Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Dư luận hồi gần đây đã cổ vũ cho quyết định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về chỉ thị ngưng ngay lập tức đề án Tin Học Quản Lý Hành Chánh Nhà Nước còn được gọi tắt là đề án 112, vì đề án này không khả thi và đã kéo dài quá lâu. Thủ Tướng còn buộc những ban ngành liên quan phải có trách nhiệm báo cáo tài chính và kiểm toán sổ sách cũng như hoạt động thu chi để làm rõ trước dư luận.
Quyết định này đưa ra sau hơn sáu năm bị dư luận liên tiếp than phiền và chỉ ra những bất cập nhưng không ai chịu trách nhiệm kiểm tra. Mặc Lâm tìm hiểu vấn đề sau đây mời quý thính giả theo dõi.
Gần bốn ngàn tỷ đồng đã mất tăm vào những việc mà nhiều người cho là vu vơ không thực tế. Hơn sáu năm dốc công sức ra để thực hiện một kế hoạch không có căn cứ khoa học và hàng chục ngàn con người đã được huấn luyện một cách máy móc về những điều cơ bản trong sử dụng hệ thống này nhưng khi buông ra thì không ai nhớ mình đã học những gì.
Đó là những nét khái quát mà một đề án sai lầm đã gây ra cho xã hội. Đề án 112 ngay từ những ngày đầu tiên đã gặp chống đối của nhiều nhà khoa học nhưng không hiểu sao những người thực hiện đề án vẫn an nhiên tự tại sử dụng tiền bạc, con người của nhà nước vào những việc không mấy rõ ràng khi vụ việc được nêu lên.
Tháng 7 năm 2001 Thủ Tướng Phan Văn Khải ký một quyết định phê duyệt đề án tin học quản lý hành chính nhà nước giai đọan 2001-2005. Đề án này được đặt nhiều kỳ vọng vào mục tiêu xây dựng một hệ thống thông tin phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước và đồng thời thúc đẩy việc hiện đại hóa công tác hành chính.
Những khiếm khuyết
Trong thư gửi cho Thủ Tướng Phan Văn Khải vào ngày 2 tháng 8 năm 2001 tức chỉ vài ngày sau khi đề án 112 ra đời, Ông Phan Đình Diệu, nguyên phó trưởng ban thường trực ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT giai đọan từ tháng 5-1994 đến tháng 6-1997 nhấn mạnh đến việc nội dung đề án ông cho rằng quá sơ sài, không có luận cứ khoa học và các khái niệm xây dựng đề án có nhiều nhầm lẫn.
Thật ra đề án 112 ý tưởng rất là tốt, tức là xây dựng một chính phủ điện tử, nối liền với các tỉnh các huyện. Hệ thống thông tin đó cập nhật từ trên xuống và ngược lại. Tuy nhiên có nhiều nơi không có thông tin thì làm sao xử lý..
Trong bức thư này ông Diệu cũng nêu rõ những khiếm khuyết của những người chủ trương đề án và ông cho rằng những người này chưa nhận thấy được tầm quan trọng của CNTT, chưa xác định được vị thế xương sống của tin học trong đời sống và những người này không có khả năng làm việc và xây dựng một dự án tầm cỡ quốc gia.
Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Bưu Chính Viễn Thông Thành Phố Hồ Chí Minh thì lên truyền hình xác định dự án 112 đúng là ném tiền qua cửa sổ. Ông cho rằng nguyên nhân chính là vì những người điều hành dự án không có tính chuyên nghiệp trong khi những đề án tương tự như thế luôn yêu cầu khả năng và phương án điều hành một cách chuyên nghiệp đồng bộ từ trên xuống dưới.
Mục tiêu cụ thể của đề án 112 là phải xây dựng một Trung Tâm Tích Hợp Dữ Liệu cấp bộ và cấp tỉnh trong năm 2002 và 2003.
Ngay bước đầu xác định mục tiêu thì dự án 112 đã rơi vào tình trạng thùng rỗng kêu to. Lý do dễ hiểu là không có bất cứ một dữ liệu nào để mang ra tích trữ. Ý đồ của đề án là phá vỡ thế cát cứ của các địa phương muốn dấu diếm những thông tin mà cấp trên muốn biết.
Từ khái niệm sai dẫn đến việc làm sai là điều khó tránh khỏi, hàng ngàn máy tính được mua về phân phối cho các địa phương nhưng công tác huấn luyện thì tỏ ra lạc hậu và bất cập đến nỗi có người cho rằng màn hình computer thay cho một tấm gương để các chị trong cơ quan có thể tự ngắm nghía hình ảnh của mình hơn là sử dụng vào việc công.
Dẫm chân
Rốt cuộc thì không một cơ quan nào hiểu mình đang làm gì và ở đâu trong quá trình xây dựng đề án. Số tiền hơn 3700 tỷ chạy vào những hợp đồng kinh tế trong khi theo lời của ông Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Bưu Chính Viễn Thông Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định những người trách nhiệm đề án không có đủ tư cách pháp nhân để ký bất cứ một hợp đồng kinh tế nào.
Dẫm chân lên nguyên tắc chưa đủ, những người trách nhiệm đề ra một kế hoạch cực kỳ thiếu hiểu biết về CNTT đó là hợp đồng một đường truyền Internet tốc độ cao để truyền dữ liệu trong khi chưa có một dữ liệu nào để truyền.
Tiếp đến, cũng những người tự nhận mình là chuyên gia này đề nghị một phương án khác hàm hồ hơn đó là xử dụng chung một phần mềm quản lý hành chánh có tên Phần Mềm Dùng Chung gồm 6 hệ điều hành ứng dụng và 3 phân hệ điều hành tác nghiệp. Những phần mềm này được giao cho 30 đơn vị xây dựng nhưng sau bao nhiêu năm, tiền thì đã trao nhưng phần mềm thì không hề thấy.
Người trong giới CNTT ai cũng thấy rõ là phần mềm này bất khả thi vì trình độ và phương tiện trong CNTT của Việt Nam chưa cho phép thực hiện. Ban điều hành đề án 112 không bao giờ để tâm tới dư luận, họ thao túng kinh phí một cách bừa bãi và vô tội vạ. Họ ban phát hợp đồng cho những cơ sở không đúng chức năng và cuối cùng thì như mọi người đều biết: Đề án 112 chỉ còn lại một đống computer cũ rích nằm trong kho chứa của các cơ quan được phân phối trước đây.
Dân chúng trong nước nghĩ sao và phản ứng của họ thế nào? Chúng tôi hỏi chuyện một giáo viên tên Nguyễn Minh Tấn hiện làm việc tại Đà Nẵng về những suy nghĩ của anh về vấn đề này anh cho biết:
“Thật ra đề án 112 ý tưởng rất là tốt, tức là xây dựng một chính phủ điện tử, nối liền với các tỉnh các huyện. Hệ thống thông tin đó cập nhật từ trên xuống và ngược lại. Tuy nhiên có nhiều nơi không có thông tin thì làm sao xử lý...”
Chúng tôi liên lạc một người khác hiện đang sinh sống tại Thành Phố Hồ Chí Minh được ông cho biết:
“Tôi thấy trên báo chí thì người dân đang đề nghị phải xử lý cái bang điều hành đó nhưng phải đợi quyết định cuối cùng của chính phủ.”
Một dự án có kinh phí gần 4000 tỷ có thời gian hơn 6 năm thực hiện cuối cùng chỉ là con số không thì trách nhiệm của ai?
Câu hỏi xem ra đơn giản nhưng không dễ trả lời rốt ráo. Ban điều hành đề án hẳn nhiên là những kẻ trực tiếp gây ra những sai phạm thế nhưng những người ký quyết định và có thái độ lơ là khi dư luận phản ánh thì ai là người đứng ra xử lý những vị này?