Thanh niên Sinh viên Việt Nam sau các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc

0:00 / 0:00

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Sau ba chủ nhật cuối tuần cố gắng tập trung để bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc cho thành lập thành phố hành chính quản lý hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa, và bị cơ quan an ninh ngăn trở. Nay tinh thần của những sinh viên-thanh niên đó ra sao? Và những suy nghĩ về việc bày tỏ lập trường về chủ quyền lãnh hải đất nước của họ thế nào?

SlideshowVnProtestAroundWorld200.jpg
Xem slideshow cộng đồng người Việt khắp nơi biểu tình chống Trung Quốc

Gia Minh trao đổi với một blogger, người từng tham gia các sinh họat liên quan trong mấy chủ nhật trước đây, và người này cho biết:

Mệt mỏi vì bị ngăn chận

Blogger VN: Trên mạng trong tuần vưa rồi rất là im vắng. Gần như là người ta cảm thấy mệt mỏi trước 3 tuần liên tiếp mà mình chủ đích là đi biểu tình nhưng có quá nhiều sự ngăn chận tới mức độ đe doạ, cho nên gần như là mọi người trong tuần mới đây này thì cũng còn bàn luận nhưng cái ý định về một tổ chức hoặc là những phong trào phát động gì, nó đã trở nên im vắng nhiều lắm rồi.

Gia Minh: Trong thời gian vừa qua có một số trí thức tham gia các cuộc tập trung thì họ cũng có muiốnn được hỏi phía bên công an là nếu tập trung theo luật định thì cần phải có những điều gì và những điều này thì đã được phía các cơ quan an ninh chức năng họ có trả lời cho những nhóm người muốn tập trung để bày tỏ ý kiến không?

Blogger VN: Có một đôi ba cái blog gần đây thì họ có đưa ra một cái mẫu đơn xin phép như lập một cái hành động như là đăng ký và thông báo đấy, bởi vì họ gần như là tin chắc là bất kỳ một hình thức gì đó thì có thể nói là chắc chắn tới 99% là nó không được ai xem xét và trả lời họ. Bởi vì họ không thể đứng nhân danh một tổ chức nào hoặc là họ không thể liệt kê một danh sách nào, gồm những ai sẽ đi làm cái chuyện đó.

Gia Minh: Cũng có thông tin là tại các trường học, các phòng ban chịu trách nhiệm về sinh viên cũng co đưa ra những thông cáo đối với sinh viên là không nên tập trung phản đối Trung Quốc, vậy thì trong tuần qua vấn đề này có diễn ra tiếp tục như thế nào?

Blogger VN: Trong tuần trước nữa thì trong đám đông sinh viên họ tập họp trước siêu thị Diamond Plaza thì họ có kể lại là một giáo sư đại học đã ra ngoài đó khuyên sinh viên là nên quay về mà không nên biểu tình. Còn lại cái tuần vừa rồi khi có sự kiện anh Điếu Cày bị bắt đó thì mọi sự đã lắng hẳn lại.

Sự vận động trong trường thì có lẽ chỉ là những sự mời gọi nói chuyện mang tính chất thuyết phục, tâm tình thôi. Tức là (họ nói) biểu tình là một hành động nói chung nó không giải quyết được cái gì và đó là một hành động không khôn ngoan, ảnh hưởng tới sự quản lý của nhà nước. Và có Nghị Định 38 họ cũng nêu ra rằng chuyện tụ tập đông người là một sự vi phạm đối với Nghị Định 38.

Những kế hoạch cho thời gian tới?

Gia Minh: Trước những sự việc như vậy, bản thân cũng là một người trẻ và là một người cũng có hiểu biết vấn đề thì anh nghĩ rằng hiện nay cách thức gì là khôn ngoan để mọi người có thể bày tỏ lòng yêu nước của mình và có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước?

Blogger VN: Thực sự mà nói thì họ cũng có thể cùng nhau có một bản kiến nghị đồng tâm nhất trí nào đó, hoặc là có một sinh hoạt đều đặn để phổ biến cho đông hơn nữa, tại vì thanh niên và sinh viên họ hiểu. Bởi vì theo quá trình mình đi (biểu tình) thì mình thấy rất nhiều người họ đi trong một cảm giác háo hức và họ ham muốn cái đó thông qua một sự lan truyền về tâm lý đám đông.

Thực chất về mặt thông tin, họ có một người nào đáng tin cậy tuyên trưyền phổ biến hoặc là nói rõ cho họ biết là vì sao, thế nào, hoặc là phân tích những cái động thái cụ thể thì không có ai...

