Qua cuộc trao đổi sau đây với Thanh Quang, Luật sư Lưu Tường Quang tại Úc cho biết thêm những thông tin liên quan như sau đây:
Vi phạm luật lệ Úc
Thanh Quang: Trước hết, xin LS cho biết những kết quả điều tra mới nhất mà báo The Age vừa công khai tại Úc về vụ hối lộ cho phía VN để in tiền polymer?
LS Lưu Tường Quang: Theo ký giả chuyên môn về điều tra của nhật báo The Age tại Melbourne, thì cảnh sát liên bang của Úc Đại Lợi đang mở cuộc điều tra về những cáo buộc có thể vi phạm luật lệ của Úc Đại Lợi giữa một công ty của Úc là Securency, trong vấn đề gian thương với công ty Công nghệ và phát triển của Hà Nội. Cuộc điều tra này đang diễn biến và chưa có kết quả. Tuy nhiên, những cáo buộc của tờ The Age thì Ngân hàng trữ kim Úc Đại Lợi, là công ty mẹ của công ty Securency, từ chối bình luận, từ chối trả lời những câu hỏi với lý do cảnh sát liên bang đang điều tra.
Nếu theo luật lệ liên bang Úc, một công ty Úc sử dụng tiền tệ một cách bất hợp pháp trong vấn đề giao dịch với các môi giới để hối lộ các viên chức tại một nước ngoài (trong trường hợp này là Ngân hàng nhà nước VN), thì đó là một vi phạm về hình luật.
LS Lưu Tường Quang
Thanh Quang: Thưa LS, như vậy trọng tâm của các cáo buộc này là gì ạ?
LS Lưu Tường Quang: Trong cốt lõi cáo buộc của tờ The Age là trong vấn đề vận động để Ngân hàng nhà nước VN sử dụng kỹ thuật tiền nhựa polymer của Úc Đại Lợi thì công ty Securency đã nhờ một số môi giới, mà trong những người môi giới này thì có ông Lê Đức Minh, là con trai của ông Lê Đức Thúy, lúc bấy giờ là Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN. Và gần đây, tức ngày 30 tháng 10 năm 2009, loạt điều tra này tiết lộ thêm rằng công ty Securency đã nhờ môi giới là một người khác nữa, là Tổng giám đốc công ty Công nghệ và phát triển, và người này đã nhận được số tiền thù lao, hay còn gọi là tiền "lại quả" 5 triệu đô la Úc. Cũng theo tờ báo The Age, giới chức thẩm quyền của công ty Securency đã chi tiêu ít nhất là 12 triệu đô la Úc trong vấn đề này. Nếu theo luật lệ liên bang Úc, một công ty Úc sử dụng tiền tệ một cách bất hợp pháp trong vấn đề giao dịch với các môi giới để hối lộ các viên chức tại một nước ngoài (trong trường hợp này là Ngân hàng nhà nước VN), thì đó là một vi phạm về hình luật. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này thì cảnh sát liên bang vẫn còn điều tra và chưa có kết quả.
Ảnh hưởng an ninh quốc phòng
Thanh Quang: LS nhận định thế nào về những nghi vấn mà tờ The Age nêu lên về mối quan hệ giữa nhân vật được nêu danh Lương Ngọc Anh - Tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ CTFD, cha con cựu thống đốc Ngân hàng VN Lê Đức Thúy và Bộ Công An cùng những cơ quan khác của VN trong vụ việc này?
LS Lưu Tường Quang: Đúng như vậy, theo cáo buộc, theo những lời trình bày trong tờ báo The Age phát hành ngày 30/10/2009 tại Melbourne thì Tổng giám đốc của công ty Công nghệ và phát triển tại Hà Nội có mặt tại Úc là một người có liên hệ rất chặt chẽ với Bộ công an, tức là một cơ quan của chính phủ CHXHCNVN chuyên về những vấn đề cảnh sát, công an, tình báo. Điều này làm cho sự cáo buộc trở nên quan trọng hơn ở chỗ, không những có những cáo buộc liên hệ đến vấn đề tài chánh mà nó có thể ảnh hưởng đến vấn đề an ninh Bộ quốc phòng. Cho nên sự cáo buộc về sự liên hệ giữa những người làm trung gian cho công ty Securency của Úc mà lại có liên hệ chặt chẽ, hoặc là những người đại diện của Bộ công an của nước CHXHCNVN là một cáo buộc rất quan trọng và chắc chắn sẽ được nhiều giới chức thẩm quyền của Úc chú ý đến, vì ngoài vấn đề thương mại nó còn phức tạp liên hệ đến vấn đề an ninh quốc phòng nữa.
