vì Việt-Trung vì không coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới - người ta có thể ngạc nhiên vì Việt Nam đang được lãnh đạo bởi những người có lập trường hòa dịu nhất với Bắc Kinh từ mấy chục năm nay, và vì quan hệ kinh tế giữa hai nước đang có vẻ tốt đẹp nhất.

Trong bảy năm qua, ngoại thương giữa hai nước đã tăng hơn gấp năm, từ hai tỷ rưỡi Mỹ kim năm 2000 lên tới 13 tỷ vào năm 2007 và Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi là thị trường xuất khẩu thứ tư của xứ này. Trên bề mặt và trong các cuộc tiếp xúc gần đây, lãnh đạo hai nước đã có những lời tuyên bố thân thiện và phải nói là Việt Nam có quyết định chiến lược gì thì cũng tham khảo ý kiến trước của Bắc Kinh.

Việt Long:Nếu như vậy, vì sao Bắc Kinh lại cho rằng có mâu thuẫn gay gắt vào lúc này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không, Hà Nội không có mâu thuẫn gay gắt với Bắc Kinh. Vấn đề chỉ được chú ý khi chính người dân Việt Nam có phản ứng với quyết định hành chính của Bắc Kinh về việc quản lý hai quần đảo mà Việt Nam vẫn xác nhận là thuộc chủ quyền của mình.

Nghĩa là Hà Nội cũng có lên tiếng, một cách yếu ớt, hoặc thậm chí thầm kín như khi Thủ tướng Hà Nội là Nguyễn Tấn Dũng nói riêng với Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh của Hiệp hội ASEAN vào trung tuần tháng 11.

Về phần chính quyền, hôm mùng ba tháng 12, bộ Ngoại giao Hà Nội có lên tiếng phản đối quyết định hành chính là lập ra huyện Tam Sa. Trước đó, ngày 23 tháng 11, Hà Nội cũng phàn nàn là Trung Quốc tiến hành thao dượt hải quân trên vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền.

Nghĩa là Hà Nội cũng có lên tiếng, một cách yếu ớt, hoặc thậm chí thầm kín như khi Thủ tướng Hà Nội là Nguyễn Tấn Dũng nói riêng với Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh của Hiệp hội ASEAN vào trung tuần tháng 11.

Việt Long:Ông nói như vậy vì hàm ý là chính người dân Việt Nam đã làm lớn chuyện chứ quan hệ cấp chính quyền giữa hai nước thật ra không đến nỗi căng thẳng và gay gắt như thế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đấy là một cách nhìn! Nó gần với quan điểm của Hà Nội là không muốn chuyện bé xé ra to để phương hại đến cái gọi là quan hệ thân hữu giữa hai nước. May là dù có bị cấm đoán, một số thanh niên sinh viên và trí thức trong nước đã biểu tình trong khi tại hải ngoại, dân Việt Nam cũng đã xuống đường lên tiếng. Cho nên nhờ đó mà nhiều người ở trong nước bị bưng bít tin tức hoặc vẫn thờ ơ với quyền lợi của tổ quốc có thể sẽ chú ý hơn đến một vấn đề nghiêm trọng cho tương lai.

Việt Long:Tức là dù quan hệ cấp chính quyền vẫn có vẻ hòa hoãn, thực tế lại không hẳn như vậy, và vụ tranh chấp này tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cho tương lai chăng? Nhiều người nói đến lý do chính là dự trữ năng lượng rất dồi dào nằm trong thềm lục địa bên dưới hai quần đảo này có thể là động lực? Ông giải thích ra sao về vấn đề này? Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đấy chỉ là một phần thôi. Riêng về vấn đề tài nguyên ấy, khi các nước ký kết một văn kiện quái đản là Luật biển của Liên hiệp quốc, gọi tắt là UNCLOS, theo đó vùng Kinh tế Độc quyền của mỗi nước bao trùm lên một khu vực có khoảng cách là 200 hải lý kể từ lãnh thổ của mình, thì một vấn đề tất nhiên đặt ra. Đó là vành cung 200 hải lý đó sẽ xâm phạm vào lãnh thổ - hay vào vùng Kinh tế Độc quyền - của các lân bang.

Gặp trường hợp ấy, tất nhiên là có trùng lấp chủ quyền của hai hay nhiều nước trên cùng một khối tài nguyên nằm trong vùng giao tiếp mà các bên đều cho là của mình. Khi có mâu thuẫn về chủ quyền như vậy thì các nước phải tìm giải pháp thỏa nhượng, là điều Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đã thảo luận với Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh trong bốn ngày từ 27 đến 30 tháng 12 vừa qua. Họ thảo luận về kế hoạch Nhật-Hoa nhằm khai thác tài nguyên năng lượng trong vùng tranh chấp giữa hai nước ngoài biển Đông. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề mà thôi.

Việt Long:Theo như ông trình bày thì ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền để tranh giành tài nguyên, ta lại còn vấn đề khác nữa trong mâu thuẫn giữa Việt Nam với Trung Quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về tài nguyên năng lượng thì nhiều cơ quan nghiên cứu ước lượng rằng thềm lục đĩa của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có dự trữ khoảng 25 tỷ thước khối khí đốt và 70 tỷ thùng dầu thô.

