Mới đây thông tin về việc thành phố có thể cho phép cho thuê vỉa hè để kinh doanh khiến cho khá nhiều người quan tâm.
Liệu lần này vấn đề cho thuê vỉa hè vào mục đích kinh doanh có khả thi không và ổn định được đến bao lâu.
Quỳnh Như tổng hợp và trình bày ý kiến của những người trong cuộc.
Sau một thời gian cấm sử dụng vỉa hè, từ cuối năm ngoái thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho dùng một phần vỉa hè làm bãi giữ xe, buôn bán.
Trò chơi cút bắt
Thật ra, việc cấm buôn bán trên vỉa hè tuy có Nghị định ban hành, nhưng các cơ quan chức năng dẹp chỗ này thì bà con chạy qua chỗ kia; lực lượng trật tự đô thị tới thì những người bán hàng rong lại dọn đồ qua chỗ khác. Biết làm sao khi Nghị định đưa ra mà không có một chính sách xã hội nào đi kèm cả. Chẳng lẽ một chữ “cấm” là ném đi hết chén cơm, manh áo của bao nhiêu con người.
Hay là, bây giờ không còn cảnh người buôn bán trên vỉa hè mà phải cuốn gói chạy trốn trong khi đội trật tự đường phố đến hốt xe, hốt bàn ghế, hốt tủ v.v...
Ông Nguyễn Phước Thuận
Mới trong tháng này Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã hoàn tất và chuẩn bị trình UBND thành phố phê duyệt Dự thảo thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường ở TP HCM. Việc tính phí thuê vỉa hè sẽ được phân chia tùy theo mục đích sử dụng. Mức thu cho vỉa hè để kinh doanh từ 10.000 đến 50.000 đồng một m2.
Thay vì chơi trò “cút bắt” với các đội trật tự công cộng như trước đây, thì sắp tới người dân Sài Gòn được sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán. Đồng thời do tình trạng khan hiếm chỗ giữ xe như hiện nay, lần này thành phố cũng cho phép người dân có cửa hàng kinh doanh được sử dụng vỉa hè để xe khách hàng trước cửa nhà, và phải đóng từ 15.000 đến 30.000 đồng mỗi tháng...
Hợp pháp, công khai
Ông Nguyễn Phước Thuận, một cán bộ hưu trí có nhà mặt tiền ở Quận 1 cho biết ý kiến về chủ trương mới này. Ông nói:
" Ở đây người dân buôn bán thì dựa vào vỉa hè, nghe tin này chắc mọi người rất là vui mừng. Thì tôi thấy việc mà mở cửa như vậy cũng tốt, nhưng bên cạnh đó tôi thấy chính sách nếu mà cho thuê vỉa hè thì có điểm hay nhưng mà có điểm cũng chưa được. Hay là, bây giờ không còn cảnh người buôn bán trên vỉa hè mà phải cuốn gói chạy trốn trong khi đội trật tự đường phố đến hốt xe, hốt bàn ghế, hốt tủ v.v...; và hay một điểm nữa là tạo nên một cảnh quan vui vẻ, phù hợp với phong cách dân dã của ngườiViệt Nam. Mặc dù không được văn minh như các nước khác, nhưng mà đó cũng là một cái bản sắc của người dân Việt Nam."
Chị Phượng, chủ một cửa hàng vàng bạc đá quý nằm trên góc đường Phan Bội Châu, gần chợ Bến Thành, tuy có mặt bằng "ngon lành", nhưng trước đây chị vẫn chưa cảm thấy hài lòng vì khách hàng luôn phàn nàn do không có chỗ để xe nên nhiều người cũng chẳng muốn ghé tiệm. Chị Phượng nói: "Tôi đã từng đi qua Hong Kong, Thái Lan thấy trên vỉa hè họ xếp xe ngay ngắn ở phía ngoài, phía trong họ dành cho người đi bộ, nhìn rất ngăn nắp nếu thành phố mình cũng làm được như vậy thì tốt quá."
Nỗi lo của giới buôn gánh bán bưng
Có người mừng vì mình sẽ được sử dụng vỉa hè một cách hợp pháp, công khai như chủ tiệm nói trên nhưng cũng có nhiều người lo vì vỉa hè, nơi trước giờ họ dùng buôn bán đã có người thuê thì họ không thể tiếp tục làm ăn ở đó được nữa.
Trong khi đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam, cụ thể hơn là tại Thành phố Hồ Chí Minh quá cao. Giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại cao cấp đã cao, nhưng giá thuê sạp ở các chợ trung tâm cũng chẳng thua kém gì.
Như vậy vỉa hè là một mặt bằng kinh doanh lý tưởng đối với những người lao động và cả những người buôn bán nhỏ, nếu tính so với giá thuê sạp, hoặc cửa hàng.
… nghĩa là giao lại cho người dân buôn bán và như ngày xưa, và các cơ quan chức năng chỉ nhiệm vụ là làm sao cho trật tự an toàn cho người đi bộ, và đảm bảo được cái văn minh đường phố. Như thế thì hay hơn là cho thuê và lấy tiền lại của những người dân nghèo khổ.
Ông Nguyễn Phước Thuận
Cho nên, theo ông Thuận cũng cần phải quan tâm đến những người lao động, buôn gánh bán bưng trên hè phố. Ông cho biết:
“Điểm tôi thấy chưa được là bây chừ thì nhà nước hay là các cơ quan chức năng thu lại cái tiền cho thuê vỉa hè thì sẽ gây khó khăn cho những người buôn bán trên vỉa hè hoặc là những người buôn gánh bán bưng, vì họ phải có tiền mà thuê vỉa hè, phải chịu cái sự cạnh tranh giữa những người buôn bán với nhau. Và những người cho thuê thì lại người nào mà cho thuê được giá cao thì họ cũng dành cho người đó. Như thế thì cũng cạnh tranh rất nhiều. Tôi nghĩ tốt hơn hết là khi mình đã mở cửa thì mở cửa cho trót, nghĩa là giao lại cho người dân buôn bán và như ngày xưa, và các cơ quan chức năng chỉ nhiệm vụ là làm sao cho trật tự an toàn cho người đi bộ, và đảm bảo được cái văn minh đường phố. Như thế thì hay hơn là cho thuê và lấy tiền lại của những người dân nghèo khổ.”
Một người bán nước giải khát trên vỉa hè kể: "Buôn bán ở vỉa hè khổ lắm! Trời nắng thì nóng rát lưng, trời mưa đứng nép vào mái hiên nhà người ta nhưng vẫn ướt. Đã vậy, lúc nào tâm trạng cũng cảm thấy bất an, chủ nhà nào thông cảm thì họ để cho bán còn không thì họ đuổi. Rồi khi quản lý đô thị đi kiểm tra, chạy không kịp thì bị tịch thu hết đồ đạc."
Nhưng “Phép vua thua lệ làng”, có lúc khi quy định cấm sử dụng lòng lề đường vẫn còn được áp dụng, nhiều Phường ở Quận trung tâm của Thành phố đã ngang nhiên sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe lấy tiền gọi là gây quỹ cho địa phương, nhưng nào ai biết cuối cùng số tiền ấy sẽ đi về đâu.
Tóm lại, chỉ một phần nhỏ vỉa hè trước nhà, lúc thì được phép cho kinh doanh, buôn bán lúc thì không, thử hỏi với những vấn đề quan trọng mà các quy định cứ thay đổi như chong chóng thì người dân sẽ còn đau đầu đến chừng nào, và cái cơ chế xin phép tắc, thủ tục rườm rà không biết đến bao giờ mới chấm dứt.