Freedom House: Tự do báo chí tại Việt Nam không mấy tiến triển

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Tư vừa qua, tổ chức Freedom House ở Hoa Kỳ công bố bản phúc trình về tự do báo chí thế giới 2007, cho thấy ba quốc gia ở Châu Á không có tự do báo chí là Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Thanh Trúc có bài tường trình chi tiết như sau.

PressFreedom200.jpg
Trang web của Freedomhouse.org

Ngày 3 tháng Năm được coi là ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, và phúc trình thường niên với danh sách xếp hạng về mức độ tự do của nền truyền thông tại 195 quốc gia trên toàn cầu được tổ chức Freedom House công bố một ngày trước đó tức là ngày 2 tháng Năm.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bà Karin Karlekar, chủ biên chương trình thăm dò về tự do báo chí của Freedom House, giải thích việc thực hiện phúc trình hàng năm:

“Cơ bản là chúng tôi xem xét toàn bộ tình hình truyền thông của từng quốc gia để có được cái nhìn toàn diện về môi trường báo chí của nước đó. Điển hình như lãnh vực ấn hành sách báo, truyền thanh, radio, truyền hình và cả Internet nữa.

Freedom House cũng chú mục đến những vấn đề pháp lý liên quan đến báo chí, giấy phép hay điều kiện để được lập ra một tờ báo, vấn đề tự kiểm duyệt hay bị kiểm duyệt, sự giới hạn hoặc cấm đoán của chính phủ. Chúng tôi cũng theo dõi những phiên toà xét xử ký giả, để ý đến những áp lực chính trị đối với người làm báo, theo dõi những vụ sách nhiễu hay tấn công người làm báo.”

Phúc trình 2007 cho thấy trong số 195 nước trên thế giới, Việt Nam đứng hạng 170, lên được hai bậc so với năm ngoái. Vẫn theo nhận định của Freedom House thì tính đến lúc này Trung Quốc, Việt Nam và Lào vẫn là ba quốc gia không có tự do báo chí vì thường xuyên bị chi phối và kiểm soát bởi quyền lực chính trị.

Freedom House cũng chú mục đến những vấn đề pháp lý liên quan đến báo chí, giấy phép hay điều kiện để được lập ra một tờ báo, vấn đề tự kiểm duyệt hay bị kiểm duyệt, sự giới hạn hoặc cấm đoán của chính phủ. Chúng tôi cũng theo dõi những phiên toà xét xử ký giả, để ý đến những áp lực chính trị đối với người làm báo, theo dõi những vụ sách nhiễu hay tấn công người làm báo.

Giải thích lý do vì sao Việt Nam lên được hai bậc nhưng vẫn nằm trong danh sách các nước không có tự do báo chí, bà Karin Karlekar cho biết:

“Lý do chính mà chúng tôi nhận ra là sự tiến bộ khả dĩ ở Việt Nam có lẽ nhờ trào lưu mở cửa cộng với số người sử dụng Internet tăng cao. Thế nhưng hoạt động báo chí ở Việt Nam cho đến lúc này hãy còn gắt gao lắm và đó là điều chúng tôi thấy rõ như vậy.”

Bị kiểm soát chặt chẽ

Được hỏi ý kiến về phúc trình 2007 của Freedom House rằng báo chí ở Việt Nam không được tự do, người chuyên trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của RSF tức Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới ở Pháp, ông Vincent Brossel, phát biểu:

“Việt Nam không có tự do báo chí là vì không có những cơ quan truyền thông độc lập mà hầu hết đều do chính phủ tài trợ, bị chính quyền và đảng kiểm soát . Có thể nói người làm báo ở Việt Nam không được làm việc trong điều kiện thuận lợi, họ thường bị răn đe bị cảnh cáo khi thực hiện những phóng sự về kinh tế về chính trị chẳng hạn.

Thực tế thì báo chí ở Việt Nam phần nào được tự do hơn vào mấy năm sau nhưng nếu nhìn chung thì báo chí vẫn chưa độc lập, không có chổ cho những người làm báo có tư tưởng đối kháng, bằng chứng là tờ Tự Do Ngôn Luận do nhóm của linh mục Nguyễn Văn Lý chủ trương đã phải in chui và phát hành chui.

Sự kiện Việt Nam mở cửa và phát triển kinh tế, hướng ra bên ngoài và gia nhập nhiều tổ chức quốc tế là những điều tốt nhưng phải để báo chí được thông thoáng hơn, phóng viên trẻ được tự do tác nghiệp hơn thì mới gọi là có tự do báo chí.”

Anh Phạm Cường, từng cộng tác với báo Đàn Chim Việt, tiếng nói đối kháng của những người trẻ Việt Nam ở Ba Lan, nói rằng anh hoàn toàn đồng ý với Freedom House:

“Một đất nước dân chủ có thể đưa tổng thống hoặc đưa thủ tướng ra để điều trần trước quốc hội về những việc làm bị cho là bê bối hay là mờ ám.

Việt Nam không có tự do báo chí là vì không có những cơ quan truyền thông độc lập mà hầu hết đều do chính phủ tài trợ, bị chính quyền và đảng kiểm soát . Có thể nói người làm báo ở Việt Nam không được làm việc trong điều kiện thuận lợi, họ thường bị răn đe bị cảnh cáo khi thực hiện những phóng sự về kinh tế về chính trị chẳng hạn.

Thế nhưng ở Việt Nam thì tuy rằng cũng có tự do hơn một chút so với chục năm trước hay hơn chục năm trước đây nhưng từ bộ trưởng hay uỷ viên bộ chính trị trở lên thì không bao giờ được phép nhắc tới, có thể nhắc tới giám đốc hoặc tổng giám đốc, thế thôi.

Tuy rằng nhìn ra thì gọi là có thông tin về tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu cũng được đưa lên báo chí của đảng hay báo chí của thanh niên thế nhưng đó mới chỉ là tầng lớp quan chức cấp thấp chứ còn lên cấp cao hơn thì bất khả xâm phạm, không được động tới, chứng tỏ là vẫn chưa có tự do báo chi hoàn toàn.”

Trên bản phúc trình tự do báo chí 2007 của Freedom House người ta thấy nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam là Trung Quốc đã bị tụt hạng, nghĩa từ 177 năm 2006 thành 181 năm 2007. Đài Loan dẫn đầu khu vực Châu Á

Trong khi đó Đài Loan lên được hai bậc, vượt qua Nhật Bản và đứng hạng 33, coi như dẫn đầu khu vực Châu Á với một nền báo chí tự do, thông thoáng. Dưới mắt Freedom House, báo chí ở Đài Loan nay có thể sánh bằng những nước tự do tiến bộ trên thế giới như Phần Lan, Đức và Hoa Kỳ. Một người Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong một tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan, linh mục Nguyễn Văn Hùng, trả lời rằng ông không ngạc nhiên khi nghe Freedom House đánh giá nền báo chí của Đài Loan dẫn đầu khu vực Châu Á:

“Đặc biệt khi chính phủ mới của đảng Dân Chủ Tiến Bộ lên cầm quyền thì Đài Loan về phương diện tự do báo chí phát triển rất mạnh. Báo chí được tự do loan truyền thông tin, còn dường như chính phủ khi mà muốn kiểm duyệt thì cũng rất là cẩn thận trong vấn để kiểm duyệt.

Liên quan đến công việc của chúng tôi ở đây là giúp đỡ nạn nhân của tệ buôn người và tệ nô lệ lao động thì khi có thông tin chúng tôi liên lạc với báo chí hoặc là họ trực tiếp liên lạc với chúng tôi thì những mẫu tin như thế được báo chí thu lượm và tôi thấy cách họ làm việc rất chuyên môn.

Vì thế tôi không ngạc nhiên về nhận xét mới nhất của Freedom House xếp hạng Đài Loan thứ 33 ở trên thế giới và ở Á Châu thì hơn hẳn luôn cả Nhật Bản.

Có tự do báo chí và truyền thông như vậy thì những việc làm sai trái của chính phủ hoặc là của đảng đối lập hoặc là của những người mang lại những điều không lợi ích cho tập thể đều bị báo chí phanh phui ra và quyền quyết định cuối cùng là của người dân.

Đã có hàng triệu người xuống đường biểu tình chống đối những vụ tham ô tham nhũng của cả hai đảng Dân Chủ Tiến Bộ và Quốc Dân Đảng trước cầm quyền ở đây.”

Phúc trình của Freedom House nhấn mạnh là Đài Loan có một hệ thống tư pháp độc lập, một môi trường kinh tế tự do và một ngành truyền thông rộng thoáng nhất Đông Nam Á.

Tưởng nên nhắc lại trong danh sách 195 nước mà Freedom House xếp hạng cao thấp về tự do báo chí, ngoài Đài Loan đứng hạng 33, Nhật bản hạng 39, còn có Nam Hàn và Hongkong đồng hạng 66, Singapore hạng 154, Việt Nam hạng 170, Trung Quốc hạng 181.

Thông tin trên mạng:

- Freedom of the Press 2007 Survey Release

- Global Press Freedom 2007