Khi các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc, đang khát năng lượng như người thiếu máu, mà dầu thô lại mấp mé 90 Mỹ kim, thậm chí 100 Mỹ kim, thì miếng mồi của Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ là phốt phát dưới dạng Guano như người ta nghĩ mấy chục năm về trước. Có thể gọi đó là loại vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng thật ra, việc lập ra huyện Tam Sa tại đảo Hải Nam cũng liên quan tới quyền lợi của các nước Đông Nam Á khác trên các quần đảo này. Đó là vấn đề thứ nhất.

Việt Long:Thế vấn đề kia là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vấn đề nghiêm trọng hơn thế là ngày nay Trung Quốc hết muốn là một cường quốc lục địa mà đang ráo riết gia tăng đầu tư quốc phòng để thành cường quốc hải dương, với việc thiết kế thêm tầu ngầm và hàng không mẫu hạm được thông tin bằng vệ tinh và kỹ thuật hiện đại để tiến ra biển xanh.

Họ muốn khống chế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để kiểm soát luồng chuyển vận từ eo biển Malacca qua Thái bình dương, tức là từ Âu châu qua Ấn Độ dương sang Á châu, và từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Đây là yết hầu kinh tế thế giới, chỉ kém eo biển Hormuz tại bán đảo Á Rập ở Trung Đông mà thôi.

Chún ta còn nhớ là đầu tháng Ba năm 2004, khi còn là Phó Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Trung Quốc tại Trung Nam Hải, Tham mưu trưởng Hải quân của Bắc Kinh ngày nay là Đô đốc Ngô Thành Lợi đã thúc đẩy việc xây dựng công sự quân sự trên các đảo ở Trường Sa với mục đích như ông ta nói là để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi Trung Quốc. Ông ta không phải là người đi phát triển du lịch hay đào dầu.

Đó là vấn đề của các nước lân bang, nhưng ta không quên rằng từ Hoàng Sa bước vào, Trung Quốc cũng có thể cắt ngang yết hầu của Việt Nam là tại miền Trung. Đấy là vấn đề của Việt Nam lồng trong một bài toán cho thế giới.

Việt Long:Ông vừa trình bày một lúc hai chuyện, thứ nhất là năng lượng dưới biển mà thí dụ là việc thảo luận giữa Nhật Bản với Trung Quốc vừa qua và thứ hai là việc kiểm soát chuyển vận hàng hoá giữa các nước. Câu hỏi ở đây là vì sao Bắc Kinh lại tiến hành việc ấy vào lúc này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có thể là vì họ nghĩ rằng Hoa Kỳ đang vướng tay với cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan nên thừa cơ hội nhấn tới. Nhưng họ không tiến ra biển Đông của họ mả đi xuống Đông hải của Việt Nam là vì Hà Nội. Nói cho rõ hơn, vì Hà Nội là vật dễ nắn trong lối xử trí "mềm nắn rắn buông" của Bắc Kinh.

Hơn 10 năm trước, Trung Quốc đã đề nghị với các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp là hãy tạm gác mâu thuẫn về chủ quyền trong 50 năm mà cùng khai thác tài nguyên bên dưới. Họ tính là 50 năm nữa thì họ khỏi cần thảo luận gì vì đã có tư thế mạnh hơn gấp bội.

Thế rồi để ly gián các nước Đông Nam Á theo kiểu bẻ đũa từng chiếc, với mỗi nước họ lại đề nghị một kế hoạch hợp tác kinh tế riêng để mua chuộc. Thí dụ như việc khai thác lưu vực sông Mêkong. Gần đây, tháng 11 năm 2004, họ đề nghị với Philippines và Việt Nam lập cơ chế hỗn hợp gồm ba công ty quốc doanh dầu khí của ba nước để thăm dò địa chất và xác định dự trữ năng lượng trên quần đảo Trường Sa. Tháng Ba năm 2005 Hà Nội cũng đành tham gia dù trước đó ngày 19 tháng 11, Bắc Kinh đưa một dàn khoan từ Thượng Hải xuống Hoàng Sa để đào dầu cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 120 cây số.

Vấn đề nghiêm trọng hơn thế là ngày nay Trung Quốc hết muốn là một cường quốc lục địa mà đang ráo riết gia tăng đầu tư quốc phòng để thành cường quốc hải dương, với việc thiết kế thêm tầu ngầm và hàng không mẫu hạm được thông tin bằng vệ tinh và kỹ thuật hiện đại để tiến ra biển xanh.

Người dân Việt có được biết gì về những chuyện ấy đâu? Và có được biết gì về việc từ năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư đồng ý với những đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc dù là có xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam? Người ta cũng hoàn toàn không nói gì về việc Quân lực Việt Nam Cộng Hoà ở trong Nam đã có cuộc hải chiến với Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa vào tháng Giêng năm 1974.

Trung Quốc tấn công và lấn chiếm của Việt Nam một số đảo tại Trường Sa vào năm 1988 mà gặp phản ứng yếu ớt của Hà Nội. Họ ký kết các hiệp ước cải sửa biên giới trên bộ hoặc ngoài Vịnh Bắc bộ mà Hà Nội cứ giấu biến. Khi họ giết ngư phủ Việt Nam, Hà Nội cũng chẳng dám nói gì mạnh. Bắc Kinh bèn kết luận, và không sai, rằng lãnh đạo Hà Nội là món đồ trong túi, nên khỏi cần thương thảo gì. Và cũng chẳng cần chờ 50 năm nữa.

Việt Long:Theo cách phân tích của ông thì trong vụ này, người ta có vấn đề song phương của Việt Nam với Trung Quốc liên hệ đến tài nguyên ngoài biển Đông mà hai bên có thể thương thảo với nhau theo cách thế mạnh hay yếu của từng bên. Ngoài ra, ta có vấn đề chuyển vận hàng hải hay an ninh ngoài khơi, là vấn đề thuộc phạm vi quốc tế. Nếu hiểu như vậy thì Việt Nam có thể làm gì trên hai vấn đề song song ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung thì phải khéo lồng hai vấn đề làm một để mượn sức người. Nhưng trước nhất, lãnh đạo đừng bịt miệng người dân nữa vì càng bịt miệng sẽ càng giảm thế thương thảo với bên kia, nếu như thực sự muốn thương thảo, là điều nhiều nước không tin.

Thứ hai, đảng viên cán bộ đừng gây khó để moi tiền nhà đầu tư ngoại quốc nữa mà phải nhìn vào trường kỳ và đại thể. Hãy tạo điều kiện cho họ tiến vào đông hơn và rồi vì quyền lợi của họ mà các nước sẽ quan tâm hơn đến quyền lợi của Việt Nam. Khi đó, giới đầu tư quốc tế, thí dụ như tập đoàn BP của Anh hay tổ hợp Dầu khí Ấn Độ đã ký hợp đồng thăm dò các lô 5.2 và 127, 128 của Việt Nam, sẽ phải cân nhắc sự lợi hại của họ trước áp lực của Bắc Kinh.

Vấn đề không chỉ là chuyện tay đôi giữa hai nước mà trở thành chuyện đa phương vì nhiều quốc gia nay đang muốn chuyển dịch đầu tư của họ từ Hoa lục qua Việt Nam như diễn đàn này đã trình bày nhiều lần suốt năm ngoái.

Việt Long:Nhìn rộng ra, về vấn đề an ninh trong khu vực như ông nói, thì Việt Nam có thể làm gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói về chuyện an ninh của thiên hạ, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện và xây nhiều công trình quân sự trên các quần đảo này là một mối lo cho các nước. Nhưng nếu Hà Nội không lên tiếng một cách dứt khoát thì các nước sẽ tự hỏi là Việt Nam đứng ở đâu? Có là tiền đồn hay mũi xung kích của Bắc Kinh như trong quá khứ không?

Việc Việt Nam đang là hội viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là cơ hội nêu vấn đề một cách chính đáng và minh bạch để thế giới biết lập trường của Việt Nam. Hà Nội không dám làm như vậy mà còn muốn ngăn chặn người dân biểu tình thì các nước cứ khoanh tay chờ xem.

Việt Long:Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế thì tương lai sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu các nước và trước tiên là Việt Nam không có phản ứng mạnh, thì tôi e rằng trong vòng năm năm nữa sẽ có đụng độ quân sự trong vùng. Và Việt Nam chỉ có chế độ độc tài mà bất lực nên sẽ thảm bại và cúi đầu. Một cách cụ thể thì Bắc Kinh sẽ có quyền quyết định là ai có quyền đầu tư vào Việt Nam và những gì họ không muốn làm nữa thì sẽ nhường cho Việt Nam. Sau đấy, nếu Trung Quốc có xung đột với xứ khác như đã từng có trong quá khứ, thanh niên Việt Nam sẽ đứng trên tuyến đầu, cho họ.

Lịch sử sẽ ghi lại rằng Trung Quốc lấy được Hoàng Sa rồi Trường Sa của Việt Nam là nhờ đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng đồng dạng với đảng Cộng sản Trung Quốc. Về dài thì ngôi sao vàng trên lá cờ Việt Nam ngày nay sẽ là ngôi sao gắn trên lá Ngũ tinh Hồng kỳ của Trung Quốc, tượng trưng cho một chủng tộc thứ năm sau bốn sắc dân Mông, Mãn, Hồi, Tạng, sẽ quay về chầu ngôi sao Bắc đẩu của tộc Hán.

Chẳng người Việt nào, kể cả nhiều người trong đảng, lại muốn vậy mà không thể làm gì được. Nhưng ở bên một cường quốc lắm tham vọng mà lại cứ gom cả quyền lực đất nước vào một đảng là giúp cho tham vọng của họ sớm thành, bằng cách mua lấy đảng này. Nam hoa kinh của Trang Tử có nói tới một hiện tượng như thế, nên Bắc Kinh rất biết áp dụng!