Theo mình nghĩ là nó trì trệ, đó chính là vấn đề thông tin anh ạ. Thế thì để cho có hữu hiệu, con người có một phản kháng, gọi là phản kháng về mặt tinh thần thôi, chứ còn về mặt súc mạnh quân sự thì ai cũng có thể hiểu được rằng mình không có đủ sức đối với một đất nước lớn có tiềm năng quân sự lớn như thế. Chỉ còn lại cách thức mà tác dụng của biểu tình đem lại cho một sự phản kháng của quốc gia cho thấy lòng dân mình tuyệt đối không chấp nhận những hành động ngang ngược đó.

Thì theo mình nghĩ, biện pháp thứ nhất là phổ biến cho mọi người hiểu được cụ thể chính xác, phân tích cho họ hiểu về hành động ngang ngược của Trung Quốc như vậy. Và cái thứ hai nữa là lập ra những buổi hội thảo, nói chuyện và cho họ cùng nhau lập bản kiến nghị mang tính chất của người dân và sinh viên thôi chứ không phải đó là một động thái chính thức của chính phủ, có thể gửi tói những cơ quan nào đó mà theo mình nghĩ là nó thể gây cái tác động về mặt dư luận và công luận.

Đấy là những cái mà sinh viên cũng như là người dân mình có thể làm được những cái động thái gọi là tối thiểu. Còn lại dựa trên những cái lòng dân như vậy đó thì có thể là nhà nước sẽ dựa trên ý dân đó mà có những hành động phản ứng nó mạnh mẽ và nó cụ thể hơn đối với lại Trung Quốc.

Gia Minh: Tuần lễ đầu tiên trong ngày 9 tháng 12 đó thì ông Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM là ông Nguyễn Thành Tài thì cũng có đến với khối sinh viên tụ tập và ông cũng có nói rằng sẽ yêu cầu Đoàn Thanh Niên tổ chức sinh hoạt này. Vậy điều mà ông Nguyễn Thành Tài nói thì đến nay đã được thực hiện ra sao rồi?

Blogger VN: Thực ra cái chuyện đấy là ông Tài đó, khá nhiều người có thể nhác lại từng câu một của ông Tài ổng nói về cái chuyện Thành Đoàn sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh để cho sinh viên và thanh niên bộc lộ thái độ đối với hành động của Trung Quốc, hiện tại ông Tài đã phủ nhận lời nói đó.

Gia Minh: Vậy thì kế hoạch như anh trình bày là vấn đề của thanh niên trí thức là phải thông tin bằng các kênh như là blog, rồi đưa ra kiến nghị cho những cơ quan có thẩm quyền, vậy thì điều đó có thể sẽ được tiến hành như thế nào?

Blogger VN: Thực ra chuyện thông tin trên một blog thì bản thân mình cũng có đôi ba bài viết ở mức độ hơi hạn chế vì thời gian mình không có nhiều, thế thì làm sao mà sinh viên mình truyền nhau những thông tin có thể nói là ngoài lề, bởi vì anh cũng đã thấy là Vietnamnet có một sự việc là Tổng Biên Tập Nguyễn Anh Tuấn đã bị kỷ luật một cách nghiêm khắc, cái đó BBC có đưa tin, và bị phạt 30 triệu, cho thấy rằng có lẽ là không phải 600 tờ báo mà bây giờ nó hơn 700 tờ báo thì họ cũng sẽ tiếp tục im lặng để chở đợi một cái tín hiệu cho phép ngầm nào đó mà có lẽ là mọi người như ta cũng không thể biết là ai sẽ chủ trương chuyện đó.

Những chuyện đó mình hoàn toàn thấy mơ hồ lắm. Mình không hiểu là nó sẽ có động thái cụ thể nào. Nhưng mà mình tin chắc là nếu như có biểu tình xảy ra nữa thì chính quyền sẽ ngăn cản bằng nhiều phương cách khác nhau.

Gia Minh: Vậy thì theo anh không lẽ đến nay bế tắc và không có cách gì để bày tỏ điều mà nhiều bạn trẻ cũng như nhiều trí thức muốn bày tỏ?

Blogger VN: Bản thân khả năng của mình trong phạm vi blog thôi anh ạ. Hoặc là hiện giờ có kênh không bị chận là BBC mà mọi người có thể truy cập vào đó để tìm hiểu thêm. Chứ còn nếu nhà nước mà không có sự cởi mở về mặt thông tin thì rất rất nhiều người mình tiếp xúc thì tuyệt đối họ hoàn toàn không hiểu gì vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa, và họ hoàn toàn không hiểu vì lý do gì mà tụi mình đi biểu tình và gặp nhiều trở ngại và gian khổ như thế.

Bị nhiều sự ngăn chận và thậm chí là mình có thể bị giới hạn sự tự do, có thể bị tạm giam, bị tạm giữ và bị chụp một cái tội phạm nào đó. Đấy là một cái không khí lo sợ cụ thể. Hiện giờ nhiều người họ muốn phát động phong trào đó lắm nhưng có một không khí lo sợ tràn lan.

Gia Minh: Cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi.