Quản lý nguồn vốn ODA, một vấn đề nóng trong kỳ họp Quốc hội khoá 11

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tin tức cho hay vấn đề quản lý vốn viện trợ phát triển chính thức ODA làm nóng không khí hội trường Ba Đình nơi đang diễn ra kỳ họp Quốc hội thứ 9 khóa XI. Chính vụ tham nhũng tại PMU 18 khiến nhiều người phải đặt lại vấn đề quản lý nguồn vốn ODA. Các cơ quan chức năng của chính phủ quản lý ra sao mà những khoản tiền đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng lại lọt vào túi riêng của những viên chức được giao quản lý chúng?

moneydollars200.jpg
AFP PHOTO

Ngay trước khi diễn ra kỳ họp, Văn phòng quốc hội Việt Nam trong cuộc họp báo tiền hội nghị cho biết, một trong những nội dung quan trọng của lần này là làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân trong vụ tham nhũng PMU 18.

Ông Nguyễn Đức Dũng, đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Kontum, cho biết: "Vấn đề ODA là một trong những nội dung tôi sẽ nêu ra lần này."

Đây có phải là lần đầu tiên cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam để mắt đến việc hành pháp quản lý, sử dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA? Mạng Vietnam Net vừa đăng bài biết hồi năm 1999, Ủy ban đối ngoại Quốc hội lúc bấy giờ đã cho lập đoàn giám sát việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA. Thông tin cho hay vào lúc đó, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã có kiến nghị yêu cầu tinh giản quy trình, thủ tục trong các bước của dự án ODA và về cơ chế quản lý tài chính.

Và trong báo cáo giám sát có nói là hơn 6 năm nối lại ODA, tức từ năm 1993, đã đến lúc cần chính quy hóa công tác thông tin về ODA trong cả hai chiều từ trên xuống và dưới lên.

Thế rồi đến cuối năm 2003, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội giám sát trở lại về ODA ở 10 bộ ngành và 53 tỉnh thành. Đến lúc này nhiều kiến nghị được nhắc lại vì trước đó đã có đưa ra mà không được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thực hiện. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng nhận thấy tình trạng 'ai cũng có tiếng nói nhưng không ai quyết'. Điều này ở Việt Nam thường được gọi là trách nhiệm tập thể.

Ông Vũ Quang Việt, viên chức làm việc tại Cơ quan Liên Hiệp Quốc, và thường xuyên theo dõi tình hình Việt Nam có nhận xét về lề lối quản lý và chịu trách nhiệm tại Việt Nam: "Cả 'đám ' quản lý, mà không ai chịu trách nhiệm."

Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng trách nhiệm thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA không chỉ là trách nhiệm của các Bộ như Kế hoạch- Đầu Tư, Bộ Tài Chính … mà còn của cả chính phủ và quốc hội nữa.

Theo ông Vũ Quang Việt, một khi vốn viện trợ được giải ngân, thì nước nhận phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng sao cho có hiệu quả; còn nuớc cấp viện hay nhà tài trợ không thể nào làm thay công tác đó cho người nhận được: "Phía nhận viện trợ phải chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn."

Thế nhưng suốt thời gian qua và đến khi con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng bị phanh phui thì mọi người mới lên tiếng về tình trạng quản lý vốn ODA quá lỏng lẻo. Các Ban quản lý dự án như PMU 18, có quá nhiều quyền hạn, trong khi đó sự kiểm sóat hầu như không có. Tiền bị lạm dụng quá dễ dàng.

Vào ngày thứ hai của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, ông Mai Quốc Bình, phó tổng thanh tra nhà nuớc thừa nhận là nhà nuớc có nhiều sai khuyết, yếu kém trong quản lý nên dễ bị qua mặt.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết của tỉnh Lạng Sơn cũng đồng ý với quan điểm vụ tham nhũng ở PMU 18 là do quá quản lý lỏng lẻo. Theo ông lỏng đến nỗi mà PMU 18 tự tung tự tác hàng chục năm.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn, đại biểu tỉnh Bắc Giang thì khẳng định rằng cả nuớc không chỉ có một Bùi Tiến Dũng ở PMU 18 mà còn có rất nhiều Bùi Tiến Dũng khác ở các doanh nghiệp nhà nuớc.

Trong khi đó đại biểu Lê Văn Cuông của tỉnh Thanh Hóa cho rằng trách nhiệm trong vụ PMU 18 không chỉ thuộc Bộ chủ quản Giao thông- Vận Tải mà còn của các bộ Kế hoạch- Đầu tư, Tài Chính, Thanh Tra chính phủ, Kiểm tóan nhà nước và cả thuờng trực chính phủ. Một đại biểu khác yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể; chứ không như hiện nay thành tích thì cá nhân huởng mà trách nhiệm thì tập thể chịu.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp Bộ Kế hoạch Đầu tư, đưa ra ý kiến về việc cải tổ các ban quản lý những dự án: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tin cho hay sắp tới đây, thanh tra chính phủ sẽ lập ba đoàn thanh tra tại ba địa chỉ gồm: Bộ Giao thông vận tải (GT-VT), Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và 1 địa phương có nhiều công trình sử dụng nguồn vốn ODA.

Ngân hàng Thế giới vừa qua cũng có thông báo vào đầu tháng Sáu tới đây sẽ cử một phái đoàn đến Việt Nam để kiểm tra về việc quản lý nguồn vốn đã cho phía Việt Nam vay. Ngân hàng thế giới có hai dự án do PMU 18 quản lý. Hai dự án trị giá hơn 110 triệu đô la Mỹ. Do có phần trách nhiệm cùng phối hợp với chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích như mục tiêu ban đầu đề ra khi vay; cho nên nếu tiền bị sử dụng sai mục đích, World Bank sẽ đòi lại.

Một người dân phát biểu về tình hình phung phí nguồn vốn viện trợ dành cho phát triển chính thức: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đúng là vấn đề không phải đến nay mới được biết đến mà từ lâu chính quốc hội cũng thấy. Nay lại nói nhiều; thế nhưng tại Việt Nam lâu nay vẫn hay có tình trạng 'đầu voi, đuôi chuột'. Lần này mọi cải tổ có đến nơi đến chốn hay không là điều mà mọi ngừời đều mong mỏi.