Thanh Quang: Thưa LS, The Age cũng đặt vấn đề liệu là vụ lo lót hối lộ này thực ra có phải chỉ phát xuất từ công ty Securency cung cấp giấy nhựa polymer, hay còn có trách nhiệm liên đới của những cơ quan chủ chốt tại Úc như Ngân hàng Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại Úc?
LS Lưu Tường Quang: Vấn đề là cơ quan thẩm quyền của Úc trong liên hệ buôn bán, liên hệ giao thương với Ngân hàng nhà nước VN là công ty Securency. Đó là một công ty con của Ngân hàng trữ kim Úc Đại Lợi. Trong khi vận động tìm cách liên hệ với Ngân hàng nhà nước VN, công ty Securency nhờ vả vào những cố vấn và những thông tin của Đại sứ quán Úc tại VN cũng như trong bộ phát triển thương mại Úc là Austrade. Austrade trước kia là Bộ thương mại, bây giờ là một cơ quan tự trị. Gọi là Austrade, tức là những cơ quan phát triển thực hiện những thị trường để xuất cảng của Úc. Theo tờ báo The Age thì công ty Securency đã nhờ sự giúp đỡ của Bộ ngoại giao Úc và của Austrade cũng như của sứ quán Úc tại VN trong vấn đề tìm những người có thể làm trung gian trong việc liên hệ với Ngân hàng nhà nước VN. Nếu những cáo buộc này đúng, thì rõ ràng là những cơ quan chức năng trong guồng máy chính phủ liên bang của Úc cũng đã có ít nhiều liên hệ đến vụ này, chẳng hạn như Bộ ngoại giao Úc, chẳng hạn như Austrade là cựu ngân hàng phát triển của Úc, hay là Đại sứ quán của Úc tại VN. Điều người ta đặt ra là nếu đã có những cơ quan chức năng quan trọng trong guồng máy công quyền liên bang của Úc mà liên hệ đến vụ này, thì tại sao người ta đã không phát hiện liên hệ giữa những đại diện của công ty Công nghệ và phát triển VN, chẳng hạn như con của ông Lê Đức Thúy là ông Lê Đức Minh, Tổng giám đốc của công ty phát triển công nghệ có mặt tại Melbourne. Lập luận người ta đưa ra là, hoặc là Bộ ngoại giao Úc, hay là Austrade, hay là Toà đại sứ Úc đã không biết vụ này, hoặc là đã biết vụ này nhưng lại không có những cuộc điều tra thích nghi để phát hiện những việc làm sai trái theo luận điệu của tờ báo The Age ở Melbourne.
… là một cáo buộc rất quan trọng và chắc chắn sẽ được nhiều giới chức thẩm quyền của Úc chú ý đến, vì ngoài vấn đề thương mại nó còn phức tạp liên hệ đến vấn đề an ninh quốc phòng nữa.
LS Lưu Tường Quang
Thanh Quang: Phía chính quyền Úc đã có những ý kiến ra sao về vụ việc mà tờ The Age nêu lên lâu nay?
LS Lưu Tường Quang: Thưa anh Thanh Quang, theo thông thường trong sinh hoạt tại Úc cũng như tại Hoa Kỳ hay các quốc gia dân chủ tây phương khác, thì mỗi khi có những lời cáo buộc sai trái về hình sự và khi những cáo buộc này đã được cảnh sát liên bang Úc Đại Lợi điều tra thì các cơ quan chức năng thẩm quyền của Úc đều không lên tiếng vì không muốn ảnh hưởng đến cuộc điều tra của cảnh sát liên bang. Vì lý do đó mà Bộ ngoại giao Úc đã không lên tiếng, Austrade không lên tiếng và đặc biệt là Ngân hàng trữ kim Úc, tức là Ngân hàng trung ương Úc cũng từ chối bình luận. Cơ quan thẩm quyền quan trọng nhất trong vấn đề này là công ty mẹ của công ty Securency, là công ty đối tác với Ngân hàng nhà nước VN. Mà nội vụ tạo ra là những do những trung gian có liên hệ đến Bộ công an thuộc CHXHCNVN, và liên hệ đến những cáo buộc là công ty Securency đã chuyển tiền sang những trương mục tại Thụy Sĩ cho những người từng làm trung gian. Trong đó có ông Lê Đức Minh, là con trai của ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN. Và một người khác mà anh đã nêu tên là Tổng giám đốc công ty Công nghệ và phát triển tại Hà Nội.
Thanh Quang: Xin cám ơn LS Lưu Tường Quang rất nhiều.