Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Cuối cùng thì sau bao nhiêu giấy mực của báo chí và dư luận, đề án 112 của chính phủ đã trở thành mây khói với mức thiệt hại được ước đoán là hơn một ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền cực lớn này so với tổn phí thời gian và tâm huyết của con người thì lại không đáng kể.
Từ năm 2001 đến nay, không biết bao nhiêu công sức đã bỏ ra mà không có kết quả cụ thể đáng kể nào. Mặc Lâm có bài về vấn đề này mời quý vị theo dõi.
Ngày 13/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam đối với nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần, nguyên trưởng ban điều hành đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, tức đề án 112. Ông bị bắt về các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Kinh phí không dưới 1000 tỷ <.h4>
Đề án 112 được nguyên thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định thi hành vào ngày 25 tháng 7 năm 2001 phê duyệt đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn từ 2001đến 2005. Đề án này có kinh phí ban đầu cho phép không dưới 1000 tỷ và mục tiêu là hệ thống hóa toàn bộ các cơ qua hành chính bằng phần mềm dùng chung do các công ty phần mềm trong nước cung cấp và huấn luyện.
Ông Vũ Đình Thuần bị bắt giữ cùng với 7 đồng phạm khác sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có quyết định ngưng thực hiện đề án vì công luận chỉ trích nặng nề. Mục tiêu ban đầu của đề án đã biến dạng và những lổ hổng để bòn rút của công xuất hiện khiến công quỹ nhà nước trôi vào túi của nhiều quan tham.
Điều đáng nói ở đây là khi bắt đầu triển khai đề án đã xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối từ những người am tường CNTT và những trí thức có tâm huyết với tiến đồ dân tộc, cụ thể như Giáo sư tiến sĩ Phan Đình Diệu, nguyên phó trưởng ban thường trực "Chương trình quốc gia về CNTT".
Giáo sư Phan Đình Diệu là người đầu tiên viết thư kiến nghị lên Thủ Tướng Phan văn Khải nêu rõ những bất cập của đề án và những thiếu sót cơ bản của đề án này. Bản kiến nghị có đoạn như sau:
“Cần kiểm điểm nghiêm khắc việc thực hiện các quyết định và các đề án nói trên, vì theo tôi biết thì ngoài việc nhập và thay thế khá nhiều máy móc thiết bị với kinh phí khá lớn, các nội dung tin học hóa chưa thực hiện được bao nhiêu. Cũng cần kiểm điểm vì sao QĐ 211/1995 (tức Chương trình quốc gia về CNTT) bị đình chỉ từ năm 1998?
Cần kiểm điểm nghiêm khắc việc thực hiện các quyết định và các đề án nói trên, vì theo tôi biết thì ngoài việc nhập và thay thế khá nhiều máy móc thiết bị với kinh phí khá lớn, các nội dung tin học hóa chưa thực hiện được bao nhiêu. Cũng cần kiểm điểm vì sao QĐ 211/1995 (tức Chương trình quốc gia về CNTT) bị đình chỉ từ năm 1998?
2. Nội dung Đề án đi kèm QĐ 112/2001 được chuẩn bị quá sơ sài, không đủ luận cứ khoa học, các khái niệm có nhiều lầm lẫn, chưa thể xem là một đề án tiền khả thi. Tôi có cảm tưởng người viết đề án viết để cho có, để rồi có thể làm một cách tắc trách, chứ không phải viết nghiêm túc để mà làm một cách nghiêm túc. Nặng về phần trang thiết bị và mạng mà rất qua loa về nội dung thông tin đáng phải là phần chủ yếu nhất của Đề án.
3. Về tổ chức chỉ đạo thì quy định như Đề án là hoàn toàn bất cập. Cả sự nghiệp tin học hóa quản lý nhà nước lại giao cho VPCP chỉ đạo thì e rằng khó mà thành công được.
4. Đề án quan tâm nhiều đến mua sắm máy móc và trang thiết bị, thậm chí còn chỉ định trước là mua máy của những công ty nào, xác định mức tối thiểu của tổng kinh phí (không ít hơn 1.000 tỉ), mà lẽ ra chi tiết về những điều này chỉ nên dự toán khi có đề án khả thi, tức là sau khi nghiên cứu chi tiết nội dung công việc, đề xuất các phương án thực thi v.v...”
Trách nhiệm của ai
Tuy nhiên bản kiến nghị này của Giáo sư Phan Đình Diệu không bao giờ được chú ý tới vì đề án 112 vẫn tiếp tục được triển khai và kết quả là số tiền hàng ngàn tỷ trôi vào những nơi không thể kiểm soát.
Chúng tôi liên lạc với giáo sư Phan Đình Diệu nhằm tìm hiểu thêm vấn đề, khi được hỏi tại sao văn phòng Thủ Tướng chính phủ không phản hồi cho ông sau khi nhận được thư kiến nghị, giáo sư Diệu cho biết:
“Thông thường một thư góp ý thì người ta xử lý bằng cách nào đó và khi báo cáo lên thì người ta báo cáo một cách tổng hợp mà thôi tôi cũng không rõ lắm. ”
Khi chúng tôi thắc mắc liệu trách nhiệm cuối cùng có thể quy cho người lãnh đạo cao nhất lúc bấy giờ là nguyên thủ tướng Phan Văn Khải hay không vì ông là người ký quyết định triển khai đề án mà không theo dõi để xử lý kịp thời, Giáo sư Phan Đình Diệu cho biết ý kiến của ông:
“Tôi không có phán xét gì cả về việc này, bởi vì từ lúc tôi gửi thư cho đến khi nó xử lý ra sau thì đó là quá trình nội bộ bên trong cho nên tôi cũng không rõ lắm. Người ta xử lý thì không nhất thiết phải trả lời cho tôi cái cách người ta xử lý như thế nào.”
Dư luận cho rằng việc quy trách nhiệm cho ai là điều mà luật pháp sẽ thực thi. Kết quả cuối cùng dù ra sao đi nữa thì người dân cũng chịu thiệt thòi qua những đồng tiền ngân sách lẽ ra phải được dùng vào quốc kế dân sinh, như giáo dục hay y tế.