Bác sĩ ăn chia với trình dược viên

Báo chí Việt Nam cho hay, một số bác sĩ Việt Nam đã kết hợp với các hãng y dược, ăn chia với trình dược viên để được chi hoa hồng cao.

0:00 / 0:00

Vấn đề y đức

Tin tức trên mạng vừa phổ biến loạt bài về việc “hãng dược cầm tay bác sĩ kê đơn” hay “bác sĩ móc túi, đe dọa bệnh nhân”. Để tìm hiểu thực chất của vấn đề này, Đỗ Hiếu hỏi chuyện bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, cựu Phó viện trưởng Viện vệ sinh y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, nay là chuyên gia tư vấn và quản lý chất lượng y tế.

Đỗ Hiếu: Thưa bác sĩ, báo chí Việt Nam mới đây có nói nhiều đến việc các hãng dược "cầm tay bác sĩ kê đơn" để có được những món hoa hồng khổng lồ, thuốc tây đến tay bệnh nhân bị đội giá lên quá cao vì phải chịu lắm chi phí không hợp lý, bác sĩ nghĩ sao về thông tin này?

BS. Nguyễn Xuân Mai

BS Nguyễn Xuân Mai: Theo ý kiến của tôi thì đúng là có vấn đề các bác sĩ liên đới đến các công ty dược, trình dược viên để mà làm, nhưng mà một bộ phận nhỏ thôi, còn số bác sĩ chúng tôi ở Việt Nam đang làm ở các bệnh viện điều trị cho nhà nước thì cũng không đến cái mức như thế.

Nhưng Bộ Y tế Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này và đưa nó vào vấn đề y đức và cố gắng có một số biện pháp để kiểm soát tình trạng này. Việc này sự thật thì có, nhưng cụ thể bao nhiêu phần trăm thì cũng chưa có một điều tra, nghiên cứu nào chính thức.

Viện tôi có tổ chức nghiên cứu việc này nhưng chưa có được kết luận rõ ràng, anh ạ. Báo Tiền Phong nói là các công ty dược “cầm tay” bác sĩ thì đấy là cái cách dùng từ của các phóng viên (cười), phải không? Lấy hiện tượng một số các bác sĩ ngấm ngầm liên doanh ma quỷ với công ty dược nào đấy rồi kê toa thuốc của hãng đấy là chuyện có thật, rồi người ta nói bóng bẩy cho nó ra nên có từ ngữ như thế để cho báo được bán chạy đấy mà, thế đấy anh ạ.

Hướng giải quyết

trinh-duoc-vien-250.jpg
Các trình dược viên công ty dược phẩm Á ÂU trong một buổi tập huấn kiến thức sản phẩm mới. Photo courtesy of duocphamaau.com (Photo courtesy of duocphamaau.com)

Đỗ Hiếu: Cũng liên quan đến lãnh vực y tế, báo chí cũng tường thuật nhiều vụ bác sĩ "móc túi" hay "siêu lừa" bệnh nhân, đe dọa sức khỏe của người dân, theo bác sĩ thì sự việc này có đáng ngại như thế không?

BS Nguyễn Xuân Mai: Thật sự là nhà nước đang có những hoạt động rất quyết liệt để giải quyết những vấn đề này. Những hiện tượng cá biệt như anh nói, ví dụ như là một số các ông thầy, một số người hiểu biết ít, học được vài chữ nhưng mà về cũng quảng bá rằng mình là đại dược sư rồi chữa bá bệnh này kia là ở nước ta có.

Rồi một số y sĩ mạo danh kê toa bừa bài, rồi tiêm chích, truyền dịch đã được Bộ Y tế chỉ đạo cho các Sở Y tế kiểm tra gắt gao. Nhất là gần đây anh thấy trên báo ở thành phố HCM có nói về một người lương y ở Hóc Môn tham gia vào việc truyền dịch mà gây chết một em bé mười tuổi đấy.

Trên cơ sở đấy, đang tổng kiểm tra toàn bộ các người làm nghề y tư nhân, rồi các quầy thuốc, nhà thuốc. Tức là Bộ Y tế cũng có thực hiện những biện pháp kiểm soát, ra những quy chế, chế định để mà giảm bớt những hiện tượng đấy và đảm bảo an toàn cho những người bệnh có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Đỗ Hiếu: Thưa bác sĩ, qua số liệu thống kê do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam công bố thì hiện chưa đến 10% dân số trong nước được xem là thực sự khoẻ mạnh, 9 phần 10 còn lại là những người mắc bệnh hay mang yếu tố gây bệnh, con số này có phản ảnh đúng thực tế tại Việt Nam không, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Xuân Mai: Con số đấy thì theo tôi là không đáng tin cậy vì nó không có những cuộc điều tra chuẩn mực, các chuyên gia về ngành sức khỏe cộng đồng điều tra mới được. Bởi vì nó là cái hiệp hội thực phẩm chức năng thông thường nó mang cái ý nghĩa quảng cáo.

Bộ Y tế cũng có thực hiện những biện pháp kiểm soát, ra những quy chế, chế định để mà giảm bớt những hiện tượng đấy và đảm bảo an toàn cho những người bệnh có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

BS. Nguyễn Xuân Mai

Thông tin chính thức phải là thông tin của Bộ Y tế, anh ạ. Hoặc là cái thông tin mà do 3 viện này công bố: một là Viện Y tế công cộng, hai là Đại học Y tế công cộng, và ba là Phòng Thống kê của Bộ Y tế thì mới chắc chắn.

Còn cái Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam thì tôi biết họ ra đời cách đây khoảng 2 năm, thì những cái thông tin đấy là không tin cậy, mà chưa có bằng chứng là vì không có một cái điều tra cụ thể nào để có được số liệu đấy, chỉ là ước đoán, suy luận thế thôi.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn bác sĩ Nguyễn Xuân Mai đã dành thời giờ cho RFA chúng tôi.

Theo dòng thời sự: